Đồng chí Trần Văn Thàng - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Đô Lương trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2022-03-24 07:16:13

Đồng chí Trần Văn Thàng (còn gọi là Trần Văn Chiêm) sinh năm 1888, tại Làng Bụt Đà, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn (nay thuộc xóm 5, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương), một vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng. Thân phụ là ông Trần Văn Đức, một nông dân có tư tưởng yêu nước, thân mẫu là bà Trần Thị Chung một người phụ nữ hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó.

Năm 1926, “Hội ái hữu bí mật”[1] ở Anh Sơn đã bắt liên lạc với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (Hội Thanh niên). Hội Thanh niên đã cử đồng chí Dương Đình Thuý về xây dựng cơ sở, lập tiểu tổ đầu tiên của Hội ở Anh Sơn tại Hiệu Yên Xuân[2]. Năm 1927, đồng chí Nguyễn Cảnh Côn và Nguyễn Văn Thông, người làng Bụt Đà được kết nạp vào hội Thanh niên và tiếp tục nhận nhiệm vụ tuyên truyền vận động các thành viên có tinh thần yêu nước tại địa phương. Nhận thấy Trần Văn Thàng là thanh niên có tính thẳng thắn, cương trực, có tinh thần yêu nước, các đồng chí đã trực tiếp tuyên truyền, vận động và bồi dưỡng. Nhà của đồng chí Trần Văn Thàng đã sớm trở thành nơi sinh hoạt, trao đổi sách báo tiến bộ của những thanh niên yêu nước Bụt Đà lúc bấy giờ.

Cuối tháng 3/1930, dưới sự chỉ đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn được thành lập. Sự ra đời của Phủ ủy lâm thời đã tạo điều kiện cho việc thành lập các các cơ sở đảng ở các tổng và các làng trong phủ, trong đó có Chi bộ Bụt Đà. Chi bộ Bụt Đà được thành lập do đồng chí Nguyễn Cảnh Côn làm Bí thư. Đồng chí Trần Văn Thàng là một trong 3 đảng viên đầu tiên của làng Bụt Đà.

Ngay sau khi thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, đồng chí Trần Văn Thàng và các đồng chí trong chi bộ Bụt Đà tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, giác ngộ quần chúng nhân dân. Nhà đồng chí Trần Văn Thàng là một trong những cơ sở in ấn truyền đơn, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền của chi bộ. Nhờ hoạt động tích cực và năng nổ của đồng chí Trần Văn Thàng và các đồng chí đảng viên, 8 tổ Nông hội đỏ với 70 hội viên lần lượt ra đời tại làng Bụt Đà.

Để hưởng ứng cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương, các đồng chí trong Chi bộ Bụt Đà đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn kế hoạch, phối hợp đấu tranh tại nhà đồng chí Trần Văn Thàng.

Sáng ngày 8/9/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Thàng và Chi bộ Bụt Đà, các hội viên Nông hội đỏ đã hướng dẫn nhân dân tập trung tại đình làng. Sau khi nghe đồng chí Trần Văn Thàng phổ biến kế hoạch, đoàn biểu tình đánh trống, khua chiêng cổ động và bắt đầu tiến về địa điểm tập trung. Tại Truông Cồn Đọi, nhân dân Bụt Đà đã phối hợp với các đoàn của nhân dân các làng thuộc 2 tổng Thuần Trung, Bạch Hà tạo thành lực lượng lớn với khoảng trên 2.000 người tham gia[3]. Sau khi nghe các đồng chí đảng viên diễn thuyết, đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh, yêu cầu nhà cầm quyền thực dân, phong kiến phải bãi bỏ thuế chợ, thuế đò, giảm thuế ruộng đất, thuế thân… Hoảng sợ trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, địch đã cho máy bay từ Vinh lên ném bom vào đoàn biểu tình khiến 7 người chết, 30 người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Trần Văn Thàng và các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo đoàn biểu tình của từng làng tạm thời rút lui.

Liên tiếp 2 ngày sau, ngày mồng 9 và 10/9/1930, Chi bộ làng Bụt Đà cùng với đồng chí Trần Văn Thàng lãnh đạo nhân dân tập trung về Cồn Đền (địa phận làng Phú Văn, nay thuộc xã Thuận Sơn) để biểu tình phản đối các chính sách khủng bố của chính quyền thực dân phong kiến.

Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, hòng trấn áp kịp thời các cuộc biểu tình, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã dựng lên đồn lính khố xanh do tên bang tá Nguyễn Văn Thưởng chỉ huy để tiến hành lùng bắt các chiến sỹ cách mạng và cán bộ của Đảng.

Sau một thời gian ngắn, đồng chí Trần Văn Thàng bị địch bắt và giam tại nhà giam Kim Nham (địa phận Anh Sơn ngày nay). Trong thời gian giam cầm, mặc dù kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn từ tra tấn đến dụ dỗ nhưng với tấm lòng kiên trung, đồng chí Trần Văn Thàng không hề khai báo nửa lời.

Giữa năm 1931, ngay sau khi ra tù, đồng chí Trần Văn Thàng được Phủ ủy Anh Sơn phân công về vùng Rõm (nay là huyện Tân Kỳ) để bắt liên lạc xây dựng cơ sở Đảng. Sau một thời gian hoạt động, đồng chí đã kết nạp được một số đảng viên mới. Tại đây, bọn mật thám đánh hơi và phát hiện những hoạt động yêu nước của đồng chí Trần Văn Thàng, chúng cấu kết với bọn bang tá phủ lùng sục ráo riết. Ngày 15/4/1934, trong một lần đi hoạt động, đồng chí bị địch bao vây và anh dũng hy sinh.

Với những đóng góp, cống hiến của đồng chí Trần Văn Thàng cho phong trào cách mạng địa phương, ngày 23/2/1973, đồng chí Trần Văn Thàng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ truy tặng Bằng Tổ Quốc ghi công theo quyết định số 65/Ttga. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Văn Thàng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo và tiếp bước truyền thống Xô viết anh hùng./.

                                                                                                     ThS.Hồ Thị Hải Liễu

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT


Chú thích:

[1]Bao gồm một số thanh niên yêu nước được giác ngộ bởi các vần thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu như: Hoàng Khắc Bạt, Cao Xuân Khoách, Phan Thái Ất, Nguyễn Văn Bác…

[2]Theo Hồ sơ Xếp hạng di tích Hiệu Yên Xuân lưu tại Kho Bảo tàng XVNT.

[3] LSĐB xã Đà Sơn, NXB Văn hóa Thông tin, 2007, tr.47

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương 1930 - 1963, NXB Nghệ An 2005

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Đà Sơn 1930 - 2005, NXB Văn Hóa - Thông Tin

Lời kể, tư liệu của ông Trần Văn Lâm, cháu nội của đồng chí Trần Văn Thàng

Video