Hoạt động kỷ niệm 84 năm XVNT (12/9/1930 - 12/9/2014) tại xã Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-13 16:42:49

Nhân kỷ niệm 84 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2014), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để tưởng nhớ về sự kiện lịch sử vĩ đại này.

Ngày 30/8 bảo tàng XVNT đã tổ chức thành công hoạt động trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa về đồng chí Võ Thúc Đồng tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương.

Ngày 10, 11-9-2014 bảo tàng đã phối hợp với huyện Thạch Hà, xã Phù Việt tổ chức hoạt động trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa nói chuyện truyền thống tại xã Phù Việt. Sáng ngày 10/9 /2014, Bảo tàng XVNT đã tổ chức trưng bày bộ panô ảnh “Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931” cùng nhiều tư liệu về di tích và hình ảnh các chiến sỹ quê Thạch Hà tại sân Ủy ban nhân dân xã Phù Việt. Bộ pa nô đã thu hút sự quan tâm của nhân dân xã Phù Việt.


Sáng ngày 11-9-2014, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Phù Việt, đông đảo nhân dân, học sinh và đoàn viên thanh niên đã có mặt để tham dự buổi giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống. Một không khí rộn ràng, tưng bừng bao trùm trong toàn xã, trên các ngả đường về Ủy ban đã sáng rực màu đỏ của băng cờ khẩu hiệu. Thamdự buổi giao lưu có các đồng chí lãnh đạo huyện và xã, các tổ chức đoàn thể của xã, các thầy cô giáo và các em học sinh, các phóng viên báo, đài truyền hình đến tham dự và đưa tin.

Trước buổi lễ, đoàn đại biểu và các đoàn thể xã Phù Việt đã về thắp hương tại di tích nhà đồng chí Mai Kính ở xã Phù Việt để tưởng nhớ về công lao to lớn của đồng chí Mai Kính – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh năm 1931 và những đảng viên, cán bộ cốt cán của Đảng đã về hoạt động. Ngôi nhà này cách đây 84 năm về trước là địa chỉ đỏ, là trụ sở in ấn tài liệu và là nơi làm việc của đồng chí Trần Hữu Thiều trong những ngày về công tác ở Hà Tĩnh, là trụ sở chính thức của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Tại đây đã diễn ra Đại hội thành lập tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh. Từ ngôi nhà này, các chỉ thị, nghị quyết, truyền đơn của tỉnh được in ấn, truyền đi để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân.


Sau lễ dâng hương dâng hoa, đoàn đại biểu cùng toàn thể các thầy cô giáo và học sinh trở về tham dự buổi nói chuyện truền thống tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Phù Việt. Tham dự có đồng chí đại diện Ban tuyên giáo Hà Tĩnh, đồng chí Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo huyện Thạch Hà; lãnh đạo xã và các tổ chức đoàn thể xã Phù Việt; cùng toàn thể thầy cô giáo và các em học sinh của trường Nguyễn Thiếp.

Buổi lễ được mở đầu bằng những tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Lễ kỷ niệm với những ca khúc ngợi ca về Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước.

Tiếp đó đồng chí Nguyễn Chính Trung – Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy đã đọc diễn văn khai mạc, ôn lại truyền thống và ý nghĩa to lớn của phong trào cách mạng của nhân dân Thạch Hà nói chung và nhân dân Phù Việt nói riêng.

Phần thứ 3 của chương trình là bài nói chuyện của đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi – Trưởng phòng sưu tầm – Kiểm kê bảo quản,Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.  Bài nói chuyện đã nêu lên những nét đặc sắc về truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất của nhân dân Phù Việt, Thạch Hà trong công cuộc chống giặc giữ nước.

Điểm nhấn của bài nói chuyện là truyền thống cách mạng của nhân dân Phù Việt trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nội dung bài nói chuyện được minh họa bằng nhiều hình ảnh sinh động, chân thực như chân dung các chiến sỹ bị tù đày là người con của quê hương Thạch Hà, các di tích lịch sử tiêu biểu của Thạch Hà……được chiếu trên màn hình đã thu hút sự chú ý theo dõi của khán giả.

Kết thúc phần nói chuyện, không khí được hâm nóng với phần giao lưu trả lời câu hỏi dành cho khán giả. Năm câu hỏi về truyền thống lịch sử - văn hóa Phù Việt, Thạch Hà đã giúp cho các em học sinh cũng như đông đảo nhân dân một lần nữa được hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa - lịch sử Phù Việt, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống quê hương trong lòng mỗi người dân nơi đây. Xen kẽ trong các phần là những tiết mục văn nghệ với những lời ca ngọt ngào sâu lắng, những điệu múa mượt mà…….khiến cho không khí buổi giao lưu thêm phần vui tươi, sôi nổi.

Buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, nói chuyện truyền thống kết thúc tốt đẹp là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại để các thế hệ hôm nay được tiếp cận với truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương mà cha ông họ đã dày công xây đắp, qua đó có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ hôm nay ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống của cha ông để xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Đây là hoạt động giáo dục truyền thống có ý nghĩa của Bảo tàng Xô Viết trong việc thực hiện chủ trương “Đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học”.

Nguyễn Thị Kim Chi – Bảo tàng XVNT

Video