610
771
2460
14845
34073
6823290
Đồng chí Trần Văn Miêu (bí danh là Thông), sinh năm 1895, tại làng Tràng Yên, xã Tri Lễ, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xã Long Sơn, huyện Anh Sơn), tỉnh Nghệ An.
Trần Văn Miêu là hậu duệ đời thứ 5 họ Trần Văn, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Họ Trần Văn là một dòng họ có truyền thống yêu nước, hiếu học, nhiều người đỗ đạt làm quan giúp dân, giúp nước như: Phấn lực tướng quân Trần Trọng Vĩnh - vị tổ đầu tiên có công khai dân lập ấp, lập nên làng Tràng Yên (nay thuộc xã Long Sơn), sau khi mất, được Nhân dân nơi đây tôn làm Thành hoàng. Khi làm quan được triều đình nhà Lê ban sắc phong làm Phấn lực Tướng quân. Đến thời nhà Nguyễn ban sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần Bản cảnh Thành hoàng; Trần Văn Am, Trần văn Thơ… là những đảng viên tiêu biểu thời kỳ 1930 – 1931,...
Trần Văn Miêu sinh ra trong một gia đình nông dân, nhưng có tinh thần yêu nước và cách mạng. Thân phụ của Trần Văn Miêu là ông Trần Văn Ký, một trong những quần chúng tiêu biểu trong phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Liễu, một người phụ nữ hiền lành, đảm đang.
Đầu năm 1930, khi Tổng ủy Đặng Sơn bí mật họp kín đề ra chủ trương thành lập Chi bộ Kim[1] để lãnh đạo quần chúng Nhân dân đấu tranh chống chế độ thực dân phong kiến. Tổng ủy Đặng Sơn đã chọn nhà của Trần Văn Miêu để tổ chức họp bàn việc thành lập chi bộ Đảng tại làng Tràng Yên.
Ngày 14 tháng 3 năm 1930, Chi bộ Kim được thành lập gồm 6 đảng viên dưới sự chủ trì của Tổng ủy Đặng Sơn, đồng chí Đặng Bá Duyệt được bầu làm Bí thư .
Sự ra đời của Chi bộ Kim là bước ngoặt quan trọng, mở ra trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Tràng Yên, bởi từ đây, phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến ở Tràng Yên đã có một tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo.
Sau khi Chi bộ Kim được thành lập, Trần Văn Miêu đã được các đảng viên như: Trần Văn Thỉnh, Nguyễn Đừu,… giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Trần Văn Miêu được Chi bộ Kim tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách công tác xây dựng lực lượng cơ sở. Với tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm, Trần Văn Miêu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục giữ thông tin, liên lạc giữa Chi bộ Kim với Tổng ủy và các chi bộ cơ sở; phản hồi tình hình đấu tranh của quần chúng Nhân dân Tràng Yên và kịp thời chuyển chỉ thị của Tổng ủy về chi bộ nhằm chỉ đạo quần chúng đấu tranh phù hợp với tình hình thực tế dưới sự theo dõi gắt gao của mật thám Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng ủy và các chi bộ Đảng, các sự kiện cách mạng đã liên tiếp diễn ra ở Anh Sơn, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1930 và đều có sự tham gia tích cực của Trần Văn Miêu.Tiêu biểu cuộc biểu tình toàn phủ vào ngày 02/6/1930. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử, quần chúng đã kết thành một khối thống nhất và tham gia cuộc biểu tình ngày 08/9/1930.
Chính quyền địch tan rã, để quản lý làng xã, Chi bộ Đảng đã thành lập Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Tán trợ, Tự vệ đỏ, tiến hành tịch thu ruộng đất công, tiền lúa công chia cho dân nghèo, phá kho thóc, tịch thu số lúa của công chia cho dân, xóa bỏ sưu thuế, giảm tô chính, bỏ tô phụ, bài trừ nợ cao, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu,…Nạn rượu chè, cờ bạc bị cấm. Phong trào học chữ Quốc ngữ phát triển mạnh mẽ. Trật tự trị an trong làng xã được ổn định, mọi việc trong làng xã đều do Nông hội quản lý, điều hành. Cán bộ, đảng viên hăng hái, nhiệt tình, hết lòng phục vụ Nhân dân.
Các cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy được tiến hành thường xuyên. Quần chúng Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Bọn hào lý các làng, xã bỏ việc. Phong trào trong làng, xã lên cao. Đế quốc và bọn Nam triều vô cùng hoảng sợ.
Cuối năm 1930, thực dân Pháp đã điều hàng loạt lính khố xanh, lính lê dương về đóng đồn nhiều vùng, thực dân phong kiến tổ chức một hệ thống bang tá, đoàn phu từ phủ đến tận làng để đàn áp cách mạng. Các thủ đoạn bịp bợm như rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận được đưa ra.
Ngày 07/01/1931, Chi bộ Kim tổ chức họp tại nhà Trần Văn Miêu, có sự tham dự của cán bộ Tổng ủy, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.[2] Ngay sau đó, đồng chí được Tổng ủy giao nhiệm vụ phối hợp cùng với các đảng viên của Tổng ủy lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống việc “Rước cờ vàng” và phát “Thẻ quy thuận” do thực dân Pháp phát động.
Thực hiện chủ trương của cấp trên, Tổng ủy phát động phong trào vay lúa của nhà giàu, chia cho dân bị đói. Ngày 08/01/1931, tại xứ Đồng Cồn, Chi bộ Kim huy động quần chúng Nhân dân Tri Lễ, có sự tham gia tích cực của đồng chí Trần Văn Miêu đã tổ chức biểu tình uy hiếp nêu yêu sách với bọn địa chủ, phú nông phải cho vay lúa, nếu không tự vệ sẽ đến nhà hoặc mở kho cho dân lấy. Nhờ hình thức mềm dẻo, khéo léo này mà nhiều gia đình đã tự nguyện cho dân vay, có gia đình còn đến nhà cán bộ báo mức cho vay rồi mời người đến lấy thóc.[3]
Ngày 12/01/1931, đồng chí Trần Văn Miêu tham gia cùng Nhân dân trong làng, xã tổ chức mít tinh trong tổng để phản đối đế quốc phong kiến tàn sát dân làng Song Lộc, Tân Hợp ở Nghi Lộc.
Tháng 3/1931, tại đình làng Tràng Yên và chợ Phúc Sơn, dưới sự chỉ đạo của Phủ ủy Anh Sơn, Tổng ủy Đặng Sơn, đồng chí Trần Văn Miêu cùng các đảng viên đã bí mật vận động quần chúng Nhân dân đấu tranh biến sự kiện “Rước cờ vàng” và phát “Thẻ quy thuận” thành một cuộc biểu tình, thị uy của đông đảo quần chúng Nhân dân. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi.
Sau cuộc biểu tình đó, đồng chí Trần Văn Miêu được Tổng ủy Đặng Sơn khen ngợi, đồng thời giao nhiệm vụ lên kế hoạch chi tiết để tiêu diệt tên Tây đồn Chợ Nội (Phúc Sơn) cùng một số mật thám, tay sai nợ máu với Nhân dân.
Sau gần một tháng cải trang làm thương lái bí mật tiếp cận đồn Chợ Nội để theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động của địch, đồng chí Trần Văn Miêu đã bí mật vẽ bản đồ đồng thời lên kế hoạch mai phục, vây bắt Tây đồn và bọn tay sai.
Ngày 14/4/1931, đồng chí Trần Văn Miêu cùng một số đảng viên như: Trần Văn Am, Trần Văn Sợi, Nguyễn Vĩnh Nhương cùng đội Xích Vệ Đỏ mật phục, khống chế 11 tên mật thám Pháp, Việt gian, giết Tây đồn là Periê tại bến đò Lù (Phúc Sơn). Sau đó, đồng chí Trần Văn Miêu cùng đội Xích vệ Đỏ xử tử toán Việt gian, mật thám tại đình Chợ Nội.
Sự kiện đó đã gây hoang mang cao độ trong bộ máy chính quyền thực dân Pháp và tay sai, đồng thời khích lệ tinh thần đấu tranh cách mạng của đông đảo quần chúng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngày 15/4/1931, đồng chí Trần Văn Miêu tham gia cùng Nhân dân các làng, xã của tổng Đặng Sơn phối hợp với Nhân dân tổng Cát Ngạn (Thanh Chương) biểu tình thị uy, phá đồn lính đóng tại nhà Cai tổng Cát Ngạn.
Sau các sự kiện trên, các cơ sở Đảng ở tổng Đặng Sơn và phủ Anh Sơn bị thực dân Pháp và tay sai tổ chức truy lùng và bắt bớ cán bộ, đảng viên. Chi bộ Đảng, đoàn thể quần chúng chịu những tổn thất lớn, hoạt động khó khăn.
Để tránh sự truy lùng của địch, cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng phải lánh vào rừng núi. Đồng chí Trần Văn Miêu, Nguyễn Vĩnh Nhương cùng những đồng chí khác phải tạm rút vào lèn Voi để hoạt động bí mật, sau lại tiếp tục chuyển vào Chi Khê (nay thuộc huyện Con Cuông).[4] Dù tình thế hết sức căng thẳng, khó khăn, chính quyền thực dân truy lùng ráo riết, nhưng với sự che chở của quần chúng, đồng chí Trần Văn Miêu và các đảng viên vẫn kiên trì hoạt động, quyết không để phong trào bị tê liệt và tích cực tham gia nhiều cuộc biểu tình do Phủ ủy Anh Sơn phát động.
Cùng với chiến dịch khủng bố, địch truy lùng cán bộ, đảng viên hết sức ráo riết. Cơ quan Phủ ủy Anh Sơn liên tiếp phải di chuyển từ khu rừng này đến khu rừng khác (Cồn Trăn, Long, Điền, Hó Nốc…), Phủ ủy bị tan vỡ và lập lại nhiều lần…[5]
Đầu tháng 7/1931, Chi bộ Kim tiếp tục di chuyển đến địa điểm khác để hoạt động, kẻ địch phát hiện được nơi ở của chi bộ. Chúng đã dồn lính đến, vây ráp để bắt cán bộ, đảng viên, phá vỡ tổ chức Đảng. Đồng chí Trần Văn Miêu, Nguyễn Vĩnh Nhương cùng 2 đảng viên khác bị thực dân Pháp bắt. Một số cán bộ, đảng viên còn lại vẫn ẩn vào rừng tìm mọi cách duy trì hoạt động. Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man, song đồng chí Trần Văn Miêu vẫn giữ vững khí tiết kiên cường của người cộng sản trước kẻ thù, cương quyết không khai báo về tổ chức.
Ngày 19/8/1931, thực dân Pháp mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các đảng viên và quần chúng trong vụ giết Tây đồn và mật thám Pháp, đồng chí Trần Văn Miêu bị kết án 4 năm tù giam và lưu đày.
Tháng 02/1932, đồng chí Trần Văn Miêu bị giải về giam giữ tại nhà lao Kim Nhan (huyện Anh Sơn). Tháng 8/1932, đồng chí bị giải về nhà lao Phủ Diễn, Nhà lao Vinh giam cầm (từ tháng 8/1932 – 8/1935).
Suốt 4 năm sống trong địa ngục trần gian của thực dân Pháp, đồng chí Trần Văn Miêu dù bị tù đày, giam cầm, đánh đập song vẫn giữ vững tinh thần cách mạng và tham gia đấu tranh chống lại chế độ lao tù tàn bạo, đòi cải thiện điều kiện làm việc cho tù nhân, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, để lại tấm gương sáng ngời khí tiết của người cộng sản.
Cuối tháng 8/1935, đồng chí Trần Văn Miêu được trả tự do. Dù sức khỏe đã bị giảm sút nhiều do bị tù đày, tra trấn dã man và chịu sự quản thúc nghiêm ngặt của chính quyền thực dân song đồng chí vẫn bí mật chắp nối liên lạc, tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 5/1945, Ban Chấp hành Phủ ủy Việt Minh Anh Sơn được thành lập do đồng chí Phan Hoàng Tiêm làm Bí thư.
Ngày 16/8/1945, Phủ ủy Việt Minh Anh Sơn đã tổ chức hội nghị để bàn kế hoạch cướp chính quyền ở huyện Anh Sơn. Hội nghị tổ chức tại Liên sơn gồm 30 đại biểu, lập ra Ủy ban khởi nghĩa Phủ Anh Sơn gồm 7 người do đồng chí Phan Hoàng Tiêm và Nguyễn Trung Lục phụ trách.
Đêm 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa phủ, Tổng ủy Việt Minh Đặng Thượng đã trực tiếp lãnh đạo việc đánh chiếm đồn Kim Nhan, một căn cứ quan trọng của địch, để không chỉ vô hiệu hóa lực lượng này mà làm triệt tiêu chỗ dựa tinh thần của hào lý quanh vùng, làm hậu thuẫn cho công cuộc giành chính quyền. Theo đúng kế hoạch, từ đình Hội Tiên tiếng trống lệnh gióng lên cùng tiếng mõ tre, tiếng chiêng và tiếng hò reo của quần chúng Nhân dân đã đồng loạt vang lên. Đồng chí Trần Văn Miêu được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy đội Xích vệ Đỏ cùng đông đảo Nhân dân tổng Đặng Sơn tấn công vào đồn Kim Nhan. Cai và lính đồn Kim Nhan đã hạ vũ khí đầu hàng. Cờ đỏ được cắm lên cổng đồn báo hiệu căn cứ quân sự lớn nhất của chính quyền địch ở Anh Sơn đã hoàn toàn thuộc về cách mạng. Đồng chí Đặng Bá Phi, người của Việt Minh và lực lượng tự vệ đảm nhiệm phụ trách, bảo vệ đồn.
Sau khi chiếm xong đồn Kim Nhan, quần chúng Nhân dân trở về các địa phương, giành chính quyền.
Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời Anh Sơn ra mắt. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Anh Sơn kết thúc thắng lợi.
Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Trần Văn Miêu đã qua đời vào năm 1982, thọ 87 tuổi.
Trân trọng và biết ơn những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Văn Miêu, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí là cán bộ hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo Quyết định số 1507- QĐ/TU ngày 25/4/2003.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Văn Miêu là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 để các thế hệ học tập và noi theo./.
Lê Ngọc Thịnh
Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT
[2] Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An (2014), Lý lịch Nhà thờ họ Trần Văn, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tr7.
[3] BCH Đảng bộ ĐCSVN huyện Anh Sơn (2003), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Anh Sơn, tập I (1930 – 1963, tr43.
[4] Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An (2014), Lý lịch Nhà thờ họ Trần Văn, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tr8.
[5] BCH Đảng bộ ĐCSVN huyện Anh Sơn (2003), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Anh Sơn, tập 1 (1930 – 1963, tr55.