Đồng chí Trần Xuân – một chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Thanh Hà, Thanh Chương trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931

Tác giả: admin
Ngày 2019-04-19 03:03:59

Trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ con em Thanh Hà đã chung lưng đấu cật, chinh phục tự nhiên, bạt núi, ngăn suối, dựng xóm, lập làng. Trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, nhiều thế hệ con em Thanh Hà đã góp một phần xương máu của mình cùng cả dân tộc viết nên những mốc son trong lịch sử. Đặc biệt, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931, tiêu biểu cho những người con kiên trung, bất khuất của quê hương Thanh Hà có đồng chí Trần Xuân – Tự vệ đỏ.

Đồng chí Trần Xuân sinh năm 1907 trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng tại làng Quảng Xá (nay xã Thanh Hà), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.  Đồng chí có 2 người anh trai là Trần Đoài và Trần Nhuân được công nhận là Đảng viên lão thành cách mạng. Mẹ là bà Trần Thị Bính, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó hết lòng vì chồng con. Bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh Hùng”.

Từ năm 1927 – 1928, xã Thanh Hà đã có nhiều đồng chí tham gia vào Tân Việt Cách mạng Đảng như Nguyễn Thư Xiển, Nguyễn Thư Đổng, Nguyễn Thư Đởn... Hoạt động của cơ sở Đảng Tân Việt bị mật thám và cảnh sát theo dõi chặt chẽ, chúng quyết định phá vỡ tổ chức này bằng cách bắt bớ, lùng sục tất cả những ai tham gia hay ủng hộ tiền của, vật chất cho tổ chức Đảng.

Năm 1929 Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung kỳ đã cử đồng chí Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều về bắt liên lạc với Hội Thanh niên ở Hạnh Lâm, La Mạc... thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Thanh Chương, do đồng chí Nguyễn Đình Sòng làm Bí thư.  Đồng chí Trần Xuân được giác ngộ và tham gia vào phong trào cách mạng tại địa phương như rải truyền đơn, mít tinh, biểu tình kỷ niệm 12 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1929). 

Ngày 5-5-1930, đồng chí Hoàng Tăng Bính được bí mật cử về thành lập chi bộ Quảng Xá (tên đầu tiên của xã Thanh Hà ngày nay) gồm 6 đảng viên, do đồng chí Phạm Toàn làm Bí thư. Sau khi thành lập, các đồng chí trong chi bộ đã tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia vào Nông hội, hội Phụ nữ, Tự vệ đỏ... trực tiếp tổ chức, lãnh đạo các phong trào đấu tranh ở địa phương.

Ngày 1/9/1930, đồng chí Trần Xuân đã cùng với nhân dân Quảng Xá đồng loạt nổi trống, mõ, tù và, biểu ngữ, cờ... tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh biểu tình, thị uy góp phần hòa vào dòng thác đấu tranh chung của nhân dân trong toàn tổng Võ Liệt với các khẩu hiệu:  Tự do bãi công biểu tình và lập hội; Bồi thường cho những người bị nạn; Thả những người chính trị phạm và 12 người bị kết án tử hình ở Hà Nội ...

Từ tháng 9 năm 1930, Huyện bộ Thanh Chương đã thiết lập được Thôn bộ nông, Xã bộ nông, có tới 65 làng đã thành lập chính quyền Xô Viết. Bộ máy chính quyền này đã trực tiếp giải quyết những vấn đề phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân như: chia ruộng đất công, mở trường dạy chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan... Nhân dân Quảng Xá cũng được sống những ngày sôi động trong không khí cách mạng của hàng vạn người dân lao khổ bần cùng. Ngày tham gia biểu tình, tối về hội họp, họ cũng được hưởng những thửa ruộng đầu tiên mà chính quyền Xô viết đưa lại, được xóa bỏ nợ nần, sưu thuế, lao dịch...

Tháng 10 năm 1930, lại thêm một mốc son đáng nhớ đối với nhân dân Thanh Hà đó là đội Tự vệ Đỏ- Quảng xá được thành lập, tuyển chọn từ những thanh niên ưu tú, trung thành, dũng cảm, giỏi võ, có sức khỏe tốt gồm các đồng chí: Trần Xuân, Nguyễn Đăng, Trần Đười, Nguyễn Yêm, Phạm Biếc, Trần Chân, Nguyễn Thị Nghĩa, Phan Tam, Hoàng Dung....  Địa điểm luyện tập của đội là sau khu vườn nhà đồng chí Nguyễn Yêm. Đây là vùng đất kín đáo có nhiều cây cối um tùm rậm rạp, khi có biến động  thì các đồng chí có thể chạy thoát vào rừng tránh những cuộc truy lùng của kẻ địch và lính đồn để bảo toàn lực lượng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Quảng Xá, ngay khi mới ra đời, đội tự vệ đã tích cực rèn sắm vũ khí, luyện tập quân sự.  Tự vệ Quảng Xá cùng với đội tự vệ đỏ trong tổng Võ Liệt tuần tra, canh gác, bảo vệ xóm làng, luôn đi đầu trong các cuộc mít tinh, biểu tình, thực sự là công cụ đắc lực góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương. 

Đội tự vệ Quảng Xá đã bí mật trừng trị một số tên mật thám, tay sai chỉ điểm, điển hình như tên lý trưởng Trần Sâm, địa chủ Bang Bậng và các bang tá... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Xuân, tháng 11 năm  1930, các thành viên trong đội tự vệ đã bí mật đi đường tắt vào làng Khánh Lạc trừng trị tên lý trưởng Trần Sâm, một tên việt gian, bán nước, có nhiều nợ máu với nhân dân. Chính hắn đã đi báo quan đồn bắt đồng chí Lê Nghĩa, cán bộ thượng cấp về chỉ đạo phong trào. Với tài trí thông minh nhanh nhẹn, các đồng chí đã nhanh chóng phóng lửa đốt nhà, tên này được một phen hoảng hốt bỏ chạy. Anh em trong đội tự vệ tịch thu toàn bộ tài sản của hắn đem chia cho dân nghèo và góp thêm tiền vào mua sắm vũ khí tiếp tục phục vụ cho cuộc đấu tranh.

Tiếp đến, vào một đêm đông giá rét đội tự vệ đỏ, gồm đồng chí: Trần Xuân, Trần Đuồi, Nguyễn Thị Nghĩa, Phan Biếc đã vào vây bắt tên lý trưởng Bang Bậng ở thôn Sơn Linh – một tên địa chủ khét tiếng gian xảo, độc ác, bắt phu đi tìm địa điểm đào giếng, xây nhà. Từ chập tối, các đồng chí trong đội tự vệ đã phân công nhau: Trần Đuồi đóng giả quan Tây; đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa đóng vợ quan Tây, đồng chí Phạm Biếc làm lính tổng, tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh. Sau khi được đội tự vệ đỏ tổng Võ Liệt cho mượn ủng, quần áo và súng, đồng chí Trần Xuân thắt lưng đeo một khẩu súng lục, cả đội tiến đến nhà Bang Bậng, cũng là lúc đồng hồ điểm 12 giờ 30 phút.Trời tối như bưng, cổng nhà đóng chặt, kêu mãi hắn cũng trở dậy và khẽ hỏi:  Ai đấy? Quan đây, ông dậy mau để đi bắt cộng sản làm loạn, nhanh không kẻo bọn chúng trốn thoát. Quan đồn Võ Liệt à ? Nếu Quan Đồn thì bấm đèn Pin cho tôi xem thế nào? Đồng chí Trần Xuân bấm đèn pin vào đồng chí Trần Đuồi, có dáng người cao to, đội mũ phớt, chào một câu bằng tiếng Pháp. Hắn liền vội vàng vào sập gụ lấy ba toong, dây thừng để đi bắt cộng sản. Vừa đi được một đoạn ra đến bụi chuối sau nhà thì bị đội tự vệ đỏ trói gông cổ lại, nhét giẻ vào mồm, bắt vào rừng xử tử. Những hành động kiên quyết, gan dạ, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, đi là hoàn thành nhiệm vụ của đội tự vệ đỏ đã làm cho bọn việt gian, tay sai, phản động trên địa bàn một phen hoảng hốt, không dám công khai chống phá phong trào cách mạng.

Tháng 12/1930, đồng chí Trần Xuân đã cùng đội tự vệ và nhân dân Quảng Xá tập trung tại đình Khánh Lạc để mít tinh, biểu tình, phản đối bọn phong kiến tay sai ức hiếp nhân dân: “Lấy ruộng của nhân dân chia cho bọn địa chủ, lấy cớ thưởng cho những người có công bắt cộng sản”. Trước khí thế sục sôi của quần chúng nhân dân, lý trưởng Khánh Lạc phải cúi đầu nhận tội và đem toàn bộ giấy tờ sổ sách nộp lại cho đại diện chính quyền. Đội tự vệ được bổ sung thêm một số thành viên mới, chịu trách nhiệm bảo vệ cuộc đấu tranh của nhân dân, góp tiền của trang bị thêm vũ khí.

Giữa năm 1931 thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng ở Thanh Chương nói chung và Quảng Xá nói riêng rất gắt gao. Chúng điều động lính khố xanh, khố lục, nhiều tên mật thám chỉ điểm, xây dựng 36 đồn binh, 797 tên lính các loại. Tất cả điếm canh các làng đều được lính canh gác nghiêm ngặt. Tại Quảng Xá có tên Ly-Na người Pháp làm đồn trưởng, theo dõi những người hoạt động cách mạng suốt ngày đêm. Chi bộ Đảng ở Quảng Xá bị phá vỡ, một số đảng viên bị bắt, tổ chức nông hội đỏ, đội tự vệ ở nhiều làng mạc gặp khó khăn, thử thách trước sự vây ráp, bắt bớ của kẻ thù.  Để bảo toàn lực lượng, tự vệ đỏ đã phải tạm lui vào rừng sâu núi Quào, núi Đấng để ẩn nấp, bám dân, bám làng tiếp tục hoạt động và duy trì phong trào cách mạng tại địa phương.

Ngày 6/8/1931, nhận  được tin báo của quần chúng, có 3 tên bang tá cùng lực lượng đoàn phu đang uống rượu say tại làng Sày. Chúng tuyên bố : “ Làm cỏ tận gốc cộng sản”, lực lượng tự vệ đỏ  đã bố trí các chiến sỹ mai phục ở núi Vệ.  Khoảng 7 giờ tối, sau khi say sưa hưởng lạc rượu thịt, bọn chúng tiến vào làng Nha, với ý định thực hiện âm mưu đen tối. Nhưng thật không may cho chúng đã rơi vào trận địa phục kích của đội tự vệ đỏ chờ sẵn và đón lõng bất ngờ xông lên dùng mác nhọn đâm thủng bụng  3 tên bang tá. 2 tên chết tại chỗ, tên bang tá ở thôn Sơn Linh bị thương nặng, bọn đoàn phu bỏ chạy toán loạn. Các đồng chí  đội tự vệ đỏ đã thu được chiến lợi phẩm gồm 2 khầu súng ngắn, 2 khẩu súng trường, 50 viên đạn và rút về núi an toàn. Những thành tích đạt được của đội tự vệ đỏ Quảng Xá trong thời gian qua đã gây được tiếng vang lớn trong toàn tổng, toàn huyện, làm cho bọn bang tá đoàn, đoàn phu hoang mang khiếp sợ.

Năm 1931, do hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng,  đồng chí Trần Xuân đã được kết nạp vào Đảng tại chi bộ Quảng Xá. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí luôn phát huy tốt vai trò của người đảng viên.

Cuối năm 1931, nhằm dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương đang dâng cao, bọn địch tăng cường chính sách bắt bớ và khủng bố, khiến nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày, một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật (riêng xã Thanh Hà có 60 chiến sỹ bị bắt giam ở các nhà lao, 18 đồng chí là liệt sỹ, có nhiều gia đình có 3,4 cha con đều tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn, tù đày, hàng trăm ngôi nhà bị đốt trụi). Vào ngày 18/ 11/1931 đồng chí Trần Xuân bị địch bắt giam và bị kết án 9 năm tù khổ sai với tội danh hoạt động cộng sản, bị đày đi Kon Tum, sau đó chuyển lên Buôn Ma Thuột (1932 – 1933).

Trong lao tù đế quốc bị bọn địch tra tấn rất dã man, nhưng đồng chí vẫn luôn nêu cao khí phách của người chiến sỹ cộng sản, giữ trọn một niềm tin bất diệt vào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Năm 1939, sau khi ra tù đồng chí Trần Xuân đã trở về cùng gia đình sinh sống và tham gia hoạt động phong trào cách mạng tại địa phương như tham gia tổ chức cướp chính quyền năm 1945. Đến năm 1990 do tuổi cao, sức yếu, đồng chí từ trần ở tuổi 83.

Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Trần Xuân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi khắc sâu trong lòng nhân dân nơi miền đất thân thương rất đỗi tự hào./.                                                 

Phan Thảo – Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

Sách lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hà

Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương

Sách tấm gương cộng sản.

Sách lịch sử Đảng Nghệ an

Theo lời kể của gia đình đ/c Trần Xuân.

Video