Hà Huy Tập - nhà cách mạng chuyên nghiệp Một tấm gương cộng sản kiên t rung

Tác giả: admin
Ngày 2011-04-22 06:51:52



Hà Huy Tập ( còn có tên, bút danh là Hà Huy Kiêm, Ba, Xinhitxkin, Hồng Thế Công, Josep Marat, Thanh Hương…) sinh ngày 24 tháng 4 năm 1906 trong một gia đình Nho học có nguồn gốc nông dân, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Cha là Hà Huy Tường, tuy đậu cử nhân nhưng không ra làm quan phục vụ chế độ thực dân phong kiến mà ở nhà dạy học và bốc thuốc cứu giúp dân nghèo. Mẹ là Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó, suốt đời hy sinh vì chồng, vì con.
Thuở nhỏ Hà Huy Tập là một cậu bé có tư chất thông minh, được cha truyền dạy những tri thức Hán học tại nhà, sau đó để tạo điều kiện cho con tiếp thu những tư tưởng mới, tri thức mới, ông đã cho con theo học tiểu học ở quê nhà và trường kiêm bị Pháp – Việt tại thị xã Hà Tĩnh. Nhận được tấm bằng Certificat, Hà Huy Tập thi đậu vào Trường Quốc học Huế, ngôi trường danh giá nhất xứ thuộc địa Đông Dương lúc bấy giờ. Với sự thông minh xuất chúng và đức cần cù, chịu khó, anh đã tốt nghiệp loại giỏi Trung học đệ nhất cấp, lấy bằng Diplôme ( Thành Chung) vào năm 1923. Lẽ ra, với khả năng của mình, anh còn có thể tiếp tục học cao hơn nữa, nhưng anh đã không đi theo con dường vinh thân phì gia theo thói thường mà dấn thân vào đời để theo đuổi lý tưởng xã hội của mình.
Năm đó, anh được phân vào dạy tại Trưởng Tiểu học Nha Trang, Khánh Hòa. Với nhiệt tình tuổi trẻ, anh đã ra sức truyền dạy tri thức cũng như nhiệt huyết yêu nước và tinh thần dân tộc cho các em học sinh. Ngoài ra anh còn đứng ra tổ chức các lớp học dạy chữ quốc ngữ cho tầng lớp công nhân và những người lao động nghèo khổ, chính điều này đã giúp cho anh hiểu rõ về thân phận tôi đòi cũng như tinh thần yêu nước luôn cuộn chảy trong lòng họ. Thông qua những lớp học đó, anh đã bí mật tuyên truyền lý tưởng cách mạng của mình, hướng dẫn họ biết đoàn kết thương yêu nhau để đấu tranh với bọn chủ bóc lột. Hoạt động của anh không lọt qua được sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp. Chính vì vậy, tháng 8 năm 1926, anh đã bị Công sứ Khánh Hòa trục xuất khỏi địa phận của chúng. Cũng thời gian này, anh đã được kết nạp vào Phục Việt ( 6/1926), tổ chức tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Từ Nha Trang, anh quyết định về thị xã Vinh tiếp tục công việc dạy học tại Trường Pháp – Việt Cao Xuân Dục. Chính ở mảnh đất cách mạng sôi nổi này, anh đã được gặp gỡ và hoạt động với các yếu nhân của Phục Việt như Trần Phú, Nguyễn Đình Kiên, Trần Mộng Bạch…và cũng sớm trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Tân Việt. Hà Huy Tập đã tích cực tham gia, vận động, tổ chức các lớp học cho công nhân Vinh, Bến Thủy, tuyên truyền lý tưởng cách mạng, hướng dẫn phương pháp đấu tranh cho họ. Chính những hoạt động đó đã ươm mầm một thế hệ những nhà cách mạng kiên cường, là vốn quý cho sự nghiệp của Đảng ta. Đồng thời sự thâm nhập vào đời sống thợ thuyền và những người lao động nghèo khổ cũng đã đưa đến cho những trí thức như Hà Huy Tập những hiểu biết mới, tình cảm mới, lý tưởng mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giúp họ tiếp cận nhanh với lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa đang bắt đầu được truyền bá vào Việt Nam.
Sau hơn ba tháng gây dựng phong trào, ngửi thấy sự nguy hiểm của các lớp học ban đêm này, Thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa và điều động Hà Huy Tập lên dạy học ở Quỳ Châu, một huyện miền núi xa xôi, hẻo lánh để tách anh ra khỏi phong trào cách mạng. Nhưng một phong trào đấu tranh rầm rộ của học sinh và công nhân Vinh, Bến Thủy phản đối quyết định này buộc chúng phải từ bỏ để xoa dịu tinh thần của quần chúng.
Ngày 18 tháng 3 năm 1927, Hà Huy Tập cùng các đồng chí tổ chức và diễn thuyết tại lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng nhân dân và học sinh thị xã Vinh. Anh cũng rất tích cực xây dựng phong trào trong các tầng lớp nhân dân, thợ thuyền, học sinh.
Để mở rộng hoạt động ra cả nước, hạ tuần tháng 3 – 1927, Tổng bộ Tân Việt cách mạng Đảng đã cử Hà Huy Tập vào Sài Gòn xây dựng phong trào yêu nước. Anh đã xin vào dạy tại Trường An Nam học đường ( tức trường Nguyễn Xích Hồng). Tại đây, anh đã thường xuyên thâm nhập vào phong trào công nông, mở bốn lớp huấn luyện cách mạng, qua đó phát triển đảng viên, kiện toàn tổ chức Đảng Tân Việt. Năm 1928, cùng với một số đồng chí, Hà Huy Tập đã lập ra Kỳ bộ Nam Kỳ của Tân Việt. Hà Huy Tập đã tham gia tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của học sinh, vì vậy anh bị đình chỉ dạy học, phải đi làm thuê ở các nhà máy đồn điền ở Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa…Anh đã sớm nhận ra những yếu kém trong tổ chức của phong trào và anh cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tế.
Tháng 7 – 1928, Hà Huy Tập đi dự Đại hội toàn quốc của Đảng Tân Việt tổ chức tại Huế nhằm mục đích hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhưng chưa thành. Anh tiếp tục được cử sang Quảng Châu để đàm phán về việc hợp nhất hai tổ chức cách mạng này. Tại đây anh đã được gặp đồng chí Lê Hồng Sơn và quyết định ở lại hoạt động trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên theo đường lối cộng sản chủ nghĩa.
Sự lựa chọn này là bước ngoặt có tính quyết định, đánh dấu thời điểm Hà Huy Tập trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, gắn bó toàn bộ cuộc đời với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Với khả năng hiểu biết, phẩm chất chính trị của mình, năm 1929 Hà Huy Tập được cử đi đào tạo tại Trường Đại học Cộng sản Phương Đông ở Maxcơva cùng với Dương Bạch Mai (Burop), Trần Ngọc Danh (Blokop), Lê Văn Kiệt (Remy), họ là những nhà cách mạng thuộc nhứng thế hệ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy tại Đại học Phương Đông. Tại đây họ được trang bị những hiểu biết hệ thống về chủ nghĩa Mác – Lênin, về thực tế cách mạng XHCN ở Liên Xô và tiếp xúc với những tác phẩm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được đăng tải trên các Tạp chí của Quốc tế Cộng sản. Hà Huy Tập cùng với các học viên ở đây cũng đã trực tiếp tham mưu cho Quốc tế cộng sản về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, làm cầu nối giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam. Hà Huy Tập đã sớm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Dưới sự hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản, nhóm sinh viên Việt Nam tại Đại học Phương Đông trong đó có Hà Huy Tập đã dự thảo văn kiện quan trọng: Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, góp phần định hướng cho việc khôi phục và phát triển phong trào cộng sản ở Đông Dương.
Với ngòi bút lý luận sắc sảo, Hà Huy Tập đã viết nhiều tác phẩm quan trọng phân tích tình hình cách mạng Việt Nam sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, khẳng định những thành quả to lơn cũng như những bài học kinh nghiệm sâu sắc, góp phần củng cố lý tưởng, niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh với những quan điểm sai trái, giáo điều, cải lương và đề xuất những giải pháp nhằm khôi phục phong trào cách mạng của Đảng.
Để củng cố phong trào cộng sản ở Đông Dương sau khủng bố trắng của Thực dân Pháp, tháng 3 năm 1932, Quốc tế Cộng sản quyết định cử Hà Huy Tập về nước qua ngả Pari nhưng không thực hiện được. Trở lại Liên Xô, trong khi chờ thời cơ về nước, anh đã tập trung vào việc biên soạn cuốn sách Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương bằng tiếng Pháp với bút danh Hồng Thế Công. Có thể nói đây là cuốn sử đầu tiên về Đảng ta, là tài liệu quan trọng để tuyên truyền, giáo dục về Đảng cho các thế hệ chiến sỹ cách mạng, thanh, thiếu niên Việt Nam.
Tháng 4 năm 1933, Quốc tế Cộng sản tiếp tục cử Hà Huy Tập về nước qua đường Maxcova – Vladivôxtoc - Hồng Kông - Quảng Tây. Tại Quảng Tây, Hà Huy Tập đã gặp gỡ, bàn bạc với Lê Hồng Phong và các đồng chí khác để chuẩn bị cho việc thành lập Ban chỉ huy ở ngoaì của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4 – 1934, Ban chỉ huy ở ngoài được thành lập gồm Lê Hồng Phong - Tổng thư ký, Hà Huy Tập phụ trách công tác tuyên truyền, cổ động, Tổng biên tập Tạp chí Bônsêvich; Nguyễn Văn Dựt (Svan) – thanh tra. Sau khi thành lập và có đại biểu từ trong nước sang ( Nguyễn Văn Tham và Trần Văn Chẩn), BCH ở ngoài đã tổ chức Hội nghị BCH ở ngoài và đại diện của tổ chức Đảng ở trong nước từ ngày 16 đến 21 – 6 – 1934. Hội nghị đã phân tích, đánh giá một cách hệ thống tình hình, đề ra các biện pháp xây dựng phong trào, thành lập các Xứ ủy và chuẩn bị cho Đại hội Đảng sẽ tiến hành vào mùa xuân năm 1935.
Cùng với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập bắt tay vào việc chuẩn bị các văn kiện và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ nhất. Trong thời gian này, Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 nên chủ trì mọi việc của Đảng đều do Hà Huy Tập đảm nhiệm. Đại hội Đảng lần thứ nhất đã được tổ chức từ ngày 27 - 3 đến 31 - 3 - 1935 tại Ma Cao ( Trung Quốc), có 13 đại biểu thay mặt cho 553 đảng viên. Đại hội đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng và bầu được BCH Trung ương mới. Đây là một thắng lợi to lớn cho thấy hệ thống tổ chức Đảng được phục hồi từ Trung ương đén cơ sở, thống nhất được phong trào cách mạng của dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương mới. thắng lợi của Đại hội có phần đóng góp to lớn của đồng chí Hà Huy Tập, người trực tiếp chỉ đạo Đại hội.
Sau Đại hội, thực dân Pháp đã tiến hành chiến dịch bắt bớ, giam cầm những người cộng sản. Hơn 2/3 cán bộ, đảng viên bị bắt giữ, tra tấn, tù đầy, trong đó có nhiều Ủy viên BCHTW Đảng. Trước tình hình đó, đồng chí Hà Huy Tập vẫn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Đảng để giữ vững tinh thần cho cán bộ, đảng viên, giảm bớt thiệt hại và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.
Ngày 26 – 7 – 1936, Hà Huy Tập cùng Lê Hồng Phong đồng chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải ( Trung quốc), quyết định những vấn đề cơ bản chỉ đạo chiến lược và sách lược mới của Đảng trong thời kỳ mới. Trong hội nghị này, Ban chỉ huy ở ngoài quyết định cử Hà Huy Tập về nước để tổ chức Ban Trung ương và khôi phục các tổ chức Đảng. Từ đây Hà Huy Tập trở thành Tổng bí thư của Đảng.
Cuối tháng 7 – 1936 Hà Huy Tập về Sài Gòn và quyết định chọn địa điểm Mười tám thôn vườn trầu ( Hoc Môn) làm Trụ sở Trung ương Đảng. Tháng 10 – 1936 Hà Huy Tập đã tái lập được BCHTW Đảng tại Sài Gòn. Sau đó BCH Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất bàn về công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng.
Ngày 2 đến 3 – 3 năm 1937 Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị BCHTW lần thứ 2 để kiểm điểm lại hoạt dộng của Đảng và bầu BCHTW, đồng chí tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.
Trong thời gian này Hà Huy Tập đã sáng lập, làm Tổng biên tập các cơ quan ngôn luận của Đảng như báo L.Avant, Le Peuple, viết nhiều tác phẩm lý luận và các Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản.
Từ ngày 29 đến 30 – 3 – 1938, Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị BCHTW lần thứ 3. Tại Hội nghị này đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Hà Huy Tập vẫn nằm trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngày 1 – 5 -1938 Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt khi đang bí mật chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn nhân ngày Quốc tế lao động. Anh bị Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án 2 tháng tù giam và cấm lưu trú 5 năm, sau đó Tòa Thượng thẩm xử them 6 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Ngày 28 – 3 – 1929, Hà Huy Tập được thả khỏi khám lớn Sài Gòn và bị đưa về quê quản thúc. Tại Nghệ Tĩnh, với tinh thần ham hoạt động, Hà Huy Tập tìm mọi cách liên lạc với tổ chức Đảng và tham gia các phong trào cách mạng của quần chúng, sau đó bị giam giữ tại nhà tù ở Nghệ An.
Nhận thấy Hà Huy Tập là một nhà hoạt động cách mạng nguy hiểm, Thực dân Pháp đã bắt giữ và giải Hà Huy Tập vào giam giữ tại Sài Gòn. Chúng liên tiếp tra tấn và mở nhiều phiên tòa để xét xử, kết án đồng chí. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhân cơ hội này chúng gán ghép cho đồng chí “ có trách nhiệm tinh thần” với cuộc khởi nghĩa và kết án tử hình..
Ngày 2 – 5 – 1941, Hà Huy Tập viết thư vĩnh biệt cho gia đình và bạn hữu, thể hiện ý chí kiên cường của một người cộng sản chân chính với lời nhắn gửi bất hủ: “ Hãy xem tôi như người còn sống”.
Ngày 28 – 8 – 1941, tại trường bắn Ngã tư giếng nước ( Hóc Môn, Gia Định) thực dân Pháp đã xử bắn Hà Huy Tập cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu…
Cuộc đời đồng chí Hà Huy Tập đã khép lại ở tuổi 35 tràn đầy nhiệt huyết, nhưng sự nghiệp cách mạng của Anh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một tấm gương sáng ngời của người cộng sản, thật đúng như Chủ tich Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước nhất. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và dân tộc. Các đống chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Hà Huy Tập và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, ngôi nhà nơi đồng chí sinh ra và lớn lên ở quê hương đã được Nhà nước ta xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Bên cạnh đó Khu trưng bày, tưởng niệm đồng chí Hà Huy Tập cũng được xây dựng, thi hài đồng chí được đưa về an nghỉ vĩnh hằng tại quê hương Cẩm Xuyên để hàng ngày bà con quê hương, du khách muôn phương được đến đây để chiêm ngưỡng, học tập tấm gương của một con người suốt đời chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, hạnh phúc của nhân dân./.
Nguyễn Xuân Thủy
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Video