Hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Đặng Thai Mai

Tác giả: admin
Ngày 2017-12-26 01:40:44

Nhân dịp kỷ niệm 115 ngày sinh đồng chí Đặng Thai Mai (25/12/1902 – 25/12/2017) – cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, thực hiện kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với huyện Thanh Chương tổ chức một số hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm tri ân công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đồng thời ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Thanh Chương trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Trước buổi lễ, đại diện lãnh đạo huyện Thanh Chương, xã Thanh Xuân, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đến thắp hương tại nhà thờ Họ Đặng và nhà lưu niệm Đồng chí Đặng Thai Mai ở xã Thanh Xuân.

Vào lúc 14h ngày 21/12/2017, tại Trường THCS Đặng Thai Mai đã diễn ra chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ giữa hai trường THCS Đặng Thai Mai và THCS Thanh Giang.

Tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các phòng, ban, đơn vị của huyện Thanh Chương, Đảng ủy, UBND xã Thanh Xuân, lãnh đạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo và học sinh của bốn trường: THCS Đặng Thai Mai, THCS Thanh Giang, Tiểu học Trần Hưng Học, Tiểu học Đặng Thai Mai.

Chương trình giao lưu văn hóa với chủ đề: “ Quê hương, cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Đặng Thai Mai- cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng” đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và kịch tính với 5 phần thi chính: Màn chào hỏi, câu hỏi nhanh, đoán ý đồng đội, mảnh ghép lịch sử và câu hỏi tìm hiểu. Qua mỗi phần thi, các em học sinh lại được trở về với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hào hùng năm xưa, về mảnh đất Thanh Chương – nơi có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử,  về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Đặng Thai Mai – cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng.

Đồng chí Đặng Thai (bút hiệu Thanh Tuyền) sinh ngày 25/12/1902 tại làng Lương Điền, tổng Bích Triều (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống, một đại gia đình khoa bảng, tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù bắt bới giam cầm người thân trong gia đình, quê hương, cũng như sự khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh do các sỹ phu lãnh đạo, đã sớm khơi dậy trong Đặng Thai Mai tinh thần yêu nước.
Lớn lên, Đặng Thai Mai rời khỏi gia đình và quê hương. Năm 1915 đến 1924, ông học trường tiểu học Pháp - Việt rồi trường Cao đẳng tiểu học Vinh, sau đó là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (1925-1928). Từ khi học ở Cao đẳng Sư phạm Đông Dương Hà Nội, ông đã tích cực tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh và gia nhập Đảng Tân Việt. Tốt nghiệp khoá học Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Đặng Thai Mai được bổ làm Giáo sư trường Quốc học Huế. Năm 1929, Đảng Tân Việt bị vỡ, ông bị kẻ thù kết án treo 1 năm. Sau đó ở Huế ông còn bị bắt và kết án 1 năm vì tội tham gia phong trào “Cứu tế Đỏ”. Ra tù năm 1932 ông trở ra Hà Nội dạy tại trường Gia Long, rồi sau đó cùng với Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp ...lập trường tư thục Thăng Long.

Năm 1936, Đặng Thai Mai được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, đồng thời vẫn tiếp tục dạy học ở trường Thăng Long, tham gia viết sách báo, cộng tác với các nhóm tiến bộ để hoạt động tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về những tư tưởng văn hoá mới nhằm xây dựng một nền văn hoá cách mạng cho nước nhà.

Cách mạng tháng Tám thành công, trước những yêu cầu của cách mạng, Đặng Thai Mai đã đảm trách các cương vị: Đại biểu Quốc hội khoá I, Uỷ viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với công việc rất quan trọng là tập trung chỉ đạo tốt việc thực hiện chủ trương diệt giặc dốt, xây dựng chương trình giảng dạy, định hướng cho nền giáo dục mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những năm tiếp theo, Đặng Thai Mai được phân công vào những nhiệm vụ mà phần lớn mang tính chất khai phá như: Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hoá, chủ trì tạp chí Sáng tạo của văn nghệ sĩ Liên khu IV(1947-1948), Giám đốc trường Đại học Văn khoa Liên khu IV(1950), Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV(1950-1951), Giám đốc trường Dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV(1952). 
Hoà bình lập lại, năm 1954, Đặng Thai Mai được giao nhiệm vụ: Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường đại học Sư phạm Hà Nội; Viện trưởng Viện văn học; Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam; Chủ nhiệm lớp Đạo học Hán học... 
Với hơn 50 năm phục vụ đất nước, trong đó gần nửa thế kỷ là người cầm bút, cuộc đời và tác phẩm của Đặng Thai Mai luôn luôn gắn bó với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi thầy cô giáo của các em học sinh xen kẽ giữa các phần thi đã làm tăng thêm không khí sôi động cho buổi giao lưu văn hóa.

Kết thúc cuộc thi, đội trường THCS ĐặngThai Mai đã dành giải nhất, đội trường THCS Thanh Giang đạt giải nhì. Qua chương trình giao lưu này, các em đã thể hiện sự hiểu biết, ham học hỏi và tự hào về truyền thống của ông cha, tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô viết anh hùng.

                                                                     Lương Thùy Vân - Bảo tàng XVNT

 

 

Video