Đồng chí Trương Thị Lan – nữ chiến sỹ cộng sản ưu tú của quê hương Nghi Lộc

Tác giả: admin
Ngày 2021-12-20 07:30:42

Nằm ở hạ lưu sông Lam và sông Cấm, Nghi Lộc mang trong mình truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của một vùng quê xứ Nghệ. Truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện địa lý đó đã sinh ra và nuôi dưỡng những người con kiên cường, bất khuất, anh dũng trong chiến đấu và chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất; ham học hỏi, quý trọng nhân tài, dám nghĩ, dám sống, sống trung thực, nghĩa tình. Trong số những người con ưu tú của quê hương Nghi Lộc đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân phải kể đến nữ chiến sĩ cộng sản ưu tú Trương Thị Lan.

Đồng chí Trương Thị Lan sinh năm 1917 trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước ở làng Mỹ Chiêm, tổng Vân Trình (nay là xã Nghi Phong), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông cố nội đã từng nuôi Giải san Phan Bội Châu dạy học trong nhà. Ông nội đã tham gia phong trào Văn thân, theo Đặng Thái Thân sang Xiêm xây dựng cơ sở hoạt động yêu nước. Trương Thị Lan là con gái đầu lòng của ông Trương Văn Lý – một chiến sỹ cộng sản hoạt động tích cực trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ảnh: Đồng chí Trương Thị Lan 

Sau cuộc đấu tranh của công nông Vinh – Bến Thủy ngày 1/5/1930, nhà ông Trương Văn Lý được chọn làm cơ sở ấn loát bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Trương Thị Lan đã ý thức được việc làm của cha và cùng mẹ tích cực bảo vệ cơ sở Đảng. Chị cùng với các em thường bày trò chơi ở sân để canh chừng cho tổ ấn loát làm việc. Tháng 6/1930, ông Trương Văn Lý được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Mỹ Chiêm với nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng vào các phường hội để giúp đỡ nhau sản xuất và hoạt động cách mạng. Những lời dạy của cha đã thấm sâu vào tâm hồn cô bé Trương Thị Lan và ươm mầm cho tình yêu quê hương, đất nước trước sự áp bức bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến.

Đầu năm 1931, trước sự càn quét, khủng bố của kẻ thù, cơ sở ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ tại nhà đồng chí Trương Văn Lý bị lộ phải chuyển sang làng Phù Ích và một số nơi khác trong đó có nhà ông bà ngoại của Trương Thị Lan. Tháng 8/1931, cha chị và người cậu ruột bị bắt cùng với nhiều tài liệu và dụng cụ in ấn. Đồng chí Trương Văn Lý bị giam và tra tấn tại huyện đường Nghi Lộc. Lên thăm cha, chứng kiến những vết thương hằn lên da thịt, người cha bầm tím, sưng vù, chị vô cùng hoảng sợ, đau xót và căm thù bọn cướp nước. Khi cha bị chuyển vào giam tại Nhà lao Vinh, chịu án 4 năm và đày đi phát vãng ở Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Trương Thị Lan đã cùng mẹ làm thuê cuốc mướn để nuôi đàn em thơ. Dần trưởng thành từ những khó khăn, vất vả để mưu sinh, từ tình yêu thương gia đình và tấm gương yêu nước của thế hệ ông cha, Trương Thị Lan đã sớm được giác ngộ và tham gia vào các hoạt động cách mạng.

Năm 1934, hai chị em Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Xân (là những chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của quê hương Nghi Lộc) được ra tù đã tìm đến nhà Trương Thị Lan và dẫn dắt chị tham gia hoạt động như đi làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy Trung Kỳ với nhiệm vụ vận chuyển tài liệu cho các huyện như Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

Năm 1936, chị em phụ nữ huyện Nghi Lộc đã vay mượn vốn thành lập xưởng dệt vải ở gần Quán Hành nhằm mục đích làm quỹ cho Đảng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho một số chị em và làm nơi liên lạc thuận lợi cho hoạt động cách mạng. Ban phụ trách xưởng dệt do chị Nguyễn Thị Nhã làm Trưởng ban, chị Nguyễn Thị Phúc và một số chị em khác làm ủy viên. Mặc dù hoạt động vất vả nhưng các chị vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Trong thời gian này, chị Trương Thị Lan đã tích cực vận chuyển tài liệu từ Vinh về Nghi Lộc, qua xưởng dệt xuống tận các cơ sở Đảng. Khi xưởng dệt dừng hoạt động vì bọn mật thám rình rập, chị tiếp tục làm liên lạc cho Xứ ủy Trung Kỳ, đưa tài liệu của Đảng về miền Tây Nghệ An. Bước chân người chiến sỹ bé nhỏ của quê hương Nghi Lộc ấy đã in đậm trên nhiều nẻo đường của Nghệ Tĩnh, vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập. Khi xuống cơ sở, để cải trang che mắt địch, chị thường đóng vai con gái lấy chồng xa về thăm mẹ, lúc là cô buôn hàng tấm, hàng khô lên miền ngược… Dưới những chiếc mủng đựng cá, tôm là tài liệu của Đảng được đóng gói cẩn thận để tránh bị phát hiện. Ít ai ngờ rằng cô gái mới đôi mươi trong bộ áo nâu nhuộm chàm đi buôn mắm hay cô con gái dịu dàng trong bộ áo dài láng đen về thăm mẹ kia lại là một nữ chiến sỹ cộng sản nhanh nhẹn, tháo vát, mưu trí, dũng cảm của Xứ ủy Trung Kỳ.

Trong một chuyến mang tài liệu đi bằng tàu hỏa từ Vinh về Diễn Châu, chị bị chỉ điểm, bọn mật thám đã lên tàu khám xét với hy vọng sẽ có bằng chứng để bắt chị. Trương Thị Lan đã bình tĩnh gửi mủng hàng có tài liệu bên trong cho người phụ nữ đi buôn ngồi cùng toa rồi nhanh trí nhảy xuống tàu, tay cầm tiền như đang tìm xếp tàu. Mật thám khám xét không thấy gì nên bỏ đi, nhờ sự nhanh trí mà chị đã thoát được sự vây quét của địch, bảo đảm an toàn tài liệu của Đảng và tính mạng của mình.

Năm 1939, trong một lần đi ô tô từ Nghĩa Đàn xuống Diễn Châu, bị tri huyện Diễn Châu cùng lính ra chặn xe khám xét, chị đã bình tĩnh xuống xe, cắp mủng vào nách, sà ngay xuống ruộng như người đi hái rau, nhờ đó đã thoát được sự lục soát của địch, chị tiếp tục về ngược Đô Lương giao tài liệu an toàn.

Sau những hoạt động tích cực, không quản ngày đêm, Trương Thị Lan đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào tháng 9/1939 tại Chi bộ Mỹ Chiêm. Cuối năm 1939, chị được đồng chí Trần Mạnh Quỳ (Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách vùng Bắc Trung Kỳ) trực tiếp giao nhiệm vụ vận chuyển báo chí, tài liệu của Đảng về cơ sở.

Ở Nghệ An lúc này, thực dân Pháp gia tăng chính sách khủng bố. Chúng tung mật thám và bọn chỉ điểm ráo riết lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên. Hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và các đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến huyện lần lượt bị bắt. Trước sự tầm nã khắp nơi của địch, tháng 10/1940, đồng chí Trương Thị Lan bị bắt và đưa về giam giữ, tra khảo tại huyện đường Nghi Lộc. Bắt được chị, biết chị là con của đồng chí Trương Văn Lý, lại là cán bộ liên lạc quan trọng nên địch đã tra tấn rất dã man hòng lấy thông tin về hoạt động của các cơ sở Đảng. Chết đi sống lại nhiều lần trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù, nhưng nhớ lời cha dặn, chị không khai nửa lời. Bất lực trước sự gan góc của chị, Tri huyện đã chuyển chị vào tòa mật thám Vinh, tại đậy chị bị giam vào xà lim số 2 cùng với các chị Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu và nhiều đồng chí khác.

Tháng 2/1941, đồng chí Trương Thị Lan và Trần Thị Huệ (liên lạc của vùng Đô Lương) bị tòa án Nam triều kết án 18 năm tù giam và đày đi Buôn Ma Thuột. Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, các chị bị giam trong xà lim tăm tối, chỉ được uống nước lã, ăn cơm nhạt và ít hạt muối. Thương anh em tù nhân nam, lúc ăn hai chị vẫn để giành muối lại, đùm vào đầu chổi trao cho anh em trong giờ được ra sân. Một lần bị lộ, hai chị đã bị địch cạo trọc đầu, dội nước lạnh trong mùa đông giá rét. Chế độ hà khắc chốn lao tù đã bào mòn sức khỏe của hai chị, bị ốm nặng và rụng hết tóc nhưng tinh thần của hai nữ chiến sỹ vẫn không hề suy giảm. Thương hai chị, các đồng chí Trần Văn Quang, Nguyễn Đình Khiếng (Lê Nam Thắng), Trần Hữu Dực đã tổ chức đấu tranh với bọn quản ngục để hai chị được chuyển về Nhà lao Khánh Hòa (Nha Trang).

Về Nha Trang, được gặp lại các đồng chí Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Nhã… các chị lại tiếp tục đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực 9 ngày để đòi các quyền lợi thiết thực như được viết thư về nhà, được đọc báo… Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, bọn quản ngục phải nhượng bộ trước chị em tù chính trị.

Tháng 4/1945, sau khi nghe tin Nhật đảo chính Pháp, nhân dân Khánh Hòa đã đòi tỉnh trưởng thả tù chính trị, do đó các chị được ra tù. Ngày 14/4/1945, các chị về đến quê hương và tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ngày 19/5/1945, chị Trương Thị Lan tham dự Hội nghị thành lập Ban Vận động Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh tại thành phố Vinh. Sau Hội nghị, chị được giao nhiệm vụ nhận tài liệu, phổ biến, kêu gọi quần chúng nhân dân tham gia phong trào kháng Nhật cứu nước, giành chính quyền. Phụ trách các vùng tổng Đặng Xá và các làng thuộc tổng Thượng Xá, chị đã không quản ngày đêm cùng với các đồng chí của mình xuống từng gia đình ở Tân Hợp và Mỹ Chiêm để tuyên truyền, vận động quần chúng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chị Trương Thị Lan được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời xã Mỹ Chiêm. Năm 1946, chị tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc, làm Trưởng ban Tuyên truyền, sau đó được phân công phụ trách Phụ nữ huyện Nghĩa Đàn.

Năm 1949, chị Trương Thị Lan kết hôn cùng đồng chí Nguyễn Văn Luân (là đảng viên năm 1930, làm giao thông của Tổng ủy Võ Liệt, huyện Thanh Chương, từng bị bắt giam và đày đi Buôn Ma Thuột). Sau đám cưới, chị cùng chồng về Thanh Chương công tác ở Ban Phụ nữ huyện và sau đó là Hội Phụ nữ Tỉnh Nghệ An. Năm 1958, khi chồng qua đời, chị Trương Thị Lan xin nghỉ công tác phụ nữ ở nhà chăm sóc các con.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Trương Thị Lan đã vinh dự được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Huy hiệu Hồ Chí Minh. Đồng chí đã trở thành tấm gương nữ chiến sĩ cộng sản tiêu biểu trên quê hương Xô viết để thế hệ trẻ hôm nay, mai sau học tập và noi theo.

                                                      ThS.Trần Thị Hồng Nhung

P. Giám đốc Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử phong trào Phụ nữ Nghệ An (1930-1975); Hội LHPN Nghệ An,1996

 Nghệ An – Những tấm gương cộng sản, Tập 5; BCH Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2015

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1954), Tập 1, BCH Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2019

Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Nghi Lộc, Nxb Nghệ An 1991

Video