Hoàng Trần Siêu (1870 - 1949)

Tác giả: admin
Ngày 2013-11-05 01:25:20

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc, Nghệ An đã sinh ra bao anh hùng hào kiệt, danh tướng lương thần. Họ là những người đã nối nghiệp truyền thống đấu tranh oanh liệt của ông cha, trọn đời chiến đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần làm rạng danh cho quê hương xứ Nghệ. Trong số những vị tiền bối yêu nước tiêu biểu đó có cụ Hoàng Trần Siêu và những người con của gia tộc họ Hoàng Trần ở Đặng Sơn.

Hoàng Trần Siêu sinh năm 1870 (có tài liệu ghi năm 1871) tại làng Đặng Lâm, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Hoàng Trần Siêu là hậu duệ đời thứ 10 của tộc phả họ Mạc ở Nghệ Tĩnh, hiệu là Đặng Sinh, bí danh là Hoàng Thúc Siêu, Hoàng Trọng Siêu, Hàn Siêu, Hàn Trần Đặng Lâm.

Dòng họ Hoàng Trần có truyền thống yêu nước và khoa bảng, có nhiều người ở các thế hệ đậu đạt. Cụ Hoàng Trần Ích đậu Cử nhân bổ thụ Đồng Tri phủ phủ Thừa Đông, sau phong Trung thành môn vệ úy, Quả nghị tướng quân dưới triều vua Lê Hiển Tông từ 1763-1770. Lúc bấy giờ có giặc Ai - Lao sang xâm lấn vùng biên cương các Tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, cụ đã chiêu mộ quân lính đi diệt giặc Ai - Lao. Chiến thắng trở về, cụ được vua ban thưởng Bình nhung Đại tướng quân, khi mất được phong Thượng đẳng thần, được dân làng thờ phụng. Cụ Hoàng Quýnh đã hợp tác với cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Thức Tự, Nguyễn Xuân Ôn chống Pháp. Cụ Hoàng Văn Hoành giữ chức Đội trưởng tinh binh, một lòng trung quân, ái quốc. Cụ Hoàng Trần Mai thi đậu, không làm quan, trở về quê bốc thuốc chữa bệnh cho dân và dạy con trẻ đạo đức làm người. Những tấm gương của các bậc sỹ phu hiền tài và các vị quan yêu nước thương dân của xứ Nghệ cùng các bậc tiền bối dòng họ Hoàng Trần đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước và con đường đấu tranh của Hoàng Trần Siêu.

Thân phụ Hoàng Trần Siêu là cụ Hoàng Trần Quýnh (tức Hoàng Trần Tước), thân mẫu là một người phụ nữ đoan trang, đảm đang, giàu lòng nhân ái, hết lòng chiều chồng, thương con và hay giúp đỡ người nghèo trong làng. Ngày 20/8/1898, cụ Hoàng Trần Quýnh đậu nhất Tam trường, được bổ nhiệm làm Chánh tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn. Phó tổng là cụ Nguyễn Văn Thao. Cả hai cụ Chánh và Phó tổng đều có tinh thần yêu nước thương dân và căm thù bọn cướp nước xâm lược.

Năm 1900, sau khi cụ Phan Bội Châu đỗ đầu Giải nguyên trường Nghệ, cụ lên vùng Đặng Sơn liên kết với các sỹ phu yêu nước vùng Anh – Thanh để xây dựng căn cứ ở đồn Bố Lư thuộc địa phận Cát Ngạn của huyện Thanh Chương. Là một Chánh tổng, có điều kiện đi lại các làng xã, cụ Hoàng Trần Quýnh đã cùng các con trai của mình là Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài, hợp tác cùng Phó tổng Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Văn Nhiễu, Trần Sỹ Khoan và một số sỹ phu tổ chức, vận động nhân dân vùng Anh – Thanh ủng hộ cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Đội Quyên và Đội Phấn lãnh đạo.

Năm 1908, cụ Nguyễn Văn Thao bị thực dân Pháp hành hình. Cụ Hoàng Trần Quýnh bị mật thám Pháp lùng bắt ráo riết, sau đó ốm nặng đã qua đời. Thương cha, căm thù quân cướp nước, ông Hoàng Trần Siêu quyết mưu đồ nghiệp lớn.
Năm 1906, Hoàng Trần Siêu đậu Tú tài Nho học khoa Bính Ngọ. Đến năm 1911, ông được ban thưởng Hàn lâm cung phụng. Học tập tinh thần yêu nước thương dân của cha, noi gương các bậc tiền bối trong dòng họ, Hoàng Trần Siêu đã từ chối các chức tước của chế độ phong kiến Nam Triều ban tặng. Ông cáo quan về quê, xin phép cha và bà con trong họ tộc, lấy nhà thờ họ Hoàng Trần mở trường dạy học và đi dạy học ở các trường tại Tổng Đặng sơn và Đô Lương. Mục đích là để mở mang dân trí cho con em trong vùng và vận động nhân dân hai huyện Anh - Thanh hưởng ứng các phong trào Duy Tân và Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng.

Sau khi cụ Phan Bội Châu xuất dương ra nước ngoài hoạt động, tại quê nhà, Hoàng Trần Siêu vừa làm nghề dạy học, vừa đảm nhận công việc vận động, quyên góp và tổ chức đường dây liên lạc cho thanh niên Nghệ An đi xuất dương. Được sự ủng hộ, bảo vệ, che chở của bà con dòng họ và nhân dân làng Đặng Lâm, các ông Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài đã lấy nhà của mình làm nơi ăn nghỉ, nhà thờ họ Hoàng Trần là nơi đưa đón các vị khách quý từ Anh Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đến hội họp để bàn việc nước. Nhà thờ họ Hoàng Trần vừa là nơi hội họp bí mật và cũng là nơi cất dấu tài liệu của cụ Phan Bội Châu, được bí mật chuyển từ nước ngoài về để tuyên truyền thanh niên đi xuất dương và kêu gọi đấu tranh. Đền Tiên Đô trở thành điểm liên lạc bí mật của tổ chức những người yêu nước. Anh em Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài đã phân chia tài liệu và ngụy trang cẩn thận rồi đưa đi phân phát ở các địa phương trong tỉnh. Từ phong trào Cần Vương đến phong trào Đông Du, nhà thờ họ Hoàng Trần và nhà ông Hoàng Trần Siêu là nơi đi về ăn nghỉ của các sỹ phu và những người tham gia phong trào yêu nước chống Pháp như bà Trần Thị Trâm, Hồ Bá Kiện, Thần Sơn Ngô Quảng, Mai Lão Bạng, Đặng Thái Thân v.v…

Đã nhiều thế hệ, gia đình Hoàng Trần Siêu và Hồ Bá Kiện ở làng Quỳnh Đôi có một mối liên kết chặt chẽ, từ chốn quang trường đến các khoa thi cử. Điều đặc biệt là ở những con người của hai dòng họ cùng có một điểm chung giống nhau, đó là tinh thần yêu nước và lòng thương dân. Tình cảm đó đã gắn bó họ lại với nhau, có trách nhiệm khi gặp khó khăn hoạn nạn. Vào năm 1915, sau khi cụ Hồ Bá Kiện lãnh đạo cuộc đấu tranh vượt ngục tại nhà tù Lao Bảo hy sinh. Để tránh sự trả thù của bọn thực dân Pháp, bà Trần Thị Trâm, vợ cụ Hồ Bá Kiện, Hoàng Trần Siêu, Ngô Quảng, đã quyết định đưa Hồ Bá Cự (tức Hồ Tùng Mậu), con trai cụ Hồ Bá Kiện lên ở nhà ông Hoàng Trần Siêu tại làng Đặng Lâm. Các ông Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài đã coi Hồ Bá Cự như con em ruột thịt của gia đình.

Để che mắt kẻ địch, trong thời gian chờ đợi đi xuất dương, Hoàng Trần Siêu đã bố trí Hồ Bá Cự làm thầy giáo dạy học trường làng tại nhà thờ họ Hoàng Trần. Ngoài giờ dạy học, Hoàng Trần Siêu thường cho Hồ Bá Cự cùng đi đến các địa điểm hoạt động của hội ở vùng Anh-Thanh để gặp gỡ liên kết với bạn bè đồng chí là những thanh niên con cháu trong gia đình như Hoàng Trần Thâm, Hoàng Trần Liễn, Hoàng Trần Thấu, Trần Sĩ Chấn (tức Trần Tố Chân) và nhiều thanh niên ở các huyện như Phan Văn Phơn (tức Lê Hồng Sơn), Nguyễn Văn Luyện, Hồ Trớc, Nguyễn Văn Liêm, Bùi Văn Thoại, Lê Đắc Giao. Mai Văn Bạt, Hồ Thái, Trương Văn Thanh (tức Trương Vân Lĩnh), Trương Văn Ba…

Khi tập hợp được số thanh niên ở các huyện, ông Hoàng Trần Siêu cùng bà Trần Thị Trâm, Ngô Quảng, Võ Trọng Đài lại thiết lập đường dây liên lạc từ trong nước sang Xiêm để đưa ra nước ngoài hoạt động. Mỗi lần đi xuất dương, ngoài số tiền vận động quyên góp cho từng cá nhân trong đoàn, ông Hoàng Trần Siêu đều gửi thêm một khoản tiền mà ông đã giành dụm được để giúp thêm kinh phí cho cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa tổ chức hoạt động.

Từ năm 1925 trở đi, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển mạnh dưới sự lãnh đạo của hai tổ chức Tân Việt và Thanh niên. Là một người có học, yêu nước và thức thời, Hoàng Trần Siêu tích cực vận động nhân dân tham gia phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan Bội Châu (1925), tổ chức mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đấu tranh giữa phe hộ và phe hào (1928, 1929). Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời năm 1929, do các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Võ Mai lãnh đạo. Hoàng Trần Siêu đã tích cực vận động con em trong dòng họ và nhân dân địa phương gia nhập Nông hội Đỏ và Hội Tán trợ, tổ chức mít tinh, biểu tình, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn vào dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (7/11/1929).

Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhà thờ họ Hoàng Trần là nơi liên lạc, hội họp bí mật của Đảng. Chỉ riêng con cháu dòng họ Hoàng Trần đã có tới 23 người tham gia hoạt động Cộng sản.Trong số họ tiêu biểu có các đồng chí Hoàng Trần Thâm, Hoàng Trần Liễn, Hoàng Trần Đậu, Hoàng Trần Thấu, Hoàng Trần Phô…

Gia đình Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài không những cung cấp tiền nuôi dưỡng cán bộ ăn ở, lộ phí đi lại hoạt động mà các ông còn bán cả ruộng đất của nhà mình để lấy tiền cho đồng chí Hoàng Trần Thâm mua một chiếc thuyền phục vụ công việc giao thông liên lạc trên dòng sông Lam từ Vinh lên các huyện miền núi Nghệ An.

Nhằm bảo vệ, che chở cán bộ hội họp, hoạt động bí mật tại nhà thờ, Đảng cần có người của tổ chức cài vào hàng ngũ chức sắc của địch ở địa phương. Tổng ủy, Phủ Anh Sơn đề nghị hai đồng chí Hoàng Trần Thâm và Hoàng Trần Liễn (Bí thư Tổng ủy Đặng Sơn) vận động ông Hoàng Trần Siêu nhận chức Chánh hương hội làng Đặng Lâm. Hoạt động nội gián bí mật không thể tránh khỏi tiếng bấc tiếng chì, sự bàn tán dèm pha của quần chúng nhân dân, kể cả sự hiểu nhầm, khinh miệt của bà con anh em cho dòng họ. Nhưng vì lợi ích chung, có lợi cho cách mạng, giúp đỡ cơ sở Đảng dễ bề tổ chức các cuộc vận động đấu tranh, làm bức bình phong che chở cho Đảng hoạt động. Được Đảng tin cậy, Hoàng Trần Siêu đã vượt qua mặc cảm, sẵn sang làm cái vỏ bọc, khôn khéo, bí mật cung cấp cho tổ chức Đảng nhiều tin tức quan trọng từ phía kẻ thù để Đảng.

Khi Xô Viết-Nghệ Tĩnh ra đời, Đảng cần có lúa để cứu đói cho nhân dân. Với kinh nghiệm hoạt động và uy tín của mình, Hoàng Trần Siêu đã tự viết đơn rồi ký vào tờ đơn xin vay thóc, cùng Ban Chấp hành Nông hội đỏ đưa đến nhà địa chủ Cửu Ới và các nhà giàu trong làng để lấy lúa. Bản thân gia đình ông rất gương mẫu để các nhà giàu trong vùng tin cậy mà làm theo.

Mặc dù ông Hoàng Trần Siêu đã hoạt động rất kín đáo, thận trọng, nhưng cũng không thể tránh khỏi sự theo dõi của kẻ thù. Chúng nghi ngờ ông có hoạt động nội gián, đã cung cấp tài liệu mật và những tin tức quan trọng để cách mạng có kế hoạch đối phố. Chúng bí mật cho bọn mật thám rình mò theo dõi, lục soát nhà thờ họ Hoàng Trần để tìm bằng chứng hoạt động của ông. Tháng 8/1931, Hoàng Trần Siêu bị địch bắt tra tấn, tịch biên tài sản và giải về giam tại nhà lao Vinh với tội danh:
“Tham gia hoạt động Cộng sản. Tòa án phong kiến Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 3 năm tù giam và 2 năm 6 tháng quản thúc”. Theo bản án số 182 ngày 10/11/1931.

Ngày 29/4/1932, bản án đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phong kiến Nam triều duyệt y, ông bị giam tại nhà tù tỉnh Nghệ An (nhà lao Vinh).
Trong thời gian bị giam tại nhà lao Vinh, ông Hoàng Trần Siêu luôn giữ vững tinh thần và ý chí. Ông làm thơ, tham gia tờ “báo miệng” do Hồ Tùng Mậu sang lập, luôn nêu gương, động viên, đoàn kết giúp đỡ tù chính trị, tham gia các cuộc đấu tranh, chống lại mọi âm mưu thâm độc chia rẽ nội bộ và chế độ lao tù độc ác, dã man.

Khi Hoàng Trần Siêu ra tù, phong trào cách mạng ở Nghệ An chuyển sang thời kỳ Mặt trận Dân tộc Dân chủ. Trở về quê, Hoàng Trần Siêu tiếp tục giúp đỡ các đồng chí Võ Nguyên Hiến, Ngô Tuân, Nguyễn Thị Xân, Tôn Thị Quế, là cán bộ của Xứ ủy, Tỉnh ủy Nghệ được cử về khôi phục các cơ sở Đảng ở phủ Anh Sơn. Phong trào cách mạng được hồi phục dần, nhân dân tiếp tục đấu tranh đòi các quyền lợi hợp pháp. Ông hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, tổ chức mở các lớp học dạy Quốc ngữ tại nhà thờ họ Hoàng Trần. Năm 1937, ông vận động nhân dân tham gia cuộc mít tinh đón tiếp Gô đa, lấy chữ ký dân biểu.Ông Hoàng Trần Siêu vận động con cháu trong dòng họ và nhân dân quanh vùng hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đoàn kết, hăng hái tham cướp chính quyền, kháng chiến chống Pháp cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi “Tiêu thổ kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông hăng hái vận động nhân dân đi đào hào, đắp ụ, phá đường. Nhà thờ họ Hoàng Trần được ông sửa sang làm kho chứa vũ khí, lương thực để tiếp tế cho các mặt trận. Tuổi cao, chí lớn, ông Hoàng Trần Siêu đã động viên con em trong dòng họ đi bộ đội, dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch. Năm 1947, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân thực hiện “Đời sống mới”, ông Hoàng Trần Siêu rất hồ hởi khi được đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, giao nhiệm vụ mở lớp dạy chữ cho nhân dân, vận động nếp sống văn hóa, chống các tệ nạn của xã hội phong kiến để bảo vệ di tích lịch sử.

Ngày 16/10/1949 (tức 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu), ông Hoàng Trần Siêu đã qua đời trong sự thương tiếc và kính trọng của gia đình, họ tộc, bạn bè và nhân dân quanh vùng.
Với công lao đóng góp của ông Hoàng Trần Siêu, tháng 12 năm 2012, ông được Đảng và Nhà nước công nhận là “ Người có công hoạt động cách mạng”.

Video