Hạnh Lâm – Thanh Chương, địa chỉ đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-05-17 03:56:10

Hạnh Lâm là xã địa đầu của huyện Thanh Chương. Vùng đất này trước đây được mệnh danh là Man Lâm (rừng rậm), về sau được khai phá sớm do nằm trong miền thung lũng sông Giăng. Đây là mảnh đất có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử và đặc biệt là truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Truyền thống đấu tranh giữ làng giữ nước, dũng cảm mưu trí đối mặt với quân thù của nhân dân nơi đây được xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và máu đào của biết bao thế hệ. Chính vì vậy, trên mảnh đất này, mỗi khúc sông, cây đa, bến nước, con đò… đều in những dấu ấn không thể phai mờ.

Nằm trong huyện Thanh Chương – một mảnh đất địa linh, nhân kiệt nên xuyên suốt chiều dài của lịch sử, Hạnh Lâm luôn gắn liền với sự phát triển của Thanh Chương. Đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, mảnh đất này đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu những cuộc đấu tranh sôi nổi, kiên cường của nhân dân.

Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Nghệ Tĩnh, chúng ra sức bóc lột, vơ vét của cải nhân dân bằng nhiều hình thức như: thu hàng trăm thứ thuế, cướp đất, cướp ruộng, nắm độc quyền khai thác lâm thổ sản, rượu, muối, thuốc phiện, bắt nông dân đi lính… Tại Thanh Chương, vấn đề ruộng đất công vốn đã xẩy ra mâu thuẫn, căng thẳng từ lâu đời giữa phe hộ và phe hào, nay lại càng trở nên gay gắt hơn.

Năm 1923, tri huyện Nguyễn Khoa Nghi cho tên Nguyễn Trường Viễn (Ký Viễn) mở đồn điền, mộ phu khai thác đá vôi ở lèn Yên Lạc. Năm 1928, hắn cho rải đá con đường từ chân lèn ra bờ sông để chuyên chở quặng về Bến Thủy, yết bảng cấm nhân dân qua lại. Không cam chịu con đường độc đạo lên vùng bãi trên, bãi chè… dải đất phù sa màu mỡ, nuôi sống biết bao thế hệ bị chiếm đoạt, nhân dân Hạnh Lâm đã đập nát biển cấm của Ký Viễn.. Các vụ xô xát diễn ra hàng ngày. Bà con kéo ra càng đông, chúng tạm thời cho hạ biển, thông đường. Ít lâu sau, dựa vào thế lực của bọn quan lại, hắn được phép khai khẩn 4km đất, lấy 3 hòn lèn đứng sừng sững trước cửa đại ngàn làm trung tâm. Cả vùng đất của làng Yên Lạc và một phần của Hạnh Lâm lọt vào tay Ký Viễn, gây bất bình, phẫn nộ trong nhân dân.

Năm 1929, sau khi Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ được thành lập đã cử đồng chí Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều về bắt liên lạc với cơ sở Hội Thanh niên ở Hạnh Lâm, La Mạc, thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Thanh Chương gồm 7 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Đình Sòng làm Bí thư. Đầu năm 1930, chi Bộ Xuân Tường và Võ Liệt cũng lần lượt ra đời.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ, ngày 20/3/1930 Hội nghị đại biểu các Chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại Võ Liệt. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Thanh Chương gồm các ủy viên: Tôn Gia Tinh (Bí thư), Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế, Trần Trạch, Nguyễn Thốc, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Văn Đồng… Hội nghị đã quyết định chuyển các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Huyện đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương đã mở ra một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới của nhân dân trong toàn huyện nói chung và nhân dân Hạnh Lâm nói riêng.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy Nghệ An ngày 24/4/1930 về việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, Huyện ủy Thanh Chương đã họp bàn kế hoạch treo cờ búa liềm, rải truyền đơn trong toàn huyện, tổ chức mít tinh ở những nơi có điều kiện để diễn thuyết đưa yêu sách đòi quyền lợi cho công - nông.

Ngày 27/4/1930, Tổng ủy Cát Ngạn họp tại Hạnh Lâm bàn kế hoạch tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày 1/5 và vận động quần chúng đấu tranh đòi Ký Viễn trả lại ruộng đất và đường đi cho nhân dân. Nghị quyết của Hội nghị được khẩn trương thực hiện. Tại đây, đảng viên và hội viên Nông hội Hạnh Lâm đã dùng đồ tế khí là những chiếc gươm gỗ thờ thần làm vũ khí thị uy bọn cường hào gian ác. Gươm được cắm trước cửa nhà bọn chúng và được buộc chéo treo lên những cây cao cùng với cờ đỏ búa liềm, bên cạnh viết thêm dòng chữ “Từ hào mục chí thứ dân, không ai được hạ cây cờ này(1 ). Từ 2 giờ sáng ngày 1/5/1930, sau hồi trống phát lệnh tại đình làng Hạ của đồng chí Nguyễn Đình Sòng, bỗng rộ lên tiếng trống ngũ liên và tiếng rao vang lên dọc vùng sông Giăng: “Những ai con Lạc cháu Hồng, sáng mai nghe trống ngoài đình ra đi biểu tình cho sớm”( 2 ) . Với tinh thần đấu tranh sôi nổi, sáng ngày 1/5/1930, gần 3000 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc và Đức Nhuận mang theo giáo mác, cuốc cào kéo về đình làng Thượng nghe đại diện Huyện ủy diễn thuyết về ý nghĩa của ngày Quốc tế lao động và vạch trần tội ác của tên địa chủ Nguyễn Trường Viễn. Sau đó, đoàn biểu tình được chia làm hai đoàn kéo vào đồn điền để gặp Ký Viễn đưa yêu sách nhưng y đã hoảng sợ bỏ trốn. Lòng căm thù dâng cao, nhân dân đã triệt phá toàn bộ dinh cơ của hắn, đồn điền cũng ngập trong khói lửa.

Tinh thần cách mạng lên cao, quần chúng nhân dân tiếp tục kéo xuống Lạc Sơn, đồn điền của Chapagne. Tại đây, tên quản lý hoảng sợ đã đặt hương án, bày cau trầu đứng đợi và bái tạ nông dân, xin trả lại con đường vào rừng qua địa phận đồn điền mà chúng đã chiếm đoạt, xóa bỏ lệnh bắt trâu bò của dân mỗi khi lạc vào rừng của chúng. Tiếp tục kéo về làng, quần chúng đã xông vào nhà địa chủ Hội Tiêng, hoảng sợ tên này cũng đã bày hương án, trầu nước tiếp án và xin trả lại số ruộng Bàu đã bao chiếm. Ngọn lửa Hạnh Lâm đã bùng cháy mạnh mẽ mở đầu cho buổi bình minh Xô viết – Thanh Chương.

Chiều cùng ngày, Chi bộ Hạnh Lâm đã họp bàn kế hoạch tổ chức mít tinh để tuyên truyền thắng lợi và phổ biến kế hoạch đối phó với sự khủng bố, càn quét của địch. Sáng ngày 2/5, khoảng 500 quần chúng Hạnh Lâm đã tổ chức cuộc mít tinh tại đình làng Thượng. Trước phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân Hạnh Lâm, thực dân Pháp đã điều một máy bay từ Vinh lên thám thính tình hình. Ngay ngày hôm sau, Công sứ Pháp và Tổng đốc Nghệ An phái Án sát Nguyễn Khắc Niêm, Thương tá Hồng Quang Địch cùng với tri huyện Thanh Chương là Phan Thanh Kỷ trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp. Bọn chúng đã huy động 100 lính khố xanh từ Vinh và lính ở các đồn Thanh Quả lên, Đô Lương sang, Con Cuông xuống đóng chốt tại đình làng Thượng. Chúng ra lệnh bắt hào lý tập trung dân ra để “hiểu dụ”. Nhân dân đã tập trung ra đình phản đối việc “hiểu dụ” và đòi thả hào lý. Tri huyện Phan Thanh Kỷ ra lệnh giải tán nhưng quần chúng vẫn xông tới trước mặt kẻ thù. Bất chấp sự đe dọa của tên Hồng Quang Địch, từ trong đám đông, đồng chí Nguyễn Uy đã xông thẳng tới trước mặt hắn, xé áo, phanh ngực đối chọi với chúng. Suốt hai ngày đêm hết xoa dịu, dụ dỗ đến hăm dọa, bọn chúng vẫn không sao phá được vòng vây ngày càng khép chặt của 1.500 quần chúng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Lạc Sơn, Yên Lạc. Để mở đường rút, sáng ngày 4/5/1930, bọn chúng đã bắn xả vào quần chúng biểu tình làm 18 người hy sinh, 17 người bị thương.

Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân, tên Ký Viễn không dám trở lại Hạnh Lâm, nhân dân đã tự thực hiện những yêu sách của mình. Nhiều làng xã lân cận cũng đã quyên tiền, thóc gạo trợ giúp những gia đình có người hy sinh và bị thương. Cũng sau cuộc tàn sát đẫm máu này, thực dân Pháp đã tổ chức các cuộc truy lùng ráo riết, bắt bớ, tù đày và bắn xâu táo nhiều người hòng dập tắt phong trào. Ở Hòa Mỹ, chúng bắt và bắn một lúc 5 chiến sỹ cách mạng là Nguyễn Văn Trữ, Trần Văn Trân, Trần Văn Ty, Trần Văn Đước, Trần Văn Quỳnh. Cảm kích trước những tấm gương oanh liệt của các chiến sỹ, nghĩa sỹ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng kẻ thù, Giải nguyên Nguyễn Văn Chính (thân sinh đồng chí Nguyễn Côn – Chủ tịch đầu tiên của Huyện, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) đã soạn bài văn tế Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm với những lời văn hùng tráng, mang hơi thở của các nghĩa sỹ trận tiền.

“ Than niệm rằng:

…Ầm ầm một tiếng, sấm thiêng đánh nổ ngọn Kim Nhan

Cuộc cuộc năm công, lụt máu lũng xiêu hồn đỗ vũ

Dây oan nghiệt đã già tay trói buộc, lắm nỗi bất bình;

Xác trần hoàn chưa vẹn kiếp phù sinh, ấy hồn bất tử…”(3)

"Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm" là một tư liệu quý minh chứng lòng cảm phục của mọi tầng lớp nhân dân, bao gồm cả các nhà khoa bảng, chí sỹ đương thời đối với các chiến sỹ cộng sản và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 5/5/1930, Chi bộ Đảng và Nông hội ở Hạnh Lâm tiếp tục tổ chức mít tinh, phát động quần chúng nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới bất chấp sự khủng bố của kẻ thù.

Từ tháng 6 đến cuối tháng 8/1930, nhân dân Hạnh Lâm cùng với nhân dân nhiều địa phương trong toàn huyện đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ đòi trả lại ruộng đất, tổ chức biểu dương lực lượng, trấn áp bọn phản cách mạng, đòi trả lại tiền công quỹ, tiền hào lý thu lạm và khuất sưu, hoãn thuế... khiến kẻ thù hoang mang, lo sợ. Như vậy, ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Hạnh Lâm bùng lên cùng với cuộc biểu tình của công, nông Vinh - Bến Thủy và học sinh Tiểu học Pháp – Việt Thanh Chương trong ngày 1/5/1930 là mốc mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 tại Thanh Chương nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung.

Mặc dù bị đàn áp dã man nhưng thành quả của những cuộc đấu tranh trong những ngày tháng 5 lịch sử tại Hạnh Lâm có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ giành lại ruộng đất, trâu bò cho quần chúng nhân dân mà còn khiến cho kẻ thù không dám coi thường dân chúng. Tinh thần đấu tranh quả cảm của các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh nói chung, của nhân dân Hạnh Lâm – Thanh Chương nói riêng là tấm gương cho các thế hệ học tập noi theo như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “…Tinh thần anh dũng của nó luôn nồng nàn trong tâm hồn quần chúng và nó đã mở đường cho những thắng lợi về sau” (4)

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo Tàng XVNT

Chú thích:

1, 2. Lịch sử Đảng bộ Huyện Thanh Chương 1930-1975, NXB Chính trị Quốc gia, 2005, tr 58.

3. Thanh Chương xưa và nay, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr 168.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tr.115

Video