Hà Sâm (1909- 1990) Bí danh: Bằng

Tác giả: admin
Ngày 2010-04-16 07:24:35

Đồng chí Hà Sâm tên thật là Nguyễn Hà Sâm, sinh ngày 10/2/1909 ở một làng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Đấy là làng Dương Liễu(nay là xã Nam Trung), tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Xã Nam Trung là hình ảnh của tổng Nam Kim xưa được sử sách ghi chép lại là một vùng văn hiến của Xứ Nghệ. 

Trước mặt xã Nam Trung có dòng sông Lam trong xanh chảy dài từ cuối xã Kháng Sơn cho đến đầu cầu Yên Xuân, trên đường sắt Bắc Nam. Sau lưng là xã Đông Sơn(núi Đông, còn gọi là Rú Hốc) là ngọn núi cuối cùng của nhánh phía Đông của dãy Thiên Nhẫn, dừng lại nơi đất làng Dương Liễu, còn gọi là núi “Đầu Voi”. Là một xã lớn nằm ở hữu ngạn sông Lam, xã Nam Trung được các nhà nho uyên thâm ví von bằng hình tượng: “Thanh gươm bên yên ngựa” của núi Thiên Nhẫn, “Nghìn ngựa ruổi ròng”( Thiên Mã xu trào), “Cánh cung chinh chiến”, “Bán đảo sông Lam”; “Lò lửa mùa hè”; “Hồ nước lớn mùa mưa lũ”...Thật là một vùng quê phong phú, đa dạng, vừa khắc nghiệt, vừa độ lượng và rất nên thơ. 

Hình ảnh quê hương gắn sâu vào trí nhớ tuổi thơ của cậu bé Hà Sâm, nơi cậu vùng vẫy bơi lội trên sông Lam, bẻ lau làm cờ tập làm quân của Đinh Bộ Lĩnh đánh giặc Tống trên núi Đông, Thiên Nhẫn... 

Cậu bé Hà Sâm là người mẫn tiệp, được học chữ Nho từ nhỏ ở gia đình và các thầy đồ ở làng nên sớm làu thông sử sách và truyền thống của quê hương. Quê hương “Nhân kiệt” có biết bao nhiêu tấm gương hiếu học, lập nên nhiều kỳ tích trong lịch sử nước nhà và địa phương. Dòng họ Nguyễn Trọng danh tiếng nổi lên một thời vì có ba vị đậu Tiến sĩ, 5 lần đi sứ: “Tinh trung vị quốc, dân quán Nam Bắc triều”: Nguyễn Trọng Thường - đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, làm quan đến Đông các Đại học sĩ, Thượng sĩ bộ Công, hai lần được cử đi Bắc sứ, được tặng Quận công, Trụ quốc thượng trật. Nguyễn Trọng Đường đậu Tiến sĩ năm Kỷ Hợi, làm quan Kim hoa điện Đại học sĩ, Đặc tiến Kim tứ Vinh lộc đại phu, Đốc học trấn Sơn Nam, được cử đi sứ Thanh. Nguyễn Đương, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, làm quan Hà lâm Viện Thị độc, Lạp Sơn hầu, Đặc tiến Kim tứ Vinh lộc đại phu, lại được cử đi sứ Thanh. Những chuyện hay về trí thông minh, giỏi biện luận đối đáp, giữ vững được quốc thể của các bậc đại phu khi đi sứ, đã giúp ích rất nhiều cho Hà Sâm trong những năm tháng hoạt động bí mật, hoặc công khai, hoặc khi hoạt động ở nước ngoài... 

Nam Trung còn nổi tiếng với các danh nhân, nhân vật khác: tiến sĩ Tống Tất Thắng, làm quan đến Hành khiển(Tể tướng); Tiến sĩ Nguyễn Thiện Chương, thi đậu và làm quan Ngự sử khi mới 18 tuổi, vì can vua mà vua không nghe lời nói thẳng, nên từ quan về quê ở ẩn; Giải ngyên, Đình nguyên - Thám hoa Nguyễn Văn Giao; Giải nguyên – Đình nguyên Nguyễn Hữu Lập; Tiến sĩ Lê Bá Hoan; Giải nguyên Lê Bá Đôn; Phó bảng Nguyễn Tư Tái; Tiến sĩ võ Nguyễn Nhân Mỹ...Nhứng tấm gương tiêu biểu ấy của quê hương, luôn luôn là động lực khích lệ lớp tuổi trẻ như Hà Sâm, vươn lên trong học tập và mong lập được công danh cho đất nước. 

Từ năm 1920 Nguyễn Hà Sâm được học chữ Quốc ngữ ở trường tổng rồi vào học ở Quốc học Vinh. Từ năm 1925 Nguyễn Hà Sâm đã cùng các bạn cùng quê hương như Nguyễn Tiềm, Nguyễn Hoàng tham gia phong trào yêu nước, như đòi thả cho cụ Phan bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh...
 
Năm 1927, cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội phát triển ở các tỉnh Trung Kỳ, Tiểu tổ Hội ở Kim Liên(Nam Đàn) là một trong những tiểu tổ được thành lập sớm của Tỉnh bộ Hội ở Nghệ An. Từ Tiểu tổ này, cơ sở Hội được phát triển rộng ra các xã trong huyện Nam Đàn như: Thanh Thuỷ, Đan Nhiệm, Thanh Đàm, Đông Liệt, Dương Liễu...Đồng chí Hà Sâm đã được kết nạp vào Sinh hội của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội trong thời gian này. Đồng chí đã tích cực, sôi nổi tham gia phong trào hoạt động cách mạng, đặc biệt là trong những năm 1930-1931. 

Vào giữa tháng 5/1930, làn sóng tổng đình công của công nhân các nhà máy ở thành phố Vinh- Bến Thuỷ lan rộng ra và chuyển sang thời kỳ đấu tranh quyết liệt. Huyện uỷ Nam Đàn đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Công hội Vinh truyền: “Lời báo cần kíp” đến với các tầng lớp nhân dân để ủng hộ phong trào đình công của công nhân. Đồng chí Hà Sâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vì tích cực hoạt động và được cử làm Bí thư chi bộ. Đồng chí đã ra sức đi vận động quần chúng quyên góp tiền gạo ủng hộ các công nhân tham gia đình công; vận động nhân dân biểu tình, tiếp tục đòi chính quyền thực dân Pháp và phong kiến: “Xoá bỏ các thứ sưu thuế, thả hết những người bị bắt trong đấu tranh, không được đàn áp, bắn giết dân biểu tình; bồi thường cho gia đình những ngườii bị nạn; tự do bãi công, biểu tình hội họp..”
Sáng ngày 30/8/1930: 

Truyền đơn rải khắp mọi nơi
Trống rung, chuông giục, mõ vang liên hồi
Mỗi người một chiếc thước dài
Dân ta như kiến động trời gần mưa... 


Ngày 12/9/1930, đồng chí Hà Sâm đã lãnh đạo chi bộ, vận động nhân dân Dương Liễu hoà vào đoàn biểu tình của hàng nghìn nông dân tổng Nam Kim, giương cao cờ búa liềm mang theo gậy tày, tay cuốc, tay thước rầm rập vượt sông Lam, sang tập trung ở ga Yên Xuân cùng với nhân dân Hưng Nguyên tham gia cuộc biểu tình đưa yêu sách cho tri phủ. 

Chính quyền thực dân và tay sai hoảng sợ đã cho máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và hơn 100 người bị thương. 

Lửa căm thù giặc càng bốc cao, nhân dân huyện Nam Đàn và hai tỉnh Nghệ An –Hà Tĩnh đã vùng lên lật đổ chính quyền địch ở nhiều thôn xã, thành lập các “xã bộ”(chính quyền Xô Viết), tổ chức nhân dân vào các hội quần chúng cách mạng, tổ chức mít tinh, biểu tình, xây dựng tự vệ Đỏ, tuyên bố xoá thuế, chia ruộng đất cho dân nghèo, tổ chức học chữ quốc ngữ, xoá bỏ mọi thủ tục phong kiến lạc hậu... 

Sang năm 1931, chính quyền thực dân và phong kiến tay sai tập trung đàn áp dã man phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồn binh của giặc dựng lên khắp nơi nhằm kiểm soát gắt gao và lùng bắt các đảng viên cộng sản và những quần chúng tích cực trong phong trào. Đồng chí Hà Sâm cũng bị địch bắt về tội hoạt động cộng sản. Đồng chí bị giam tại nhà lao Vinh cho đến năm 1934 thì được thả. 

Năm 1935, sau khi ra tù, đồng chí Hà Sâm liền bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 20/ 9/1936 đồng chí Hà Sâm cùng các đồng chí Phạm Nghiêm, Nguyễn Gia, Lê Văn Thông(Vân Diên), Nguyễn Hữu Thái(làng Thanh Thuỷ) là những đảng viên 1930-1931 vừa được ra tù ...thay mặt nhân dân Nam Đàn đi dự cuộc họp “Đông Dương Đại hội” toàn tỉnh tại hội trường Quảng Trí ở thành phố Vinh để đưa các nguyện vọng của nhân dân trao cho phái viên của chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp chuẩn bị sang Đông Dương điều tra tình hình. 

Để khôi phục Đảng bộ và phát động phong trào “Đông Dương đại hội”, tỉnh uỷ Nghệ An cử đồng chí Nguyễn Đức Dương về Nam Đàn tổ chức hội nghị bầu ra Huyện uỷ lâm thời. Hội nghị được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Nghiệm (làng Đan Nhiệm, tổng Xuân Liễu) bầu ra Huyện uỷ lâm thời gồm ba đồng chí: Nguyễn Gia, Phạm Nghiêm và Nguyễn Hà Sâm, đồng chí Nguyễn Gia làm Bí thư. 

Sau phong trào “Đông Dương đại hội” Huyện uỷ lâm thời lần lượt khôi phục lại các chi bộ Đảng. Chi bộ làng Dương Liễu (bao gồm các làng trong xã Nam Trung) do đồng chí Hà Sâm làm Bí thư. 

Tháng 3/1938, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn được tổ chức tại nhà ông Trần Nguộn (làng Nhạn Tháp) với sự tham gia của 10 đại biểu đại diện cho 10 chi bộ Đảng. Tại Đại hội, đồng chí Hà Sâm được bầu vào Huyện uỷ và trúng cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh (tháng 4/1938) cùng đồng chí Nguyễn Gia. 

Một thời gian ngắn sau Đại hội, đồng chí Hà Sâm được bổ sung vào Tỉnh uỷ và làm Bí thư Tỉnh uỷ thay đồng chí Lại Văn Bút. Với cương vị là Bí thư đồng chí Hà Sâm đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Đồng chí đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chính sách mới của Đảng ở các huyện Đảng bộ, kêu gọi quần chúng quyên góp tiền bạc giúp đỡ nhân dân Trung Hoa chống Nhật; việc thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ vận động quần chúng chống “dự án tăng thuế”do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, định đem thông qua Viện dân biểu Trung Kỳ. Trước khi Viện dân biểu Trung Kỳ họp, các tổ chức quần chúng đã gửi nhiều bưu điện và bản dân nguyện có hàng ngàn chữ ký lên Toàn quyền Đông Dương. Yêu sách trong các bản nguyện vọng có mấy điểm chủ yếu: “ Mở rộng quyền của Viện dân biểu; Tổng đại xá chính trị phạm và bỏ chế độ quản thúc đối với người đã được tha; ban bố quyền tự do dân chủ và triệt để thi hành luật lao động; giảm thuế ruộng đất, sửa lại thuế thân cho dân nghèo; bỏ chế độ độc quyền về rượu, muối, cho tự do mở trường tư thục; mở các lớp dạy quốc ngữ và lập phòng đọc sách báo”. 

Nhân việc đồng chí Siêu Hải (tức Nguyễn Nhật Tân) nguyên Bí thư Khu uỷ Vinh bị giặc Pháp bắt tra tấn và ốm chết, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo vận động tổ chức một đám tang rất lớn(ngày 27/8/1939) với sự tham dự của hàng ngàn nhân dân thành phố Vinh- Bến Thuỷ. Đám tang của đồng chí Siêu Hải đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng lớn của công nhân, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

Từ ngày 9 đến ngày 11/9/1939, Tỉnh uỷ Nghệ An đã họp tại làng Phù Xá, tổng Thông Lãng, huyện Hưng Nguyên, đề ra Nghị quyết mới cho phù hợp với phong trào cách mạng. Đó là Nghị quyết củng cố về tổ chức nội bộ, tổ chức quần chúng, vấn đề phòng thủ quốc gia, về vận động hội đồng dân biểu. Nhưng chỉ một ngày sau cuộc họp, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra lệnh cấm hội họp, cấm tuyên truyền, cấm lưư hành các sách báo tiến bộ...Phong trào dân chủ chấm dứt từ đây. 

Thực dân Pháp tăng cường trấn áp phong trào cách mạng. Chúng bao vây lùng bắt hàng cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực( chỉ tính từ tháng 9 đến tháng 12/1939 đã có 258 người bị bắt giam). Đồng chí Hà Sâm cũng bị địch bắt trong đợt khủng bố này. Từ năm 1940 đến 1945, thực dân Pháp đã chuyển đồng chí Hà Sâm hết nhà lao này đến nhà lao khác( Đak lay, Dak to..) 

Sống trong chế độ lao tù hà khắc, đồng chí Hà Sâm đã anh dũng chịu đựng mọi cực hình tra tấn, đày đoạ nhưng vẫn luôn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Bà Nguyễn Thị Mười, vợ đồng chí Hà Sâm, trong những ngày chồng bị giam ở lao Vinh đã tần tảo lo chạy chợ, gom góp từng đồng xu lo việc gia đình và còn mua cá khô đem tẩm nước mắm để tiếp tế cho chồng và các bạn tù của chồng. Bà khóc thương chồng khi thấy chân tay chồng bị giặc dùng kẹp tre tra tấn đến sưng nát. Ông thường phải động viên an ủi bà và còn tặng bà chiếc áo gối có thêu trái tim đỏ và đôi chim hoà bình do tự tay mình thêu. Bà cảm động ôm ấp chiếc gối trong những đêm thanh vắng, vò võ nhớ thương chồng. ông ở trong tù đa xngâm thuộc lòng những câu thơ thương nhớ vợ: 

Thương ai má phấn xanh đôi mắt,
Giữ tấm lòng son bạc cả đầu. 


Bà Mười cũng tham gia cách mạng, làm liên lạc cho tổ chức, nên cũng bị mật thám Pháp bắt. Chúng ta tấn bà, dẫm cả giày đinh lên người bà. Bà bị bệnh nặng và mất năm 1944. Con trai đầu của đồng chí Hà Sâm là Nguyễn Hà Cảnh đã tiếp tục sự nghiệp của người cha, tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chống Mỹ, lập được nhiều chiến công. 

Ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Hà Sâm cũng như nhiều tù chính trị được thả, họ chạy tản vào rừng và theo từng nhóm tìm đường trở về quê hương. Về đến quê hương, đồng chí Hà Sâm liền bắt liên lạc với cơ sở cách mạng và tích cực tham gia vào Mặt trận Việt Minh của huyện Nam Đàn. 

Ngày 8/8/1945, Ban vận động Việt Minh liên tỉnh triệu tập Đại hội để thảo luận kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa theo chỉ thị của Trung ương: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. 

Nhận được lênh, Việt Minh Nam Đàn triệu tập hội nghị cán bộ tại đình Lương Giai(nay là xã Nam Tân), cử ra Uỷ ban khởi nghĩa của huyện và phát động khởi nghĩa. Đồng chí Hà Sâm được cử làm Uỷ viên uỷ ban, phụ trách công an. 

Sáng ngày 23/8/1945, dưới sự chỉ huy của Việt Minh, hàng vạn nông dân các làng, xã trong huyện Nam Đàn nhất tề đứng dậy, giương cao cờ đỏ ssao vàng kéo đến thị trấn Sa Nam khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện. Tri huyện Nam Đàn Nguyễn Đức Hàn bị bắt và giao nộp triện bạ, giấy tờ sổ sách cho cách mạng. 

Để bảo vệ thành quả của chính quyền cách mạng mới giành được, TỈnh uỷ chỉ thị cho các huyện lo việc tổ chức tốt lực lượng tự vệ, an ninh từ làng xã đến huyện, tỉnh. Đồng chí Hà Sâm được giao trọng trách quan trọng là Trưởng Công an liên huyện Nam đàn, Thanh Chương và Anh Sơn. Công việc khó khăn, nặng nề, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, với uy tín và đầu óc tổ chức tốt ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: xây dựng được lực lượng nòng cốt, giữ vững an ninh, ổn định chính trị cho cả ba huyện. 

Năm 1947, đồng chí Hà Sâm được cử làm Bí thư huyện uỷ Hưng Nguyên và kiêm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh liên huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh. Đến năm 1948, đồng chí được điều lên làm trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An. 

Do hậu qủa của nạn đói năm 1945- 1946 mà chế độ thực dân Pháp và phát xít Nhật tàn bạo gây nên, nhiều người dân ở các tỉnh Bắc miền Trung đã tản cư sang Lào, Thái Lan sinh sống. Đặc biệt là ở Thái Lan có rất đông Việt kiều quê ở Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Thái Lan từng có Trại Cày là cơ sở của phong trào Duy Tân và các tổ chức yêu nước cách mạng từ trước năm 1930. Thái Lan cũng là trung tâm quân sự chính trị có trụ sở của nhiều nước tư bản, thực dân, đế quốc đang dòm ngó và lăm le nhảy vào chống phá cách mạng các nước ở vùng Đông Nam Châu Á. Do tính chất quan trọng đó mà Trung ương Đảng đã quyết định cài cắm các cán bộ có năng lực, trung kiên để xây dựng cơ sở cách mạng và cơ sở tình báo ở Thái Lan. 

Cuối năm 1949, đồng chí Hà Sâm được lệnh của Trung ương triệu tập ra gấp Hà Nội, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Hà Sâm và 3 đồng chí khác, trong đó có đồng chí Cao Hồng Lãnh(sau làm Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương) và Hoàng Tùng(sau là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) sang Thái để xây dựng cơ sở và đấu mối liên lạc. Sau một thời gian gây dựng được cơ sở ở các tỉnh, với đường dây liên lạc thông suốt, thì “bộ tứ” dự kiến sẽ tổ chức Đại hội Đặc uỷ toàn Thái vào đầu năm 1950. Đại hội đã bầu đồng chí Hà Sâm làm Bí thư Đặc uỷ Việt kiều tại Thái Lan. Đồng chí liên tục được tín nhiệm bầu vào cương vị này 4 nhiệm kỳ Đại hội(1950-1967). 

Để giữ hoàn toàn bí mật, đồng chí Hà Sâm không dùng họ tên thật mà lấy tên là Bằng để hoạt động ở Thái Lan. Tổ chức đã quan tâm tới việc lập gia đình cho ông ở Thái Lan. Cuối năm 1949, một đám cưới bí mật được tổ chức cho đồng chí Hà Sâm và bà Đặng Thị Thu. Bà Thu quê ở Quảng Trị, có một em gái là bà Đặng Tám Giang cũng được giới thiệu cho đồng chí Cao Hồng Lãnh. Ở trong hoàn cảnh phải giữ bí mật, ông Hà Sâm rất ít khi được gặp mặt vợ con. Con trai của ông và bà Thu là Hà Minh Đức mãi lên 6 tuổi mới được gặp cha và đến năm 1961 mới được ở với cha ít ngày tại cơ sở Bản Mạy, tỉnh Na khon pha nôm. Cơ sở cách mạng này đã từng nuôi cán bộ, bảo vệ ông “Thầu Chín”(tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ hoạt động tại Thái Lan). Những năm 1960- 1967, Bản Mạy bị chính phủ Thái Lan cho quân bao vây, cô lập bằng hệ thống rào thép gai tạo thành một vành đai trắng với nhiều đồn bốt kiểm soát gắt gao nhũng người qua lại nơi này. Ngày nay cũng chính tại nơi nàylại được chính Thủ tướng Thái Lan ra quyết đinh cho xây dựng một khu lưu niệm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một công trình văn hoá thể hiện lòng tôn kính Bác Hồ của Việt kiều và nhân dân Thái cũng là vun đắp tình cảm, tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam –Thái Lan. 

Cuộc đơi hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Sâm tại Thái Lan thật gian lao vất vả, nhưng đồng chí tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của dân tộc. Trong quảng thời gian hoạt động ấy, có lần đồng chí về nước nhận nhiệm vụ mới rồi quay trở lại Thái để chỉ đạo. Khi đồng chí còn chần chừ chưa muốn đi, thì đồng chí được Bác Hồ mời đến ăn cơm thân mật tại nhà Bác ở Phủ Chủ tịch. Mọt bữa ăn thật giản dị, chỉ có mấy món canh cá, tương, cà đặc sản quê hương xứ Nghệ nhưng làm cho ông nhớ mãi không bao giờ quên. Ăn cơm xong, Bác lấy dao cắt đôi quả cam để tráng miệng, Bác đưa cho đồng chí Hà Sâm một nửa, còn một nửa Bác cầm trên tay và nói với ý là: 

Đất nước ta đang còn bị chia cắt, Bác và chú và cả dân tộc cần phải đấu tranh mạnh hơn nữa, mới có thể thống nhất được nước nhà. Nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó cho chú thật nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. 

Thế là đồng chí Hà Sâm lên đường sang Thái ngay với một tinh thần mới, với một quyết tâm sắt đá để góp sức mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước. 

Đầu năm 1967, đồng chí Hà Sâm được điều về nước nhận nhiệm vụ mới ở Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, với chức vụ Phó Vụ trưởng. 

Con trai đồng chí Hà Sâm là Hà Minh Đức, tiếp tục sự nghiệp của cha ở lại Thái hoạt động cho đến ngày Hiệp đinh Pa ri được ký kết (1973). Anh được tổ chức rèn luyện ngay từ khi còn trẻ tuổi và được giao nhiệm vụ quan trọng, giữ nhiều đầu mối liên lạc của Đảng. Năm 1971 anh được Trung ương Tổng hội Việt kiều cấp chứng nhận “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Nhiều báo chí chính quyền Thái đã đăng hình anh Đức ở trang 1, cùng lệnh truy nã với số tiền thưởng rất lớn cho ai khai báo hoặc bắt được anh. Nhờ sự che chở, đùm bọc của Việt kiều và nhân dân Thái mà anh Đức được an toàn trong lòng địch từ năm 1969- 1973. 

Ngày 10/6/1973, chiếc xe Com măng ca đưa anh Hà Minh Đức và đoàn cán bộ từ Thái trở về đến Tổ quốc. Tại nhà khách số 1, phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, các bạn hữu lão thành cách mạng của đồng chí Hà Sâm và gia đình cảm động chứng kiến cảnh cha con đồng chí Hà Sâm ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi trong tiếng gọi nghẹn ngào “Ba, ba..” của anh Đức. Sau 18 năm anh Đức mới thật sự được gần gũi nói chuyện thoả thuê với người cha đã cao tuổi- ở tuổi tóc đã bạc phong sương. Anh cũng mới biết được họ tên thật của cha mình là Nguyễn Hà Sâm. 

Năm 1979, đồng chí Hà Sâm được nghỉ hưu và ở tại khu tập thể Thành Công Hà Nội. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Hà Sâm bị bệnh mất tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô và đựoc an táng tại nghĩa trang Mai Dịch với tang lễ thật long trọng do Ban Tổ chức Trung ương cử hành. 

Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương do Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, nguyên Viện trưởng Viện Mác - Lê nin đọc, có đoạn: 

“Đồng chí Hà Sâm bị bệnh nặng, được các đồng chí giáo sư, bác sĩ, y tá, hộ lý và cán bộ nhân viên bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô tận tình cứu chữa và chăm sóc, nhưng vì tuổi cao sức yếu, đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta lúc 18 giờ 55 phút, ngày 10/2/1990. 

Đồng chí đã được Đảng tặng Huy hiệu 50 tuổi Đảng; Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. 

Suốt cuộc đời mình, đồng chí Hà Sâm đã trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân. Đồng chí là một cán bộ cách mạng trung kiên, luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản, là một tấm gương về cuộc sống liêm khiết, giản dị”. 


“Vô cùng thương tiếc anh Hà Sâm”, là đầu đề của một bài thơ mà ông Nguyễn Tư Lộc đã thay mặt cho gia quyến, ngoại tộc tổng kết tám mươi mốt năm cuộc đời một con người cộng sản qua mấy câu thơ như sau: 

“Anh đã sống như gốc cây đại thụ
Toả bao cành đứng trụ không gian
Cả cuộc đời hơn tám mươi năm
Anh đã sống- một người cộng sản”

Video