Hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Hữu Doánh - cán bộ tiền bối của Đảng ( 1906- 2016)

Tác giả: admin
Ngày 2016-09-19 08:24:07

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Hữu Doánh, cán bộ tiền bối của Đảng ( 1906-2016), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Thanh Chương và xã Cát Văn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân, tôn vinh công lao đóng góp của đồng chí Trần Hữu Doánh đối với sự nghiệp cách mạng.

Ngày 30/8/2016, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trưng bày bộ pa nô với chủ đề: “ Nghệ An - 86 năm xây dựng và phát triển” tại sân vận động xã Cát Văn. Bộ trưng bày đã thu hút đông đảo bà con nhân dân và học sinh trong vùng đến tham quan, học tập.

16 giờ ngày 31/8/2016, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Chương, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Đảng ủy, UBND xã Cát Văn cùng con cháu, thân nhân trong dòng họ đã làm lễ dâng hoa, dâng hương tại nhà thờ đồng chí Trần Hữu Doánh. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Thái Văn Hằng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Hữu Lậm- UV Ban Thường vụ- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành cấp tỉnh.

Khoảng 19 giờ 30 ngày 31/8/2016, tại sân vận động xã Cát Văn, buổi nói chuyện truyền thống và giao lưu văn hóa văn nghệ với chủ đề: “ Quê hương, cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần hữu Doánh” đã được tổ chức nghiêm túc, thiết thực nhưng cũng đầy sôi động, hào hứng. Tham dự buổi nói chuyện có các đồng chí: Nguyễn Xuân Hồng- Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An, đồng chí Cao Văn Xích- giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thanh Chương, đồng chí Trịnh văn Nhã- Phó chủ tịch UBND huyện, thân nhân gia đình đồng chí Trần Hữu Doánh và gần 1.000 cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cùng thầy cô giáo, học sinh trên địa bàn xã Cát Văn. 

Đồng chí Trần Thị Kim Phượng, cán bộ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã ôn lại những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Thanh Chương cũng như cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Hữu Doánh.

Đồng chí Trần Hữu Doánh sinh năm 1906 tại làng Thổ Sơn, xã Cát Ngạn, tổng Cát Ngạn (nay là xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1926, Trần Hữu Doánh tham gia cuộc vận động học sinh các trường truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Năm 1927, Trần Hữu Doánh gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng do đồng chí Nguyễn Sỹ Sách quê ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương làm Bí thư Kỳ bộ Hội. Năm 1929, Trần Hữu Doánh cùng một số đồng chí đã sáng lập tờ báo Xích Sinh, tuyên truyền cổ vũ phong trào đấu tranh của học sinh các trường. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ba anh em trai của Trần Hữu Doánh đều gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam,Trần Hữu Doánh được bầu làm Bí thư Chi bộ Tổng Cát Ngạn. Đồng chí ra sức xây dựng, phát triển lực lượng quần chúng như Tổng Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Tự vệ đỏ để làm hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhờ tận tuỵ, nhạy bén, vận động khéo léo, Trần Hữu Doánh luôn được quần chúng nhân dân yêu mến, tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ, tập hợp lực lượng, tạo thành những đợt sóng đấu tranh rầm rộ trong các ngày 1-5-1930, đỉnh cao là cuộc đấu tranh với hai vạn người tham gia trong ngày 1-9-1930, thiết lập chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh. Từ một Bí thư Chi bộ, Trần Hữu Doánh trở thành một Huyện uỷ viên đa tài, dũng cảm, diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, biểu tình, và viết báo đưa tin đấu tranh trên tờ “Báo Nhà Quê” của Huyện ủy Thanh Chương, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần hăng hái tham gia cách mạng của quần chúng nhân dân.

Phong trào cách mạng của hai tỉnh Nghệ Tĩnh phát triển mạnh, nhiều địa phương thành lập được chính quyền Xô viết, thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc đàn áp khủng bố trắng, nhiều đồng chí trong Ban lãnh đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy bị bắt. Đồng chí Trần Hữu Doánh được Tỉnh ủy Nghệ An chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh chống khủng bố trắng của kẻ thù. Sau cuộc biểu tình của nhân dân huyện Thanh Chương tại Hạnh Lâm(1-5-1931), đồng chí Trần Hữu Doánh được Tỉnh ủy Nghệ An điều động lên Tỉnh uỷ, đảm nhận công tác tuyên truyền.

Từ một trí thức yêu nước, Trần Hữu Doánh trở thành một nhà báo tiên phong, nhà hoạt động chính trị mưu lược, đa tài của Tỉnh uỷ Nghệ An . Khi bị thực dân Pháp bắt, vì không chịu khuất phục, Trần Hữu Doánh đã bị kết án tù khổ sai chung thân, bị giam và tra tấn trong các nhà tù: Thanh Chương, nhà lao Vinh , Lao Bảo, Ngục Kon Tum, Buôn Ma Thuột và cuối cùng là ngục Đák Mil. Trên mười năm bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc, Trần Hữu Doánh đã bền bỉ và liên tục lãnh đạo các cuộc đấu tranh, tổ chức nhiều cuộc vượt ngục để đưa các chiến sỹ cộng sản thoát khỏi ngục tù, trở về với Đảng, với dân, tiếp tục đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tấm gương sáng ngời, trọn đời đấu tranh không biết mệt mỏi, hy sinh vì dân, vì nước của đồng chí Trần Hữu Doánh là ngọn đuốc soi đường cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An học tập và noi theo.

Tuy thời gian có hạn nhưng buổi nói chuyện truyền thống đã giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và các em học sinh cảm nhận sâu sắc hơn công lao to lớn và sự hy sinh mất mát mà đồng chí Trần Hữu Doánh, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của nhân dân Thanh Chương. Bài nói chuyện đã thực sự gây xúc động, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, đặc biệt là con cháu, thân nhân gia đình đồng chí Trần hữu Doánh.

Những hoạt động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là nén hương thơm để tưởng nhớ, tri ân đồng chí Trần Hữu Doánh, thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây” có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Những hoạt động này lại càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh Thanh Chương ( 1/9/1930-1/9/2016).

Nguyễn Thị Hội - Bảo tàng XVNT

Video