Đồng chí Phùng Chí Kiên – người chiến sỹ cộng sản kiên trung, vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam

Tác giả: admin
Ngày 2017-06-29 01:42:21

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vỹ, sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là con út trong gia đình có 4 người con, với đức tính thông minh, chăm chỉ, hiếu học, Nguyễn Vỹ đã được cha mẹ tạo mọi điều kiện cho đi học cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ với mong muốn sau này trở thành người có ích cho đất nước.

 

Sau khi đỗ sơ học yếu lược, vì gia cảnh quá khó khăn nên Nguyễn Vỹ phải nghỉ học. Năm 1925, Nguyễn Vỹ đi làm thuê tại ga Yên Lý trong cửa hàng của một thương nhân người Hoa Kiều và đây cũng là quãng thời gian anh được giác ngộ cách mạng. Nhờ vốn tiếng Trung, tiếng Pháp mà Nguyễn Vỹ đã tiếp cận được các tài liệu, sách báo tiến bộ từ nước ngoài bí mật chuyển về, mở rộng tầm nhìn, giao lưu kết bạn với nhiều người cùng chí hướng.

Tháng 6/1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Ngay sau đó, Người đã mở lớp đào tạo huấn luyện lý luận chính trị cho các hội viên, cho ra đời tờ báo “Thanh niên” – cơ quan ngôn luận của Hội; đồng thời cử một số cán bộ về nước để tuyên truyền cách mạng và lựa chọn những thanh niên yêu nước ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… đưa sang Quảng Châu huấn luyện.Tháng 10/1926, được một số thành viên Hội Việt Nam thanh niên cách mạng giới thiệu, Nguyễn Vỹ xuất dương sang Quảng Châu, Trung Quốc, bằng tấm thẻ căn cước mang tên người chú ruột Nguyễn Hảo. Tại đây, cuộc gặp gỡ với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bí danh do Người đặt cho là “Phùng Chí Kiên - sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung” đã đưa cuộc đời Nguyễn Vỹ sang một trang mới. Anh chính thức tham gia hoạt động cách mạng và trở thành học viên lớp huấn luyện chịnh trị tại ngôi nhà số 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. 

Sau khoá huấn luyện chính trị 3 tháng, nhận thấy Phùng Chí Kiên là người có năng khiếu quân sự bẩm sinh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu anh vào học trường Quân sự Hoàng Phố của chính phủ Tôn Trung Sơn với tên là Mạnh Văn Liễu. Trường Quân sự Hoàng Phố được thành lập năm 1924 theo sáng kiến của ông Tôn Dật Tiên. Hiệu trưởng của trường là Tưởng Giới Thạch. Trường quân sự Hoàng Phố đã đào tạo ra nhiều danh nhân quân sự cho cách mạng Trung Quốc.Nhiều nhà cách mạng, tướng lĩnh của Việt Nam cũng từng học tại Trường quân sự Hoàng Phố như: Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh…Năm 1927, Trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa do Tưởng Giới Thạch phản bội, Phùng Chí Kiên đã cùng với các học viên nhà trường tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo (12/12/1927), đồng thời được cử làm Liên đội trưởng Hồng quân công nông Trung Quốc.

Năm 1930, Phùng Chí Kiên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2/1931, đồng chí tiếp tục được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Can (Hừng Đông), cử sang học Trường đại học Phương Đông, Mát-xcơ-va, khóa học 1932-1934. Trường Đại học Phương Đông Matxcơva (1921-1938) là nơi đào tạo lý luận cộng sản cho những người yêu nước và cách mạng quốc tế. Nhiều chiến sỹ cộng sản Việt Nam cũng được đào tạo tại ngôi trường này đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong,  Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai … Sau khi tốt nghiệp, theo phân công của Quốc tế Cộng sản, Phùng Chí Kiên về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Với kiến thức, trình độ về quân sự, kỹ thuật vô tuyến điện, đồng chí được phân công phụ trách Tiểu ban Quân sự và Kỹ thuật. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (3/1935), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng(1). Tháng 8/1936, đồng chí được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/7/1936. Nhưng hơn một năm sau, do yêu cầu mới của cách mạng, đồng chí quay lại Hương Cảng chỉ đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động. 

Ngày 25/10/1938, khi đồng chí đang ở trong căn nhà số 71 phố Đại Nam, Hương Cảng thì bị Cảnh sát Anh vây bắt. Do không phát hiện được tài liệu, chứng cứ cụ thể, hai tháng sau, bọn chúng buộc phải trả lại tự do cho Phùng Chí Kiên và trục xuất khỏi Hương Cảng. Đồng chí sang Quảng Đông rồi qua Côn Minh (Vân Nam) hoạt động. Cùng thời gian này, Lãnh tụNguyễn Ái Quốc từ Mát-xcơ-va về Trung Quốc vàbắt liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ta tại Côn Minh. Đầu năm 1940, đồng chí đã tập hợp 40 thanh niên yêu nước để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện, đào tạo về cách tổ chức đoàn thể quần chúng, cách tuyên truyền và huấn luyện, phương pháp đấu tranh cách mạng. Sau này, họ đều là những cán bộ cốt cán, đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm ở các đoàn thể Việt Minh, lập khu căn cứ cách mạng. Dựa theo tài liệu huấn luyện của Người, Phùng Chí Kiên đã cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn thành bài giảng huấn luyện quân sự cho cán bộ trong nước. Những tài liệu này sau được in thành sách: “Con đường giải phóng”. 

Sáng ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên cùng với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ khác về Pắc Bó, Cao Bằng. Núi rừng Pắc Bó trở thành căn cứ địa hoạt động của cách mạng Việt Nam. Về đây, đồng chí vẫn hoạt động bên cạnh Người và đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ. Phùng Chí Kiên đã tham gia tích cực vào việc tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Tại Hội nghị TW 8 (tháng 5/1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai. Đây là khu căn cứ hình thành từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và hiện đang có Đội du kích Bắc Sơn hoạt động. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Ðội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Ðội Cứu quốc quân 1, là một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm chính trị viên, đồng chí Chu Văn Tấn - chỉ huy Phó.

Với cương vị chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, đồng chí Phùng Chí Kiên đã đem những kiến thức quân sự được học tập tại Trung Quốc và Liên Xô truyền đạt cho toàn đội, tự vệ, hội viên cứu quốc và tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng, góp phần làm cho phong trào cách mạng ở vùng căn cứ Bắc Sơn phát triển. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri, Đội Cứu quốc quân đã chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại như trận Giá Huần xã Vũ Lễ.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Bắc Sơn, thực dân Pháp tăng cường lực lượng mật thám và bọn tay sai phản động theo dõi hòng đàn áp khủng bố phong trào cách mạng. Khoảng cuối tháng 6/1941, chúng huy động trên 4.000 quân đủ các binh chủng cùng với mạng lưới tay sai, phản động ở các địa phương mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng Cứu Quốc quân non trẻ của ta mới thành lập do Phùng Chí Kiên chỉ huy. Thực hiện một chính sách vô cùng tàn bạo, đi đến đâu chúng đốt sạch mọi làng bản, giết sạch mọi gia súc, phá sạch mọi thứ cây ăn quả… Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và Cứu quốc quân bị uy hiếp, có tuần phải chuyển địa điểm tới năm, sáu lần. Tình thế rất nghiêm trọng. Ban chỉ huy Cứu quốc quân phái ngay một bộ phận về Vũ Nhai tìm đường đưa một số đồng chí ủy viên Trung ương Đảng về xuôi an toàn; còn toàn đội chuẩn bị chống địch khủng bố. Công việc triển khai đúng lúc vòng vây của địch ngày một xiết chặt. Lực lượng Cứu quốc quân bị dồn từ khu rừng này đến khu rừng khác. Đứng trước tình thế khẩn trương, đồng chí Phùng Chí Kiên đã sáng suốt chỉ huy rút toàn bộ lực lượng Cứu quốc quân ra khỏi Bắc Sơn. Tháng 8/1941, Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân rút về Lạng Sơn do hai đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy. Cánh quân rút về phía Cao Bằng do đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy. Do địch phục kích bất ngờ, đồng chí Phùng Chí Kiên bị thương nặng. Khi đối mặt với cái chết, người chỉ huy trưởng đã ra lệnh cho đồng đội: “Phải chạy ngay, thoát một người là có lợi cho cách mạng… Tôi ở lại bắn bọn chúng để các đồng chí chạy…”

Ngày 21/8/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn của anh em đồng chí. Nhằm tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam nói chung và quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, sáu năm sau ngày đồng chí hy sinh, Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm cấp Tướng cho Phùng Chí Kiên (theo Sắc lệnh số 89/SL, ngày 23/9/1947).Đây là lần phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 2008, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học “Phùng Chí Kiên, người Cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị - quân sự song toàn”.Cảm phục trước tinh thần sống anh dũng chết vẻ vang của đồng chí Phùng Chí Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức thư ca ngợi: “Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ cao cấp của Đảng được Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phân công phụ trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng cả về chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình….”. Đó như là minh chứng thuyết phục gửi đến thế hệ chúng ta, giúp ta hiểu thêm về một người con của quê hương xứ Nghệ - Phùng Chí Kiên, người đã sống, chiến đấu và hy sinh ở tuổi 40 khi tài năng đang độ chín muồi.

Lịch sử đã sang nhiều trang mới nhưng tên tuổi của đồng chí Phùng Chí Kiên và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng ta, quân đội ta trong những năm chông gai nhất của cách mạng Việt Nam vẫn được đồng đội, nhân dân ghi nhớ. Hiện nay, tại quê hương đồng chí, khu di tích lưu niệm Phùng Chí Kiên đã được xây dựng, trở thành một địa chỉ văn hóa để thế hệ trẻ hướng về, soi mình vào và noi gương học tập theo tấm gương cộng sản Phùng Chí Kiên.

Phạm Thị kim Lân – BT XVNT

 

Chú thích:
(1) Có tài liệu ghi: Phùng Chí Kiên là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng năm 1935.
 

Video