Hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn (1899-2009)

Tác giả: admin
Ngày 2009-07-10 09:11:01

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn (1899-2009), huyện Nam Đàn, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nhằm tri ân những đóng góp của Lê Hồng Sơn - người con ưu tú của quê hương Xuân Hòa, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vị cán bộ tiền bối của Đảng.

Tháng 5/2009, huyện Nam Đàn phát động cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn. Đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân đã viết bài dự thi. Thành công của cuộc thi có sự đóng góp của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trong việc cung cấp tư liệu, soạn câu hỏi đáp án. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Từ ngày 20/6/2009, trở về với huyện Nam Đàn, qua xã Xuân Hòa lên thị trấn chúng ta bắt gặp một không khí náo nức, tưng bừng như ngày hội với những băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích lớn về chân dung đồng chí Lê Hồng Sơn. Hòa vào không khí đó, ngày 25/6 Bảo tàng Xô Viết cùng với Trung tâm văn hóa huyện và xã Xuân Hòa tổ chức các hoạt động: trưng bày, giao lưu văn hóa, hội diễn văn nghệ, thể thao. Bộ pa nô với chuyên đề “Một số hình ảnh về Xô Viết Nghệ Tĩnh” của Bảo tàng trưng bày tại Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa thu hút đông đảo nhân dân, học sinh trong địa phương tham quan. Những hình ảnh, tư liệu quý về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những tấm gương cộng sản tiêu biểu huyện Nam Đàn trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn đã góp phần bồi đắp lòng tự hào và tình yêu quê hương trong mỗi học sinh.

Sáng ngày 26/6, buổi giao lưu văn hóa với chủ đề “Đồng chí Lê Hồng Sơn - Cuộc đời và sự nghiệp” diễn ra tại hội trường xã Xuân Hòa với sự góp mặt của học sinh THCS Xuân Hòa và THCS Đặng Chánh Kỷ. Trải qua 5 phần thi gồm 17 câu hỏi, bằng sự tìm tòi, thu thập tư liệu khá công phu và phong cách trình bày trôi chảy, hấp dẫn các em học sinh đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống quê hương, dòng họ và gia đình cũng như chặng đường hoạt động cách mạng tuy không dài nhưng vô cùng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Sơn.

Đồng chí Lê Hồng Sơn sinh ra tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, nơi đã sản sinh ra nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu. Làng Xuân Hồ vào thời Lê gọi là xã Nộn Hồ, đến thời Tự Đức đổi thành Minh Hồ. Còn Tổng Xuân Liễu vào thời Lê gọi là xã Nộn Liễu, sau này gọi là xã Xuân Liễu (cây liễu mùa xuân). Nơi này có nhiều địa danh và di tích lịch sử như: rú Tán, rú Anh, rú Trăn, đền Tán Sơn, chùa Ơi, chùa Dạ, đền Câu... Rú Tán có hình dạng như cái dù, cái lọng nên có tên gọi là Tán Sơn. Trên rú Tán có đền Tán Sơn xây dựng vào thế kỷ thứ XVI để thờ Quốc công Mạc Đăng Lượng là trấn thủ Nghệ An triều Mạc (1530-1540). Tại đây Nguyễn Huệ đã dừng chân cầu thần linh phù hộ cho nghĩa quân Tây Sơn trên đường tiến quân ra Bắc. Đền là nơi hội họp của các chiến sỹ yêu nước trong các phong trào Giáp Tuất, phong trào Cần Vương và Đông Du. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, đền Tán Sơn là địa điểm tập trung mít tinh của nhân dân Xuân Liễu để kéo ra huyện lỵ Nam Đàn phản đối đế quốc Pháp tàn sát nhân dân Hưng Nguyên trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930.

Gần Rú Tán là Rú Anh. Tại đây có 2 ngôi chùa, phía Bắc là chùa Ơi (Hương Lâm Bắc Tự), phía Nam chân núi có chùa Dạ (Hương Lâm Nam Tự). Hai ngôi chùa này được xây dựng thời Hậu Lê cuối thế kỷ XVII... Rú Tán và Rú Anh là tiêu biểu, là tượng trưng cho tinh thần, cốt cách con người của miền đất Hồ Liễu. Khi xuất dương, Lê Hồng Sơn được cụ Phan Bội Châu đặt cho tên hiệu là Tán Anh để luôn luôn nhớ đến quê hương mà ra sức làm tròn nhiệm vụ cứu nước, cứu dân. Tuổi thơ của Lê Hồng Sơn còn gắn liền với những câu hát đò đưa, phường vải, phường đàn mượt mà, sâu lắng.... 

Bản sắc văn hóa của quê hương, truyền thống yêu nước của dòng họ, gia đình là dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn nhà cách mạng tiền bối Lê Hồng Sơn, tiếp thêm cho anh sức mạnh dấn thân trên con đường hoạt động cách mạng đầy gian khó.

Mùa xuân năm 1920, Lê Hồng Sơn ra nước ngoài hoạt động. 13 năm hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Lê Hồng Sơn có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam với những dấu ấn lịch sử: thành lập Tâm Tâm Xã (1923), Ủy viên chấp hành Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925), Hội viên của  "Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” và là uỷ viên “chưởng ấn” của Chi hội Việt Nam, thành lập An Nam Cộng Sản Đảng (1929), tích cực giúp Nguyễn Ái Quốc tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 như đưa đón đại biểu, chọn địa điểm bí mật để Hội nghị diễn ra an toàn...

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Hồng Sơn đã tham gia  trừng trị tên phản động Phan Bá Ngọc (ngày 11/2/1922), hỗ trợ Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Méc - lanh tại khách sạn Victoria, Sa Điện, Trung Quốc (ngày 19/6/1924), hạ sát tên chỉ điểm Kiêm Quang Ích (ngày 14/1/1927). Toàn quyền Đông Dương đã đặt giải thưởng truy bắt Lê Hồng Sơn là “Tặng một vạn đô la và sau này có thể tăng lên 2 vạn cho những ai bắt được bọn đồng phạm của tên sát nhân ở Sa Điện, Hồng Kông, ở Thượng Hải hoặc ở Đông Dương”.

Lê Hồng Sơn đã tham gia hoạt động cho cách mạng Trung Quốc và có nhiều đóng góp không nhỏ như gia nhập quân đội cách mạng của Tôn Trung Sơn (năm 1925), cùng với đội quân cách mạng của Chính phủ Quảng Châu tiến hành Chiến dịch Đông phạt đánh dẹp đội quân của Trần Quýnh Minh, tham gia chiến đấu chống lực lượng phản động ở Vân Nam và Quảng Tây, là giáo viên của trường Quân sự Hoàng Phố, gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc, chiến đấu anh dũng trong đội quân khởi nghĩa Quảng Tây (1927)...

Trong quá trình hoạt động, đồng chí Lê Hồng Sơn đã bị bắt giam nhiều lần nhưng tinh thần cách mạng trung kiên của đồng chí vẫn luôn tỏa sáng trong các nhà tù. Tháng 11/1931, Lê Hồng Sơn bị chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt. Trong nhà giam đồng chí đã nhịn ăn phản đối hành động bắt người và đấu tranh chống luận điệu vu khống của kẻ thù. Lê Hồng Sơn rất tự hào về những việc làm của mình, anh khẳng định: “Việc bắt bớ chúng tôi không phá hoại được tổ chức Việt Nam ở Trung Quốc. Tổ chức này vẫn liên lạc với đồng bào ở Xiêm và Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ngày 25/9/1932, đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ở Thượng Hải và chúng giao anh cho nhà cầm quyền Pháp xử lý. Lê Hồng Sơn bị đưa về Hỏa Lò, Hà Nội. Tại đây, khí phách của người cộng sản đã được thư ký Tòa Liêm phóng ghi lại như sau: “Hồng Sơn không hối tiếc chút nào về hoạt động cách mạng đã qua của mình. Anh ta không hối hận về các tội ác đã phạm...và nói thêm rằng anh ta sẽ không ngần ngại gì làm lại như thế nữa nếu cần”. Những ngày ở Nhà lao Vinh, Lê Hồng Sơn vẫn bình tĩnh, lạc quan tranh thủ thời gian truyền đạt kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho lớp trẻ. Đồng chí quan tâm theo dõi phong trào cách mạng diễn ra trên quê hương và rất tự hào khi nghe anh em trong tù nói chuyện về Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng chí khuyên mọi người hãy giữ vững niềm tin sắt đá tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Lê Hồng Sơn đã làm cho thực dân Pháp sợ hãi, vội vàng thi hành án tử hình anh tại quê nhà ngày 20/2/1933, hòng tiêu diệt nhanh chóng một lãnh tụ cộng sản và để trấn áp phong trào cách mạng đang phục hồi ở Nghệ Tĩnh....

Buổi giao lưu văn hóa tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Sơn đã diễn ra sôi nổi và kết thúc tốt đẹp. Trường THCS Đặng Chánh Kỷ đạt giải nhất, trường THCS Xuân Hòa giành giải nhì. Các em học sinh đã tạo nên một không khí xúc động, tự hào đối với người dân Xuân Hòa.

Ngày 28/6/2009, tại Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đàn đã diễn ra buổi lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 110 ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn với sự tham gia của đông đủ các ban ngành đoàn thể ở Tỉnh  và địa phương. Những hoạt động do huyện Nam Đàn và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn đã thực sự trở thành ngày hội tôn vinh chủ nghĩa yêu nước. Đây là dịp để cán bộ và nhân dân huyện Nam Đàn nhất là thế hệ trẻ tự hào về quê hương, về tiền nhân và cố gắng phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

                                                                 Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video