Đường Hồ Chí Minh trên biển – những kỳ tích vẻ vang

Tác giả: admin
Ngày 2021-10-15 03:42:28

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, công tác chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, giữ vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với tuyến đường chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên bộ nổi tiếng thế giới, dân tộc ta còn lập ra một kỳ tích nữa trong lịch sử, đó là tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung Ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đầu năm 1960, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ phát triển mạnh mẽ. Bộ Chính trị chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng, lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ. Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Quá trình phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển chia thành nhiều giai đoạn:

Từ năm 1962 - 1964, Đoàn 125 ( trước đây lấy tên là Đoàn 759 ) đã huy động được 17 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ gỗ, tổ chức 79 chuyến vận chuyển hơn 4.000 tấn vũ khí trang bị và cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Quân đội vào miền Nam. Tàu của Đoàn đã cập bến Bạc Liêu (Cà Mau) 43 lần, Bến Tre 17 lần, Trà Vinh 14 lần, Bà Rịa 2 lần, Phú Yên 2 lần, Bình Định 1 lần. Số vũ khí đã đến chiến trường đúng lúc, trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt như chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Giai đoạn 1965 - 1972, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 phải đối mặt với những thử thách gay go, ác liệt. Trong đội ngũ trung kiên của Đoàn, xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn 1973 – 1975, Với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn 125 đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn. Cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Đoàn 125 với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận” đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường, 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến nay, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đoàn 125 tiếp tục tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.

Một là, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chính quyền và Nhân dân các địa phương, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; nắm vững khoa học kỹ thuật; khắc phục khó khăn, phá thế bao vây của địch; linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, liên tục tiến công, quyết chiến, quyết thắng; tìm ra nhiều phương thức vận chuyển có hiệu quả.

Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện quyết tâm, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, không một khó khăn trở ngại nào, không một kẻ thù nào có thể ngăn cản được. Đó cũng là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, đặc biệt là của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759, Đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng… Từ truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, mỗi chúng ta càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò to lớn của biển, đảo, càng thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác kính yêu “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những “con tàu không số” của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển.

                                                                              Đoàn Cẩm Tú

Phòng TBTTGD – Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2021) của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Video