327
350
327
17615
34073
6826060
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Mao (1903-2013), thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch và kế hoạch số 86 KH/ThU của Thành uỷ Vinh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Thành đoàn, Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Vinh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa nhằm giáo dục tuyên truyền về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Mao – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Thành phố Vinh.
Ngày 7/9/2013, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức trưng bày lưu động tại trường THCS Lê Mao. Bộ pa nô với những hình ảnh phong phú, sinh động đã giúp các bạn học sinh bổ sung thêm vốn kiến thức về lịch sử địa phương, về đồng chí Lê Mao mà ngôi trường mình được vinh dự mang tên.
Chiều ngày 9/9/2013 tại UBND phường Lê Mao long trọng tổ chức chương trình giao lưu văn hóa với chủ đề: "Đồng chí Lê Mao - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" tại Hội trường phường Lê Mao, giữa hai trường: THCS Hồng Sơn và THCS Lê Mao. Về tham dự buổi giao lưu văn hóa có đại diện Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Tỉnh đoàn,Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phòng GD&ĐT, Đảng ủy, UBND phường Lê Mao, Ban giám hiệu trường THCS Hồng Sơn và THCS Lê Mao, các phóng viên Đài PTTH Nghệ An, Thành phố Vinh…
Trải qua 3 phần thi với 16 câu hỏi, bằng những tư liệu lịch sử, kết hợp với hình ảnh, hiện vật phong phú được trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã giúp các em hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa quê hương Yên Dũng Hạ xưa (nay là phường Bến Thủy và Trung Đô), về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Mao - cán bộ tiền bối của đảng, Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ Vinh – Bến Thuỷ.
Đồng chí Lê Mao được sinh ra và lớn lên ở Yên Dũng Hạ nay là Phường Bến Thủy-mảnh đất đã in đậm dấu ấn lịch sử văn hóa qua các thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XI. Thế kỷ thứ XVIII, Quang Trung- Nguyễn Huệ đã chọn vùng đất Dũng Quyết để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô- kinh đô của nước Việt. Khi thực dân Pháp kéo quân vào xâm lược nước ta, cùng với nhân dân Nghệ Tĩnh,Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đã hưởng ứng tích cực phong trào Văn Thân, Cần Vương, phong trào Đông Du và phong trào chống thuế. Truyền thống yêu nước đó được phát huy mạnh mẽ nhất từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.
Trong phong trào 1930-1931, nhân dân Yên Dũng Hạ đã hăng hái đứng lên làm cách mạng với cuộc đấu tranh tiêu biểu của công nhân, nông dân ngày 1/5/1930 mở đầu Xô Viết Nghệ Tĩnh… Nhiều người con ưu tú của mảnh đất này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng như: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Nình…
Bằng sự tìm tòi, nghiên cứu tư liệu và cách trình bày mạch lạc, trôi chảy các em học sinh hai trường đã làm nổi bật những đóng góp của đồng chí Lê Mao tại nhà máy Diêm từ năm 1925-1929, trong phong trào công nhân Vinh-Bến Thủy từ 1/5/1930 - 9/1930, phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh từ tháng 10/1930 - 5/1931.
Đầu năm 1926, Tổng bộ Phục Việt của cán bộ về thành lập Tiểu tổ Phục Việt ở nhà máy Diêm và làng Yên Dũng Hạ, Lê Mao được phân công phụ trách Tiểu tổ này. Từ đó, Lê Mao say mê lao vào công tác, tích cực vận động anh chị em công nhân vào hội tương tế, ái hữu; lớp học chữ quốc ngữ. Từ nhà máy Diêm, Lê Mao mở rộng hoạt động ra các vùng xung quanh. Cuối năm 1929, Lê Mao cùng với Nguyễn Viết Lục liên lạc với các đảng viên Tân Việt tiên tiến trong vùng, hình thành nhóm cộng sản hoạt động trong công nhân Bến Thuỷ.
Đồng chí Lê Mao trực tiếp tổ chức công nhân các nhà máy, xí nghiệp ở Vinh – Bến Thuỷ đấu tranh hưởng ứng ngày 1/5/1930. Một ngày sau cuộc biểu tình tại Vinh – Bến Thuỷ, Lê Mao cùng Ban lãnh đạo Phân cục Trung Kỳ phát lời kêu gọi “Thợ thuyền, dân cày,binh lính, thanh niên, học sinh theo gương hy sinh của dân cày Nghệ An đứng dậy tổ chức biểu tình bãi công, bãi khoá để: phản đối vụ bắn giết quần chúng ở Bến Thuỷ, phản đối đem binh lính về đàn áp các cuộc bãi công tuần hành, phản đối đế quốc Pháp tối dã man, tàn bạo”. Lời kêu gọi đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở Nghệ Tĩnh. Sự có mặt của đồng chí đã bảo đảm cho phong trào công nhân đi đúng đường lối của Đảng, tạo điều kiện cho nông dân các huyện vươn lên phá thế kìm kẹp của địch…
Tháng 10/1930, đồng chí Lê Mao dự Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất tại Hương Cảng – Trung Quốc. Đồng chí đã thay mặt Nguyễn Phong Sắc báo cáo với Trung ương Đảng những thành tích của Đảng bộ Trung Kỳ, của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong Hội nghị này đồng chí được bầu là Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trở về Nghệ Tĩnh, Lê Mao đã cùng Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị mở rộng của Chấp uỷ Trung Kỳ vào tháng 12/1930 Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao là hai cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ địch khủng bố trắng.
Đồng chí Lê Mao đã về từng xóm công nhân, ổn định tinh thần quần chúng, thành lập các Chi bộ Đảng trong công nhân thất nghiệp, vận động công nhân mới ủng hộ công nhân cũ đấu tranh đòi công ăn việc làm, chống sa thải công nhân.
Tháng 4/1931, Lê Mao cùng với Nguyễn Phong Sắc vào Sài Gòn dự Hội nghị TW lần thứ hai và được bầu là Uỷ viên chính thức BCH Trung ương Đảng. Đồng chí đã góp nhiều ý kiến bổ sung vào những nghị quyết mới của Đảng. Sau Hội nghị này, Nguyễn Phong Sắc được điều động ra Hà Nội nhận công tác mới, Lê Mao được phân công làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Mao và Xứ uỷ trong dịp 1/5/1931 phong trào đấu tranh của công – nông Nghệ Tĩnh lại bùng lên quyết liệt. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình được tổ chức ở các nhà máy, các làng xã. Đêm 2/5/1931, trên đường đi công tác, đồng chí Lê Mao bị lính tuần tra bắn và đã hy sinh cạnh cầu cảng Bến Thuỷ, nơi mười bốn năm trước đây, đồng chí rời ghế nhà trường, trở thành người thợ. Đồng chí Lê Mao từ một công nhân yêu nước trở thành một người cộng sản tiêu biểu, một Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Xứ uỷ xuất sắc đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng…
Buổi giao lưu văn hóa đã diễn ra sôi nổi và kết thúc tốt đẹp trong niềm vui hân hoan của quý vị đại biểu, các thầy cô và các em học sinh. Kết quả trường THCS Lê Mao đạt giải Nhất, trường THCS Hồng Sơn đạt giải Nhì.
Sáng ngày 10/9/2012, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tiếp tục tổ chức trưng bày lưu động tại trường THCS Bến Thuỷ. Bộ pa nô được đặt trang trọng tại sân trường, trên mảnh đất nơi đồng chí Lê Mao đã sinh ra và cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Mao của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng thời qua đây góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ noi theo ý chí cách mạng kiên cường, khí phách hiên ngang và đạo đức sáng ngời của đồng chí Lê Mao.
Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng XVNT