339
769
3043
9773
20962
6839180
Đồng chí Trương Châu sinh năm 1900, trong một gia đình nông dân nghèo, giàu lòng yêu nước tại làng Ngọc Bội, xã Hoàng Trường, tổng Hoàng Trường, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An. Dù gia đình không khá giả, nhưng Trương Châu vẫn được cha là ông Trương Xuân Hướng và mẹ là bà Nguyễn Thị Phan chăm lo, giáo dục về chữ nghĩa và đạo hiếu làm người. Lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, lại chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến đối với Nhân dân, Trương Châu càng ấp ủ hoài bão cứu nước.
Năm 1926, tại Diễn Châu, chủ nghĩa Mác - Lênin và nhiều sách báo yêu nước tiến bộ được bí mật truyền về như làn gió mới đã thổi vào phong trào yêu nước trên mảnh đất này. Những thanh niên trẻ tràn đầy nhiệt huyết như đồng chí Trương Châu đã nhanh chóng được giác ngộ cách mạng. Anh hăng hái tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở tổng Hoàng Trường.
Năm 1927, Trương Châu cùng Chu Đàm, Chu Trang và nhiều thanh niên khác đã tích cực tham gia các tổ chức thanh niên yêu nước, lập Trại cày tại Truông Kè (Yên Thành) nhằm tuyên truyền, vận động cách mạng, tố cáo tội ác của chính quyền thực dân, phong kiến, kêu gọi quần chúng Nhân dân đấu tranh…
Năm 1929, sau khi Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ được thành lập để chỉ đạo cuộc vận động thành lập Đảng trong Xứ, tháng 9/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở tổng Hoàng Trường cũng nhanh chóng ra đời, gồm đồng chí Trương Châu và nhiều đảng viên khác như: Chu Trang, Chu Đàn, Hồ Nhiếp, Hồ Xiển, Chu Toàn, Chu Huệ, Hồ Hùng, Trương Nghiệm, Lê Ty, Lê Tài,...
Hai chi bộ Vạn Phần, Hoàng Trường được Kỳ bộ giao nhiệm vụ xung kích trong những ngày đầu vận động thành lập Đảng trong xứ. Trương Châu cùng nhiều đồng chí chia nhau đi xây dựng cơ sở Đảng trong 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, đồng thời thành lập các tổ chức quần chúng như hội ái hữu, tương tế ở một số thôn xã trong huyện.
Bất chấp sự khủng bố, đàn áp của kẻ địch, dù Hội Thanh niên và Đảng Tân Việt bị vỡ nhưng Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vẫn duy trì hoạt động. Các cơ sở đảng tiếp tục phát triển rộng ra các phủ, huyện; nhiều tổ chức quần chúng như Tổng Nông hội, Công hội, Sinh hội đỏ lần lượt ra đời giúp Kỳ bộ lãnh đạo phong trào.
Hòa nhịp vào phong trào của quần chúng, đồng chí Trương Châu và nhiều đồng chí khác đã tích cực kêu gọi Nhân dân đấu tranh. Với những hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của mình, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí đã nhanh chóng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của đồng chí. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí đã chính thức trở thành người đảng viên cộng sản, để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Khi làn sóng đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh lan rộng ra nhiều địa phương trong hai tỉnh, thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai đã tăng cường khủng bố trắng hòng dập tắp phong trào cách mạng của quần chúng. Trước tình hình mới, ngày 22/10/1930, Ban Chấp hành Phủ ủy lâm thời mở cuộc họp mở rộng với sự tham gia của đại diện 4 liên chi: Vạn Phần, Lý Trai, Thái Xá và Hoàng Trường, quyết định phát động phong trào đấu tranh và lên kế hoạch cho cuộc biểu tình toàn huyện vào dịp kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ngày 26/10/1930, đồng chí Trương Châu cùng chi bộ và Nông hội đỏ hai tổng Vạn Phần, Hoàng Trường đã huy động hơn 500 nông dân giương cao cờ đỏ búa liềm, kéo về Yên Lý đấu tranh đòi giảm sưu, hoãn thuế, bỏ lệ tuần canh và mọi khoản tế lễ, đòi chia ruộng đất công cho dân cày. Tri phủ Võ Vọng đem lính ra đàn áp đoàn biểu tình. Anh Hồ Sỹ Thiềng, cán bộ Nông hội đỏ Đông Tháp đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương mở đầu cho phong trào cách mạng huyện nhà.
Phẫn nộ trước tội ác của địch, ngày 28/10/1930, đồng chí Trương Châu tiếp tục cùng Nhân dân tổng Hoàng Trường tổ chức cuộc mít tinh ở Đồng Nho (Diễn Đoài) làm lễ truy điệu anh Hồ Sỹ Thiềng, sau đó dân chúng Cao Hậu Đoàn (nay là xã Diễn Đoài) kéo đi thị uy tên lý trưởng Nguyễn Thám. Luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh, đồng chí Trương Châu bằng tinh thần tiên phong, gương mẫu đã trở thành tấm gương cộng sản của quê hương Diễn Châu và tạo được niềm tin yêu trong quần chúng Nhân dân.
Vốn là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân Diễn Châu mặc dù chịu sự đàn áp của chính quyền thực dân, phong kiến nhưng vẫn diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, Phủ ủy tiếp tục tổ chức cuộc tổng biểu tình kéo về phủ lị đưa yêu sách, đòi giảm sưu, giảm thuế, tịch thu lúa, ruộng đất công của nhà giàu chia cho dân nghèo…
Sáng ngày 7/11/1930, tiếng trống từ đình làng Long Ân vang lên rộn rã thúc dục quần chúng về điểm tập trung. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ và đồng chí Trương Châu, Nhân dân tổng Hoàng Trường tập hợp tại cánh đồng Nu làng Mỹ Quan, rồi dọc theo Quốc lộ 1A tiến vào phủ lị. Đoàn người rầm rập tiến bước, với băng cờ, khẩu hiệu, tiếng hô vang khẩu hiệu hòa cùng tiếng reo hò của quần chúng thành một dòng người hùng hậu theo hướng phủ lị xông lên. Khí thế cuộc đấu tranh như nước vỡ bờ khiến tri phủ Võ Vọng lo sợ, phủ đường rối loạn, tên chỉ huy đồn Diễn Châu đã huy động lính tập trung súng ống nhả đạn vào đoàn biểu tình, đồng thời điện cho các đồn cầu Giát, Yên Thành và Vinh ra hỗ trợ.
Mặc cho đạn địch bắn ra như mưa, cờ đỏ búa liềm vẫn tung bay phấp phới, băng cờ khẩu hiệu vẫn được giương cao, đoàn biểu tình chỉ cách phủ lị khoảng 10m. Nhưng kẻ địch đã đóng chặt cửa thành, đoàn người dồn lại, phía sau bọn lính cho xe đuổi theo bắn loạn xạ, nhiều người ngã xuống, máu của quần chúng, đảng viên nhuộm đỏ cả khúc sông Bùng. 30 người hy sinh tại chỗ, 8 người bị thương địch đưa ra xử bắn tại Bến Tải để uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng.
Sau cuộc biểu tình oanh liệt này, Phủ ủy Diễn Châu chỉ thị cho các cán bộ lãnh đạo Nông hội tổ chức trọng thể lễ truy điệu những chiến sĩ đã ngã xuống, động viên cứu tế các gia đình bị nạn. Nhiều địa phương lần lượt tổ chức lễ truy điệu. Biến đau thương thành hành động, đồng chí Trương Châu cùng Nhân dân trong tổng cũng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh để tưởng nhớ những người ngã xuống, tố cáo tội ác của địch và kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh. Tổ chức Đảng và quần chúng dần được củng cố, phát triển. Ban Chấp hành Phủ ủy được kiện toàn, các Ban Chấp hành liên chi cũng được sắp xếp lại, chi bộ ghép Hoàng Trường được tách thành 4 chi bộ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào. Ban Chấp hành Tổng ủy gồm có 5 đồng chí: Chu Huệ (Bí thư), Hồ Nhiếp, Trương Châu, Hồ Hùng, Vũ Xước. Đồng chí Trương Châu được giao phụ trách chi bộ B.
Sau khi chính quyền Xô viết ra đời ở nhiều địa phương, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng. Chỉ trong vòng gần 4 tháng (từ tháng 1 đến tháng 4/1931), nhiều cơ sở đảng đã bị phá vỡ, nhiều đảng viên, cán bộ chủ chốt của Nông hội, Tự vệ Đỏ bị bắt bớ, giam cầm. Phong trào cách mạng của tổng Hoàng Trường vì thế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Để tăng cường khả năng lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, Tổng ủy Hoàng Trường được củng cố lại, đồng chí Trường Châu được bầu làm Bí thư. Trên cương vị mới, đồng chí đã bất chấp nguy hiểm, không quản ngày đêm tìm mọi cách để khôi phục các cơ sở đảng, quần chúng, cùng Ban Chấp hành Tổng ủy đưa ra những chủ trương quan trọng, kịp thời nhằm củng cố các chi bộ và các tổ chức quần chúng. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh của Nhân dân trong tổng vẫn được duy trì trước sự vây ráp của địch.
Trong những năm 1932-1935, trước sự tan vỡ của nhiều cơ sở đảng, đồng chí Trương Châu và các đảng viên còn lại ở địa phương đã tìm cách bắt mối liên lạc với cấp trên để gây dựng lại phong trào. Bước sang năm 1936, đồng chí lại tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh công khai nửa hợp pháp, tổ chức nhiều hội nghị thảo luận, lập các bản dân nguyện đòi đại xá cho chính trị phạm, tự do đi lại, tự do lập hội… Nhờ những nỗ lực của đồng chí Trương Châu trong giai đoạn khôi phục cơ sở đảng và duy trì phong trào cách mạng địa phương nên đã góp phần mang lợi những thắng lợi to lớn sau này.
Năm 1945, đồng chí Trương Châu được bổ sung vào Ban khởi nghĩa tổng Hoàng Trường. Đêm ngày 20/8/1945, Việt Minh Diễn Châu triệu tập Hội nghị khẩn cấp bàn kế hoạch cướp chính quyền trên toàn phủ tại đình làng Phượng Lịch, thông qua danh sách Ủy ban cách mạng lâm thời huyện và thảo luận nhất trí phương châm giành chính quyền nhanh gọn. Sáng ngày 21/8/1945, đồng chí Trương Châu cùng Việt Minh các tổng tập hợp đông đảo quần chúng rầm rập kéo về phủ lị. Tiếng hô khẩu hiệu vang trời, trước khí thế của quần chúng cách mạng, tri phủ Ngô Xuân Tích tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Diễn Châu kết thúc trong thắng lợi trong bầu không khí tràn đầy phấn khởi của Nhân dân.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trương Châu vẫn tích cực tham gia hoạt động trong bộ máy chính quyền địa phương. Đến năm 1954, đồng chí qua đời do bệnh hiểm nghèo để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình và quê hương.
Từ một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước, đồng chí Trương Châu đã được giác ngộ và sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, trưởng thành từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí đã trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường với nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng trên quê hương Diễn Châu. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã công nhận là đồng chí là Cán bộ lão thành cách mạng.
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT