Hoạt động của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931)

Tác giả: admin
Ngày 2020-04-17 00:52:02

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền sinh ngày 15/07/1910  trong 1 dòng họ có truyền thống trung quân ái quốc tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Biền được cha là Cụ cử nhân Nguyễn Đình Tiếp kèm cặp, sau đó theo học quốc ngữ ở Đặng Xá. Vốn thông minh sáng dạ, giỏi cả Hán văn và Pháp ngữ, năm 12 tuổi, Nguyễn Đình Biền được gia đình cho theo học tại Trường Quốc học Vinh.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910-1985)

Ngày 14/7/1925, Hội Phục Việt ra đời đã đề ra nhiệm vụ là chú trọng phát triển tổ chức ở trong nước, đồng thời bắt mối liên lạc với các tổ chức, cá nhân yêu nước ở nước ngoài. Những sách báo tiến bộ đương thời đã nhanh chóng được truyền bá rộng rãi: “…các anh Hà Huy Tập, Trần Phú, Trần Văn Tăng lợi dụng phong trào truyền bá chữ quốc ngữ đứng ra tổ chức những lớp học chữ quốc ngữ để truyền bá tư tưởng yêu nước… Phong trào đọc sách báo do Hội Phục Việt chủ trương ngày càng lan rộng và tập hợp được khá đông đảo những người có tư tưởng yêu nước, tiến bộ trong quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức, học sinh, tiểu tư sản…” [1]. Hoạt động của Hội đã có ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và căm thù thực dân xâm lược cho các học sinh, trong đó có cậu thanh niên Nguyễn Đình Biền. Được tiếp xúc với các sách báo, tư tưởng cứu nước tiến bộ, được sự dìu dắt của thầy Trần Phú cũng như kết tình bằng hữu với nhiều bạn bè đồng môn có chí hướng cách mạng, cậu học trò Nguyễn Đình Biền đã sớm tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị ở Vinh như: tham gia lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh, tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu…

Năm 1927, khi vừa tròn 17 tuổi, đồng chí gia nhập Việt Nam cách mạng Đảng (tên gọi mới của Hội Phục Việt), sau đó được tổ chức tín nhiệm phân công hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên Nguyễn Đình Biền thành Nguyễn Duy Trinh – cái tên đã theo đồng chí đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị Pháp bắt tại một cơ quan của Tân Việt ở Sài Gòn. Không khai thác được thông tin gì, tháng 7/1930, Thống đốc Nam Kỳ Cơ-rô-tê-ne (Jean-Félix Krautheimer) ký nghị định trục xuất Nguyễn Duy Trinh về nguyên quán để hạn chế nguy cơ mầm mống cách mạng.

Tháng 8/1930, đồng chí về tới quê hương khi phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đang ở thời kỳ quyết liệt. Phong trào đấu tranh kinh tế kết hợp đấu tranh chính trị đưa yêu sách của nhân dân chuyển dần sang tính chất “tiểu bạo động” làm tan  rã từng mảng bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở các làng xã.

Ngày sau khi về tới quê nhà, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã bí mật liên lạc với các chi bộ đảng địa phương[2] và tiếp tục cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng quê hương dưới lá cờ của Đảng.

Sau khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu vào ngày 12/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa các huyện xã của Nghệ Tĩnh và kỷ niệm ngày cách mạng tháng Mười Nga thành công. Các chi bộ Đảng như Cổ Đan, Kim Khê, Song Lộc…đã kêu gọi, vận động nhân dân trong huyện phối hợp nhiều cuộc biểu tình thị uy trừng trị, cảnh cáo bọn tay sai, phong kiến. Tại Đặng Xá, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí đảng viên đã trực tiếp vận động và lãnh đạo nhân dân trong tổng đoàn kết đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh. Tiêu biểu vào ngày 20/9/1930 có cuộc mít tinh ở Cồn Mô, Cổ Bái, bắt những tên tổng lý phản cách mạng ra cảnh cáo, rồi kéo đến Cửa Hội đập phá sở đại lý bán rượu của Pháp, đòi tên chủ sự sở “xi nhan” không được nhũng nhiễu nhân dân, đòi tên quan võ phụ trách đồn trấn thủ bỏ việc kiểm soát và thu thuế các thuyền của nhân dân ra vào Cửa Hội;  cuộc mít tinh diễn thuyết ngày 5/10 của hơn 300 quần chúng tập trung ở tổng Đặng Xá và các làng  lân cận biểu tình tuần hành trấn áp tên mật độ ở làng Bường …

Hoảng sợ trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều vô cùng lo sợ đã điên cuồng đối phó bằng các âm m­ưu thâm độc và chính sách khủng bố trắng. Với chủ trương “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần”, chúng đã thực hiện hàng loạt chính sách giết sạch, phá sạch hòng dập tắt phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh nói chung và Nghi Lộc nói riêng. Lúc này cơ quan Huyện uỷ Nghi Lộc ở làng Vạn Lộc bị địch bắn phá nên chuyển lên làng Ông La (Nghi Long).

Ngày 28/12/1930, đồng chí Nguyễn Duy Trinh một lần nữa lại kề vai sát cánh cùng các cấp uỷ Đảng trong huyện lãnh đạo nông hội đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản đoàn… vận động nhân dân dự lễ truy điệu các chiến sỹ đã hy sinh, do Xứ uỷ Trung kỳ phối hợp với Tỉnh uỷ Vinh, tổ chức tại dăm Mụ Nuôi ở làng Lộc Đa (Hưng Lộc). Hàng ngàn nhân dân Nghi Lộc cùng với công nhân các nhà máy, nhân dân thành phố Vinh - Bến Thuỷ và phủ Hưng Nguyên tập trung về đây dự lễ. Cuộc vận động này đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phản ánh trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” gửi Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ngày 19/2/1931. Người viết “…4.000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã đến dự để làm lễ truy điệu những chiến sĩ bị hy sinh trong ngày 11-12, nhân dịp kỷ niệm Công xã Quảng Châu. Một lá cờ búa liềm được chăng ra trên bàn thờ đầy hương hoa, xung quanh cắm 100 lá cờ đỏ và một dây 200 ngọn đèn đỏ. .. Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh (28 đồn mới được dựng lên ở riêng Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh…[3] 

Sau sự kiện này, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các Bí thư chi bộ Đảng, các đồng chí phụ trách nông hội đỏ tổng Đặng Xá đã nhanh chóng tiến hành cuộc họp tại làng Lộc Châu, Nghi Xuân. Sáng ngày 02/01/1931, các đồng chí Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Hữu Cơ… đã tổ chức tổ chức họp tại đền Phượng Cương bàn kế hoạch vay lúa của địa chủ, của nhà giàu cứu đói cho dân, chống lại mọi thủ đoạn cưỡng bức rước cờ vàng, nhận thẻ quy thuận của chính quyền bảo hộ. Hội nghị đang họp, tri huyện Tôn Thất Hoàn đưa lính đến nhà lý trưởng làng Song Lộc đàn áp quần chúng và bắt hai gia đình cách mạng. Nghe tin tổng uỷ Đặng Xá ngừng hội nghị, cấp tốc vận động nhân dân các làng biểu tình giải thoát cho hai gia đình này. Chỉ sau hai, ba tiếng đồng hồ có hơn 400 quần chúng làng Mỹ Chiêm, Văn Trạch, Phượng Cương, Yên Lạc (Nghi Phong) tập trung tại chùa Kỳ Tu và hơn 200 quần chúng nhân dân các xã Kim Khê tập trung tại đình chợ Xâm, kẻ gậy người giáo mác, trống mõ, ngũ liên ào ạt kéo xuống phối hợp với đoàn biểu tình tổng Đặng Xá, Thượng Xá, Song Lộc… Với lòng căm thù cao độ khí thế cách mạng sục sôi quần chúng đã vùng lên giết tri huyện Tôn Thất Hoàn, phó chánh tổng Đặng Xá, phó lý, cánh đoàn làng Song Lộc và 5 tên lính trước cây đa đền Chính Vị.

Hành động này của nhân dân đã vượt ra ngoài chủ trương của lãnh đạo. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí trong Tổng uỷ Đặng Xá đã lãnh đạo các Chi bộ Đảng, Ban chấp hành Nông hội đỏ tiến hành họp hội nghị khẩn cấp bàn biện pháp đối phó. Thực hiện chủ trương của chi bộ Đảng, các đội tự vệ đỏ canh gác các ngã đường, phá các cầu trên đường Cửa Hội - Vinh, Cửa Hội – Cửa Lò để cản cuộc hành quân đàn áp của địch từ Vinh xuống và từ đồn Thượng Xá kéo lên. Tiếp đó, Huyện uỷ cứ cán bộ đến phối hợp cùng các chi bộ Đảng, một mặt đưa số cán bộ, đảng viên đã bị lộ mặt đi hoạt động nơi khác, họp hội viên nông hội đỏ thảo luận kế hoạch đối phó khi địch đến đàn áp, chuẩn bị tinh thần đấu tranh cho nhân dân. Đến tối, nhận lệnh của công sứ và tổng đốc Nghệ An giám binh Pơ-ty đưa 16 lính khố xanh đến làng Song Lộc. Theo kế hoạch đã định, Nông hội đỏ nổi trống mõ, nhân dân già, trẻ, gái trai, kẻ dao người đòn gánh gậy gộc, đổ ra đường biểu tình đấu tranh. Suốt đêm hôm ấy, từ giám binh đến lính tráng đều “án binh bất động”.

Nhận được báo cáo, Xứ uỷ Trung Kỳ liền phát truyền đơn kêu gọi và đặt trách nhiệm cho các cấp uỷ Đảng bằng mọi cách “bênh vực anh em ta ở Nghi Lộc và đánh đổ chính sách khủng bố của đế quốc Pháp”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ uỷ, phong trào đấu tranh bênh vực nhân dân Nghi Lộc bùng lên mạnh mẽ khắp toàn tỉnh. Tại Nghi Lộc, ngoài rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, biểu tình, biểu thị tình đoàn kết chiến đấu, nhiều nơi chi bộ Đảng lãnh đạo Nông hội đỏ quyên tiền bạc, thóc gạo, chăn chiếu giúp các gia đình ở Song Lộc và Tân Hợp bị địch đốt phá. Đồng bào các làng nương tựa vào nhau cùng duy trì hoạt động cách mạng. Phong trào đấu tranh của quần chúng đã chứng tỏ sức mạnh đoàn kết của toàn dân làm cho chính quyền thực dân phong kiến hoang mang.

Cũng trong thời gian này, nhân dân Nghi Lộc lâm vào nạn đói hết sức nghiêm trọng. Hạn hán kéo dài, ruộng đồng bỏ hoang mấy vụ liền, nghề cá biển bị thất bát, công nhân bị sa thải làm cho người dân Nghi Lộc phải phiêu cư bạt quán để kiếm sống, việc cứu đói cho nhân dân đặt ra một cách cấp bách và là việc sống còn của cách mạng. Do đó, song song với việc chống cưỡng bức đầu thú, Huyện uỷ Nghi Lộc phát động nhân dân đấu tranh đòi bọn cầm quyền cấp cơm gạo cho dân đói, kiếm việc làm cho người thất nghiệp, nhường cơm sẻ áo cho dân làng Song Lộc, Tân Hợp. Chủ trương này rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nên đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, trong cuộc đấu tranh vận động vay thóc gạo để cứu đói cho dân được tổ chức khắp các làng xã trong huyện. Nhất là trong dịp kỷ niệm “tuần lễ đỏ” từ ngày 15 đến ngày 24 tháng giêng năm 1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí đảng viên vùng Nam Nghi[4] đã vận động và lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh vay lúa cứu đói buộc hào Lý trong tổng xuất thóc gạo, tiền quỹ công, để trợ giúp những gia đình bị đói, bị nạn trong đấu tranh. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân cùng với những hình thức đấu tranh mềm dẻo, khéo léo của các đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các đảng viên, nhiều gia đình không chỉ tự nguyện cho dân vay mà còn đứng ra vay tiền lúa của nhà giàu giúp dân.

Bên cạnh đó, thời kỳ này đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Ban cán sự Nam Nghi đã chú trọng khâu in ấn, tuyên truyền nên tờ báo “Giác ngộ” của Huyện uỷ Nghi Lộc với nội dung tập trung vào những vấn đề chủ yếu: Kêu gọi quần chúng cách mạng cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp, xuyên tạc của địch; kêu gọi toàn dân đoàn kết đập tan âm mưu của địch…  

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều phong kiến đã nhanh chóng tập trung lực lượng để phá cho được thành quả Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chúng dựng lên ở Nghi Lộc một hệ thống đồn bốt dày đặc. Ngoài đồn Thượng Xá (Cửa Lò) đã được lập từ trước, lúc này chúng lập thêm đồn Chính Vị ở Cửa Hội, đồn Chợ Cọi cạnh Vinh, đồn Chợ Xâm (nằm ngoài ngã ba quốc lộ I và đường 34), mỗi đồn có tới 40 đến 50 lính khổ xanh canh giữ. Ngoài hệ thống đồn khổ xanh, chúng còn lập thêm hệ thống bang tá từ huyện đến các làng xã. Mỗi xã, thôn đều có một viên bang tá và một số đoàn phu khoảng 30 – 40 người do chánh đoàn và phó đoàn chỉ huy. Các cựu tống lý, chức sắc và những người già cả, có thế lực trong các thôn xóm đều được bọn chúng tập hợp vào các tổ chức chống cộng như: Hội đồng hào mục, hội đồng tộc biểu, đoàn thể luân lý… Bọn chúng đã dựa vào tổ chức này để khống chế đánh phá cách mạng từng vùng, từng xã thôn, từng hộ và từng gia đình.

Trước những chính sách khủng bố điên cuồng và man rợ của chính quyền thực dân Pháp và Nam triều tay sai, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng Nghi Lộc bị tan vỡ, các cán bộ, đảng viên bị giết và bắt giam. Tháng 4 năm 1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã bắt liên lạc với một số đảng viên trung kiên như Trần Đình Bổng (ở Nghi Trường), Đậu Văn Dần (Nghi Hải) và số ít các đồng chí đảng viên đã thoát khỏi cuộc vây của địch tại làng Tân Hợp. Trong một xóm nghèo ở làng Đức Thịnh trên đường đi ra Cửa Hội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, các đồng chí đã tiến hành họp bàn kế hoạch và lập ra ban cán bộ Huyện uỷ mới, tiếp tục duy trì sự hoạt động của Đảng bộ. Hội nghị đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc mới.

Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Ban cán sự đã tìm cách liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ đóng tại Bến Thủy. Cuối tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham dự cuộc hội nghị khuếch đại (mở rộng) của Xứ do “…đồng chí Thịnh (tức đồng chí Nguyễn Phong Sắc), Ủy viên Trung ương Đảng, lúc bấy giờ phụ trách phong trào Bắc Trung Kỳ, phổ biến…”[5]

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931, theo chỉ thị hướng dẫn “chiến lược ra trận” của Xứ uỷ Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Huyện ủy chủ trương phát động tổ chức đấu tranh trên quy mô toàn huyện. Dưới sự chỉ đạo của các đồng chí, đội tự vệ đỏ được tập luyện để củng cố phát triển và nâng cao về số lượng lẫn chất lượng và trang bị vũ khí. Sáng 1/5/1931, tiếng trống mõ đã vang lên khắp trời, khẩu hiệu và cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại nhiều địa điểm đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hăng hái tham gia cuộc mít tinh kỷ niệm. Tuy nhiên, địch đã tiến hành các chính sách đàn áp phong trào với những đòn khủng bố hung dữ nhất, tiến hành nhiều vụ thảm sát đẫm máu, gây tổn thất nặng cho cách mạng.

Trước tình thế cách mạng ngặt nghèo, đồng chí Nguyễn Duy Trinh không hề nhụt chí, tiếp tục bắt mối liên lạc với những đồng chí đảng viên chưa sa vào lưới giặc. Các đồng chí một mặt kiên nhẫn tìm cách khắc phục khó khăn, duy trì phong trào cách mạng địa phương. Công tác cách mạng rút dần vào bí mật. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh phải cải trang, nhuộm răng trắng thành răng đen, khi thì mặc áo dài, đóng khăn xếp, lúc lại mặc giả lái trâu, mặc áo cánh cài khuy bên, đầu bịt khăn bông trắng, trên vai vác một vác tiền đồng, tay cầm roi trâu, giả như đi bán trâu về nhằm qua mắt mật thám tay sai để hoạt động. Đồng chí đã tích cực giữ mối liên lạc giữa huyện và xã, đặt kế hoạch giữ gìn cơ sở và vẫn tổ chức huấn luyện ngắn ngày cho đảng viên và quần chúng trung kiên, mặt khác vẫn luôn là “hậu phương” lo lắng bố trí công việc, địa bàn hoạt động cho các đồng chí khác.

Trong hồi ký về cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thiu đã không giấu được xúc động kể lại những ngày tháng hoạt động cách mạng gian khổ sau cuộc khủng bố, đàn áp ngày 1/5/1931: “…Tôi lên Lộc Đa gặp Xứ ủy đề báo cáo tình hình và xin nhiệm vụ mới. Trong một ngôi nhà tranh, tôi đã gặp anh Tròn, anh Nguyễn Duy Trinh anh Bạch tức là anh Lê Viết Hanh, em ruột anh Lê Viết Lượng. Tôi trình bày với các anh tình hình địa phương và hoàn cảnh gia đình. Nghe xong các anh bảo lúc này các đồng chí cốt cán đã bị bắt, các anh cũng đã bị bọn chó theo riết không thể ra ngoài được, vì vậy các anh định điều tôi lên Xứ uỷ làm công tác một thời gian, vì ở đây chúng chưa biết tôi.

Tôi trình bày với các anh, lúc này để tôi ở nhà hoạt động có lợi hơn,vì đã quen địa bàn, quen cơ sở, lại ít nhiều có thể gần mẹ. Lúc đầu các anh phân vân, tường rằng tôi đã khiếp nhược trước sự bắt bớ bắn giết của quân thù. Tôi phải trình bày, cuối cùng các anh mới hiểu. Thế là tôi lại quay về vùng Nghi Lộc hoạt động...”[6]

Mặc dù đã cố gắng hết sức trong việc duy trì phong trào cách mạng địa phương nhưng trong hoàn cảnh “ Ban cán sự có 3 người, sắp đào tạo thêm 2 người nữa. Song bây giờ các đồng chí Qui, Đình, Hà (trong Ban cán sự) cùng với 2 người ấn loát và 2 người giao thông của huyện đã bị bắt”[7] cũng như sự truy lùng, khủng bố gắt gao của kẻ thù, hoạt động của đảng bộ Nghi Lộc dần tạm lắng xuống. Ngày 18/1/1932, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng sa lưới địch. Quãng thời gian cống hiến cho hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh cho Đảng bộ Nghi Lộc trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931 đến đây kết thúc.

Từ năm 1932 đến tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị lưu đày trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của bọn thực dân phong kiến như: nhà lao Vinh, ngục Kon Tum, nhà tù Côn Đảo... Dù ở bất cứ đâu, đồng chí Nguyễn Duy trinh luôn cao khí tiết của người cộng sản Xô Viết Nghệ Tĩnh bất khuất, kiên trung. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã coi nhà tù đế quốc là trận tuyến đấu tranh mới, tổ chức đoàn kết bạn tù đấu tranh, buộc kẻ thù phải giảm bớt chế độ lao tù khắc nghiệt, giành lấy sự sống - sống để về với Đảng, với phong trào cách mạng của nhân dân./.

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1]  Hồi ký đồng chí Võ Mai lưu tại Kho lưu trữ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

[2] Tháng 4/1930, Huyện ủy Nghi Lộc được thành lập , các chi bộ ghép tại Nghi Lộc cũng được hình thành ngay sau đó như: Chi bộ Cổ Đan, Chi bộ Kim Khê, Chi bộ Đông Chử…

[3]  Hồ Chí Minh toàn tập. Tập III (1930 – 1945), NXB Chính trị Quốc gia năm 2000, Tr 71-72

[4] Vùng Nam Nghi Lộc (gọi tắ là Nam Nghi) bao gồm các làng tổng Đặng Xá và các làng nam tổng Kim Nguyên, Nghi Lộc và tổng Yên Trường, Hưng Nguyên (LSĐB huyện nghi Lộc, tr.55)

[5] Ráng đỏ Hồng Lam, NXB Nghệ An 2017, tr.149

[6]  Hồi ký đồng chí Nguyễn Thị Thiu ( 1907 – 1992), quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Cán bộ Giao thông liên lạc của Xứ ủy Trung kỳ năm 1930. HK lưu tại Kho lưu trữ tỉnh ủy NA

[7] LSĐB Nghi Lộc (1930-2010), NXB Chính trị - Hành chính 2013. Tr.67

Video