Đồng chí Trần Xy – người cán bộ kiên trung của quê hương Hồng Lộc - Lộc Hà

Tác giả: admin
Ngày 2021-04-29 04:11:48

“ ...Đứng trước Đảng kỳ, đứng trước toàn thể nhân dân tôi hứa: trước tôi đã có những cố gắng nhưng còn phải cố gắng hơn nữa, xứng đáng là người Đảng viên của Đảng. Là người Đảng viên tôi nguyện đem hết sức mình ra phục vụ cho dân, cho Đảng…”(1). Đó chính là lời tuyên thệ thiêng liêng của đồng chí Trần Xy trong giây phút đáng nhớ và tự hào khi được kết nạp vào Đảng. Từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 đến những ngày giành chính quyền về tay nhân dân, qua bao gian nan thử thách, đồng chí Trần Xy đã sống trọn đời cho lý tưởng cách mạng mà mình đã chọn. Dư  âm về những ngày tháng đấu tranh đó vẫn còn mãi, để rồi hơn 90 năm trôi qua, câu chuyện về những đảng viên đầu tiên của phong trào Xô Viết như đồng chí Trần Xy vẫn được nhắc đến.

Đồng chí Trần Xy sinh năm 1900 tại làng Thượng Yến, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc ( nay là xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nông dân, hoàn cảnh khó khăn mãi đến năm mười hai tuổi, Trần Xy mới được cha mẹ cho đi học do thầy Hồ Quảng dạy, ngày đó học chữ Hán bằng những cuốn sách Tam tự kinh hay luận ngữ.

Ảnh: Đồng chí Trần Xy

Năm 1915, Trần Xy may mắn được theo học chữ quốc ngữ tại trường làng do thực dân Pháp mở ra, người dạy là thầy Đôn Vị (người Tân Lộc), học được sáu tháng thì chuyển lên trường tổng học tiếp hai năm. Năm 1918, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Trần Xy đành phải nghỉ học. Nhớ lại những ngày đi học thường được nghe các thầy kể về chuyện nước Nga làm cách mạng, về phong trào xuất dương của những người yêu nước lúc bấy giờ... đến khi trở về quê hương, thấy bọn cường hào, phong kiến vẫn bóc lột nhân dân tàn bạo đã thôi thúc Trần Xy một ý chí, quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Khoảng giữa năm 1928, bọn phong kiến ở làng Thượng Yến ra sức bóc lột nhân dân. Không chịu được cảnh ấy, Trần Xy rủ một số người cùng làng như Nguyễn Thộ, Nguyễn Thập… bàn cách vận động quần chúng đấu tranh đòi lại số tiền phụ thu lạm bổ của dân năm đó. Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1928, trong khi bọn quan lại đang khề khà chén rượu sau buổi lễ Cáo yết tại đình làng thì Trần Xy cùng quần chúng kéo đến để biểu tình, hô vang khẩu hiệu: Không được như vậy, ăn của dân phải trả cho dân! Phải trả cho dân! Trước sự biểu tình mạnh mẽ của quần chúng, bọn quan lại sợ hãi hứa sẽ trả lại tiền cho dân. Phát huy khí thế của đợt đấu tranh đó, hàng năm mỗi khi có lễ cúng ở đình thì quần chúng lại tổ chức đấu tranh, bọn cường hào, phong kiến trong làng lại nơm nớp lo sợ.

Ngay sau khi Đảng bộ huyện Can Lộc ra đời (4/1930), các đồng chí Hồ Ngọc Tàng (quê Phù Lưu Thượng, xã Hồng Lộc) và Hoàng Khoái Lạc (cán bộ xứ ủy Trung Kỳ, quê làng Đỉnh Lự, xã Tân Lộc) đã về làng Thượng Yến, bắt liên lạc với các thành viên Đảng Tân Việt nơi đây như Phan Bường, Cù Khản, Cù Điệt, Hồ Ngưỡng, Cù Huy Hằng…để thành lập chi bộ Thượng Yến.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Chương (người Đỉnh Lự) đã về tìm gặp Trần Xy để tổ chức các đoàn thể quần chúng. Nhận thấy Trần Xy là một người tích cực trong cuộc đấu tranh chống lại bọn quan lại phong kiến, trở thành một trong những hạt nhân của phong trào nơi đây, nên đồng chí Nguyễn Chương tin tưởng giao cho làm tổ trưởng nông hội làng Thượng Yến. Đồng chí Trần Xy tận tụy trong công việc, tích cực đi rải truyền đơn để vận động một số quần chúng hăng hái, có tư tưởng tiến bộ để họ tham gia vào nông hội. Truyền đơn thường nhận được từ ở trên huyện đưa xuống, có dấu ấn loát của huyện lúc bấy giờ, sau đó lại phân phát cho người khác trong các tổ nông hội. Số truyền đơn chưa phân phát được đồng chí mang sang miếu Biên Sơn ở sau nhà cất giữ bằng cách lấy quần áo gói kỹ lại, bỏ dưới đáy mâm quả bồng úp lại. Hàng ngày thường xuyên kiểm tra, ban đêm đem đi phân phát và đi rải trong xóm. Truyền đơn in bằng hai thứ chữ: chữ Hán và chữ Quốc ngữ nên người đọc được chữ Hán thì phân tích nội dung cho người đọc chữ Quốc ngữ nghe và ngược lại... Kết quả là ở các xóm, thôn ở làng Thượng Yến đều đã có nông hội, từ đó thành lập nên thôn bộ nông và cử ra Ban chấp hành do đồng chí Cù Khản làm Bí thư, Trần Xy làm Phó Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, đồng chí Trần Xy và nhân dân Thượng Yến tích cực tham gia các cuộc đấu tranh, tiêu biểu như: ngày 1/5/1930, đấu tranh đưa yêu sách đòi quyền lợi, treo cờ đỏ và rải truyền đơn để vạch trần tội ác của địch…; ngày 1/8/1930, đấu tranh nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc, biểu tình kéo tới huyện đường đưa yêu sách, đòi miễn giảm sưu thuế, chia lại công điền… Ngày 7/9/1930, gần 800 quần chúng nhân dân làngThượng Yến, Phù Lưu Thượng, Đại Lự cùng với nông dân các tổng Nội Ngoại, Đoài, Nga Khê, Lai Thạch… kéo về huyện đường Can Lộc đòi tri huyện Trần Mạnh Đàn trả lời những yêu sách đã đưa trong cuộc biểu tình 1/8/1930. Ngày 7/11/1930, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, gần 2000 quần chúng nhân dân Hồng Lộc kéo về huyện đường đấu tranh đòi quyền lợi…

Cuối năm 1930, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, bộ máy quyền lực của thực dân phong kiến ở Thượng Yến nói riêng và Hồng Lộc nói chung đều bị tê liệt, tan rã nhường chỗ cho chính quyền Xô viết. Lúc này mọi công việc trong làng đều do xã bộ nông và thôn bộ nông đứng ra giải quyết. Ở Thượng Yến đã thành lập được các đội tự vệ nhất là đội cảm tử, để bảo vệ các cơ quan, các cuộc họp, các cơ sở ấn loát và giám sát, trấn áp bọn mật thám làm tay sai cho thực dân Pháp trong các thôn, xóm. Thời gian này, đồng chí Trần Xy hoạt động tích cực vừa dạy chữ cho mọi người, vừa huấn luyện cho các đội viên đội cảm tử.

Tháng 1/1931, với những hoạt động tích cực, sôi nổi của mình, đồng chí Trần Xy được kết nạp Đảng. Tháng 4 năm 1931, Trần Xy được bầu làm Bí thư chi bộ Thượng Yến. 

Thời gian này, địch cho lính lê dương về đóng đồn ở đình Văn Thai để đi thu thuế trong dân. Nắm được tình hình, chi bộ Thượng Yến và đồng chí Trần Xy vận động quần chúng mang gậy gộc, giáo mác kéo đến chợ Lù ở Hồng Lộc để biểu tình. Địch cho lính đốt cháy chợ Lù và nhiều nóc nhà để đe dọa nhưng nhân dân không hề nao núng vẫn tiếp tục đấu tranh.

Bên cạnh đó, chi bộ Thượng Yến cũng quan tâm tới công tác địch vận, đồng chí Trần Xy nhận nhiệm vụ đi rải truyền đơn vào các đồn để lính đọc. Truyền đơn chủ yếu rải ở trong đồn, còn ngoài đường cũng có nhưng ít. Nội dung kêu gọi bọn binh lính quay súng trở về, nếu không sẽ bị trừng trị thích đáng. Nội dung được in bằng chữ Pháp và chữ Anh là chủ yếu... Cỡ truyền đơn bằng tờ giấy lớn (20cm x 15cm). Cuộc đấu tranh lần này là sự uy hiếp, thách thức của phong trào quần chúng với bọn lính khiến chúng hoảng sợ phải rời khỏi làng mà không thu được đồng thuế nào.

Trước thành quả của chính quyền Xô viết, địch kéo về Thượng Yến lùng bắt cán bộ, ra sức đàn áp cách mạng nên phong trào nơi đây lắng xuống. Đồng chí Trần Xy được điều lên Tổng ủy, phụ trách các làng Thượng Yến, Phù Lưu Thượng và Đại Lự. Tổng bộ đóng ở nhà ông Mưu (Tân Lộc). Đồng chí Trần Xy đã xuống từng thôn để khôi phục phong trào, vận động quần chúng quyên góp tiền và lúa cho các cơ sở in làm việc, đồng thời nhận tin tức ở cấp trên chuyển xuống đưa tới tận các cơ sở.

Cuối năm 1931, đồng chí Trần Xy khi đang đi làm nhiệm vụ thì bất ngờ bị địch phát hiện và dùng súng truy bắt. Biết không thể chạy thoát, đồng chí đã giả vờ ngã xuống cánh đồng Bàu Mẫn để dìm tài liệu của Đảng mang theo xuống bùn nước, không để rơi vào tay quân lính. Đồng chí bị chúng bắt ngay sau đó. Dù bị bắt giam từ đồn này sang đồn khác, tra tấn bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản kiên trung, bất khuất, một mực trước sau trả lời không biết, không có. Giữa năm 1932, ở đồn huyện Can Lộc, địch kết án đồng chí Trần Xy 13 năm tù giam.

Đến tháng 3 năm 1933, đồng chí bị đưa về  nhà lao tỉnh Hà Tĩnh, giam ở đây được bốn tháng chúng lại đưa đồng chí đi đày ở nhà lao Hội An (Quảng Nam). Thời gian đầu bị giam, Trần Xy cùng anh em tù đấu tranh để được phát quần áo, kết quả bọn chúng phải nhượng bộ phát thêm cho mỗi người hai bộ quần áo. Trên đà thắng lợi, các đồng chí đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, đòi phát sách báo để xem, đòi thả tù chính trị…

Đến cuối năm 1936, khi Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền thì sinh hoạt trong lao được cải thiện, đồng chí Trần Xy được phân công phụ trách việc liên lạc từ bên trong ra bên ngoài nhà tù.

Giữa năm 1945, Trần Xy sau khi được ra tù, trở về quê hương bắt mối liên lạc, tiếp thu chủ trương và Điều lệ Mặt trận Việt Minh huyện Can Lộc để thành lập Mặt trận Việt Minh ở làng Thượng Yến.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, huyện Can Lộc giành được chính quyền. Ngày 18 tháng 8 năm 1945, thực hiện lệnh của Ủy ban khởi nghĩa huyện Can Lộc cho tất cả các tổng, làng nổi dậy khởi nghĩa, Ban Mặt trận Việt Minh làng Thượng Yến và đồng chí Trần Xy đã tập hợp quần chúng đến tịch thu triện, bạ của chánh tổng, lý trưởng, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời làng Thượng Yến được lập ra do đồng chí Trần Xy làm Chủ tịch. Lúc này vùng Thượng Yến và Đại Lự do đồng chí Trần Xy và Nguyễn Vượng phụ trách, vùng Phù Lưu Thượng do đồng chí Dương Thúy phụ trách.

Tháng 10/1945, đồng chí Trần Xy được bầu vào Ban chấp hành lâm thời khóa IV của huyện Đảng bộ Can Lộc.

Tháng 8/1948, đồng chí Trần Xy được bầu làm Bí thư xã Hồng Yến (2). Tháng 5/1949, đồng chí Trần Xy được điều lên nhận công tác tại Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Can Lộc.

Sau này đồng chí Trần Xy vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, có nhiều đóng góp cho phong trào địa phương.

Quá trình hoạt động cách mạng trải qua bao nhiêu gian khổ nhưng đồng chí Trần Xy vẫn luôn giữ vững lập trường, lý tưởng, một lòng theo Đảng. Cuộc đời chiến đấu sôi nổi của đồng chí Trần Xy xứng đáng là một trong những tấm gương tiêu biểu trên quê hương Xô viết anh hùng.

Nguyễn Vân Anh

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:  

(1) Trích hồi ký của đồng chí Trần Xy ( Lưu tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh).

(2) Xã Hồng Sơn được thành lập cuối tháng 12/1945 gồm các làng Phù Lưu, Thượng Yến, Đại Lự. Đầu năm 1948, hợp nhất hai xã Hồng Sơn và Kim Tân ( Tân Lộc ngày nay) thành một xã gọi là xã Hồng Yến.

Tài liệu tham khảo: lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Lộc năm 1930-2010; Nxb VHTT, Hà Nội, 2011.

 

Video