Đồng chí Trần Đắc Điền, người chiến sỹ cộng sản của quê hương Yên Hòa, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-06-30 07:44:32

Làng Yên Dượng, tổng Vân Tán xưa, thôn Hồ Phượng, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, có tinh thần cách mạng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, như bao miền quê khác, người dân Yên Dượng phải chịu cảnh một cổ hai tròng áp bức. Không cam chịu cảnh đời nô lệ, người dân Yên Dượng đã tiếp nối truyền thống của cha ông đứng lên đòi cơm áo, tự do. Những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Yên Dượng, đặc biệt là thế hệ trẻ đã tiếp thu mạnh mẽ những tư tưởng yêu nước đương thời, tích cực đóng góp sức người, sức của và trở thành lực lượng, hậu cứ quan trọng của phong trào yêu nước, cách mạng. Đồng chí Trần Đắc Điền (Trần Điền) là một trong những tấm gương như thế.

Đồng chí Trần Đắc Điền sinh năm 1900 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Yên Dượng, tổng Vân Tán (nay là thôn Hồ Phượng, xã Yên Hòa), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đồng chí Trần Đắc Điền đã được gia đình cho theo học chữ Hán và chữ quốc ngữ tại lớp học trường làng.

Đầu năm 1930, đồng chí Trần Hưng (bí danh Hoàng quê ở Đức Thọ) được Tỉnh ủy giao về làng Phụng Luyện vừa dạy học vừa gây dựng tổ chức. Nhận thấy đồng chí Trần Đắc Đào, Trần Đắc Điền... là những thanh niên giàu tình cảm, có chí căm thù giặc, có tư tưởng cầu tiến, đồng chí Trần Hưng đã bắt liên lạc và nhiều lần giao các đồng chí nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng cho bà con nhân dân... Nhờ hoạt động tuyên truyền tích cực của các đồng chí, quần chúng nhân dân Yên Dượng đã đứng lên đòi trả lại ruộng đất, giảm cúng tế, tố cáo tội ác của lý trưởng, hào lý...

Tháng 11/1930, chi bộ Yên Dượng được thành lập do đồng chí Trần Đào làm Bí thư. Đồng chí Trần Đắc Điền với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương từ trước được bầu làm ủy viên. Ngay sau khi thành lập, các đồng chí đã phân công nhau mở rộng địa bàn, tổ chức tuyên truyền, vận động và kết nạp đảng viên. Nhờ đó, đến tháng 12/1930, trên địa bàn Cẩm Xuyên đã thành lập được thêm chi bộ Yên Xá, chi bộ Thạch Khê Hạ.

Sau khi 3 chi bộ được thành lập thì ngày 22/12/1930, đồng chí Nguyễn Đình Liễn[1] – Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên và một số đồng chí cán bộ cốt cán của Tỉnh ủy, Huyện ủy bị thực dân Pháp xử bắn tại huyện lỵ Cẩm Xuyên khiến phong trào cách mạng của huyện bị lắng xuống.

Trước tình hình đó, đồng chí Trần Đắc Điền, Trần Đào, Nguyễn Huỳnh đã tiến hành hội họp và thống nhất thành lập Ban cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên do đồng chí Trần Đào làm Bí thư. Đồng chí Trần Đắc Điền, Nguyễn Huỳnh là huyện ủy viên phụ trách phong trào vùng Yên Dượng, Phụng Luyện. Nhờ hoạt động vừa mềm dẻo, vừa sâu sát của các đồng chí, đến tháng 3/1931, chi bộ đảng của các làng được khôi phục đã tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng Cẩm Xuyên.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931, Ban cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên đã tiến hành cuộc họp bàn kế hoạch và phân chia nhiệm vụ cho từng đồng chí huyện ủy viên trong cuộc đấu tranh.

Đêm 30/4/1931, theo kế hoạch đã định, đồng chí Trần Đắc Điền, Nguyễn Huỳnh và các đồng chí được phân công đã tổ chức rải truyền đơn khắp các ngả đường ở Yên Ốc, Yên Bình. Ngày 1/5/1931, đồng chí Trần Đắc Điền, Nguyễn Huỳnh đã tổ chức, hướng dẫn đoàn biểu tình làng Yên Dượng, Phụng Luyện phối hợp với nhân dân Yên Xá, Yên Nhân, một số làng của Thạch Hà kéo về tập trung tại miếu Thượng Tướng (Cát Khánh, Cẩm Huy). Đến điểm tập kết, đoàn biểu tình đã lên đến con số 1.500 người vừa rải truyền đơn, vừa giương cờ, khẩu hiệu, đồng thanh hô vang khẩu hiệu đòi các quyền dân sinh, dân chủ như giảm sưu, giảm thuế... Để giải tán đoàn biểu tình đang sục sôi khí thế đấu tranh, lính tay sai đã dùng súng bắn vào đoàn khiến một số người bị chết. Trước tình thế đó, đồng chí Trần Đắc Điền và các đồng chí đảng viên khác đã hướng dẫn đoàn biểu tình của mình giải tán  nhằm bảo toàn lực lượng.

Ngày 25/6/1931, Ban cán sự Huyện ủy đã tổ chức đại hội với sự tham gia của đại diện Tỉnh ủy và các huyện Thạch Hà, Kỳ Anh. Đại hội đã thống nhất bầu ra Ban chấp hành mới để lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Cẩm Xuyên. Đồng chí Trần Đắc Điền với những đóng góp và hoạt động năng nổ của mình trong phong trào cách mạng tiếp tục được tổ chức tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy Cẩm Xuyên.

Tuy nhiên ngay sau đó, để dập tắt phong trào cách mạng ở Yên Dượng nói riêng và Cẩm Xuyên nói chung, thực dân Pháp, chính quyền tay sai đã tổ chức nhiều đợt càn quét, bắt bớ các cán bộ, đảng viên trong toàn huyện. Đồng chí Trần Đắc Điền sau nhiều ngày hoạt động bí mật đã bị địch phục kích bắt sống.

Trải qua các nhà tù như: đồn Mang Cá, nhà lao Hà Tĩnh, ngục Kon Tum, đồng chí Trần Đắc Điền vẫn một dạ kiên trung. Bên cạnh đó, đồng chí còn cùng các anh em, đồng chí của mình đứng lên đấu tranh biến nhà tù thành trường học cách mạng, chống lại các chế độ hà khắc, cải thiện sinh hoạt...

Năm 1935, đồng chí Trần Đắc Điền ra tù. Ngay sau khi về địa phương, đồng chí đã bắt mối liên lạc và tiếp tục hoạt động cách mạng trong các thời kỳ tiếp theo.

Tháng 7/1945, đồng chí Trần Đắc Điền tham gia chi bộ Việt Minh Yên Dượng. Ngày 16/8/1945, nhận được lệnh của Việt minh Nam Hà về việc tổ chức  biểu tình vũ trang thị uy, đồng chí Trần Đắc Điền và các đồng chí trong chi bộ Việt Minh Yên Dượng đã tích cực họp bàn kế sách và vận động nhân dân chuẩn bị nhân lực, vật lực cho khởi nghĩa giành chính quyền theo kế hoạch chung. Trong 2 ngày 17 và 18/8/1945, đồng chí Trần Đắc Điền đã tham gia lãnh đạo nhân dân Yên Dượng tổ chức đấu tranh khiến bộ máy tay sai địa phương phải cúi đầu đầu hàng, giao nộp toàn bộ tài liệu, ấn triện cho nhân dân. Được sự tín nhiệm của chi bộ và nhân dân, đồng chí Trần Đắc Điền được bầu giữ chức vụ phụ trách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời làng Yên Dượng.

Năm 1958, do ảnh hưởng của chế độ lao tù và tuổi cao sức yếu, đồng chí Trần Đắc Điền đã mất tại quê nhà.

Ghi nhận những đóng góp của đồng chí Trần Đắc Điền trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng, Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước Trần Đức Lương truy tặng năm 1997.

Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Đồng chí Nguyễn Đình Liễn sinh năm 1898 mất ngày 2/1/1931 (có tài liệu ghi 22/12/1930), quê ở làng Lương Điền, tổng Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tập 1, NXB Chính trị quốc gia  năm 1993 ;

- Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên tập I (1930-1954), NXB Chính trị Quốc gia năm 1997;

- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Yên tập 1 (1930-2000), xuất bản tháng 9/2004;

- Lời kể, tư liệu do gia đình đồng chí Trần Đắc Điền cung cấp.

Video