1376
771
3226
15611
34073
6824056
Nghi Lộc – mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường. Nhiều người con ưu tú của huyện Nghi Lộc đã trở thành những chiến sỹ cộng sản kiên cường hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, trong đó không thể không nhắc đến đồng chí Trương Học Ba – người thanh niên giáo dân kính chúa yêu nước, đã “sống anh dũng, chết vẻ vang” làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
Đồng chí Trương Học Ba tên thật là Trương Văn Bá, sinh năm 1903 con của ông bà Trương Văn Tờng theo đạo Thiên Chúa ở làng Tụy Anh, tổng Vân Trình (thuộc giáo xứ Mỹ Yên, địa phận Xã Đoài, giáo phận Vinh), nay là xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa giáo yêu nước, ngay từ nhỏ, Trương Văn Ba rất thích nghe kể chuyện đánh Pháp của các bậc cha anh, luôn tìm tòi những vần thơ sôi sục nhiệt huyết đấu tranh của cụ Phan Bội Châu. Tinh thần yêu nước và căm thù giặc đã sớm nhen nhóm trong Trương Văn Bá.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, theo tiếng gọi cứu nước, hàng trăm thanh niện Nghệ Tĩnh đã xuất dương ra nước ngoài hoạt động. Với tư chất thông minh, ham học và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, mùa xuân năm 1924, Trương Văn Bá, Trương Văn Thanh (tức Trương Vân Lĩnh) cùng với Trương Văn Lục lặng lẽ chào tạm biệt những người thân, lên đường đi xuất dương. Để giữ bí mật trong công tác hoạt động cách mạng, Trương Văn Bá đổi tên thành Trương Học Ba. Sau này, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Trương Học Ba còn có các tên gọi khác như Đinh Nho Học, Hồ Nhất Trí và các bí danh Lương, Nguyên.
Đoàn người xuất dương được hai ông Ngô Quảng và Vương Thúc Oánh dẫn đường. Sau nhiều ngày băng rừng lội suối, ngược miền Tây xứ Nghệ, vượt qua đất nước Lào, Trương Học Ba cùng với những người anh em của mình đã đặt chân đến Nakhon (Xiêm), nơi có Trại Cày của Cụ Đặng Thúc Hứa đang ngày đêm nuôi dưỡng, rèn luyện, đào tạo những hạt giống Đỏ cho cách mạng Việt Nam. Tại đây, Trương Học Ba cùng với các thanh niên yêu nước ngày đêm say sưa, tích cực tham gia hoạt động sản xuất và luyện tập quân sự.
Sau một thời gian học tập, rèn luyện tại Trại Cày, năm 1925, cụ Đặng Thúc Hứa liên lạc với Hồ Tùng Mậu gửi Trương Học Ba và Trương Vân Lĩnh sang Quảng Châu (Trung Quốc). Họ đã may mắn được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện bồi dưỡng chính trị do Người trực tiếp giảng dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn, Trương Học Ba đã thông thạo tiếng Xiêm, tiếng Hán và tiếng Pháp. Điều đó đã giúp Trương Học Ba hoàn thành nhiệm vụ do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giao phó. Năm 1926, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu Trương Vân Lĩnh và Trương Học Ba dự thi vào trường Quân sự Hoàng Phố.
Trường quân sự Hoàng Phố tên chính thức là Học viện Sĩ quan Lục quân Trung Hoa Dân quốc, được thành lập năm 1924 theo sáng kiến của ông Tôn Dật Tiên nhằm đào tạo các cán bộ sĩ quan cho cách mạng Trung Quốc. Hiệu trưởng của trường này là Tưởng Giới Thạch, còn Chính ủy là Chu Ân Lai. Toàn bộ chi phí cho việc tổ chức và duy trì hoạt động của trường đều do Chính phủ Liên Xô cung cấp. Các chuyên gia Xô-viết chịu trách nhiệm cả về chương trình học tập. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1924-1927) với 5 khóa đào tạo, nhưng Trường quân sự Hoàng Phố đã đào tạo ra nhiều danh nhân quân sự cho cả Quân đội Trung Hoa Dân Quốc lẫn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Nhiều nhà cách mạng, tướng lĩnh của Việt Nam cũng từng học hoặc giảng dạy tại Trường quân sự Hoàng Phố như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên …
Trong thời gian học tập tại trường Quân sự Hoàng Phố, với kết quả học tập xuất sắc, đồng chí Trương Học Ba được phân công tham gia hoạt động trong hàng ngũ Hồng Quân Trung Quốc của chính phủ Tôn Trung Sơn. Nhờ làm việc trong lĩnh vực quân đội của Tưởng Giới Thạch, đồng chí Trương Học Ba đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho cách mạng của hai nước. Qua đó, giúp lực lượng cách mạng Trung Quốc và Việt Nam kịp thời chủ động đối phó, hạn chế thấp nhất những tổn thất xảy ra, nhất là đợt càn quét của Tưởng Giới Thạch vào khu “Du kích Đỏ” của lực lượng cách mạng Trung Hoa.
Sau Quảng Châu công xã bị thất bại, Trương Học Ba và một số chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia khởi nghĩa bị bắt, giải về giam tại huyện Hải Nam. Chúng đã dùng mọi hình thức tra tấn cực hình và mua chuộc bằng vật chất hòng làm lung lạc ý chí, tinh thần của các đồng chí. Sau 7 tháng giam cầm, không có chứng cứ cụ thể, kẻ thù buộc phải trả tự do cho đồng chí Trương Học Ba và các đồng chí trong nhóm những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Ra tù, đồng chí Trương Học Ba liền tìm đường sang Hồng Kông để bắt liên lạc với tổ chức. Được một đồng chí trong Đảng Cộng sản Trung Quốc giới thiệu, Trương Học Ba gia nhập vào Hồng Quân Trung Quốc và đổi họ, thay tên thành Hồ Nhất Trí. Nhận nhiệm vụ phân công của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức cách mạng Việt Nam tại hải ngoài, đồng chí Hồ Nhất Trí và Lê Duy Nghĩa (tức Cao Xuân Bôi) đã đến hoạt động tại vùng Hồ Nam. Tại đây, đồng chí Hồ Nhất Trí được giao quyền chỉ huy Trung đoàn, có dưới quyền mình 3 Lữ đoàn quân (tương đương khoảng 3.000 người). Đầu năm 1930, đội quân của Tướng quân Bành Đức Hoài, trong đó có Trung đoàn của Hồ Nhất Trí chỉ huy đánh ở khu Du kích Đỏ tỉnh Phúc Kiến. Sau thắng lợi của chiến dịch này, được Tướng quân Bành Đức Hoài phong quân hàm Đại tá và giao nhiệm vụ tiến đánh giải phóng thành phố Phúc Châu.
Sau khi khu “Du kích Đỏ” bị quân đội Tưởng Giới Thạch vây quét, gây thiệt hại nặng nề, Hồ Nhất Trí được Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ trở lại hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Xiêm cùng các đồng chí Trần Tố Chấn, Ngô Tuân và được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm.
Giữa năm 1930, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bùng nổ đạt được nhiều thắng lợi và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng của nhân dân trong nước và quốc tế. Kẻ thù đã điên cuồng đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng trong nước, đồng thời ráo riết truy lùng và bắt bớ những chiến sĩ Cộng sản Việt Nam đang hoạt động ở hải ngoại. Ngày 30/12/1930, đồng chí Hồ Nhất Trí, Vũ Nguyên Trinh (Lê Hồng Sơn), Lưu Phong (Nguyễn Văn Liêm) cùng nhiều đồng chí khác bị bắt. Cũng như lần trước, Hồ Nhất Trí và các đồng chí của mình đều bị tra tấn nhục hình, nhưng không hề khai báo. Được sự giúp đỡ của ông Hồ Học Lãm lúc đó đang làm việc tại Bộ Tham mưu của quân đội Tưởng Giới Thạch bảo lãnh, Hồ Nhất Trí được trả lại tự do và tiếp tục trở lại Xiêm hoạt động.
Lần thứ hai trở lại Xiêm, đồng chí đã mở các lớp huấn luyện, xây dựng trường học cho con em Việt kiều, viết bài đăng trên báo “Ngọn đuốc”, đồng thời tích cực hoạt động cho nhiệm vụ viện trợ cách mạng Đông Dương. Những hoạt động đó đã được các đồng chí Nguyễn Tài, Nguyễn Văn Luyện, Hà Sâm, Ngô Tuân và bà Đặng Quỳnh Anh ghi nhận và đánh giá rất cao. Hoạt động ở Bản Đông (Xiêm) một thời gian, theo yêu cầu của tổ chức, đồng chí Hồ Nhất Trí trở lại Quảng Đông (Trung Quốc), tiếp tục chỉ huy đội “Du kích Đỏ”. Nhờ có những mưu lược trong chỉ huy, dũng cảm trong chiến đấu, đồng chí và đơn vị Hồng quân dưới quyền đã nhiều lần đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Tưởng Giới Thạch lập nhiều chiến công oanh liệt. Trong một trận đánh ác liệt, tương quan lực lượng chênh lệch, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại khu phố Đông Giang (Tong kiang) thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Suốt hơn 10 năm, từ những ngày hoạt động cách mạng gian khổ ở nước ngoài đến những năm tháng bị bắt giam trong nhà tù đế quốc (2 lần bị bắt), đồng chí Trương Học Ba luôn tỏ rõ là một người cộng sản kiên cường, dũng cảm hiên ngang trước kẻ thù, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân hai nước Việt – Trung, theo tinh thần Quốc tế vô sản. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn là tấm gương sáng, sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.
Phạm Thị Kim Lân
Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo
- Nghệ An – Những tấm gương cộng sản, Tập 5; BCH Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2015