Đồng chí trần Xu- người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-04-13 10:24:59

Cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đối với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra hết sức khốc liệt. Ngày 19/01/1932, Ban chấp hành Tỉnh ủy Hà Tĩnh bị sa vào tay giặc phong trào tạm lui vào hoạt động bí mật. Từ giữa năm 1932, được sự viên trợ của Đông Dương viện trợ bộ(1), đồng chí Trần Xu cùng một số cán bộ Đảng từ Lào, Campuchia như: Phan Gần, Lê Lộc, Hoàng Bá Đường bí mật trở về Hà Tĩnh. Các đồng chí đã bắt liên lạc với các đảng viên trung kiên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 của Hà Tĩnh vừa thoát khỏi nhà tù đế quốc để hoạt động khôi phục các cơ sở Đảng ở Can Lộc và lập lại Tỉnh ủy Lâm thời. Đầu năm 1933, đồng chí Trần Xu trong lúc liên hệ hoạt động đã bị địch bắt. “…Các đồng chí Phan Gần, Trần Xu bị địch kết án tử hình. Hai đồng chí đã nêu cao khí tiết kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng anh dũng. Các hoạt động xây dựng lại Đảng bộ Can Lộc cuối năm 1933 phải tạm dừng”(2)…

***

Đồng chí Trần Xu tức Trần Đị, trong quá trình hoạt động còn có các bí danh khác như: Xuân Triêu, hoặc Xuân Trào, Xuân Chào, Khác Phục, Thành,Tám. Trần Xu sinh năm 1904 tại làng Lộc Nguyên, tổng Canh Hoạch, phủ Thạch Hà, Hà Tĩnh (nay là xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Tuy sinh ra trong một gia đình khá giả, họ hàng có nhiều người làm lý trưởng, nhưng đồng chí  lại sớm có tư tưởng yêu nước thương dân. Được cha mẹ cho học chữ Hán và quốc ngữ từ nhỏ, Trần Xu đã sớm tiếp thu thơ văn yêu nước và tư tưởng tiến bộ, đồng thời thấu hiểu thêm về thời cuộc, căm thù bọn đế quốc và cường hào, thông cảm với nỗi thống khổ của bà con nhân dân sống trong xã hội bất công thối nát.

Năm 1925, Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh, sau đó đã cử hội viên về Thạch Hà  gây dựng cơ sở. Những năm 1926- 1927, Hội đã gây dựng được nhiều cơ sở hoạt động trong toàn huyện. Các hội viên đã chia nhau về các xã, thôn trong huyện xây dựng cơ sở, những tài liệu, sách báo cách mạng, đặc biệt là tập cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc thông qua hoạt động của Hội đã được phổ biến ở làng Lộc Nguyên và bí mật truyền tay nhau đọc. Trần Xu đã nhanh chóng gia nhập Hội và trở thành một trong những hội viên tích cực.

Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời thì cuối tháng 3/1930, Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh cũng được thành lập, do đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh tác động mạnh mẽ đến phong trào ở tổng Canh Hoạch, phủ Thạch Hà. Tháng 5/1930, Chi bộ ghép Xuân Sắc gồm 3 làng: Vĩnh Hòa, Bình Nguyên, Lộc Nguyên (nay là xã Bình Lộc và An Lộc) được thành lập.

 

Mặc dù bị tù đày, bị tra tấn dã man nhưng kẻ địch đã không thể khuất phục được ý chí sắt đá của người chiến sỹ cách mạng kiên trung của đảng bộ Hà Tĩnh. Đồng chí Trần Xu người anh hùng hy sinh khi vừa tròn 29 tuổi xuân, nhưng nghị lực ấy, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ ấy xứng đáng là một tấm gương sáng về ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường cho bao thế hệ noi theo. 

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

Chú thích

(1)  Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, NXB Chính trị Quốc gia, năm 1993, tr.119

(2) Lịch sử Đảng bộ Can Lộc, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2005, tr.77 

Video