Giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Hữu Thiều (1906-2016)

Tác giả: admin
Ngày 2016-05-18 02:48:44

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Trần Hữu Thiều (1906-2016) – người chiến sỹ cộng sản tiền bối của quê hương Lĩnh Sơn, Anh Sơn đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, bảo tàng XVNT đã tổ chức buổi giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống với chủ đề: “Quê hương và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Hữu Thiều” tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn vào ngày 13/5/2016.

Về tham dự buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ có đồng chí Đặng Xuân Quang - Thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, đồng chí Võ Mạnh Đức - Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy cùng với đại diện của Huyện ủy, UBND Huyện, các đ/c lão thành cách mạng, các ban ngành đoàn thể xã cùng đông đảo nhân dân và dòng tộc, thân nhân gia đình đồng chí Trần Hữu Thiều cùng các thầy cô, học sinh của 2 trường THCS Phan Thái Ất và trường THPT Anh Sơn II.

Trước buổi lễ, đại diện lãnh đạo huyện Anh Sơn, xã Lĩnh Sơn, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đến thắp hương tại nhà thờ - nơi cháu nội đang sinh sống và thờ phụng đồng chí Trần Hữu Thiều ở xã Lĩnh Sơn. Sau đó đoàn đại biểu đã quay trở về hội trường và buổi giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống về đồng chí Trần Hữu Thiều được bắt đầu.

Mở đầu những lời ca, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước của các cô giáo và học sinh của 2 trường đã mang lại một không khí vui tươi, rộn ràng cho vùng quê thanh bình. Tiếp theo chương trình đồng chí Tạ Thanh Hà - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lên đọc lời khai mạc buổi giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống.

Bước vào nội dung chính của buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi- Trưởng phòng Sưu tầm - Kiểm kê bảo quản đã lên nói chuyện. Bài nói chuyện của đồng chí Kim Chi diễn ra chỉ trong thời gian hơn một tiếng đồng hồ nhưng đã giới thiệu được một cách đầy đủ về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất Anh Sơn nói chung, Lĩnh Sơn nói riêng và những cống hiến, đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Hữu Thiều.

Đồng chí Trần Hữu Thiều có bí danh là Nguyễn Trung Thiên, Trần Lai sinh năm 1906 tại vùng Kẻ Gay, làng Dương Xuân (nay thuộc xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước.

Lĩnh Sơn là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, từ những năm 1930-1931 phong trào cách mạng ở đây đã nổi lên sôi động cho đến cách mạng tháng 8/1945, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong thời gian giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc thì Lĩnh Sơn luôn là vùng đất cách mạng của Anh Sơn. Nhân dân Lĩnh Sơn có truyền thống cần cù, tiết kiệm, có tính cương trực, khảng khái, giàu lòng yêu nước và đức hy sinh vì nghĩa lớn. 

Truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương, gia đình như mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và tư tưởng của Trần Hữu Thiều. Năm 16 tuổi, Trần Hữu Thiều đã lãnh đạo con đường hoạt động yêu nước cùng các thanh niên của hội Tâm Giao như Cao Xuân Khoách, Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất… mở hiệu buôn thuốc bắc và truyền bá sách báo, thơ ca yêu nước cách mạng.

Từ năm 1925-1929, Trần Hữu Thiều tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, là một trong bảy đảng viên của Đông Dương cộng sản Đảng, là ủy viên của Ban chấp hành Tổng Nông hội đỏ Nghệ An do Đông Dương cộng sản Đảng tổ chức. Tháng Giêng năm 1930, Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trung Kỳ điều động Trần Hữu Thiều vào xây dựng cơ sở Đảng ở Hà Tĩnh. Đồng chí cùng với Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung trong Sinh hội trường tiểu học Pháp - Việt lập ra Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại Hà Tĩnh.

Tháng 3/1930, tại hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời Tỉnh đảng bộ Hà Tĩnh, Trần Hữu Thiều đã được bầu làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ với những cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… Cùng với các đảng viên đã nhiều lần phát động quần chúng đấu tranh đòi giảm sưu thuế, chia ruộng đất cho nông dân, cấm binh lính đàn áp nhân dân...

Ngày 22/11/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều bị địch bắt. Sau 3 tháng giam cầm tại nhà lao Hà Tĩnh, ngày 11/2/1931 bọn chúng đã đưa đồng chí về xử bắn tại thôn Phù Minh (huyện Can Lộc) để uy hiếp phong trào đấu tranh của nhân dân. Đồng chí đã hy sinh ở tuổi 25 khi đứa con trai chưa được một lần nhìn thấy mặt cha.

Bài nói chuyện đã khơi gợi trong lòng mỗi người dân Lĩnh Sơn niềm tự hào và thêm yêu mến hơn quê hương mình, những câu chuyện kể về cuộc đời của đồng chí Trần Hữu Thiều với tình cảm quê hương gia đình tha thiết, tình nghĩa vợ chồng son sắt đã gây ra được niềm xúc động cho khán giả, mọi người chăm chú lắng nghe và như được trở về với cội nguồn lịch sử.

Không khí của buổi nói chuyện truyền thống trở nên sôi nổi hơn trong phần trả lời câu hỏi của các em học sinh. Sự trả lời xuất sắc của các em học sinh về truyền thống cách mạng kiên trung của nhân dân Anh Sơn, Lĩnh Sơn đã cho thấy các em nắm bắt một cách nhanh chóng, đầy đủ nội dung bài nói chuyện, thể hiện quyết tâm cố gắng phấn đấu học tập tốt để noi gương các bậc tiền bối, nối tiếp truyền thống của cha ông làm rạng danh cho quê hương.

Những tiết mục văn nghệ của thầy cô giáo và các em học sinh và các cán bộ đoàn xã Lĩnh Sơn xen kẽ trong buổi nói chuyện đã góp phần làm cho buổi lễ tôn vinh được giá trị của XVNT anh hùng. Bài phát biểu tổng kết của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa Anh Sơn Nguyễn Sỹ Tưởng đã thay cho lời kết hoạt động kỷ niệm 110 năm XVNT tại Lĩnh Sơn, Anh Sơn.

Hoạt động này của Bảo tàng XVNT cùng với nhân dân Lĩnh Sơn, Anh Sơn như một nén hương thơm, là tấm lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn của thế hệ trẻ hôm nay trước những cống hiến vô cùng lớn lao, sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Trần Hữu Thiều và gia đình đồng chí cho sự nghiệp cách mạng để chúng ta có ngày độc lập hôm nay.

Nguyễn Thị Kim Chi – Bảo tàng XVNT

Video