Góp phần tìm hiểu thân thế sự nghiệp đồng chí Lê Hồng Phong

Tác giả: admin
Ngày 2012-08-20 11:02:10

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong thuộc lớp cán bộ cách mạng đầu tiên của Đảng ta, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đào tạo và rèn luyện rất căn bản ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ), kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, là Uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản khoá VII, nhiều năm liền là cầu nối quan trọng giữa Đảng Cộng sản Đông Dương ta và Quốc tế Cộng sản.

Mặc dù tư liệu lịch sử của Quốc tế Cộng sản về Lê Hồng Phong đến nay sưu tầm được không nhiều và chưa có điều kiện để khai thác tại các cơ quan lưu trữ quốc tế nhưng qua những gì hiện có, chúng ta có thể hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp hết sức sôi động và vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong.

Với nhiệt huyết cách mạng và năng lực chính trị, tư duy lý luận xuất sắc của mình, Lê Hồng Phong đã sớm được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản lựa chọn đào tạo cán bộ chủ chốt cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì vậy, tháng 12-1928, khi đang theo học tại Học viện Hàng không Bôrixgơ lepxcơ, Lê Hồng Phong được chuyển sang đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông (nơi đào tạo những cán bộ lãnh đạo cho các nước phương Đông của Quốc tế Cộng sản). Sau khi học xong, Lê Hồng Phong tiếp tục chuyển sang đào tạo nghiên cứu sinh với mục tiêu trở thành nhà lý luận cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Thế nhưng, tình hình cách mạng trong nước có những thay đổi nhanh chóng, sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, thực dân Pháp và Nam triều phong kiến thực hiện khủng bố trắng hết sức khốc liệt. Tổng bí thư Trần Phú cùng nhiều cán bộ lãnh đạo, nhiều đảng viên cộng sản bị bắt giam, tù đày, giết hại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng bị chính quyền Hồng Kông bắt giam… Đảng Cộng sản Đông Dương vừa ra đời đã đứng trước những thử thách vô cùng khốc liệt, thậm chí có nguy cơ tan vỡ.

Trước tình hình đó, cuối năm 1931, đầu năm 1932, Quốc tế Cộng sản đã quyết định cử một số cán bộ Việt Nam đang theo học ở Liên Xô về nước để khôi phục tổ chức của Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng Đông Dương. Lê Hồng Phong được lựa chọn như là nhân tố chủ chốt để thực hiện nhiệm vụ tổ chức khôi phục các cơ sở đảng của Đảng Cộng sản Đông Dương. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong Thư của Vaxilieva, Trưởng phòng Đông Dương của Quốc tế Cộng sản gửi Lê Hồng Phong: “Đồng chí là người chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác của các đồng chí. Đồng chí phải về nước sau khi đã tổ chức xong các chuyến về nước của các đồng chí còn lại…Chúng tôi giao cho đồng chí nhiệm vụ tổ chức một địa chỉ tuyệt đối tin cẩn để sau này chúng tôi có thể gửi cho các đồng chí tiền bạc và những chỉ thị của chúng tôi”. Sau đó Vaxilieva và Miphơ gửi thêm một bức thư nói rõ hơn: “Qua các thư của đồng chí, chúng tôi thấy rằng tình hình rất là khó khăn về vấn đề cán bộ cho Ban thuộc địa, nhất là các cán bộ cho Đông Dương. Điều đó tất yếu làm cho công việc của đồng chí rất khó khăn. Chúng tôi yêu cầu đồng chí suy nghĩ về vấn đề này và giải quyết. Nếu đồng chí thấy đây là điều có ích thì chúng tôi có thể phái đến để tăng cường thêm đồng chí Xinhítxkin (Hà Huy Tập) người Đông Dương mà đồng chí biết rất rõ…”.

Trong Tiểu sử tự thuật của Hải An (Lê Hồng Phong) khai khi tham dự Đại hội QTCS lần thứ VII có đoạn khai: “Tháng 5 – 1931 tốt nghiệp Đại học Lao động Phương Đông, tôi được cử về Đông Dương với tư cách là cán bộ Ban Trung ương Chấp uỷ của Đảng.

Nhưng khi đến Pháp, tôi không bắt liên lạc được với Đông Dương, do cách mạng đang vào thời kỳ thoái trào và khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo, các tổ chức đã bị phá tan và Ban Trung ương chấp uỷ không tồn tại. Lúc đó một đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Pháp giao cho tôi khôi phục lại quan hệ và các tổ chức của Đảng…”

Từ những nguồn tài liệu trên, rõ ràng chúng ta có thể khẳng định rằng, đồng chí Lê Hồng Phong là nhân vật hàng đầu được Quốc tế Cộng sản lựa chọn giao nhiệm vụ trở về Việt Nam chủ trì việc khôi phục lại Đảng Cộng sản Đông Dương sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh bị thiệt hại nặng nề trong khủng bố trắng (những năm 1932 – 1935).

Trên thực tế, Lê Hồng Phong đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương từ Trung ương đến cơ sở trong thời kỳ cực kỳ khó khăn của cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1932, Lê Hồng Phong về hoạt động ở vùng biên giới Việt – Trung, bắt tay khôi phục các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ, tìm cách liên lạc với các cơ sở Đảng ở Trung kỳ, Lào và Xiêm. Sau một thời gian ngắn, Lê Hồng Phong đã lập ra chi bộ cộng sản với sự tham gia của Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong. Tháng 8 – 1933, sau khi nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong cùng các đồng chí bắt tay vào việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương và đến tháng 3 – 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập do Lítvinốp (Lê Hồng Phong) làm Thư ký, Xinhítxkin (Hà Huy Tập) phụ trách tuyên truyền, cổ động và Svan (Nguyễn Văn Dựt) phụ trách thanh tra. Sau khi thành lập, Lê Hồng Phong đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị Đảng ở Ma Cao tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất. Thực chất, Ban Chỉ huy ở ngoài làm nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, do Lê Hồng Phong đứng đầu đã điều hành khôi phục các cơ sở Đảng, truyền đạt chủ trương, hoạch định đường lối của Đảng trên phạm vi toàn cõi Đông Dương. Các Xứ uỷ được khôi phục và hoạt động trở lại là điều kiện quan trọng để lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân các nước Đông Dương và tiến tới Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất vào tháng 3 – 1935.

Do điều kiện dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong không tham dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng vai trò và tư tưởng chỉ đạo của Lê Hồng Phong thể hiện rõ trong tiến trình chuẩn bị, trong các văn kiện và kết quả của Đại hội. Sau Đại hội, hệ thống tổ chức và quy chế hoạt động của Đảng đã tạo ra được sự thống nhất từ Ban Chỉ huy ở ngoài với tư cách là bộ phận lãnh đạo cao nhất của Đảng tới Ban Trung ương trực tiếp chỉ đạo hoạt động ở trong nước, tiếp đó là các Xứ uỷ, tỉnh uỷ, thành uỷ và các tổ chức cơ sở Đảng. Đó chính là một trong những điều kiện quyết định để đưa phong trào cách mạng Đông Dương tiếp tục phát triển trong điều kiện khủng bố gắt gao của thực dân phong kiến. Tại Đại hội, mặc dù không trực tiếp tham dự, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong đã có những đóng góp to lớn cho thành công của Đại hội cũng như làm cho các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế hiểu rõ hơn và ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân các nước Đông Dương.

Với những kết quả đạt được trong tổ chức xây dựng Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng, cùng những nỗ lực tuyên truyền của Lê Hồng Phong, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được Hội nghị toàn thể Ban Chấp uỷ Quốc tế Cộng sản lần thứ 11 công nhận là Phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản. Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII.

Tại phiên họp thứ 9 chiều ngày 29 - 7 - 1935, Lê Hồng Phong đã thay mặt Đảng Cộng sản Đông Dương trình bày bản tham luận quan trọng trước diễn đàn Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Đây là một văn kiện hết sức quan trọng, thể hiện tư duy lý luận sắc sảo và thực tiễn cách mạng phong phú của đồng chí Lê Hồng Phong, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cách mạng thế giới của Quốc tế Cộng sản trong hoàn cảnh mới nói chung và của cách mạng Việt Nam nói riêng.

Bản tham luận của Lê Hồng Phong đã trình bày một cách khái quát nhưng hết sức đầy đủ, chính xác về lịch sử phát triển của phong trào cách mạng Đông Dương từ 1930 – 1935. Nhận định về Đảng ta, bản tham luận viết: “…ngày nay ở Đông Dương, chúng tôi dã có một Đảng chưa thật mạnh về số lượng, nhưng là một Đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của đế quốc Pháp, kiên quyết chiến đấu để thực hiện Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện cách mạng ruộng đất và chống đế quốc, chiến đấu để giải phóng hoàn toàn và độc lập cho xứ Đông Dương”.

Tiếp đó, bản tham luận đã phân tích một cách khoa học với rất nhiều tư liệu thực tế về đời sống chính trị, xã hội, kinh tế ở Đông Dương, những mâu thuẫn xã hội, sự ra đời và phát triển của giai cấp công nhân, về đời sống bị bần cùng hóa của giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội khác… Đó là những điều kiện quan trọng để ươm mầm cách mạng ở Đông Dương, cho sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay lúc mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo và tổ chức một phong trào đấu tranh sôi nổi mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh với sự ra đời của các Xô viết công nông ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với mô hình tổ chức hoàn toàn mới mẻ, thực thi nhiều chính sách mang tính cách mạng. Qua đấu tranh cách mạng, Đảng đã trưởng thành lên rất nhiều, đồng thời phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân có định hướng, đường lối rõ ràng. Xô viết Nghệ - Tĩnh đã góp phần thức tỉnh, động viên lực lượng quần chúng tham gia cách mạng, là cuộc tổng diễn tập cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở một nước thuộc địa. Xô viết Nghệ - Tĩnh đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế và góp phần nâng cao uy tín của Đảng ta tại Quốc tế Cộng sản.

Với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, đồng chí Lê Hồng Phong đã trình bày những tồn tại, khuyết điểm của Đảng, đặc biệt là bệnh ấu trĩ tả khuynh, thực thi một số biện pháp cách mạng chưa phù hợp, xác định đối tượng cách mạng chưa đầy đủ, vì vậy chưa tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân vào một mặt trận thống nhất: “Phong trào 1930 – 1931 và các Xô viết đã bị khủng bố rất tàn bạo. Mặc dù là một cuộc đấu tranh võ trang chống đế quốc Pháp, bên cạnh nhiều thắng lợi, cần nêu lên sai lầm chính của phong trào này là có tính chất hạn chế địa phương, và thu hẹp trong ba xứ. Hai xứ có nhiều dân tộc thiểu số là Lào và Cao Miên còn đứng ngoài cuộc tranh đấu. Trong giai đoạn này chưa có một mặt trận phản đế rộng rãi bao gồm tất cả các dân tộc, các tầng lớp nhân dân Đông Dương chống đế quốc”.

Bằng nhiệt huyết cách mạng sôi nổi, Lê Hồng Phong nói về những tổn thất to lớn mà Đảng phải gánh chịu trong thời kỳ địch khủng bố trắng và khẳng định một cách rõ ràng, dù tổn thất rất nặng nề, Đảng vẫn không hề nao núng. Nhiều đảng viên cộng sản kiên trung vẫn kiên cường bám trụ, cùng với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em tìm mọi cách khôi phục tổ chức, gây dựng phong trào: “Trong hai năm trời, chúng tôi không có Ban Chấp uỷ Trung ương Đảng. Dự định triệu tập một cuộc Đại hội Đảng của chúng tôi nhiều lần không thành. Các Xứ uỷ và tỉnh uỷ mới thành lập nhiều lần bị phá, các uỷ viên thì bị bắt; tuy vậy họ vẫn kiên quyết tiếp tuch gây dựng lại và tồn tại trong những điều kiện khủng bố hết sức man rợ….

…Giờ đây, chúng tôi có thể khẳng định trước Quốc tế Cộng sản là chúng tôi đã thực hiện được việc khôi phục và chấn chỉnh lại Đảng”.

Bản tham luận đã báo cáo về việc tổ chức và kết quả Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương, về sự chuyển hướng chiến lược trong tập hợp lực lượng cách mạng, chuẩn bị xây dựng Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, đấu tranh chống lại những khuynh hướng sai trái trong Đảng.

Kết thúc bản tham luận, Lê Hồng Phong đã bày tỏ sự tin tưởng và biết ơn đối với Quốc tế Cộng sản, tình cảm sâu nặng của nhân dân Đông Dương đối với Lênin và Liên Xô vĩ đại, về triển vọng tươi sáng của cách mạng Đông Dương.

Bài tham luận của Lê Hồng Phong đã được toàn thể Đại hội vỗ tay tán thưởng và chia sẻ. Phong trào cách mạng của nhân dân Đông Dương từ đây được sự quan tâm ở một mức độ cao hơn của Quốc tế Cộng sản, của các đảng anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Uy tín của Đảng ta và của cá nhân Lê Hồng Phong được khẳng định, vì vậy Đại hội đã bầu Lê Hồng Phong là Uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Tiếp thu kết quả Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, tháng 7 – 1936 Lê Hồng Phong trở về Thượng Hải triệu tập Hội nghị Ban Chấp hàng Trung ương Đảng để xác định những chủ trương mới của Đảng về những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Đông Dương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII và phù hợp với tình hình thế giới cũng như Đông Dương. Nhiệm vụ trước mắt là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa, tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Hội nghị đã chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, các đoàn thể chính trị, tôn giáo, các dân tộc cùng nhau tranh đấu đòi những quyền lợi thiết thực, chống chế độ thuộc địa vô nhân đạo và để “dự bị cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển”.

Ngày 30 – 10 – 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương đã công bố văn kiện quan trọng: Chung quanh vấn đề chiến sách mới để chỉ đạo phong trào cách mạng Đông Dương trong tình hình mới. Đảng cũng quyết định chuyển hình thức hoạt động từ bí mật, bất hợp pháp sang công khai, bán công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp.

Thực tế đó đã chứng minh Lê Hồng Phong có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị những tiền đề chính trị, tư tưởng và tổ chức cho bước nhảy vọt trong hoạt động của Đảng ta thời kỳ 1936 – 1939, một giai đoạn lịch sử hào hùng của Đảng.

Cùng với những hoạt động thực tiễn phong phú, giữ trọng trách chỉ đạo khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, những tư liệu của Quốc tế Cộng sản và những tác phẩm của Lê Hồng Phong đã chứng tỏ đồng chí là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng trong việc nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, đường lối của QTCS và tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng Đông Dương trong giai đoạn 1932 - 1939.

Bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hông Phong tham gia xây dựng, được Quốc tế Cộng sản khoá VI góp ý sửa chữa và thông qua là cơ sở quan trọng để chỉ đạo phong trào cách mạng Đông Dương trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX tiến lên những bước mới. Tuy nhiên, bản Chương trình hành động dựa trên những nhận định, quan điểm, đường lối của Quốc tế Cộng sản khoá VI có những vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung nên khi vận dựng vào thực tế cách mạng không tránh khỏi những lúng túng, những nhận thức khác nhau. Trong bối cảnh ấy, bằng sự vững vàng về chính trị và sâu sắc về lý luận, Lê Hồng Phong đã không bị chi phối bởi tư tưởng tả khuynh, biệt phái, giáo điều. Trong tác phẩm: Vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng Đông Dương (1935), Lê Hồng Phong đã một mặt khẳng định vai trò công nhân trong việc khôi phục tổ chức và xây dựng đường lối của Đảng, mặt khác đã chỉ ra những hình thức đấu tranh hợp pháp để thành lập các tổ chức quần chúng rộng rãi như cứu tế đỏ, các hội ái hữu, các hội thể thao… trong tình hình cụ thể của cách mạng Đông Dương và kết luận một cách khẳng định: “Tăng cường tổ chức, phát triển cà gắn chặt cuộc đấu tranh hằng nagỳ của quần chúng công nhân và nông dân với cuộc tranh đấu của họ cho những yêu sách chính trị chung, nâng cao trình độ lý luận Mác xít – Lênin nít trong hàng ngũ của Đảng; đó là những điều kiện tất yếu để giành quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng”.

Đặc biệt, trong bản tham luận trình bày tại diễn đàn Đại hội QTCS lần thứ VII, Lê Hồng Phong không chỉ khái quát một cách sâu sắc tình hình cách mạng Đông Dương, chỉ rõ bài học tả khuynh do thiếu lý luận cách mạng của một số đồng chí mà còn đánh giá một cách khách quan, khoa học về triển vọng của cách mạng Đông Dương.

Tại Hội nghị Trung ương tháng 7 – 1936 ở Thượng Hải, với tư cách chủ trì, Lê Hồng Phong đã cùng Trung ương Đảng xác định những chủ trương mới về những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Đông Dương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản và phù hợp với tình hình mới. Văn kiện Hội nghị đã thể hiện sự sáng tạo trong việc chuyển hướng chiến lược, tập trung cho nhiệm vụ trước mắt là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa, tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Đặc biệt, Hội nghị đã chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, các đoàn thể chính trị, tôn giáo, các dân tộc cùng nhau tranh đấu đòi những quyền lợi thiết thực, chống chế độ thuộc địa vô nhân đạo và chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc.

Tư tưởng tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo vào một mặt trận thống nhất để vừa đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, vừa chuản bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong văn kiện Hội nghị Trung ương tháng 7 – 1936 do Lê Hồng Phong chủ trì soạn thảo thể hiện rõ sự tiếp thu và khẳng định tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc xác định đối tượng và tập hợp lực lượng cách mạng. Nhờ đó phong trào cách mạng Đông Dương đã phát triển mạnh mẽ và là tiền đề quan trọng để tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh, tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Trên mặt trận lý luận, tư tưởng, sau khi về Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, Lê Hồng Phong đã sử dụng ngòi bút sắc sảo của mình viết nhiều bài báo đăng trên báo Dân chúng nhằm tuyên truyền thống nhất đường lối, sách lược đấu tranh trong Đảng, loại trừ ảnh hưởng của bọn Trốtxkít ra khỏi chính trường. Những tác phẩm đó đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, định hướng phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, viết nên những trang sử oanh liệt của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Những cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là vô cùng to lớn. Cuộc đời Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với giai cấp, suốt đời hy sinh tranh đấu cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, cho tình hữu ái của các dân tộc yêu chuộng hoà bình, tự do trên toàn thế giới.

Hiện nay, Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã có bộ sưu tập hiện vật hình ảnh Lê Hồng Phong và một số hiện vật, tài liệu của mật thám Pháp để trưng bày về đồng chí Lê Hồng Phong phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhưng những tài liệu hiện vật của Quốc tế Cộng sản về Lê Hồng Phong còn rất hạn chế, cần có sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan và cần có những điều kiện cần thiết để Bảo tàng tiếp cận, khai thác mảng tài liệu hết sức quan trọng của Quốc tế Cộng sản để bổ sung cho kho tư liệu, trưng bày và tuyên trưyền về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

 

 

 

Video