Đồng chí Trần Cảnh Bình

Tác giả: admin
Ngày 2011-03-30 13:59:57

Đồng chí Trần Cảnh Bình sinh năm 1910, trong một gia đình nho học nghèo đông anh em tại làng Đức Thịnh, nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh. Cụ thân sinh của Trần Cảnh Bình là ông Trần Cảnh Nhuận đậu cử nhân khoa Kỷ Dậu nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học và làm nghề cắt thuốc nam ở làng. Mẹ là bà Uông Thị Thơ, một người phụ nữ cần cù, chịu thương chịu khó.

Trần Cảnh Bình lớn lên trên mảnh đất nghèo, đất đai kém màu mỡ “lúa cấy không có ăn, khoai trồng không ra ngọn…” Nguồn sống chính của nhân dân là bám lấy ruộng đất để bòn từng đấu thóc, mớ khoai. Nhưng trên mảnh đất ấy có nhiều dòng họ lớn như: họ Nguyễn, Trần, Hoàng Uông, Phạm, Đặng…với các bậc tiền nhân là những người tài giỏi, công đức cao được vua Lê, vua Nguyễn ban đạo sắc phong.

Dù nghèo khó nhưng nhân dân nơi đây rất giàu lòng yêu nước. Sau khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược Nghệ Tĩnh (1885), nhân dân lao động bị thực dân Pháp và chính quyền phong kiến bóc lột dã man, cuộc sống vô cùng khổ cực, nhiều cuộc đấu tranh giữa nhân dân và hào lý địa phương đã liên tục nổ ra. Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo đã ảnh hưởng đến vùng Lộc Đa, Đức Thịnh, An Hậu… Nhiều người con của mảnh đất này đã hăng hái tham gia như ông Uông Sỹ Túy, Uông Đạt, Nguyễn Diệm, Uông Trung. Quân của các ông đã phối hợp với các trận đánh ở Trại Lệ (Can Lộc), Trại Mới, Đồn Ná (Thanh Chương)…

Nơi đây còn là căn cứ hoạt động của Đội Quyên, Đội Quảng trong nhiều năm. Các ông đã nhiều lần mộ quân, quyên hương và thường lui tới nhà thờ họ Uông ở làng Đức Thịnh để họp bàn phương thức đánh giặc…

Bác ruột của Trần Cảnh Bình là ông Trần Cảnh Tuân cũng là người nổi tiếng trong phong trào Văn thân ở địa phương. Hai anh em Trần Cảnh Tuân và Trần Cảnh Nhuận đã tích cực tham gia những hoạt động chống Pháp của Đội Quyên, Đội Quảng nên nhiều lần bị thực dân và phong kiến Nam triều bắt, giam cầm… Chính quê hương và gia đình đã góp phần hun đúc nên lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên trung của Trần Cảnh Bình.

Tuy nhà nghèo nhưng vốn có tinh thần hiếu học lại được sự giáo dục của cha nên Trần Cảnh Bình học rất giỏi. Nhiều người con ưu tú của quê hương Lộc Đa, Đức Thịnh như Dương Xuân Thiếp, Hoàng Trọng Trì, và Trần Cảnh Bình rất mến phục những hành động yêu nước của những bậc cha anh đi trước như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Đội Quyên, Đội Quảng… và luôn nung nấu trong mình ngọn lửa đấu tranh. Các anh là những người hay thơ và giỏi làm thơ. Thơ của các anh đều thẫm đẫm tinh thần yêu nước, châm biếm đả kích bọn thực dân và phong kiến tay sai…

Năm Trần Cảnh Bình 19 tuổi, cha qua đời, anh phải bỏ học ở nhà đỡ đần mẹ nuôi các em bằng nghề bán thuốc nam. Anh thường mang thuốc đi bán ở chợ Vinh hay sang tận Hà Tĩnh. Nhờ đó Trần Cảnh Bình không chỉ có dịp tiếp xúc với những người có tư tưởng tiến bộ mà còn tham gia vào nhiều hoạt động yêu nước như lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh hay các cuộc biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu v.v…Đi nhiều nơi, tiếp thu được nhiều tư tưởng mới nên khi về làng Trần Cảnh Bình hay giúp đỡ anh em, bạn bè khi gặp khó khăn. Anh đã phê phán những tục lệ cúng tế linh đình, đả kích những thói xấu của bọn hào lý và những kẻ xu nịnh ở địa phương.

Năm 1928, Trần Cảnh Bình cùng Trần Cảnh Hồng và Uông Nhật Hoành chung vốn mở hiệu may cạnh đường cái Vinh – Cửa Hội để tiện hoạt động. Sau một thời gian tìm tòi, Hoàng Trọng Trì đã bắt liên lạc được với Đảng Hoàng Trọng Trì đã về làng Đức Thịnh bắt liên lạc và tập hợp nhóm thanh niên yêu nước trong đó có Trần Cảnh Bình. Trong những buổi họp mặt, Hoàng Trọng Trì đã nêu cao tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn, cách mạng Tháng Mười Nga… Sẵn có lòng yêu nước từ tuổi thiếu niên, lại được Hoàng Trọng Trì giác ngộ, Trần Cảnh Bình nhanh chóng trở thành một thanh niên tích cực nhất ở làng Đức Thịnh và được đồng chí Hoàng Trọng Trì giao nhiều nhiệm vụ quan trọng để gây dựng phong trào cách mạng. Vốn viết chữ rất đẹp nên anh nhận truyền đơn về nhà và viết ra nhiều bản để phân phát trong làng. Anh viết bằng chữ Nôm để nhiều người đọc được mặc dù biết rằng bọn mật thám có thể lần nét chữ để tìm ra người viết. Bất chấp hiểm nguy, nhiều lần Trần Cảnh Bình đã đưa truyền đơn xuống rải ở vùng gần Cửa Hội. Có lần truyền đơn bị ướt và hỏng, anh đã nhanh trí đưa đến tận từng nhà để dán. Dán xong, anh ra đình đánh trống tập hợp nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, kêu gọi mọi người tích cực đọc truyền đơn.

Nhiệt tình cách mạng và long quả cảm của Trần Cảnh Bình đã khiến nhiều người mến phục, tin tưởng cùng tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1929, nhiều tổ chức cơ sở của Đông Dương cộng sản Đảng đã được thành lập ở Vinh. Tháng 7 năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (cán bộ lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng) bắt mối với đồng chí Hoàng Trọng Trì và một số đảng viên Tân Việt, hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng lập ra Chi bộ “Đông Dương Cộng sản Đảng nông thôn phía Đông Bắc Vinh – Bến Thủy”. Chi bộ gồm 7 đảng viên: Hoàng Trọng Trì, Hoàng Bá, Trần Cảnh Bình, Nguyễn Tiến Nhoạn, Nguyễn Lung, Nguyễn Văn Sử và Nguyễn Xuân Thâm. Hoàng Trọng Trì được cử làm Bí thư. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Hoàng Trọng Trì được cử vào Ban chấp hành Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy, chi bộ ghép này tách ra hai chi bộ riêng: Chi bộ Lộc Đa, Đức Thịnh và chi bộ Yên Dũng Thượng. Đồng chí Trần Cảnh Bình trở thành một cán bộ cốt cán của vùng Lộc Đa, Đức Thịnh.

Cuối tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh chủ trương phát động quần chúng biểu tình nhân ngày Quốc tế lao động để đòi thực dân – phong kiến bỏ sưu cao, thuế nặng cho nông dân; tăng lương giảm giờ làm cho công nhân… Thực hiện chủ trương của Đảng, tại Đức Thịnh không khí chuẩn bị đấu tranh diễn ra sôi nổi. Các đồng chí: Trần Cảnh Bình, Uông Nhật Vượng, Uông Nhật Hoành, Nguyễn Phúc…đã tổ chức in truyền đơn và phân phối cho các giao thông viên đưa về các xóm. Cờ Đảng và truyền đơn còn được các đồng chí mang lên tận các cơ sở Đảng ở Nam Đàn, Thanh Chương hay xuống Cửa Hội, sang Nghi Xuân hay xa hơn là Yên Xuân, Thanh Luyện. Trong cuộc hội nghị bàn kế hoạch của chi bộ, Trần Cảnh Bình phát biểu: “Trong khi đấu tranh, chúng ta đưa yêu sách thì một là chúng chấp nhận, hai là chúng bắt, chúng khủng bố. Điều đó là thường, có đấu tranh thì có hy sinh, có hy sinh thì mới có thắng lợi”.

Sáng ngày 1/5/1930, các làng Lộc Đa, Đức Thịnh, An Hậu, Đức Hậu, Yên Dũng thượng và khắp Vinh – Bến Thủy ở đâu cũng có truyền đơn và cờ đỏ. Các chiến sỹ cách mạng đã cắm cờ đỏ ngay trên tòa Công sứ, ở trong thành, ở Bến Thủy…Không khí đấu tranh sôi nổi bao trùm khắp mọi nơi. Theo kế hoạch đã định, từ 4h sáng từng đoàn người từ các làng An Hậu, Đức Hậu rầm rập kéo lên. Nhân dân Đức Thịnh, Lộc Đa, Yên Dũng Thượng cũng đã chỉnh tề đội ngũ. Đoàn người từ các ngả nhập thành một khối, nhằm hướng Bến Thủy tiến lên dưới sự chỉ huy của Hoàng Trọng Trì, Trần Cảnh Bình, Hoàng Bá v.v…

Đến cột số 3, tên tri phủ Hưng Nguyên tới chặn đường, dọa dẫm, nhưng đoàn người cứ kéo đi như thác đổ, không hề đếm xỉa đến sự có mặt của hắn. Khi tới ngã ba Quán Lau, bọn lính đã sẵn sàng đội ngũ chắn ngang đường, định cản đoàn biểu tình lại. Nhưng đoàn người không hề nao núng, vẫn kiên quyết giữ vững đội ngũ, gạt bọn lính ra bên lề đường mà tiến lên đồng thanh hô to khẩu hiệu: “Công, nông, binh liên hiệp lại chống khủng bố, chống đánh đập!”

Đến Ngã ba Bến Thủy, đoàn biểu tình quay thành khối lớn sôi động, dũng mãnh dương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu cách mạng. Thực dân Pháp tăng cường đàn áp, cho chở xuống 4 xe lính khố đỏ đóng chốt ở các nơi trọng yếu. Anh chị em công nhân trong các nhà máy ở Bến Thủy dù bị bọn chủ cai khóa cổng nhưng vẫn bám sát tường rào vẫy chào bà con nông dân trong khối người biểu tình, đồng thời hát vang bài Quốc tế ca:
                                           “Hỡi ai nô lệ trên đời
                                Nào ai cực khổ đồng thời đứng lên”

Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn (Đảng viên Chi bộ Lộc Đa, Đức Thịnh) dũng cảm xông vào định phá cổng nhà máy để công nhân ra đấu tranh liền bị tên lính dùng báng súng thúc mạnh vào ngực, anh cướp được súng ném xuống nền đường, viên giám binh Pháp nổ súng, anh đã anh dũng hy sinh. Như đổ thêm dầu vào lửa, biển người biểu tình càng thêm sục sôi căm thù. Từ trong đoàn biểu tình, đồng chí Trần Cảnh Bình đã dũng cảm xông lên phía trước, trèo lên cột đèn giữa Ngã ba Bến Thủy kêu gọi: “Hỡi anh chị em công nhân, mau mau ra cứu anh em nông dân với! Tây đã bắn chết anh em rồi! Đả đảo bọn khủng bố! Bỏ sưu, giảm thuế, tăng lương, bớt giờ làm cho công nhân!” Lời kêu gọi thống thiết của anh vang lên thôi thúc biển người đang sục sôi khí thế đấu tranh. Hàng chục khẩu súng chĩa thẳng vào anh và đoàn biểu tình bắn xối xả. Đồng chí Trần Cảnh Bình đã anh dũng ngã xuống cùng 6 đồng chí khác.

Cuộc biểu tình bị thực dân Pháp đàn áp dã man với 7 chiến sỹ hy sinh, 14 người bị thương và hơn 100 người bị bắt nhưng “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh, tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh”. Hình ảnh đồng chí Trần Cảnh Bình người con của quê hương Lộc Đa - Đức Thịnh anh hùng vẫn sống mãi cùng quê hương và tên tuổi anh luôn sáng ngời trong trang sử đất Hồng Lam.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

 

Video