Hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân

Tác giả: admin
Ngày 2013-04-01 02:22:10

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân ( 17/3/1993- 17/3/2013), thực hiện chủ trương của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và kế hoạch của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp với UBND xã Hưng Hòa tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống với chủ đề: " Đại tướng Chu Huy Mân- cuộc đời và sự nghiệp".

Chương trình giao lưu, nói chuyện truyền thống được thực hiện tại hội trường UBND xã Hưng Hòa vào chiều ngày 15 tháng 3 năm 2013. Tham dự chương trình có đại diện Ban Tuyên giáo thành phố Vinh, phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể xã Hưng Hòa và gần 400 giáo viên, học sinh trường THCS Hưng Hòa.

Chương trình giao lưu, nói chuyện truyền thống được tổ chức trang nghiêm nhưng cũng không kém phần sôi nổi bởi những tràng pháp tay của khán giả. Sau màn trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của học sinh trường THCS Hưng Hòa là nội dung bài nói chuyện chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Chu Huy Mân do đ/c Lê Thu Hiền, TP Trưng bày- Tuyên truyền Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh thực hiện.Với gần 90 phút đồng hồ, bài nói chuyện đã giới thiệu khái quát quá trình hình thành và những truyền thống tốt đẹp của xã Hưng Hòa, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và đặc biệt đi sâu vào quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân.

Đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân ( tên khai sinh là Chu Văn Điều) sinh ngày 17 tháng 3 năm 1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên ( nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh). Từ thuở thiếu thời, những câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc, về gương của các sĩ phu yêu nước đã dần nung nấu trong ông tình yêu đất nước và chí căm thù giặc sâu sắc. Năm 1930, Chu Văn Điều tham gia tích cực vào phong trào cách mạng ở quê nhà và được phân công làm đội phó đội Tự vệ đỏ. Cuối năm 1930, Chu Văn Điều vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nguyện chiến đấu suốt đời cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Từ năm 1937 đến năm 1940, đồng chí bị địch bắt, giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, sau đó đưa vào giam tại ĐắcLay, Đắc Tô, Kon Tum.

Đầu năm 1943, đồng chí vượt trại giam, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam, sau đó làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Sau khi giành được chính quyền, đồng chí được Đảng phân công vào công tác trong quân đội, lần lượt giữ các chức vụ : Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính bốn tỉnh Trung Bộ.

Từ năm 1947 đến 1949, đồng chí là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao- Bắc - Lạng.

Năm 1954, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1957, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1958, đồng chí là Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc.

Tháng 12 năm 1960, Trung ương lại cử đồng chí sang giúp cách mạng Lào và làm Tổng Cố vấn cho Chính phủ Liên hiệp Lào.

Năm 1964, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào chiến trường Khu 5, làm Phó Bí thư, Bí thư Quân khu ủy- chính ủy Quân khu 5. Tháng 8 năm 1965, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3- Tây Nguyên.

Năm 1967, đồng chí làm Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu 5; cuối năm 1975 là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Khu 5.

Tháng 3 năm 1977, đồng chí làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Năm 1980, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt. Tại Quốc hội khóa VII, đổng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Cũng trong năm này, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng.

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng Đại tướng Chu Huy Mân gắn liến với những chiến công trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, nhân dân và quân đội ta. Hơn 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, Đại tướng Chu Huy Mân luôn xứng đáng là người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, lòng dũng cảm và sáng tạo, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với những hoạt động kỷ niệm tại xã Hưng Hòa, từ ngày 14/3-18/3/2013, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn tổ chức trung bày bộ panô lưu động với gần 200 tấm ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân tại nhà Văn hóa Lao động tỉnh để phục vụ đông đảo nhân dân, bộ đội, học sinh đến tham quan.

Những hoạt động trên đây của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là nén hương thơm để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân, đồng thời góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lê Thu Hiền - Bảo tàng XVNT

Video