Hoạt động kỷ niệm 66 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Bảo tàng XVNT

Tác giả: admin
Ngày 2011-08-30 00:50:14

Thực hiện chủ trương đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học, nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2011), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Nghĩa tổ chức buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, nói chuyện truyền thống với chủ đề : "Quỳnh Nghĩa trong phong trào cách mạng 1930-1931". Đây là một hoạt động trọng tâm kỷ niệm cách mạng tháng Tám và tổng kết hoạt động hè của các trường học xã Quỳnh Nghĩa.

Sáng ngày 19/8/2011, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Nghĩa đông đảo nhân dân, học sinh và đoàn viên thanh niên đã có mặt tại đây. Một không khí rộn ràng, tưng bừng bao trùm trong toàn xã, trên các ngả đường về Ủy ban đã sáng rực màu đỏ của băng cờ khẩu hiệu. Tham dự buổi giao lưu có các đồng chí lãnh đạo huyện và xã.

Buổi lễ được mở đầu bằng những tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Lễ kỷ niệm 66 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mồng 2-9 với những ca khúc ngợi ca về Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước. Kết hợp với hoạt động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hội văn nghệ dân gian Nghệ An đã tổ chức trao bằng nghệ nhân dân gian cho 2 nghệ nhân hát trống quân của xã. Đây là một sự tôn vinh truyền thống văn hóa của nhân dân Quỳnh Nghĩa nói chung và những người có công bảo tồn, lưu giữ, phát huy vốn văn hóa dân gian của địa phương. Ông Ninh Viết Giao - chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Nghệ An đã trao bằng cho 2 nghệ nhân của xã.

Phần thứ 3 của chương trình là bài nói chuyện của cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với 3 nội dung: giới thiệu khái quát về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, truyền thống lịch sử - văn hóa của Quỳnh Lưu nói chung và Quỳnh Nghĩa nói riêng. Bài nói chuyện đã nêu lên những nét đặc sắc về truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất của nhân dân Quỳnh Lưu, Quỳnh Nghĩa trong công cuộc chống giặc giữ nước.

Điểm nhấn của bài nói chuyện là truyền thống cách mạng của nhân dân Quỳnh Nghĩa trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Xã Quỳnh Nghĩa ngày nay là hiện thân của trang Nghĩa Lộ thời xưa cách đây khoảng 1000 năm lịch sử. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nhân dân Quỳnh Nghĩa đã tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh chống phong kiến phương Bắc, phong trào Văn thân Cần vương chống Pháp, phong trào Đông Du, Duy Tân….Chính truyền thống văn hóa, yêu nước là cội nguồn sức mạnh để Quỳnh Nghĩa sớm đi theo Đảng, góp phần xứng đáng trong cao trào cách mạng 1930-1931. Các cuộc đấu tranh tiêu biểu của nhân dân Quỳnh Nghĩa sau khi chi bộ Đảng ra đời như: ngày 27-4-1931, chi bộ Quỳnh Nghĩa tập trung nhân dân tại đền Thượng để nghe đồng chí Hồ Hạnh diễn thuyết, cờ đỏ búa liềm, băng cờ khẩu hiệu được treo trên cột nanh của đền; ngày 15-5-1931, quần chúng nhân dân Phú Nghĩa Thượng, Phú Nghĩa Hạ, Phú Thanh tập trung trước đền Thượng để nghe đồng chí Hồ Ngọc Diệu diễn thuyết; ngày 1-6-1931, nhân dân làng Phú Nghĩa tập trung tại đền Thượng rồi theo các ngả đường giương cao cờ đỏ búa liềm tập trung tại Gò Lạp nghe đồng chí Phan Hữu Khiêm diễn thuyết, sau đó kéo đi hỏi tội bọn cường hào…...đã minh chứng điều đó.

Hơn 30 hình ảnh sinh động về các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và những hình ảnh giới thiệu về truyền thống lịch sử - văn hóa của Quỳnh Lưu, Quỳnh Nghĩa từ xưa và trong công cuộc đổi mới hôm nay; cùng chân dung, tên tuổi những người con ưu tú Quỳnh Lưu…… được chiếu trên màn hình đã thu hút sự chú ý theo dõi của khán giả làm hấp dẫn thêm nội dung bài nói chuyện.

Kết thúc phần nói chuyện, không khí được hâm nóng với phần giao lưu trả lời câu hỏi dành cho khán giả. Năm câu hỏi về truyền thống lịch sử - văn hóa Quỳnh Lưu, Quỳnh Nghĩa đã giúp cho các em học sinh cũng như đông đảo nhân dân một lần nữa được hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa - lịch sử Quỳnh Nghĩa, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống quê hương trong lòng mỗi người dân nơi đây. Xen kẽ trong các phần là những tiết mục văn nghệ với những lời ca ngọt ngào sâu lắng, những điệu múa mượt mà…….khiến cho không khí buổi giao lưu thêm phần vui tươi, sôi nổi.

Buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, nói chuyện truyền thống kết thúc tốt đẹp là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại để các thế hệ hôm nay được tiếp cận với truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương mà cha ông họ đã dày công xây đắp, qua đó có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ Quỳnh Lưu hôm nay ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống của cha ông để xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.

Nguyễn Thị Kim Chi - Bảo tàng XVNT

 

Video