Đồng chí Trần Châu Bội - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng

Tác giả: admin
Ngày 2021-09-21 02:31:20

Đà Sơn là mảnh đất văn hiến, có bề dày lịch sử và cách mạng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, như bao miền quê khác, người dân Bụt Đà xưa, Đà Sơn nay đã phải chịu cảnh một cổ hai tròng áp bức. Không cam chịu cảnh đời nô lệ, người dân nơi đây đã tiếp nối truyền thống của cha ông mà đứng lên đòi cơm áo, tự do theo tiếng gọi của các sỹ phu, văn thân yêu nước.

Đồng chí Trần Châu Bội (bí danh Toàn) sinh ngày 15 tháng 02 năm 1887 trong một gia đình nông dân tại làng Bột Đà, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn (nay là xóm 7, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đồng chí được gia đình tạo điều kiện cho ăn học các lớp chữ Hán và chữ quốc ngữ ở trường làng. Sớm được tiếp cận những sách báo, tư tưởng tiến bộ, càng ngày, cậu thanh niên Trần Châu Bội càng tỏ ra là một người có bản lĩnh cứng cỏi, ham học hỏi và say mê với những vần thơ, áng văn đầy chí khí cách mạng, sục sôi lòng yêu nước của các bậc cha anh.Vốn có tư chất thông minh, sau này, đồng chí Trần Châu Bội đã trở thành một thầy giáo dạy chữ Hán ở địa phương, nhà của đồng chí trở thành một trong những địa điểm họp bàn của những thanh niên yêu nước tiến bộ trong vùng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới sự lãnh đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn được thành lập vào cuối tháng 3/1930 do đồng chí Trần Du làm Bí thư. Phủ ủy đã họp bàn, thống nhất chủ trương ưu tiên công tác xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Các Phủ ủy viên được phân công về tận thôn xóm để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Làng Bụt Đà nói riêng và tổng Thuần Trung nói chung những năm 1930 – 1931thuộc phủ Anh Sơn nên phong trào đấu tranh của nhân dân ở đây được sự chỉ đạo trực tiếp của Phủ ủy Anh Sơn.

Cuối tháng 3/1930, tại nhà thờ họTrần Châu, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Thái Ất, chi bộ Bụt Đà được thành lập do đồng chí Nguyễn Cảnh Côn làm Bí thư. Đồng chí Trần Châu Bội và một số thanh niên có tư tưởng yêu nước đã được kết nạp vào chi bộ trong thời gian này. Sau một thời gian, đồng chí Trần Châu Bội đã được chi bộ tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư thay cho đồng chí Nguyễn Cảnh Côn được tổ chức điều động nhận nhiệm vụ mới.

Được sự chỉ đạo của Phủ ủy, Trần Châu Bội và các đồng chí trong chi bộ Bụt Đà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố tổ chức đảng, kết nạp những người hăng hái, tích cực trong các phong trào đấu tranh vào Đảng. Nhờ công tác tuyên truyền vận động sâu sát của đồng chí Trần Châu Bội và chi bộ Bụt Đà, các tổ chức quần chúng địa phương như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên, Phụ nữ… đã lần lượt ra đời thu hút nhiều hội viên tham gia.

Ngay sau khi nhận chủ trương Phủ uỷ Anh Sơn về việc tổ chức cuộc biểu tình lớn quy mô toàn phủ để hưởng ứng cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương, các đồng chí trong chi bộ Bụt Đà, như: Trần Văn Thàng, Phạm Đình Thi, Trần Văn Dơi... đã nhiều lần tiến hành họp bàn kế hoạch phối hợp đấu tranh tại nhà đồng chí Trần Châu Bội.

Sáng ngày 8/9/1930, sau tiếng chiêng báo hiệu, đồng chí Trần Châu Bội và các đồng chí đảng viên trong chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trong làng tập hợp tiến về địa điểm tập kết tại Truông Cồn Đọi (thuộc địa phận Bụt Đà), phối hợp với các làng của hai tổng Thuần Trung, Bạch Hà đi biểu tình. Sau khi nghe các đồng chí đảng viên diễn thuyết, đoàn biểu tình ồ ạt kéo lên phủ đường. Đoàn người vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đấu tranh, yêu cầu nhà cầm quyền thực dân, phong kiến phải bãi bỏ thuế chợ, thuế đò, giảm thuế ruộng đất, thuế sưu... Hoảng sợ trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, địch đã cho máy bay từ Vinh lên ném bom vào đoàn biểu tình khiến 7 người chết, 30 người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Trần Châu Bội, các đồng chí đảng viên đã lãnh đạo đoàn biểu tình của từng làng tạm thời rút lui.

Tiếp đó, trong các ngày 9/9/1930, 10/9/1930 và ngày 23/9/1930, đồng chí Trần Châu Bội đã lãnh đạo nhân dân 2 làng Bụt Đà, Phượng Kỷ phối hợp với nhân dân các làng thuộc tổng Thuần Trung và Bạch Hà tiến hành các cuộc biểu tình phản đối chính sách khủng bố của chính quyền thực dân tay sai, mít tinh làm lễ truy điệu cho những người đã hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 8/9/1930.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã cho bang tá và mật thám về Bụt Đà vây ráp, lùng bắt và giam đồng chí đồng chí Trần Châu Bội tại nhà giam Kim Nhan (địa phận Anh Sơn ngày nay). Trong suốt 8 tháng, mặc dù kẻ địch dùng nhiều hình thức khác nhau, từ tra tấn đến dụ dỗ nhưng đồng chí Trần Châu Bội vẫn không hề khai báo nửa lời.

Vào giữa năm 1931, sau khi ra tù, đồng chí Trần Châu Bội tiếp tục làm nghề dạy chữ Hán để chờ thời cơ bắt mối liên lạc với tổ chức Đảng. Sau một thời gian dài lánh mặt vùng khác, đồng chí về quê tiếp tục làm nghề dạy học chữ Hán cho con em trong làng, ngấm ngầm hoạt động nhen nhóm tổ chức Đảng, tìm cách phát triển đảng viên. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã tổ chức kết nạp được một số đảng viên mới, trong đó có đồng chí Nguyễn Duy Cường quê Bạch Ngọc xã Lam Sơn ngày nay.

Ngày 15/8/1945, sau khi chính phủ Nhật đầu hàng Đồng Minh, Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra lệnh cho các phủ huyện bố trí ngay việc cướp chính quyền. Ngày 23/8/1945, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa Anh Sơn, đồng chí Trần Châu Bội và đông đảo nhân dân hai làng Bụt Đà, Phượng Kỷ tay cầm cờ đỏ sao vàng, giáo mác, gậy gộc làm vũ khí, đội ngũ chỉnh tề kéo về trước phủ đường cùng với đông đảo nhân dân các xã tham gia giành chính quyền ở phủ Anh Sơn.

Tiếp đó, ngày 25/8/1945, đồng chí Trần Châu Bội và nhân dân hai làng Bụt Đà, Phượng Kỷ đã tiến hành cuộc đấu tranh giành chính quyền địa phương. Ngay sau đó, các đồng chí đã công bố quyết định thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời làng Bụt Đà. Đồng chí Trần Châu Bội được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Uỷ ban. Sau khi Ủy ban Cách mạng lâm thời của từng làng được công bố, trước sức đấu tranh của nhân dân, bọn hào lý ở hai làng Bụt Đà, Phượng Kỷ đã đem hết các tài liệu, ấn tín, sổ sách giao nạp cho chính quyền Cách mạng lâm thời trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân.

Ngày 04/11/1947, đồng chí Trần Châu Bội đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Châu Bội là bài học về tấm gương của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, luôn nêu cao ý chí chiến đấu và lòng quả cảm để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

Ghi nhận những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng Đà Sơn nói riêng, huyện Đô Lương nói chung, đồng chí Trần Châu Bội đã được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Bằng Tổ Quốc ghi công theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 03/01/2006.

                                                                                                     ThS.Hồ Thị Hải Liễu

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

 

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương 1930 - 1963, NXB Nghệ An 2005

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Đà Sơn 1930 - 2005, NXB Văn Hóa – Thông Tin

Lời kể, tư liệu của ông Trần Kim Anh, cháu nội của đồng chí Trần Châu Bội

Video