Hoạt động nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Nình- danh nhân cách mạng ( 1901- 2011)

Tác giả: admin
Ngày 2011-10-22 03:36:18

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Nình, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa- Thể thao& Du lịch, chiều ngày 19/10/2011, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Phòng Giáo dục- Đào tạo TP Vinh, UBND phường Bến Thủy long trọng tổ chức chương trình giao lưu văn hóa với chủ đề: "Quê hương và cuộc đời của nữ chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh Nguyễn Thị Nình" tại Hội trường phường Bến Thủy, giữa hai trường: THCS Trung Đô và THCS Bến Thủy. Buổi giao lưu đã diễn ra vào dịp rất có ý nghĩa- kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam .

Về tham dự buổi giao lưu văn hóa có đại diện Phòng GD&ĐT, Đảng ủy, UBND phường Bến Thủy, Ban giám hiệu trường Trung Đô và Bến Thủy, các phóng viên Đài PTTH Nghệ An, Tạp chí Văn hóa Nghệ An.

Trải qua 3 phần thi với 16 câu hỏi, bằng những tư liệu lịch sử, kết hợp với hình ảnh, hiện vật phong phú được trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã giúp các em hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa quê hương Yên Dũng Hạ xưa ( nay là phường Bến Thủy và Trung Đô), về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ chiến sỹ cộng sản tiền bối Nguyễn Thị Nình.
Nguyễn Thị Nình được sinh ra và lớn lên ở Yên Dũng Hạ nay là Phường Bến Thủy-mảnh đất đã in đậm dấu ấn lịch sử văn hóa. Các di tích như chùa Thắng, chùa Quanh, chùa Hạng, chùa Vay, đền Tam Tòa, đền Mũi Rồng, đền làng Bường…tuy không còn nhưng một thời là niềm tự hào của nhân dân nơi đây. Với địa hình tự nhiên có núi cận, sông kề, lại có cảng biển lớn, là tuyến giao thông huyết mạch nên qua các triều đại phong kiến, Yên Dũng Hạ luôn là vị trí chiến lược trên con đường thiên lý Bắc Nam. Thế kỷ XI, Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ đã cho lập nhiều đồn trại ở Nghệ An. Thế kỷ thứ XVIII, Quang Trung- Nguyễn Huệ đã chọn vùng đất Dũng Quyết để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô- kinh đô của nước Việt. Khi thực dân Pháp kéo quân vào xâm lược nước ta, cùng với nhân dân Nghệ Tĩnh,Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đã hưởng ứng tích cực phong trào Văn Thân, Cần Vương, phong trào Đông Du và phong trào chống thuế. Truyền thống yêu nước đó được phát huy mạnh mẽ nhất từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.

Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công- nông Bến Thủy đã "đứng đầu dậy trước" cùng với công nông Vinh, nông dân Nghi Lộc và Hưng Nguyên trong cuộc biểu tình 1/5/1930, mở đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh- đỉnh cao cao trào cách mạng 1930-1931. Những tên đất, tên người như: Bến Thủy, Trung Đô, Cồn Mô, nhà máy Diêm, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Viết Cường, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Nình …đã đi vào lịch sử Vinh- Bến Thủy rất vẻ vang.

Đồng chí Nguyễn Thị Nình sinh năm 1901 tại làng Yên, phố Đệ Thập, nay là phường Bến Thủy-thành phố Vinh. 14 tuổi Nguyễn Thị Nình đã phải vào làm công nhân trong nhà máy Diêm, được sự dìu dắt của các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Nình đã sớm giác ngộ ý thức dân tộc và được kết nạp vào Hội Phục Việt. Chị đã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân trong nhà máy Diêm đòi bọn chủ phải tăng lương, giảm giờ làm, đuổi cai gian ác… Tháng 3 năm 1930, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Do có thành tích nổi bật trong các phong trào đấu tranh tại nhà máy Diêm, Nguyễn Thị Nình được điều động làm cán bộ giao thông liên lạc cho Xứ ủy Trung Kỳ trong phong trào XVNT. Giao thông liên lạc là một công tác cực kỳ quan trọng và nguy hiểm đòi hỏi phải có sự thông minh, mưu trí, khéo léo và gan dạ. Vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, chị đã luồn lách tránh được mạng lưới bao vây của bọn mật thám và lính đồn để đưa tài liệu, truyền đơn của Xứ ủy đến các địa phương trong hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh.

Cuối tháng 8/1931, Nguyễn Thị Nình bị sa vào tay giặc. Kẻ thù đã tra khảo chị hết nhà lao Hưng nguyên, rồi lại đến nhà lao Vinh. Mặc dù bị tra tấn với đủ mọi cực hình, phải chết đi sống lại nhiều lần nhưng chị vẫn không hề hé răng khai nhận nửa lời, một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Năm 1934, vì không moi được tin tức gì ở người cộng sản kiên cường này, kẻ địch buộc phải trả tự do cho Nguyễn Thị Nình trong tình trạng thân thể bị tàn phế. Ra tù chị lại lao vào công tác cách mạng, xây dựng lại những cơ sở bị địch khủng bố trắng trong thời kỳ. Năm 1937, chị lại bị bắt vào nhà lao Vinh. Năm 1944, Nguyễn Thị Nình đã anh dũng hy sinh. Nguyễn Thị Nình xứng đáng là nữ chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh tiêu biểu.

Bằng sự tìm tòi, nghiên cứu tư liệu và cách trình bày mạch lạc, trôi chảy các em học sinh hai trường đã ghi được những điểm số cao ở các phần thi. Buổi giao lưu văn hóa còn để lại ấn tượng trong lòng quý vị đại biểu với những tiết mục văn nghệ phong phú của hoc sinh và các thầy cô giáo.

Buổi giao lưu văn hóa đã diến ra sôi nổi và kết thúc tốt đẹp trong niềm vui hân hoan của quý vị đại biểu, các thầy cô và các em học sinh. Kết quả trường THCS Trung Đô đạt giải nhất, trường THCS Bến Thủy đạt giải nhì.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và để cho tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Nình sống mãi trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, buổi giao lưu văn hóa như một nén tâm hương của thế hệ hôm nay thành kính dâng lên hương hồn các chiến sỹ cách mạng tiền bối.

Trần Thị Kim Phượng - Bảo tàng XVNT

Video