Đồng chí Trần Phú với Xô Viết Nghệ Tĩnh: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!"

Tác giả: admin
Ngày 2017-10-26 01:05:51

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là nơi trưng bày, lưu giữ các tài liệu, hiện vật về Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của phong trào cách mạng Việt Nam năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, tại phòng trưng bày số 2 và 3, Bảo tàng trưng bày bức tượng bán thân cùng với nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú – người chiến sĩ cộng sản ưu tú, người học trò xuất sắc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.

 

Tượng đồng bán thân của đ/c Trần Phú trưng bày tại Bảo tàng XVNT

Đồng chí Trần Phú là con trai thứ tư của ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát. Quê cha ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quê mẹ ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.  Năm 1901, ông Trần Văn Phổ được điều vào làm Giáo thụ tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây, ngày 1/5/1904, Trần Phú cất tiếng khóc chào đời. Khi mới hơn 4 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cha nên Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập. Mùa hè năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở trường Quốc học Huế, Trần Phú được bổ nhiệm về dạy học ở trường Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây, Trần Phú đã đào tạo nên những người học trò đầy nhiệt huyết, sau này họ đều đi theo con đường yêu nước của thầy và trở thành những chiến sỹ cách mạng tiền bối trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh1930-1931 như các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Ngọc Ba, Siêu Hải …

 

Mảng trưng bày hình ảnh đ/c Trần Phú và các cán bộ tiền bối của Đảng tại Phòng trưng bày số 2

 Ngày 14/7/1925, thầy giáo Trần Phú đã cùng những người trí thức như cụ Lê Huân, Tú Kiên, Tôn Quang Phiệt, Trần Mộng Bạch… nhóm họp nhau tại núi Con Mèo - Bến Thủy sáng lập ra Hội Phục Việt. Để phát động phong trào đấu tranh của nhân dân, Hội Phục Việt đã in hàng ngàn tờ truyền đơn bằng thạch tím, rải khắp các huyện, đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, nhằm khuếch trương sức mạnh đấu tranh của nhân dân, uy hiếp kẻ thù. Trần Phú và các thành viên lãnh đạo của Hội Phục Việt đã có nhiều hoạt động tích cực như vào trong các nhà máy, trường học, vùng nông thôn rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh; gửi yêu sách, phản đối thực dân Pháp đòi thả cụ Phan Bội Châu. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng cả nước, thực dân Pháp buộc phải ân xá, giảm án cho cụ Phan và đưa cụ về giam lỏng tại dốc Bến Ngự (phường Trường An, thành phố Huế). Tiếp đến ngày 24/3/1926, cụ Phan Chu Trinh, nhà yêu nước nổi tiếng qua đời, thương tiếc và học tập tinh thần của cụ, nhân cơ hội đó Trần Phú và Hội Phục Việt đã vận động tổ chức lễ truy điệu cụ, biến cuộc lễ truy điệu thành cuộc mít tinh biểu tình rầm rộ trọng thể, tại chùa Diệc. Nhân lúc đông người, Trần Phú tuyên truyền, ngợi ca tinh thần dân tộc của hai cụ Phan. Nhân dân, học sinh các trường ở Vinh nhiệt liệt hưởng ứng, từ đó, phong trào lan nhanh khắp các huyện.

Tháng 7/1926, Trần Phú được tổ chức Hội Hưng Nam (tên gọi khác của Hội Phục Việt, năm 1928, Hội lại đổi tên là Đảng Tân Việt) cử sang Quảng Châu-Trung Quốc dự lớp học chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo. Đó là bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, từ chủ nghĩa yêu nước, đồng chí đã đến với chủ nghĩa Cộng sản.

Từ năm 1927 đến đầu năm 1930, đồng chí Trần Phú theo học tại trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa (Liên Xô). Nhờ đạt thành tích tốt trong những năm tháng học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, đặc biệt là được trao đổi với các Đảng cộng sản anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng chí Trần Phú đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời và được giao trọng trách vô cùng quan trọng đó là chấp bút viết dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Luận cương Chính trị được soạn thảo dưới ánh sáng của Nghị quyết ĐH lần thứ 6 Quốc Tế Cộng Sản năm 1928, đồng thời bổ sung từ kết quả khảo sát thực tiễn đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.

Tháng 10/1930, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất họp tại Cửu Long - Hương Cảng, Trung Quốc đã thông qua Bản Luận cương chính trị nổi tiếng do đồng chí Trần Phú soạn thảo. Đây là văn kiện quan trọng của Đảng, vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng những luận điểm cơ bản được trình bày trong “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Trần Phú, phong trào cách mạng trong cả nước phát triển mạnh mẽ, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao cao trào cách mạng năm 1930-1931 ở nước ta, diễn ra rộng khắp trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Phong trào được mở đầu bằng cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế  Lao Động  1/5/1930 của công nhân Vinh- Bến Thủy và nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương. Ngày 1/8/1930, hơn 500 nông dân huyện Can Lộc biểu tình giương cao cờ đỏ, biểu ngữ kéo vào huyện đường đưa yêu sách. Ngày 12/9/1930, hơn 8000 nông dân huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn kéo đi biểu tình đã bị thực dân Pháp cho máy bay ném bom làm chết 217 người và 125 người bị thương. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh không chỉ gây được tiếng vang lớn đối với nhân dân cả nước mà còn đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới bởi sự đàn áp dẫm máu của thực dân Pháp và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ. Trước ảnh hưởng vang dội của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, uy tín của Đảng đã được nâng cao và được Quốc tế Cộng sản nghi nhận. Ngày 11/4/1931, Quốc Tế Cộng Sản đã ra một Nghị quyết quan trọng: “Đảng Cộng sản Đông Dương lâu nay vẫn là chi bộ của Đảng Cộng Sản Pháp nay được công nhận là chi bộ độc lập của Quốc Tế Cộng Sản”. Từ đó, Đảng ta sánh vai cùng các Đảng anh em giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh đạo cách mạng cho đến ngày nay.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, hoảng sợ trước tinh thần bất khuất kiên cường của Trần Phú, kẻ thù đã cho mật thám theo dõi và bắt được đồng chí tại cơ sở in ấn tài liệu của Đảng ở Sài Gòn  vào ngày 18/4/1931. Chúng đã đưa đồng chí về giam ở Khám Lớn, Sài Gòn đồng thời dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí gang thép của người cộng sản Trần Phú. Tại đây, đồng chí tiếp tục tìm cách trao đổi với các đồng chí của mình về tình hình trong nước, quốc tế và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, đề ra các biện pháp đấu tranh chống các phần tử cơ hội, đầu hàng, phản bội trong lực lượng cách mạng. Chế độ tàn bạo của nhà tù đã làm sức khỏe của đồng chí Trần Phú bị suy kiệt. Ngày 6/9/1931 đồng chí đã hy sinh tại nhà thương Chợ Quán, trên tay anh em đồng chí, khi tuổi đời mới 27 xuân xanh. Trong giờ phút cuối, đồng chí vẫn gắng gượng đem hết chút sinh lực còn lại để nhắn nhủ các bạn chiến đấu rằng: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói của đồng chí Trần Phú như một tiếng kèn xung trận, đã thôi thúc muôn triệu trái tim của lớp hậu duệ, dũng cảm xông lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và ngày nay, trong điều kiện phát triển của đất nước ta, với sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng những luồng văn hóa ngoại  lai thì câu nói “hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú vẫn còn nguyên giá trị và có sức lan tỏa lớn, nhắc nhở mỗi cán bộ đảng viên luôn giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò xuất sắc của Người đã vạch ra.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tập dượt đầu tiên của Đảng mà đồng chí Trần Phú là người lãnh đạo cao nhất mãi mãi trường tồn. Mặc dù quãng đời hoạt động không dài nhưng đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ sôi động, quyết liệt nhất của những năm 1930-1931. Tên tuổi của đồng chí Trần Phú gắn liền với Xô Viết Nghệ Tĩnh, như ngọn lửa thiêng, không bao giờ tắt trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè Quốc tế.

Phạm Thị Kim Lân – Bảo tàng XVNT

 

 

  

Video