Đồng chí Trần Đức Nghinh – Người chiến sỹ cộng sản trung kiên của quê hương Quỳnh Thuận

Tác giả: admin
Ngày 2020-08-25 06:45:39

Đồng chí Trần Đức Nghinh sinh năm 1908[1] trong một gia đình trung nông yêu nước tại làng Thanh Đàm Trung nay là xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong cảch nước mất nhà tan, nhân dân sống trong đêm trường nô lệ, đồng chí sớm nhận thức được cảnh đời lam lũ, cơ cực. Khát vọng đấu tranh, giải phóng khỏi ách áp bức, xiềng xích đã đưa đồng chí đến với con đường cách mạng.

Ảnh: Đồng chí Trần Đức Nghinh

Đầu năm 1927, các ông Dương Đình Thúy, Nguyễn Hữu Giảng, Hoàng Ngọc Ân đã trở về Quỳnh Lưu, bắt liên lạc với các ông Chu Trang, Chu Huệ ở Quỳnh Giang, tiến hành gây dựng các cơ sở thanh niên cách mạng ở Quỳnh Lưu. Rất nhanh chóng, đến giữa năm 1927, hàng loạt cơ sở Thanh niên Cách mạng đã xuất hiện tại các xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hồng, Quỳnh Yên, Quỳnh Phương, Sơn Hải.

Cũng trong năm 1927, một cán bộ của đảng Tân Việt (một tổ chức yêu nước được thành lập tại thành phố Vinh vào năm 1925) là Thái Bá Đức đã liên lạc với ông Nguyễn Đức Mậu, bắt đầu xây dựng các cơ sở của đảng Tân Việt ở đây. Lần lượt 8 cơ sở của tổ chức Tân Việt được thành lập với số lượng 28 Đảng viên, chủ yếu tập trung tại các xã Quỳnh Đôi, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Hồng. Đến cuối năm 1927, một cơ sở của Tân Việt Cách mạng Đảng được thành lập tại nhà bà Đào Thị Cơ (còn gọi là bà Thơ) ở làng Thanh Đàm Đông, gồm các ông Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang và Đào Chí Thanh. Trong thời gian này, nhiều hội nhóm tự phát khác như Hội lợp nhà, Hội ái hữu... cũng hình thành, quy tụ được khá đông người dân tham gia, từng bước tạo nên một khối đoàn kết lớn tại địa phương.

Tháng 12 năm 1928, các đồng chí Trần Đức Nghinh, Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang, Đào Chí Thành, Đậu Sáu, Trần Quy, Hồ Giới, Hồ Mạc, Tô Minh và Tô Trì đứng ra thành lập tổ chức quần chúng có tên là “Khuyên giới Đoàn”, địa điểm tổ chức là nhà ông  Hồ Giới làng Thanh Đoài. Với phương châm: thành tín, trung thực, nhân ái, tu tâm dưỡng tánh, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ tệ nạn (cờ bạc, rượu chè, ma túy), trung thành, giữ bí mật về tổ chức của Đoàn. Có thể nói, “Khuyên giới Đoàn” chính là tổ chức cách mạng tiền thân của chi bộ Đảng ở xã Quỳnh Thuận sau này.

Năm 1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng sau khi được thành lập ở Bắc Kỳ đã cử hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Nghệ An để kết hợp với đồng chí Võ Mai, nhằm mở rộng phát triển các cơ sở Ðảng, tiến tới thành lập Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng. Những người làm cách mạng tại Quỳnh Lưu đã nhanh chóng liên hệ được với Kỳ bộ Trung Kỳ, sau đó thành lập được tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở huyện Quỳnh Lưu.

Cuối tháng 11 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Mậu đã triệu tập và chủ trì một cuộc họp quan trọng tại nhà đồng chí Đào Chí Thành (tức Đào Vị), có sự tham gia của đồng chí Đào Quang với tư cách là đại biểu của Đảng bộ cấp trên. Cuộc họp sau đó trở thành Lễ thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Giáp Thanh Đường[2]. Trong cuộc họp, đồng chí Trần Đức Nghinh được kết nạp Đảng cùng các đồng chí Đậu Sáu, Nguyễn Ngôn và Trần Quy. Đây chính là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Giáp Thanh Đường (sau này là Quỳnh Thuận).

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương tuyển chọn những đảng viên ưu tú của Đông Dương Cộng sản Đảng và Tân Việt cách mạng Đảng sang gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Quỳnh Lưu, ngày 20-4-1930, Ban chấp hành lâm thời huyện đảng bộ thành lập, bao gồm 5 đồng chí là Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang, Nguyễn Hữu Giảng, Hoàng Văn Hợp, Nguyễn Xuân Đào, do đồng chí Nguyễn Đức Mậu làm Bí thư.

Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Mậu về vùng Sơn Hải, Quỳnh Thuận tập hợp những chiến sỹ cách mạng. Tháng 5-1930, Chi bộ Đảng làng Quỳnh Thuận được thành lập, đồng chí Trần Đức Nghinh được bầu vào Ban chấp hành Chi bộ. Các đồng chí trong chi bộ đã thông qua những nghị quyết đầu tiên để lãnh đạo nhân dân xã nhà đấu tranh với các thế lực thực dân – phong kiến tại địa phương. Chi bộ đã nhận định, trước mắt, đấu tranh công khai về kinh tế (cụ thể là đấu tranh đòi tăng giá muối) là phương án khả thi nhất, có thể dễ dàng kêu gọi được đông đảo quần chúng tham gia. Đồng chí Trần Đức Nghinh được giao nhiệm vụ vận động nhân dân ký vào đơn yêu cầu tăng giá muối.

“Tôi được chi bộ cử đi đọc đơn và lấy chữ ký từng gia đình… nhìn những cánh tay đen cháy ký và chỉ điểm vào đơn, tôi vừa vui, vừa cảm động.“Chỉ cần có người lãnh đạo, phải – tôi nghĩ bụng - Chỉ cần có người lãnh đạo, những cánh tay kia có thể bóp vụn xương bọn Tây đồn trong chốc lát”[3]

Sau khi chi bộ Đảng ở các cơ sở được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng làng Quỳnh Thuận nói riêng và huyện Quỳnh Lưu nói chung phát triển mạnh. Cùng với sự ra đời của các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng cách mạng như Nông hội Đỏ, Thanh niên giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Tự vệ đỏ… cũng lần lượt ra đời và hoạt động rất sôi nổi.

Nhân ngày kỷ niệm Quốc tế lao động 1-5- 1930, Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trương phát động phong trào đấu tranh rầm rộ trong công nhân và mọi tầng lớp nhân dân lao động. Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy và nhân dân các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Sau cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy, Huyện ủy Quỳnh Lưu phát động phong trào đấu tranh noi gương công nông Vinh - Bến Thủy.

Theo kế hoạch của Huyện ủy, ngày 20/6/1930, cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức, khoảng 3000 người từ các nẻo đường của các làng xã phía đông – nam huyện tiến về chợ Đình. Sau khi nghe đồng chí Hoàng Hữu Duyệt đứng lên diễn thuyết vạch sự bất công và kêu gọi mọi người phải đứng dậy đấu tranh, đoàn người tiến đến đồn lính Phú Đức đưa yêu sách:

- Tăng giá muối lên 30%

- Để cho dân đem một số muối về dùng, không được tự tiện vào nhà khám muối.

- Được tự do đổ nước, cạo muối

- Phải thả tù chính trị ở các nơi…

Tranh: Diêm dân Quỳnh Lưu đấu tranh tháng 6/1930 (Kho KKBQ-BTXVNT)

Đoàn người biểu tình với băng cờ trên tay, khí thế sôi nổi. Bọn địch ở hai tổng Thanh Viên và Phú Hậu không dám đàn áp. Lính đồn Phú Đức đóng cửa bỏ chạy tháo thân trước khi đoàn biểu tình kéo đến, chỉ còn tên đồn trưởng người Pháp Guyômơ. Đoàn biểu tình phá cửa đồn tiến vào, đồn trưởng hoảng sợ buộc phải nhận yêu sách và hứa 3 ngày sẽ trả lời dân chúng. Rời đồn Phú Đức, đoàn biểu tình còn kéo sang đồn Thanh Đàm. Bọn Tây đồn ở đây cũng phải đáp ứng một số yêu sách của nhân dân.

Cuộc biểu tình lịch sử này đã đưa phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu tiến kịp phong trào các nơi khác trong thời kỳ đầu của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong cuộc đấu tranh này đồng chí Trần Đức Nghinh được giao nhiệm vụ rải truyền đơn và là một trong những người tham gia dẫn đầu cuộc biểu tình.

Sau cuộc biểu tình, đồng chí Trần Đức Nghinh bị bắt đem về đồn thương chánh Phú Đức nhận dạng, sau đó bị đưa về giam tại nhà tù huyện Quỳnh Lưu cùng đồng chí Nguyễn Đức Mậu và đồng chí Đậu Sáu.

Tại đây kẻ địch đã tìm đủ mọi cách đánh đập cực hình, nhưng vẫn không lay chuyển được tinh thần và ý chí của người chiến sỹ cộng sản dũng cảm, địch quay sang thủ đoạn tìm cách mua chuộc dụ dỗ. Với tinh thần và nghị lực kiên cường và lòng căm thù giặc như tiếp thêm sức mạnh cho đồng chí Trần Đức Nghinh vượt qua thử thách. Không moi được tin gì từ đồng chí, kẻ thù chuyển đồng chí vào nhà lao Vinh. Lúc này nhà lao Vinh đã chật ních những đảng viên cộng sản và những quần chúng yêu nước trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại đây, Trần Đức Nghinh luôn giữ vững khí tiết cách mạng kiên cường .

Sau một thời gian bị giam cầm, đến tháng 8/1931 đồng chí được ra tù. Về làng, đồng chí nhanh chóng bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Mai, chưa được bao lâu cuối năm 1931 đồng chí Nghinh cùng đồng chí Nguyễn Xuân Mai bị bắt và giam tại nhà tù huyện Quỳnh Lưu. Đây là lần thứ hai đồng chí bị bắt giam.

Sau phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng hết sức dã man. Hầu hết những đồng chí lãnh đạo phong trào và những người dân tham gia biểu tình tích cực đều bị bắt, nhiều tổ chức quần chúng bị phá vỡ. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.

Từ năm 1935, Huyện ủy Quỳnh Lưu được khôi phục do đồng chí Phan Hữu Khiêm làm Bí thư. Huyện ủy khẩn trương lãnh đạo việc khôi phục và thành lập các chi bộ Đảng ở cơ sở.

Tháng 6-1935, đồng chí Trần Xuân Mai, Hồ Phiệt (Quỳnh Đôi), Trần Đức Nghinh họp mặt tại cây đa đền Giếng Hương, cùng bàn định về việc khôi phục cơ sở Đảng. Sau đó, tại nhà đồng chí Trần Đức Nghinh, Chi bộ “Bưởi” được thành lập, đồng chí Trần Đức Nghinh được bầu làm Bí thư, với bí danh là Thạch, và thay mặt chi bộ đi dự Hội nghị Đảng bộ huyện.

Được sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện (đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Xuân Mai trực tiếp phụ trách tổng Thanh Viên), chi bộ Bưởi tiếp tục tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh bằng những hình thức công khai, hợp pháp. Giai đoạn này, chính phủ của Mặt trận bình dân lên nắm quyền ở Pháp đã thực hiện một số chính sách dân chủ hạn chế ở thuộc địa, thả tù chính trị...

Phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân huyện Quỳnh Lưu đang trên đà phát triển trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Đồng chí Trần Đức Nghinh đã thay mặt người dân địa phương viết đơn gửi đến Nghị viện Trung Kỳ đòi quyền dân sinh, dân chủ cho Diêm dân. Chi bộ cũng tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động ủng hộ Đông Dương Đại hội, đồng thời từng bước tiến hành đưa sách báo của Đảng vào phổ biến công khai.

Đồng chí Nghinh còn viết đơn gửi trực tiếp đến đồng chí Phan Thành[4] khi ông này được cử đi dự “Hội nghị kinh tế lý tài Đông Dương” với nội dung nêu rõ sự áp bức, bất công mà người dân làm muối đang phải gánh chịu, đề nghị lập “Nghiệp đoàn muối” để đảm bảo quyền lợi cho diêm dân.

Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Bưởi mà trực tiếp là đồng chí Trần Đức Nghinh, nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh hợp pháp theo chủ trương chung của Đảng bộ huyện, như: bố trí người ra tranh cử các chức danh lý trưởng và hào mục tại địa phương; biểu tình phản đối “Dự án thuế thân và tăng thuế ruộng đất” của Viện dân biểu Trung Kỳ (tháng 9/1937)...  Đầu năm 1938, khi Tỉnh ủy Nghệ An ra chủ trương kêu gọi “Ủng hộ Trung Hoa kháng Nhật”, chi bộ cũng đã vận động nhân dân tại địa phương tích cực hưởng ứng, mỗi người ủng hộ một đồng bạc...

Sang năm 1939, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai càng đến gần. Chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp sụp đổ. Điều này có ảnh hưởng xấu đến phong trào cách mạng Việt Nam. Để tránh hậu họa, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều mở chiến dịch khủng bố, ráo riết truy lùng bắt các chiến sỹ cộng sản, đội ngũ cán bộ cách mạng của Nghệ An nói chung và Quỳnh Lưu nói riêng bị tổn thất nặng nề. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu gần như bị xóa sổ: Bí thư Nguyễn Xuân Mai cùng các đồng chí Huyện ủy viên Hồ Thị Nhung, Hồ Hữu Lợi bị địch bắt. Chi bộ đảng Quỳnh Thuận (lúc đó là “chi bộ Bưởi”) một lần nữa lại mất liên lạc với Đảng bộ cấp trên. Tuy nhiên Bí thư chi bộ Trần Đức Nghinh cùng các đồng chí khác vẫn tiếp tục cố gắng duy trì các hoạt động đấu tranh với địch với hình thức hợp pháp từ năm 1940 đến 1945.

Ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp chiếm Đông Dương, nhiều cán bộ đảng viên thoát khỏi nhà tù tìm cách xây dựng phong trào. Tháng 4/1945, một số đảng viên Quỳnh Lưu như đồng chí Hồ Viết Thắng, Nguyễn Thạch Kim… đã bắt liên lạc với tổ chức Việt minh Thanh Hóa và được tổ chức khẩn trương Việt minh ở huyện và các làng, lúc bấy giờ đồng chí Trần Đức Nghinh là Bí thư Việt minh làng và là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa làng Thanh Đàm Trung.[5]

Sau cách mạng tháng 8/1945 thành công, Huyện ủy Quỳnh Lưu cử cán bộ khẩn trương khôi phục các chi bộ Đảng cơ sở.

Đầu năm 1946, chi bộ Đảng xã Thuận Hóa[6] thành lập gọi là chi bộ “Tiến” bao gồm 3 đồng chí: Trần Đức Nghinh, Đào Chí Thành và Đào Nguyên Giáo, đồng chí Trần Đức Nghinh là Bí thư chi bộ.

Từ năm 1947 đến 1975, đồng chí đã giữ nhiều cương vị khác nhau như: Ủy viên Ban chấp hành chính thức huyện ủy Quỳnh Lưu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, được phân công làm Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Huyện Quỳnh Lưu, Trưởng Ban tuyên huấn và phụ trách các trường chỉnh huấn của tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban tổ chức tỉnh Nghệ An, Phó ban kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An, Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lê Hồng Phong I - Nghệ An… Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng đóng góp hết sức mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã hun đúc nên ý chí và cốt cách kiên trung của đồng chí Trần Đức Nghinh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí luôn là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

Lương Thùy Vân - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Theo Lịch sử Đảng bộ Huyện Quỳnh Lưu đồng chí Trần Đức Nghinh sinh 1903

[2] Tr 51 -52  Lịch sử Đảng bộ xá Quỳnh Thuận, NXB Lao động – Hà Nội 2020

[3] Tr 127 -128 Ráng đỏ hồng lam, NXB Nghệ An

 [4] Theo Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Thuận, NXB Lao động – Hà Nội 2020

[5] Lý lịch Đảng viên do gia đình cung cấp

[6] Xã Thuận Hóa được hợp nhất từ 3 làng Thanh Đàm Trung, Thanh Đàm Đông, Thanh Đàm.

 

 

Video