Hoàng Trần Thâm (1909 - 1931)

Tác giả: admin
Ngày 2013-11-06 02:36:31

Hoàng Trần Thâm với bí danh là Công, Hứa, sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Đặng Lâm, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là cụ Hoàng Trần Đài, một sỹ phu yêu nước, liên tục tham gia các phong trào chống Pháp từ thời Cần vương, Đông Du, đã từng tìm đến căn cứ của Hoàng Hoa Thám mong được góp sức diệt giặc, là thành viên của tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục. Hai người con trai của cụ Hoàng Trần Đài là Hoàng Trần Liễn và Hoàng Trần Thâm đều trở thành cán bộ cốt cán của Đảng năm 1930-1931.

Dòng họ Hoàng Trần có truyền thống yêu nước và khoa bảng, nhiều người ở các thế hệ đậu đạt, tiêu biểu là các cụ Hoàng Trần Ích, Hoàng Quýnh, Hoàng Văn Hoành, Hoàng Trần Mai…Từ phong trào Cần Vương đến phong trào Đông Du, nhà thờ họ Hoàng Trần vừa là nơi hội họp bí mật và cũng là nơi cất dấu tài liệu của cụ Phan Bội Châu, được bí mật chuyển từ nước ngoài về để tuyên truyền thanh niên đi xuất dương; nơi đưa đón các vị khách quý từ Anh Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đến hội họp để bàn việc nước. Con cháu dòng họ Hoàng Trần đã có tới 23 người tham gia hoạt động Cộng sản.

Truyền thống của quê hương, dòng họ, gia đình đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, sự lựa chọn con đường cách mạng của Hoàng Trần Thâm.
Hoàng Trần Thâm khi nhỏ thông minh, dũng cảm, học rất giỏi và ham đọc sách, nhất là sách của cụ Phan Bội Châu.
Hiểu được tính nết con trẻ, người cha mừng thầm. Ông bỏ tiền mời thầy giáo Võ Xuân Sướng (anh em của cụ Võ Mai, người Diễn Châu là đồ đệ của cụ Phan Bội Châu) về dạy học.

Từ năm 1925 trở đi, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển mạnh dưới sự lãnh đạo của tổ chức Thanh niên, trụ sở của Hội đặt ở hiệu Yên Xuân, xã Lĩnh Sơn. Nhân dân tích tham gia phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan Bội Châu (1925), tổ chức mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), chống sưu cao, thuế nặng giữa phe hộ và phe hào….

Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời năm 1929, các đồng chí các đồng chí Nguyễn Sỹ Sách. Võ mai, Phan thái Ất, Trần Hữu Thiều, Nguyễn Tiềm (tức Quảng) Trần Văn Cung, Nguyễn văn Tạo (tức Chính) và nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng đã về Đô Lương, Anh Sơn gieo mầm cách mạng, xây dựng phong trào, tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng để thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Con em trong dòng họ Hoàng Trần và nhân dân địa phương gia nhập Nông hội Đỏ và Hội Tán trợ, tổ chức mít tinh, biểu tình, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn vào dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (7/11/1929). Nhà thờ họ Hoàng Trần là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng. Hoàng Trần Thâm được các đồng chí giác ngộ đã hăng hái tham gia trong các phong trào đấu tranh.

Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ uỷ Trung Kỳ đã kết nạp Hoàng Trần Thâm vào Đảng trên mảnh đất quê mẹ Đặng Sơn. Sau đó, đồng chí được bầu làm Bí thư Phủ uỷ Anh Sơn.

Cuối tháng 10/1930, diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ Nhất tại làng Đồng Xuân (nay thuộc xã Xuân Tường, Thanh Chương). Xứ ủy Trung kỳ đã phái một đại biểu về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành chính thức của Đảng bộ gồm các đồng chí: Nguyễn Tiềm (Bí thư), Tôn Gia Chung, Nguyễn Sinh Diên, Phan Đình Đồng, Nguyễn Trần Thâm ( Hoàng Trần Thâm), Phan Huy Thường, Trần Thị Minh Châu.

Để xây dựng phong trào, phát triển lực lượng cách mạng, tổ chức đã giao cho Hoàng Trần Thâm về xây dựng và kết nạp đảng viên thành lập ra Chi bộ Bạch Thược tại tổng Đặng Sơn. Phong trào ở phủ Anh Sơn và Tổng Đặng Sơn ngày càng phát triển. Hoàng Trần Thâm được phân công làm công tác tuyên truyền và kinh tài của tỉnh. Đồng chí làm việc quên ăn quên ngủ hôm nay ở huyện này mai đi huyện khác. Để có thêm kinh phí hoạt động cho Đảng, Hoàng Trần Thâm đã xin phép cha bán đi 3 sào ruộng để mua một con thuyền ngược dòng Lam lên miền ngược rồi lại về Vinh nhận công văn chỉ thị cho Đảng, đi phát khắp mọi miền.

Ngày 12-4-1931, trong khi đồng chí đang diễn thuyết tuyên truyền cách mạng tại Hạnh Lâm, Thanh Chương thì kẻ thù đã lén đến bắn trộm. Hoàng Trần Thâm ngã xuống trong tình thương tiếc vô hạn của bà con, đồng chí.
Sau khi Hoàn Trần Thâm mất, Tờ báo Cờ Giải Phóng của Phủ uỷ Anh Sơn có đăng tin buồn và nội dung:“…Đồng chí Hoàng Trần Thâm, tức Công, tức Hứa đã vì cách mạng mà hi sinh, vĩnh biệt đồng chí những người cách mạng sẽ trả thù cho đồng chí và noi gương đồng chí…”.

Mộ đồng chí hiện đặt tại nghĩa trang Truông Cồn Đọi, Đô Lương là địa danh đã đi vào lịch sử phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Nghệ An.
Do những thành tích hoạt động cách mạng của con cháu trong gia tộc họ Hoàng Trần, ngày 5/9/1994, nhà thờ họ Hoàng Trần ở làng Đặng Lâm, huyện Đô Lương đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Trong Di tích Nhà thờ họ Hoàng Trần đã dành riêng một nơi để thờ phụng liệt sỹ Hoàng Trần Thâm.

Video