Đồng chí Tôn Gia Tinh, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi - Bí thư đầu tiên của Huyện Đảng bộ Thanh Chương

Tác giả: admin
Ngày 2018-12-06 07:19:26

Thanh Chương – một huyện ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An là nơi có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Trải qua sự biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đây được xem là một trong những nơi ươm mầm của những tấm gương hiếu học và cách mạng của Nghệ An nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Những tên đất, tên người của Thanh Chương đã đi vào trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Đồng chí Tôn Gia Tinh, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi, Bí thư đầu tiên của Huyện Đảng bộ Thanh Chương là một trong những người như thế.

Đồng chí Tôn Gia Tinh

Đồng chí Tôn Gia Tinh (bí danh là Mệnh), sinh ngày 25/11/1911 tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Cụ Tôn Quang Sinh, thân sinh của đồng chí là một người tài cao học rộng, từng đậu Tú tài Hán học nhưng không ra làm quan mà hành nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Những năm đầu thế kỷ XX, cụ hăng hái tham gia hoạt động trong phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu, một chí sỹ yêu nước của quê hương Nghệ An khởi xướng. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Định, làm nghề nuôi tằm dệt vải, một phụ nữ yêu chồng thương con.

Kế thừa truyền thống của quê hương, dòng họ và chịu ảnh hưởng trực tiếp của người cha, Tôn Gia Tinh từ nhỏ đã bộc lộ thiên chất thông minh, ham học hỏi và sớm có tinh thần yêu nước và căm thù giặc. Năm 1920, Tôn Gia Tinh được gia đình cho xuống Vinh theo học tại trường Quốc học Vinh. Vốn thông minh sáng dạ, năm 12 tuổi, Tôn Gia Tinh đã đi dạy kèm để kiếm tiền tự túc ăn học.

Ngày 14/7/1925, Hội Phục Việt ra đời tại núi Con Mèo, Vinh – Bến Thủy với tôn chỉ mục đích nhằm đoàn kết các lực lượng tiến bộ yêu nước để làm cách mạng đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành tự do cho dân tộc. Thực hiện chủ trương của Hội, các đồng chí hội viên Phục Việt đã dùng nhiều hình thức như bí mật truyền tay nhau tài liệu, tổ chức đọc sách báo tiến bộ, giảng văn bình thơ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở… Nhờ đó, những tư tưởng yêu nước tiến bộ đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Hoạt động của Hội đã có ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và căm thù thực dân xâm lược cho các học sinh, trong đó có học sinh trường Quốc học Vinh, nơi Tôn Gia Tinh đang theo học. Được sự vận động của các thầy giáo có tư tưởng tiến bộ, cậu học trò nhỏ Tôn Gia Tinh đã tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước tại thành Vinh. Bên cạnh tìm đọc các sách báo tiến bộ như báo “Việt Nam hồn”(1) , sục sôi nhiệt huyết với “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc(2)…, anh còn là thành tố tích cực của tổ chức “Thanh niên học sinh cách mạng”, một tổ chức của những thanh niên, học sinh ưu tú do các thầy Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Mộng Bạch, Phan Kiêm Huy sáng lập. Anh đã tích cực tham gia phong trào vận động góp tiền mua hoa và vải trắng may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh, tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu.

Cuối năm 1927, với những hoạt động yêu nước tích cực của mình, Tôn Gia Tinh được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội (tháng 7/1928, Hội đổi tên thành Tân Việt cách mạng đảng hay Đảng Tân Việt), nhận nhiệm vụ vừa tham gia các hoạt động, vừa tuyên truyền, phát triển đảng viên trong phạm vi trường đồng chí đang theo học. Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong phong trào học sinh, thanh niên yêu nước tại Nghệ An, trong thời gian này đồng chí Tôn Gia Tinh đã vận động và kết nạp được thêm 2 đảng viên vào Đảng Tân Việt. Đến tháng 9 năm 1929, một số đảng viên tiến bộ của Đảng Tân Việt dưới ảnh hưởng tư tưởng cộng sản ra tuyên đạt kêu gọi thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, hình thành nhiều chi bộ ở Trung KỳNam Kỳ và cả ở Bắc Kỳ. Các đồng chí Đảng viên tiên tiến của Tân Việt tại Nghệ Tĩnh như Nguyễn Viết Lục, Lê Viết Thuật, Tôn Gia Tinh đã chủ động liên hệ hoạt động để duy trì và phát triển phong trào cách mạng quê nhà.

Những hoạt động tích cực của đồng chí đã không qua mắt được mật thám tay sai. Ngày 25/12/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam tại Nhà lao Vinh. Trong hồ sơ tù của thực dân Pháp lưu tại P4A93 Bộ Công an ghi rõ: “Năm 1929, tham gia vào Đảng Tân Việt bị kết án 01 năm tù và 01 năm quản thúc theo Bản án số 11 ngày 21/01/1930”(3). Thực dân pháp và tay sai đã dùng đủ mọi nhục hình nhưng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu không biết, không hay của đồng chí. Sau mấy tháng giam cầm, tra tấn nhưng không khai thác được gì, tháng 3 năm 1930, chính quyền tay sai buộc phải trả tự do cho đồng chí. Ngay sau khi ra tù, Tôn Gia Tinh lại tiếp tục cống hiến nhiệt huyết của mình cho Đảng, cho cách mạng quê hương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Ngày 20/3/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng, Hội nghị đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn (nay thuộc xã Thanh Long). Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương. Tôn Gia Tinh, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi với uy tín, kinh nghiệm hoạt động của mình đã được bầu làm Bí thư. Ngay sau khi thành lập, Tôn Gia Tinh cùng các đồng chí trong Huyện ủy họp bàn, thống nhất chủ trương ưu tiên công tác xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Huyện ủy đã cắt cử, phân công các huyện ủy viên về tận thôn xóm để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Đồng chí Tôn Gia Tinh thay mặt Huyện ủy về thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Dương Xuân. Nhờ hoạt động tích cực của các đồng chí, chỉ sau hơn 1 tháng, Đảng bộ huyện Thanh Chương đã phát triển thêm được 7 chi bộ với 55 đảng viên.

Ngoài nhiệm vụ phát triển cơ sở Đảng tại địa phương, tháng 4 năm 1930, đồng chí Tôn Gia Tinh tiếp tục nhận nhiệm vụ của Xứ ủy Trung Kỳ về Hưng Nguyên bắt mối liên lạc với Lê Xuân Đào, một đảng viên Tân Việt hăng hái ở Phù Xá để thành lập chi bộ Cộng sản Trúc – Lam – Giang(4).

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, thực hiện chủ trương do Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An phát động, Huyện ủy Thanh Chương đã tiến hành hội nghị do đồng chí Tôn Gia Tinh chủ trì. Sau một thời gian bàn bạc và xem xét các khả năng, các đồng chí đã thống nhất phương án tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện, những nơi có điều kiện thuận lợi thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết và đưa yêu sách. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Thanh Chương, nông dân đã kề vai sát cánh với giai cấp công nhân và nhân dân cả nước đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của đế quốc và tay sai. Hình ảnh xung trận đầu tiên của đảng viên và quần chúng ở Hạnh Lâm, La Mạc ... cùng với nhân dân Vinh – Bến Thủy trong ngày 1/5 đã động viên cổ vũ nhân dân Thanh Chương nói riêng, toàn dân Nghệ Tĩnh nói chung bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đỉnh cao của Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 01/6/1930, đồng chí Tôn Gia Tinh và Huyện ủy lại tiếp tục họp bàn, vận động và tổ chức đoàn biểu tình gồm hơn 3.000 nông dân các vùng trong huyện, cùng phụ nữ, học sinh, mít tinh biểu tình ở chính nơi sào huyệt chính quyền phong kiến ở huyện lỵ, nêu yêu sách, buộc tri huyện Phan Thanh Kỷ phải đích thân ra gặp đại biểu quần chúng, cúi đầu nhận bản yêu sách của nhân dân và hứa yết báo lên quan trên giải quyết. Cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, đứng đầu là đồng chí Tôn Gia Tinh đã giành được thắng lợi, góp phần thôi thúc phong trào cách mạng ngày một phát triển mạnh mẽ tại Thanh Chương.

Để kịp thời báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với phong trào cách mạng Thanh Chương trong tình hình mới, Huyện ủy đã cử đồng chí Tôn Gia Tinh xuống Vinh.Tuy nhiên khi đến nơi, cơ sở của Tỉnh ủy bị lộ, Tôn Gia Tinh và một số đồng chí khác bị gài bẫy và sa vào tay địch. Thực dân Pháp và tay sai đã chuyển giam đồng chí ở nhiều nơi, dùng nhục hình, đòn roi nhưng không khai thác được manh mối gì. Sau hơn 1 năm giam cầm tra tấn, không khai thác được gì thêm, thực dân Pháp đã chuyển đồng chí qua Tòa án và kết án 9 tháng tù theo Bản án số 88 ngày 14/8/1931 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An(5). Trong tù, bất chấp nhục hình, tra tấn, đồng chí Tôn Gia Tinh vẫn hăng hái tham gia vào phong trào đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, vận động anh em, bạn tù giữ vững khí tiết chiến đấu.

Đầu năm 1933, sau khi ra tù, Tôn Gia Tinh cùng với các bạn tù là đồng chí Trần Hậu Toàn, Tôn Quang Phiệt đã bắt liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ vào Đà Nẵng, liên lạc với đồng chí Nguyễn Sơn Trà để củng cố cơ sở. Đồng chí Tôn Gia tinh đã tích cực tham gia tổ chức đón tiếp đại biểu Mặt trận bình dân Pháp Gô đa, vận động bầu cử cho đồng chí Đặng Thai Mai vào viện dân biểu Trung Kỳ, tham gia cướp chính quyền tại Đà Nẵng năm 1945. Sau đó, đồng chí tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hoạt động công tác xã hội tại quê hương Nghệ An.

Đồng chí Tôn Gia Tinh, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi, Bí thư đầu tiên của Huyện Đảng bộ Thanh Chương với những đóng góp to lớn cho cách mạng đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh, tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1) Tờ báo của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp xuất bản để tập hợp những Việt kiều yêu nước

(2) Phạm Tất Đắc sinh năm 1909, quê ở làng Dũng Kim, tổng Công Xá, huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam

(4): Trúc: bí danh của đ/c Nguyễn Hữu Nhượng ở Trung Cần; Lam: bí danh của đ/c Nguyễn Thị Quỳnh Nga ở Trung Cần; Giang: bí danh của đ/c Lê Xuân Đào, tức Lê Mạnh Thân ở Phù Xá

(3)(5) Hồ sơ tù của mật thám Pháp lưu P4A93, kho lưu trữ BTXV

Video