Đồng chí Phan Trúc - người chiến sỹ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-06-18 08:49:23

Đồng chí Phan Trúc sinh năm 1887 trong gia đình thuần nông giàu lòng yêu nước tại xóm Nhị, xã Xuân Lũng (nay là xã Hương Xuân), huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Sinh ra và lớn lên trên miền quê nắng gió, cuộc sống bần cùng của nhân dân và nỗi đau mất nước đã thôi thúc anh đi theo bước chân cách mạng.

Từ tháng 9/1926, đồng chí Phan Trúc đã tham gia tích cực các hoạt động đọc sách báo, văn thơ yêu nước, góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào yêu nước tại Hương Khê.

Tháng 1/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều, cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ lên Hương Khê gây dựng tổ chức. Tháng 4 năm 1930, tại Hương Xuân đã thành lập được chi bộ Đảng Cộng sản lấy tên là Chi bộ Xuân Lũng. Tổng số đảng viên Chi bộ Xuân Lũng khi mới thành lập gồm 22 đồng chí. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ Xuân Lũng vừa củng cố tổ chức, phát triển đảng viên vừa bắt tay vào lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc đấu tranh của nhân dân. Chi bộ chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị bằng cách thành lập Nông hội đỏ, xây dựng lực lượng bán vũ trang như Tự vệ đỏ. Đồng chí Phan Trúc với những hoạt động năng nổ từ trước đã trở thành một trong những ủy viên BCH Nông hội đỏ của xã Xuân Lũng. Sự chỉ đạo của đồng chí Phan Trúc và các đồng chí trong Ban chấp hành Nông hội Xuân Lũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giáo dục chính trị cho nhân dân, vận động quần chúng đứng lên đấu tranh... Bên cạnh đó, đồng chí Phan Trúc còn vận động nhân dân tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, ngày chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930; vận động nhân dân đấu tranh với địa chủ, cường hào đòi giảm tô, giảm tức, đòi cứu tế dân sinh, đòi chia lại ruộng đất, công điền, công thổ… do Chi bộ Xuân Lũng tổ chức.

Theo chủ trương của Đảng bộ Hương Khê, vào đúng ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930), Chi bộ Xuân Lũng vận động quần chúng tiến hành mít tinh, biểu tình tại bãi Nậy (Hương Long). Sau đó, đồng chí Phan Trúc đã hướng dẫn đoàn biểu tình kéo về các xã, đốt các điếm canh do địch dựng nên ở dọc đường, trừng trị một số tên cường hào gian ác. Trước lực lượng đông đảo hơn 4.000 người tham gia biểu tình toàn huyện, trưởng đồn Chu Lễ và quân lính không dám đàn áp, phải làm ngơ trước hành động của quần chúng. Cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930) đã trở thành đỉnh cao của phong trào cách mạng năm 1930 của nhân dân toàn huyện.

Ngày 25/1/1931, nhân ngày lễ Khai Hạ đền Làng, đồng chí Phan Trúc và các đảng viên trong chi bộ Xuân Lũng tiếp tục vận động đông đảo quần chúng đến dự, nhân đó tổ chức đấu tranh hợp pháp. Trước hết, quần chúng đòi phân phối lộc của làng một cách công bằng, dân thường cũng hưởng như hào lý, tạo cớ để tiến lên đòi chia lại ruộng đất công. Kết quả là bọn hào lý, chức sắc phải nhượng bộ trả lại 5 mẫu ruộng công chia cho nông dân sản xuất. Những thành quả trong việc đấu tranh công khai, hợp pháp đã tạo niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Phong trào đấu tranh cách mạng ngày một dâng cao ở Nghệ Tĩnh nói chung và Xuân Lũng nói riêng, thực dân Pháp đã tăng cường hệ thống mật thám tay sai lùng sục bắt bớ các đồng chí đảng viên, đồng thời tiến hành nhiều thủ đoạn khủng bố. Trước tình hình đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện uỷ Hương Khê, chi bộ Xuân Lũng lãnh đạo nhân dân của xã tham gia cùng quần chúng các xã lân cận như Phú Phong, Phúc Ấm, Phú Gia, Gia Phố, Thượng Bình,Trừng Thanh đã kéo vào bao vây địch ở Roộc Cồn. Cuộc biểu tình phát triển thành đấu tranh vũ trang, đồng chí Phan Trúc là một trong những chiến sỹ dũng cảm đứng mũi chịu sào của đoàn biểu tình. Sức mạnh của quần chúng làm địch hoảng sợ, chúng đã dùng súng bắn tới tấp vào đoàn biểu tình khiến 11 người bị chết và 6 người khác bị thương. Đồng chí Phan Trúc bị địch bắn trọng thương. Ngày 2/6/1931, đồng chí Phan Trúc đã hi sinh trong vòng tay gia đình, đồng chí của mình.

 Đồng chí Phan Trúc một trong những người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã mãi mãi ra đi nhưng sự hy sinh và cống hiến của đồng chí đã trở thành tấm gương sáng về lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay noi theo. Ghi nhận những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, ngày 22/9/1998, đồng chí Phan Trúc được Nhà nước truy tặng bằng “ Tổ quốc ghi công”./.

                                                                                      Nguyễn Thị Hương Sen

Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

  1. Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Khê 1930-2000
  2. Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh.
 

Video