377
601
4469
16854
34073
6825299
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn, Con Cuông (4/1931 – 4/2011), được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với huyện Con Cuông tổ chức những hoạt động: trưng bày, giao lưu văn hóa để phục vụ nhân dân, góp phần làm cho lễ hội thêm phong phú.
Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ tổ chức vào ngày 14&15 tháng 04. Đây là dịp để thế hệ trẻ, nhân dân và đồng bào các dân tộc miền Tây tưởng nhớ tới các đồng chí cán bộ tiền bối, những người con ưu tú của quê hương đã một lòng đi theo Đảng làm cách mạng, góp phần phát huy bản sắc văn hóa mà người dân nơi đây đã xây dựng, gìn giữ qua hàng ngàn năm.
Bộ pa nô lưu động chuyên đề: “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931” được Bảo tàng trưng bày tại cây đa Cồn Chùa. Nơi đây, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm của Đảng tung bay phấp phới trên đất Môn Sơn. Với nội dung ngắn gọn, súc tích bộ panô đã tái hiện lại phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 từ nguyên nhân, diễn biến đến kết quả, ảnh hưởng và ý nghĩa, giúp người xem như sống lại một thời oanh liệt của ông cha.
Vào lúc 14h ngày 13/04, tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Môn Sơn, Chương trình giao lưu Văn hóa với chủ đề: “ Nhân dân các dân tộc Môn Sơn- Con Cuông trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh” đã diễn ra rất sôi nổi, hào hứng giữa các em học sinh đến từ trường THPT Mường Quạ và THCS Môn Sơn. Giải nhất đã thuộc về trường THCS Môn Sơn. Bằng hình thức thi tìm hiểu lịch sử với 16 câu hỏi, sự trả lời lưu loát của các em học sinh và giải đáp xúc tích của Ban giám khảo như tái hiện lại bức tranh toàn cảnh về đất nước - con người - truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước cách mạng của nhân dân Môn Sơn- Con Cuông. Chương trình như một nén nhang kính dâng lên hương hồn các chiến sĩ cộng sản; đồng thời giúp cho thế hệ hôm nay, mai sau nhận biết giá trị tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạnh của đồng bào các dân tộc Môn Sơn, Con Cuông trong những ngày đầu thành lập Đảng.
Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ năm nay có hai phần: phần lễ và phần hội. 7h sáng ngày 14/04, các đại biểu cùng con cháu và bà con nhân dân đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại di tích nhà cụ Vi Văn Khang. Đầu năm 1931, phong trào ở huyện miền xuôi bị thực dân Pháp khủng bố dã man. Để duy trì cơ sở cách mạng, cơ quan của Đảng phải hoạt động bí mật và chuyển dần lên vùng rừng núi phía Tây. Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An đã cử đồng chí Lê Xuân Đào - Trưởng ban Tài chính Xứ ủy, Lê Mạnh Duyệt - Cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An, Nguyễn Hữu Bình - Đặc phái viên của Tỉnh ủy Nghệ An lên Môn Sơn, Con Cuông vận động đồng bào đi theo Đảng, gây dựng cơ sở cách mạng. Đến tháng 04/1931, Chi bộ Đảng Môn Sơn đã được ra đời tại nhà đồng chí Vi Văn Khang, do đồng chí làm Bí thư. Chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ đoàn thành lập, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển. Ngày 09/08/1931, Chi bộ Đảng lãnh đạo 300 quần chúng nhân dân các dân tộc Thái, Đan Lai, Lý Hà, Kinh tham gia biểu tình. Từ đây, phong trào cách mạng ở miền núi cùng hòa nhịp vào làn sóng đấu tranh ở miền xuôi.
Phần hội được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: nhảy sạp, ném còn, thi ẩm thực, thi thêu dệt thổ cẩm...Đặc biệt là vào tối ngày 14/4 đã diễn ra cuộc thi “Người đẹp Môn Sơn”, một chương trình được rất nhiều người mong đợi.
Cho đến nay đã 80 năm trôi qua nhưng Sự ra đời của chi bộ Đảng Môn Sơn và phong trào đấu tranh của nhân dân Môn Sơn, Con Cuông vẫn luôn là biểu tượng đẹp đẽ về tinh thần quả cảm của đảng viên, quần chúng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tên tuổi của chi bộ Đảng, của mảnh đất và con người nơi đây mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc, trở thành nét đặc sắc của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhân dân Con Cuông nói chung, Đảng bộ và nhân dân Môn Sơn nói riêng rất tự hào về truyền thống quý báu của quê hương mình. Truyền thống cách mạng đó là nền tảng để nhân dân Con Cuông, Môn Sơn phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Kim Lân - Phòng trưng bày tuyên truyền