68
1641
3559
15944
34073
6824389
Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2012), 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong (1902-2012), hòa chung vào không khí tưng bừng phấn khởi chào đón Xuân Nhâm Thìn, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở VHTT&DL, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với huyện Hưng Nguyên tổ chức trưng bày lưu động và giao lưu văn hóa.
Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 2, Bảo tàng tổ chức trưng bày và giới thiệu với nhân dân Hưng Nguyên về chuyên đề Đảng Cộng sản Việt Nam và Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 tại Trung tâm Văn hóa huyện. Bộ trưng bày gồm hơn 200 bức ảnh nói về sự kiện: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; dưới ánh sáng nghị quyết của xứ ủy Trung Kỳ và các Tỉnh Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh làm nên một cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh long trời chuyển đất; về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của nhân dân Hưng Nguyên, và 60 chân dung các chiến sỹ cách mạng quê Hưng Nguyên như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Xuân Đào, Nguyễn Ngọc Ngoạn, Ngô Tuân…bị giam cầm ở nhà lao Vinh.
13 giờ 30 phút chiều ngày 2/3/2012, tại hội trường Trung tâm văn hóa huyện Hưng Nguyên, 20 thầy cô giáo và gần 500 em học sinh đại diện của 2 trường: THPT Lê Hồng Phong và THPT Đinh Bạt Tụy đã có mặt đông đủ với băng cờ khẩu hiệu tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu về lịch sử.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Hoàng Văn Phi - Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Phạm Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó chủ tịch UBND huyện và các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ, lãnh đạo các ngành, ban, đoàn thể huyện, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và các em học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, các phóng viên báo, đài phát thanh truyền huyện.
Những tư liệu lịch sử, kết hợp với những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng XVNT trên máy chiếu; bằng vốn hiểu biết của mình, qua 3 phần thi, hai đội chơi của hai trường đã trả lời đầy đủ, chính xác 17 câu hỏi mà Ban tổ chức đưa ra. Đây là dịp để các em được cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Nghệ Tĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, truyền thống lịch sử văn hóa Hưng Nguyên và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong-Tổng Bí Thư của Đảng năm 1935.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ thời khắc ấy, Đảng đã gắn chặt sự nghiệp của mình với vận mệnh lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đất nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để làm nên những kỳ tích phi thường. Những trang sử vàng đầu tiên của Đảng được viết bởi sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sỹ cộng sản tiền bối trong đó lấp lánh tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người chiến sỹ cộng sản Quốc tế, Tổng Bí thư của Đảng năm 1935.
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Thông Lạng, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Hưng nguyên là một mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, những nét đẹp tinh hoa từ truyền thống lịch sử, văn hóa, quê hương như dòng dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh và chí hướng của Lê Hồng Phong từ thuở ấu thơ cho đến lúc anh trưởng thành, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai.
Tháng 1 năm 1924, Lê Huy Doãn với tên mới là Lê Hồng Phong rời quê hương sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cách mạng. Tháng 4/1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu-Trung Quốc, gia nhập vào tổ chức Tâm Tâm Xã, cùng Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát Toàn quyền Đông Dương- Méclanh.
Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu. Trên cơ sở tổ chức Tâm Tâm Xã, tháng 6/1925, Người thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Lê Hồng Phong trở thành học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, gia nhập tổ chức cách mạng do Người sáng lập, đồng thời tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và tổ chức Quốc tế Cứu tế Đỏ.
Trước tình hình hầu hết các tổ chức Đảng bị tan vỡ, BCH Trung ương không còn một ai, Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ trở về để khôi phục lại tổ chức Đảng. Cuối năm 1932, Lê Hồng Phong đã khôi phục lại tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ, tìm cách chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, Lào và Xiêm.
Theo chỉ thị của Thư ký Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, tháng 8/1933, Lê Hông Phong cùng 2 đồng chí nữa thành lập Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng và thảo ra chương trình hành động của Đảng. Tháng 3/1934, Ban lãnh đạo Hải ngoại họp, quyết định triệu tập Đại hội lần thứ I của Đảng và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài.
Tháng 3/1935, Đại hội I của Đảng họp ở Ma Cao, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong được Đảng Cộng sản Đông Dương cử làm trưởng đoàn đại biểu đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tháng 7/1935. Đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế Cộng Sản.
Với cương vị mới, đồng chí Lê Hồng Phong cùng đồng chí Hà Huy Tập đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bàn về chuyển hướng chính sách của Đảng theo tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, chuyển trụ sở Ban chấp hành Trung ương về trong nước, cùng BCH Trung ương lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới, mở rộng hợp tác, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong mặt trận dân chủ chống phát xít. Ngày 29/3/1938, Lê Hồng Phong dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Hóc Môn (Gia Định). Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn này.
Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Bọn địch dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ nhưng đồng chí nhất quyết không khai. Vì không có chứng cứ buộc tội, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù và 3 năm quản thúc vì tội "sử dụng thẻ căn cước giả mang tên người khác". Hết hạn tù, bọn chúng trục xuất đồng chí về quê quản thúc.
Ngày 20/1/1940, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt vào giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Kẻ địch đã bố trí đưa Lê Hồng Phong đến gặp Minh Khai hy vọng 2 người sẽ nhận nhau để kiếm cớ buộc tội Lê Hồng Phong. Biết rõ âm mưu nham hiểm của kẻ thù, hai vợ chồng đã cố nén xúc động, gác tình riêng, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết. Không hẹn trước mà cả 2 đều kiên quyết không nhận nhau, trước sau đều trả lời: không biết.
Tòa án Sài Gòn xử Lê Hồng Phong 5 năm tù cấu lưu và đày ra Côn Đảo. Không thể giết bằng án tử hình, kẻ đich đã giam đồng chí vào xà lim cầm cố, banh II, dùng chế độ lao tù khắc nghiệt để hãm hại.
Ngày 6/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong kiệt sức và đã anh dũng hy sinh. Lời nhắn nhủ sắc son đầy tâm huyết của đồng chí trước khi trút hơi thở cuối cùng tại xà lim số 5, banh II nhà tù Côn Đảo: "Hãy giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng" đã, đang và sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương tiêu biểu về khát vọng được hiến dâng nhiệt huyết trái tim mình cho Đảng, cho cách mạng.
Ngoài việc tìm hiểu những kiến thức về lịch sử, các em còn mang đến buổi giao lưu những tiết mục văn nghệ đặc sắc, ca ngợi về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương, đất nước đang từng ngày thay da, đổi thịt.
Buổi giao lưu văn hóa càng làm cho tuổi trẻ Hưng Nguyên hôm nay mãi mãi biết ơn, học tập và phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Tự hào về lớp lớp cha ông đi trước, soi vào những tấm gương ấy để các em không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập, xứng đáng với danh hiệu “Tuổi trẻ trên quê hương Xô viết anh hùng ”.