Hoàng Văn Tâm (1910-1932)

Tác giả: admin
Ngày 2010-04-30 14:53:46

Quê Hoàng Văn Tâm ở Vạn Lộc, một làng nhỏ năm trên bãi biển Cửa Lò huyện Nghi Lộc(nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An. Ông Điểm, cha anh, một nhà nho nghèo nhưng rất khảng khái. Không chịu đựơc cảnh áp bức đè nén của bọn lý dịch, cường hào trong làng nên ông bỏ đất Vạn Lộc lên ngàn kéo gỗ. Hoàng Văn Tâm sinh ra trên đất Kẻ Bọn(huyện Quỳ Châu). Lớn lên giữa núi rừng khoáng đãng, trong sự giáo dục dạy dỗ của người cha cương trực, Hoàng Văn Tâm mang trong người dòng máu bất khuất kiên cường. 

Cha chết, Tâm theo mẹ về quê. Mẹ mất được ít lâu, Tâm lại bỏ làng ra đi. Hết Kẻ Bọn đến Vinh - Bến Thuỷ, Hưng Nguyên về Nghi Lộc...Hoàng Văn Tâm đi khá nhiều nơi, học và làm đủ mọi việc: cắt tóc, may máy, chữa xe đạp, gánh nước thuê...
Chính những ngày sống lưu lạc nay đây mai đó đã giúp Hoàng Văn Tâm hiểu biết thêm nhiều. Nhờ đi lại với anh em thợ thuyền, tiếp xúc với những người trí thức tiến bộ, gặp gỡ các đảng viên Tân Việt, Tâm hiểu thế nào là áp bức bóc lột, thế nào là yêu nước, tự do, vì sao phải vùng lên đấu tranh giành lấy lợi quyền...Ánh sáng cách mạng mở rộng tầm mắt của người thanh niên nghèo khổ, chỉ cho anh một con đường đi mới. 

Năm 1928, Hoàng Văn Tâm bắt đầu tham gia Đảng Tân Việt ngay trên mảnh đất quê hương. Hồi ấy cơ sở cách mạng ở Nghi Lộc còn rất mỏng. Cả huyện chỉ có tám, chín người, Họ thường họp nhau nghiên cứu các loại sách tiến bộ và báo chí của các cụ Huỳnh Thúc Kháng,Ngô Đức Kế...Họ theo học các lớp huấn luyện chính trị, truyền miệng nhau những bài thơ ca cách mạng...Hoàng Văn Tâm được tổ chức phân công gặp gỡ nói chuyện và tổ chức thanh niên khu vực tổng Thượng Xá. Hồi ấy HoàngVăn Tâm mở hiệu may ở ngay làng Vạn Lộc. Anh đã dùng hiệu may này để làm nơi liên lạc của đảng viên Tân Việt. Ngày qua ngày, trai làng thường tụ tập đông đảo ở đây vui chơi, trò chuyện. Khách hàng có người là dân Vạn Lộc nhưng cũng có rất nhiều người làng khác. Họ đến đây không phải chỉ để may vá. Những chiếc quần áo rách, mấy vuông vải chúc bâu họ cầm theo chỉ là cái cớ để gặp Hoàng Văn Tâm. 

Anh đến với họ bằng nhiều con đường. Cuộc sống lạc quan yêu đời, tính khiêm tốn giản dị nhất là những hiểu biết rộng rãi của anh đã có sức hút mạnh mẽ đối với các bạn trẻ trong làng. Anh không thích rượu chè cờ bạc và thường khuyên nhủ các bạn nên tránh xa những cạm bẫy nguy hiểm đó. Gặp gỡ thanh niên trong làng, Hoàng Văn Tâm thường kể cho họ nghe những gương tiết nghĩa của các bậc tiên liệt trong sử sách hoặc bày cho anh chị em những bài hát mới, những bài hát gợi lên trong tuổi trẻ Vạn Lộc lòng tự hào dân tộc: 

                             Làm trai hồ thỉ bốn phương
                             Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng 

Cuộc sống của thanh niên Vạn Lộc đổi thay dần, vui tươi và lành mạnh hơn. Bà con Vạn Lộc yêu quý Hoàng Văn Tâm như ruột thịt. Người ta tin anh, nghe theo những lời anh bàn bạc, chỉ vẽ. Người ta thương yêu che chở cho anh hoạt động ngay trước mũi súng của kẻ thù. Chính nhờ biết dựa vào quần chúng lao động nên gặp khó khăn nào Hoàng Văn Tâm cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức giao. 

Đầu năm 1930, Hoàng Văn Tâm gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và được cấp trên chỉ định vào Huyện uỷ lâm thời Nghi Lộc, phụ trách về ấn loát. Một mình Hoàng Văn Tâm đảm nhiệm từ việc viết, in đến việc phân phối tài liệu. Để che mắt địch, Hoàng Văn Tâm chọn đặt cơ quan in ngay trong nhà thờ họ Hoàng. Ngày ngày, trong ánh sáng mờ nhạt lọt qua khe cửa, Hoàng Văn Tâm miệt mài làm việc không biết mệt. Da anh vốn đã trắng nay lại càng bợt thêm vì thiếu ánh nắng mặt trời. Cái tên “Bạch lạp”(Cây nến trắng) mà các đồng chí đặt cho anh có từ dạo đó. Hàng ngày, từ tay Tâm, từng bó, từng gánh tài liệu, truyền đơn theo chân các đồng chí “dét tê”(giao thông) toả về các thôn xóm, mang tiếng nói của Đảng đến với quần chúng nhân dân lao khổ... 

Đánh hơi thấy hoạt động của Hoàng Văn Tâm, bọn ngũ hương Vạn Lộc rình mò, bám sát từng bước chân của anh. Huyện uỷ quyết định chuyển cơ quan in sang nhà anh Tước, một đồng chí mới được đưa vào làm công tác ấn loát với Hoàng Văn Tâm. Trong một chái nhà nhỏ bé được che chở kín đáo bằng những manh chiếu rách và những tấm vải mỏng, truyền đơn tài liệu của Đảng vẫn tiếp tục được in ngay trước mũi súng quân thù. 

Mùa Thu năm 1930, cùng với đồng bào toàn tỉnh, nhân dân Nghi Lộc đã sống những ngày sôi nổi. Nhiều cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng nổ ra khắp huyện. Truyền đơn xuất hiện như bươm bướm. Phong trào lên cao, Hoàng Văn Tâm và các đồng chí phấn khởi làm việc suốt ngày đêm. Anh còn tranh thủ thời gian cùng các đồng chí gặp gỡ bà con, diễn thuyết tuyên truyền cổ động. 

Ngày 28/9/1930, nông dân toàn huyện Nghi Lộc biểu tình thị uy kéo xuống Cửa Lò để giải thoát cho các đồng chí bị bắt giam. Bọn địch cố thủ trong đồn bắn ra làm nhiều người bị thương và chết. Đoàn biểu tình vẫn xiết chặt hàng ngũ, giữ vững khí thế, tiếp tục tiến lên. Bọn địch tăng cường đàn áp vây lùng khắp nơi. Trong danh sách những người bị truy nã có tên Hoàng Văn Tâm. Xứ uỷ chủ trương bố trí cho Tâm và một số đồng chí khác thoát ly. 

Cuối tháng 9/1930, Hoàng Văn Tâm chia tay với các đồng chí trong huyện uỷ Nghi Lộc, từ giã nhân dân Vạn Lộc để lên công tác ở cơ quan in của Tỉnh uỷ Nghệ An. Ở đây, Hoàng Văn Tâm đã in cuốn “Luận cương chính trị” của Đảng (do đồng chí Trần Phú khởi thảo) bằng phương pháp in thô sơ để phát về các xã. Chữ to, giấy xấu, bản “Luận cương” in xong đóng lại khá dày, không đẹp lắm, nhưng khi viết và in tài liệu quan trọng này, Hoàng Văn Tâm đã dốc hết tấm sức của mình vào từng nét chữ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho. 

Dạo này, vì bọn địch bao vây gắt gao nên snh hoạt kính tế của cơ quan rất chật vật, thiếu thốn. Nhiều ngày, anh em phải ăn cơm với muối hặc có lúc phải nhịn đói. Nhưng chưa khi nào Tâm kêu ca phàn nàn. Anh vẫn hát, vẫn pha trò, vẫn tranh luận, học tập và làm việc say mê. Ngoài nhiệm vụ chính, Tâm còn quán xuyến mọi công việc khác trong cơ quan. Anh lo lắng từ miếng cơm của người khoẻ đến chén thuốc, bát cháo khi có đồng chí bị ốm đau. Anh lo lắng cất dấu tài liệu cẩn mật, phòng khi địch vây ráp. Những lúc tình hình căng thẳng, địch lùng sục ráo riết, Hoàng Văn Tâm vẫn thức suốt đêm canh gác quan để các đồng chí của mình được ngủ yên giấc. 

Đối với Hoàng Văn Tâm, tài liệu của Đảng quý hơn sinh mệnh của người đảng viên. Trong cơ quan in, mỗi sợi thạch, mỗi tờ giấy là xương máu của quần chúng, không dễ một lúc Đảng có thể mua ngay được. Tâm thường kể lại hình ảnh của đồng chí Tước trước lúc hy sinh cho các bạn nghe và nhắc nhở mọi người: “Mình có thể bị bắt, bị hy sinh, song không thể nào để tài liệu của Đảng rơi vào tay kẻ địch được”. 

Một lần, Hoàng Văn Tâm cùng một số cán bộ giao thông đến diễn Châu để mở lớp huấn luyện cách in giấy nến thủ công cho cán bộ ấn loát ở địa phương, đến chợ Dinh(Yên Thành) thì anh bị sa vào vòng vây của bọn lính huyện. Thừa lúc nhốn nháo, Tâm đạp thằng đội ngã nhào xuống ruộng rồi chạy vào trong chợ. Bọn lính hốt hoảng xách súng đuổi theo. Chúng la hét om sòm, bắn chỉ thiên lung tung, nhưng đồng bào đã xô đẩy nhau tìm cách cản chân chúng lại. Hoàng Văn Tâm chạy vòng quanh chợ và trà trộn vào đám đông, thoát ra ngoài. Nhưng anh không muốn thoát một mình, mà bình tĩnh quay lại đường cũ đón đồng chí giao thông và tìm nẻo khác đi đến Diễn Châu an toàn. 

Đầu tháng 3/1931, Xứ uỷ quyết định điều Hoàng Văn Tâm về tăng cường cho phong trào huyện Nghi Lộc. Anh vui mừng trở lại quê hương quen biết, cùng các đồng chí, cùn bà con thân yêu lăn lộn gây dựng phong trào. 

Vừa về đến Nghi Lộc mấy ngày, ngày 26/61931, Hoàng Văn Tâm được mời tới dự cuộc hội nghị mở rộng của Huyện uỷ bàn về việc củng cố phong trào. Anh và một số đồng chí khác mang hương vàng, giả làm người đi giỗ kéo nhau về Xuân Đình (nay thuộc xã Nghi Thạch) để dự họp. 

Do một tên phản bội chỉ điểm, Trần Mậu Trinh, tri huyện Nghi Lộc, cùng tên Tây đồn chợ Xâm đích thân chỉ huy 100 tên lính khố xanh và phu đoàn vây quanh làng Xuân Đình. Các đại biểu về dự họp thấy động tìm cách thoát. Hoàng Văn Tâm nhảy xuống nấp dưới một cái giếng đất gần đó. Một lúc sau, anh từ từ dưới giếng đất nhô lên nghe ngóng tình hình. Không ngờ một tên lính đã trông thấy đầu anh. Nó lao nhanh lại giếng và la hét ầm ĩ. Thấy mình đã bị lộ, Hoàng Văn Tâm nhảy lên bờ giếng tìm lối thoát. Bọn lính và phu đoàn đổ xô lại bắt, anh vùng lên chống cự. Nhưng vì thế cô, anh bị sa lưới! Tuy vậy, Hoàng Văn Tâm vẫn bình tĩnh thuyết phục bọn lính và phu đoàn: Chúng tôi làm cách mạng là để đánh đổ đế quốc và Nam triều, đánh đổ bọn hút máu nhân dân. Các anh cũng bị bóc lột, bị đè đầu cưỡi cổ, vợ con các anh cũng bị đói khổ, cơm không có ăn, áo không có mặc. Lý ra các anh phải ủng hộ cách mạng, sao lại theo chúng nó bắt chúng tôi ? 

Thái độ hiên ngang, đĩnh đạc của Hoàng Văn Tâm khiến bọn lính ngạc nhiên, đứng ngẩn ra nghe. Tri huyện Trần Mậu Trinh xấn vào vả mạnh vào miệng Hoàng Văn Tâm. Anh né người tránh cái tát của hắn, miệng vẫn tiếp tục nói. Vừa tức, vừa sợ, tên Trinh lồng lên như chó dại. Hắn rút súng bắn vào chân Tâm, Hoàng Văn Tâm ngã xuống, mà miệng vẫn hô to: Đả đảo khủng bố, đả đảo Trần Mậu Trinh” 

Tiếng thét căm hờn của anh tác động đến tinh thần binh lính và phu đoàn. Trần Mậu Trinh tái mặt bỏ đi. Hoàng văn Tâm tiếp tục tuyên truyền cách mạng. Anh vạch trần bộ mặt thật của đế quốc, phong kiến, vạch mặt tên tay sai phản dân hại nước Trần Mậu Trinh. Binh lính lắng nghe anh nói. Tên Trinh thấy vậy hoảng sợ, vội xua lính và phu đoàn đi sục sạo trong các bụi tre làng. 

Mặt trời gần đứng bóng, Trần Mậu Trinh sai lính dẫn tất cả về huyện, Hoàng Văn Tâm không chịu đi. Sợ nhùng nhằng lại xảy ra chuyện lôi thôi, Trần Mậu Trinh sai lính bỏ anh lên chiếc võng có mái của hắn để gánh anh đi. Dọc đường Hoàng Văn Tâm cứ bình thản nói chuyện với mấy người lính cáng anh. 

Về đến huyện đường Nghi Lộc, tên Trinh đưa bọn phản Đảng ra nhận diện anh. Thấy mặt bọn này, Hoàng Văn Tâm trợn mắt nghiến răng như muốn nuốt sống mấy tên mặt người dạ thú đó. Bọn phản bội co rúm người lại như bầy cú vọ trước ánh sáng mặt trời. 

Trần Mậu Trinh dùng những ngón đòn hiểm tra tấn Hoàng Văn Tâm. Vớ được cái gì đánh bằng cái đó. Nó đánh anh không chán tay, không cần biết tù nhân sống hay chết. Ngày đánh dập đánh vùi, đêm chúng lại chở anh vào nhà lao Vinh tra điện. Người anh chín bầm như quả bồ quân, áo quần rách bươm dính chặt vào thân mình đẫm máu. Các đồng chí trong lao Vinh mỗi lần đón anh không sao bóc hết những mảnh vải trên người để xoa bóp. 

Nhưng dù bị tra tấn dã man đến đâu, Hoàng Văn Tâm vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. Anh không kêu van một lời, không một tiếng rên la. Giữa tiếng roi vun vút, vẫn nghe thấy tiếng Hoàng Văn Tâm sang sảng vạch mặt địch, nói cho đến lúc giọng khản đặc lại, cho đến khi kẻ thù đánh anh đến chết ngất mới thôi. 

Gần hai tháng trời tra tấn và đã dùng đủ mọi thứ đòn dã man, bọn đồ tể vẫn không sao khuất phục nổi tinh thần của nguời cộng sản trẻ tuổi. Hết tri huyện Trần Mậu Trinh, bè lũ đồn Tây ở chợ Xâm, Khánh Duệ, Song Lộc đến bọn trùm mật thám Pháp ở Vinh như Hum bert, Bi dê...cũng không sao cạy được ở anh một lời khai theo ý chúng. 

Một lần, tên Trần Mậu Trinh căn vặn anh: 

- Ai bày cho bay làm cách mạng? 

Hoàng Văn Tâm dõng dạc trả lời: 

- Cần chi ai bày, bị áp bức nhiều thì phải làm cách mạng. 

Hắn nói: - Bọn bay học đòi cộng sản Xô Nga, nhưng làm chỉ được ...Hoàng Văn Tâm nói thẳng vào mặt Trần Mậu Trinh: 

- Cách mạng Đông Dương nhất định sẽ thắng lợi. Mà không phải chỉ có cách mạng Đông Dương. Cả vạn quốc sẽ vùng lên tiêu diệt hết chúng bay. 

Không làm gì nổi anh, hắn tống anh vào nhà lao, Hoàng Văn Tâm tập tễnh men theo những bờ tường xù xì, lần tới nói chuyện với từng đồng chí bị giam. Giọng nói thân mật, tha thiết của anh đã cổ vũ nhiều anh em giữ vững tinh thần. 

Bọn địch hoảng sợ, cùm riêng anh giữa trại lính lệ. Hoàng Văn Tâm ngồi đó, hai tay bị trói quặt sau lưng, thân hình gầy guộc, tay chân như những ống sậy, vết thương lâu ngày không được chạy chữa ngày càng đau thêm. Nhưng anh vẫn tranh thủ thời cơ, tuyên truyền giác ngộ cho binh lính. 

Ngày qua ngày những câu nói có lý, có tình của Hoàng Văn Tâm thấm dần vào binh lính. Nhiều người đã suy nghĩ trước lòng dũng cảm của người tù chính trị trẻ tuổi. Có người cảm phục ý chí của anh, nghe lời nói phải của anh đã nới tay, không đánh đập dã man như trước. Có người thỉnh thoàng còn dấm dúi chuyển quà bánh cho anh. Bọn hương lý, bang tá chứng kiến những buổi tra tấn Hoàng Văn Tâm cũng đã phải lắc đầu, lè lưỡi: 

- Khiếp thật, người đâu mà gan lạ ! Thật là mình đồng da sắt ! 

Gương bất khuất của Hoàng Văn Tâm vang đi khắp huyện, làm xúc động lòng người. Các bạn tù cùng giam với anh trong lao Nghi Lộc đã làm thơ ca ngợi anh: 

                              Nghi Lộc, Hoàng Tâm đã giỏi thay ! 
                             So ra can đảm dễ ai tày 
                             Mây phen tra tấn lòng không chuyển 
                            Một mực trung thành dạ chẳng lay 
                           Tuyên truyền trước mặt quân thù khiếp
                           Diễn thuyết bên tai bọn lính say
                           Dũng khí xưa nay ai kẻ sánh
                           Nghi Lộc, Hoàng Tâm đã giỏi thay 

Trần Mậu Trinh định khép anh chịu án tử hình. Nó hòng giết anh để uy hiếp phong trào Nghi Lộc. Biết rõ dã tâm kẻ thù, Hoàng Văn Tâm không chút nao núng. Anh vẫn bình tĩnh, vẫn cười hát, vẫn chuyện trò vui vẻ với các đồng chí trong lao, vẫn tỉ tê khuyên nhủ anh em binh lính, nêu cao khí thế anh hùng của người chiến sĩ cách mạng. Hôm Trần Mậu Trinh bắt Hoàng Văn Tâm ký vào bản án do hắn bịa ra, anh đường hoàng cầm cây bút lông viết thâu mấy dòng bác bỏ những lời buộc tội vô lý của hắn. 

Ít lâu sau, Hoàng Văn Tâm bị bọn chúng chuyển vào lao Vinh. Chân Hoàng Văn Tâm lúc này đã khỏi, nhưng thành tật, phải đi nhúc nhắc. Anh được cử vào ban đại biểu của nhà lao, chịu trách nhiệm liên lạc với bên ngoài. Ngoài nhiệm vụ ấy, Tâm còn tích cực dạy văn hoá cho một số đồng chí học ngay trên nền xi măng nhà tù. Và tuy đi đứng khó khăn, Hoàng Văn Tâm vẫn cùng anh em tù chính trị tập những bài võ dân tộc do đồng chí Chu Trang, uỷ viên huyện uỷ Diễn Châu hướng dẫn. Ngày nào cũng vậy, mới mờ sáng, Hoàng Văn Tâm đã khập khiễng đứng lên ôn lại mấy miếng võ mới. Anh viết cuốn tiểu thuyết “Lô Giang - Kiếm Sơn” để động viên anh chị em tù. Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện hai thanh niên nam nữ Lô Giang và Kiếm Sơn cùng tham gia cách mạng. Phong trào tan rã, họ cùng nhau lăn lộn chắp lại mối. Bị bắt, bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, họ vẫn giữ vững chí khí của người cách mạng. Trong nhà tù họ vẫn cố gắng học tập rèn luyện để sau này có thể tiếp tục công tác.... 

Chính phủ Nam triều đã tuyên án tử hình và sắp đưa anh ra pháp trường. Song, Hoàng Văn Tâm không hề nao núng. Anh vẫn hỏi đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa mới bị bắt về tin tức phong trào, về công tác đoàn thể và về những vấn đề chính trị mà anh chưa hiểu. 

Anh khát khao muốn biết được nhiều tình hình bên ngoài và vẫn mơ ước có ngày được trở về hoạt động. Ở người thanh niên cộng sản ấy, niềm tin tất thắng vào tương lai vẫn mãnh liệt như những ngày còn tự do. 

Ngày 19/6/1932, thực dân Pháp và Nam triều Nghệ An giao Hoàng Văn Tâm về cho Trần Mậu Trinh thi hành bản án tử hình. Trần Mậu Trinh đưa Hoàng Văn Tâm về xử bắn tại làng Khánh Duệ, ở bên cạnh làng anh. Đọc xong bản án, Trần Mậu Trinh hỏi Hoàng Văn Tâm: 

- Có muốn nói gì nữa không ? 

Hoàng Văn Tâm rướn cao người nhìn thẳng vào mặt kẻ thù : 

- Muốn giết hết chúng bay. Tao chết sẽ có hàng ngàn hàng vạn người đứng lên đánh đổ chúng bay, chúng bay nhất định sẽ bị tiêu diệt. ! 

Trần Mậu Trinh hốt hoảng quát bọn lính nhét khăn và lấy dây ràng miệng anh lại. Hoàng Văn Tâm quật mạnh, tiếp tục vạch mặt kẻ thù. Bọn lính hối hả đóng hàm thiếc vào miệng anh. Thằng giám binh hấp tấp ra lệnh bắn. Anh từ từ cúi xuống, nhưng bỗng vươn cao đầu dậy. Một tiếng nổ tiếp theo, Hoàng Văn Tâm gục hẳn xuống và vĩnh biệt đồng bào. 

Bà con gạt nước mắt đưa thi hài anh về mai táng dưới chân núi Lò. Nhiều người không ngăn được nước mắt vì phải vĩnh biệt người đồng chí thân thiết. Có đồng chí khi đi qua mộ anh đã viết: 

                            Bên mồ sực nhớ đến người xưa
                           Giọt lệ thương tâm vẫn khó ngừa
                           Chín suối thiêng chăng hồn nghĩa hiệp
                          Thù chung chưa trả hận còn lưa 

Hoàng Văn Tâm đẫ hy sinh oanh liệt, lúc vừa tròn 22 tuổi, nhưng tấm gương kiên cường, dũng cảm của anh vẫn sống mãi với các thế hệ tương lai

Video