Đồng chí Tô Hiệu – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Tác giả: admin
Ngày 2022-03-21 07:06:39

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, quê hương của khởi nghĩa Bãi Sậy nổi danh trong cả nước. Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

1. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, Tô Hiệu đã trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Mùa thu năm 1923, Tô Hiệu được gia đình cho xuống Hải Dương học trường tỉnh. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương, khi mới 14 tuổi,  Tô Hiệu đã tham gia phong trào bãi khoá đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Vì hoạt động này nên mặc dù học rất giỏi, Tô Hiệu vẫn bị buộc thôi học. Phải rời trường nhưng dấu ấn tinh thần yêu nước đã in đậm trong tinh thần Tô Hiệu, đây cũng là bước dấn thân hướng vào con đường cách mạng của anh.

 Năm 1927 – 1929, Tô Hiệu chuyển lên Hà Nội học. Trong thời gian này, anh tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước. Qua thử thách, anh được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một tổ  chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội, làm nhiệm vụ tuyên truyền, kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, đi dự mít tinh, biểu tình, phát truyền đơn, treo cờ, dán áp phích vào những dịp kỷ niệm như: ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày Cách mạng Tháng mười Nga (7/11)...Do hoạt động tích cực, anh đã được tham gia vào tổ thanh niên xích vệ, có nhiệm vụ đi bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình và cán bộ diễn thuyết.

Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt. Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, đã theo người anh ruột Tô Chấn, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy vào Nam hoạt động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Tô Hiệu lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị chúng kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi Côn Đảo.

Tại nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu từng bước chú ý tìm hiểu các tù nhân và mở rộng các mối quan hệ. Hằng ngày, theo sự chỉ dẫn trực tiếp của Tô Chấn, Tô Hiệu càng trở nên gần gũi và học tập những người tù cộng sản, từng bước tham gia vào các hoạt động trong tù. Biết Tô Hiệu còn rất trẻ, nhiều triển vọng, có nhiều phẩm chất của một người cộng sản kiên cường, khi ra tù nhất định sẽ góp phần không nhỏ vào việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân của Đảng ta, các đồng chí lớn tuổi hơn, hoạt động lâu năm và có nhiều kinh nghiệm hơn như Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… đã dành nhiều thời gian, công sức bồi dưỡng đồng chí Tô Hiệu hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Luận cương chính trị của Đảng, kinh nghiệm vận động quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh vận, kinh nghiệm công tác bí mật… Theo sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Cũng tại đây, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng cộng sản Đông Dương khi 20 tuổi. Đây là bước chuyển quyết định và toàn diện của Tô Hiệu – từ một thanh niên yêu nước nhiệt tình trở thành một đảng viên cộng sản, sống chiến đấu trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Năm 1934, hết hạn tù Côn Đảo, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương Xuân Cầu, Văn Giang. Mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí không chịu khuất phục, vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng tại quê hương  vừa tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để bắt liên lạc với Đảng.  Năm 1936, đồng chí Tô hiệu cùng các đồng chí nguyễn văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh … xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận.  Đồng chí còn vận động, tuyên truyền lý tưởng cộng sản cho thanh niên yêu nước trong vùng. Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện văn Lâm ra đời có sự đóng góp rất lớn của đồng chí Tô Hiệu.

Giữa tháng 5/1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11/1937, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Trên cương vị mới, đồng chí đã tiến hành nhiều chuyến công tác tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, học sinh ở các địa phương này.

Tháng 2/1939, đồng chí Tô Hiệu được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy khu B và giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Với trọng trách này, đồng chí đã chú trọng công tác tuyên truyền, rải truyền đơn, dán áp phích để dân chúng biết Đảng Cộng sản Đông Dương cẫn tồn tại, đồng thời đặc biệt coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Đồng chí đã lập ra tờ Chiến đấu – cơ quan tuyên truyền của Liên khu B, đồng chí vừa là chủ bút vừa tích cực viết bài.  Bên cạnh đó, đồng chí Tô Hiệu còn rất quan tâm đến công tác công vận, lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Do vậy, chỉ trong khoảng từ tháng 3/1939 đến tháng 8/1939, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã có 30 cuộc đấu tranh, bằng tổng số cuộc đấu tranh trong hai năm 1937, 1938. Các cuộc đấu tranh do đồng chí Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo đều nổ ra một cách vang dội, điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ (5/1939) , cuộc biểu tình chống thuế buộc chính quyền thực dân, các chủ nhà máy phải nhượng bộ, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trong thư gửi Quốc tế Cộng sản. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở đây ngày càng phát triển lên cao, gây nhiều tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước. Đồng chí đã để lại những bài học tổng kết cả lý luận và thực tiễn về sử dụng và kết hợp các phương thức, hình thức đấu tranh cách mạng, như phát động toàn thể dân chúng đấu tranh nhưng lấy lực lượng công nhân làm nòng cốt; sử dụng linh hoạt khẩu hiệu đấu tranh trong từng thời điểm, phù hợp với từng điều kiện của nhà máy, bến cảng, từ thấp đến cao, gắn đòi quyền lợi kinh tế với chính trị; kết hợp đấu tranh trực diện với các biện pháp tuyên truyền qua báo chí, truyền đơn, tuyên truyền miệng...

Ngày 1/12/1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở in ở xóm thợ Thượng Lý( Hải phòng) kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt. Mặc dù bị bọn mật thám đánh đập dã man nhưng đồng chí vẫn không hề hé răng khai báo nửa lời, tuyệt đối giữ bí mật tài liệu Đảng và cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử, khi bị luận tội, dù than thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường giải phóng dân tộc là con đường hoàn toàn đúng đắn. Cuối tháng 12/1939, chúng xử mức án 5 năm tù và đày đi nhà tù Sơn La.Tại đây, đồng chí đã tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù.

Tháng 2/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm tổ trưởng tổ đảng. Đến tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật được triệu tập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Bí thư Chi bộ nhà tù. Đồng chí vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Mặc dù bị bệnh tật hoành hành nhưng đồng chí vẫn cố gắng tổ chức công tác giáo dục, viết nhiều tài liệu quan trọng cho chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh trong nhà tù. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đời sống vật  chất và tinh thần của  anh em tù được nâng cao hơn.

Đặt vào hoàn cảnh cụ thể, trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp của quá trình vận động phong trào cách mạng trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp mới thấy hết vai trò tiên phong, tài năng tổ chức và những cống hiến to lớn trong tổ chức xây dựng Đảng và xây dựng phong trào cách mạng ở nước ta của đồng chí Tô Hiệu. Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945.

Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh tại Nhà tù Sơn La và được an tang tại nghĩa trang Gốc Ổi trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí. Khi đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “ Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.

2. Tấm gương đạo đức và “ Tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “ thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của con dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu ở thời đại Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nối dài theo từng giai đoạn lịch sử dân tộc, mỗi khi Tổ quốc bị các thế lực ngoại bang dòm ngó.

Tấm gương và “ tinh thần Tô Hiệu” không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, “ đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng.

Trong chốn lao tù đế quốc, với vô vàn thiếu thốn , gian khổ về vật chất, sự hành hạ về tinh thần và vật vã với bệnh tật, đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai cách  mạng. Dù biết mình chắc chắn sẽ hy sinh vì bệnh lao phổi ở giai đoạn cuối, Đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền và lãnh đạo chi bộ nhà tù Sơn La. Đồng chí tâm sự “ mình biết chắc chắn rằng mình sẽ chết sớm hơn người khác, vì vậy phải tranh thủ thời gian chiến đấu, phục vụ cho đảng” và “ mình chỉ e chết sớm không làm hết những điều dự định.” Ý thức bảo vệ uy tín của Đảng cũng sớm thể hiện rõ khi bệnh tật hành hạ đau đớn, đồng chí vẫn kiên cường: “ chắc chắn mình không sống lâu được, mình có gan tự tử nhưng mình không muốn làm điều đó. Nó để lại nỗi buồn và sự day dứt cho anh em, bởi người không hiểu sẽ có những lời bàn tán không hay. Mặt khác, địch cũng có thể đặt nghi vấn phiền phức”. Trước khi đi xa, đồng chí đã dặn các đồng chí của mình : “ ánh sáng ngày mai đã ló ở cuối chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với thử thách lớn nhất”. Đúng như Đại tướng Văn Tiến Dũng - người bạn tù của Tô Hiệu đã kể lại trong cuốn “Tinh thần Tô Hiệu” : “Tuy thể xác bị bệnh lao phổi tàn phá, nhưng đồng chí vẫn vượt lên bệnh tật, tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh. Tinh thần hi sinh tận tụy vì Đảng, vì dân của anh có sức cuốn hút, thuyết phục cám hóa rất lớn. Đồng chí là người thầy, người anh được mọi người tin yêu cảm phục”.

Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu, nhưng một điều hiếm có và rất đặc biệt là còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng tên gọi biểu tượng của đồng chí Tô Hiệu: “ Tinh thần Tô Hiệu”. Đây là nguồn động lực cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, góp phần đưa tới thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), người cộng sản kiên cường bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại quãng đường hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyển, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ mai sau học tập và noi theo./.

                                                                  Nguyễn Thái Hoàng Anh

                                                             Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

 

Video