Đồng chí Phạm Thể (1911-2004)

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-11-01 07:09:52

Đồng chí Phạm Thể sinh năm 1911, quê ở xã Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trưởng thành trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đồng chí Phạm Thể sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và đồng cảm với những mảnh đời nông dân “một cổ hai tròng” bị áp bức, bóc lột.

Lên năm tuổi, đồng chí Phạm Thể học bắt đầu được gia đình cho học lớp chữ Hán. Đến năm 1921, đồng chí tiếp tục theo học các lớp chữ Quốc ngữ và Pháp. Vốn thông minh, đồng chí đậu bậc Tiểu học và học hết chương trình năm thứ hai trường Tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh.

Thời kỳ này, ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đang dấy lên phong trào đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Là thanh niên có tư tưởng yêu nước tiến bộ, đồng chí Phạm Thể đã nhanh chóng tham gia các cuộc đấu tranh chính trị sôi động đó. Vì những hoạt động yêu nước của mình, năm 1927, đồng chí Phạm Thể bị thực dân Pháp bắt giam khoảng một tháng.

Tháng 11/1928, được sự giới thiệu của đồng chí Lê Bá Cảnh và Nguyễn Huy Lung, đồng chí Phạm Thể được kết nạp vào đảng Tân Việt. Để gây dựng cơ sở, tận dụng thời gian nghỉ hè, đồng chí Phạm Thể đã trở về quê, tiến hành liên hệ với một số thanh niên có tinh thần yêu nước tiến bộ tại địa phương. Tháng 6/1928, tiểu tổ Tân Việt Nhượng Bạn[1] được thành lập. Dưới hoạt động năng nổ của đồng chí Phạm Thể và các đồng chí trong tiểu tổ, công tác tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc cho Nhân dân thông qua văn thơ yêu nước, các lớp học chữ Quốc ngữ đã không ngừng được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc phát triển các tổ chức quần chúng yêu nước sau này.

Cuối năm 1929, đồng chí Phạm Thể gia nhập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở trường Tiểu học Pháp -Việt thị xã Hà Tĩnh do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư. Tháng 3/1930, sau khi đồng chí Lê Bá Cảnh bị mật thám Pháp bắt giữ, đồng chí Phạm Thể được cử làm Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trường Tiểu học Pháp -Việt, đồng thời là Bí thư Tổng Sinh hội tỉnh Hà Tĩnh.

Trong không khí đấu tranh chung của toàn tỉnh, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh,  Chi bộ xã Nhượng Bạn đã được thành lập vào ngày 30/6/1930. Với uy tín của mình, đồng chí Phạm Thể được bầu làm Bí thư chi bộ. Trên cương vị mới, đồng chí Phạm Thể đã lãnh đạo chi bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ nhân dân và xây dựng các tổ chức quần chúng để chuẩn bị mọi điều kiện cho công cuộc đấu tranh.

Thực hiện thông báo của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh về việc phát động cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc (1/8), đồng chí Phạm Thể đã chỉ đạo chi bộ khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị. Đồng chí cũng là người trực tiếp tiến hành công tác viết truyền đơn và in ấn tại nhà ông Phạm Thiện. Truyền đơn sau khi được in, đồng chí Phạm Thể đã phân công cho các đảng viên, quần chúng cảm tình Đảng đi rải. Đến tối 31/7/1930, truyền đơn kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh hưởng ứng ngày 1/8 đã tung bay khắp các ngả đường, khiến nhân dân vô cùng phấn khởi, càng củng cố niềm tin vào tổ chức Đảng.

 Tháng 9/1930, đồng chí Phạm Thể được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời huyện Cẩm Xuyên. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của tỉnh và toàn huyện, đồng chí Phạm Thể đã chỉ đạo chi bộ tiến hành tuyên truyền, vận động Nhân dân Nhượng Bạn. Tối ngày 8/9/1930, chi bộ đã tổ chức được cuộc biểu tình lớn tại chợ Hôm. Theo tiếng trống lệnh, Nhân dân từ các ngả kéo đến điểm tập trung. Sau khi nghe các đồng chí đảng viên hướng dẫn và diễn thuyết, quần chúng đã chỉnh đốn hàng ngũ, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc biểu tình thị uy. Sáng sớm ngày 9/9/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Thể, Trần Hữu Chương, Phạm Truyện,… hơn 500 quần chúng nhân dân xã Nhượng Bạn đã phối hợp với các xã phía Đông tổng Vân Tán đã kéo ra thị xã Hà Tĩnh để đấu tranh. Khi đoàn đến Quán Kho, làng Phương Duệ[2] thì bị giám binh đưa lính đến đàn áp. Trước khí thế hiên ngang, phất cờ tiến bước của đoàn người, kẻ địch sau khi bắn chỉ thiên cảnh cáo, đã cho nổ súng vào đoàn người. Để hạn chế thêm tổn thất, chi bộ đã hướng dẫn đoàn biểu tình tạm thời giải tán.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng tại Nhượng Bạn, thực dân Pháp và tay sai đã huy động nhiều toán lính có trang bị vũ khí về làng với mục địch khủng bố, truy lùng đồng chí Phạm Thể và các đồng chí đảng viên, quần chúng yêu nước khác. Ngày 24/9/1930, đồng chí Phạm Thể bị địch bắt. Ngục tù, đòn roi tra tấn không khuất phục được ý chí của người cộng sản Phạm Thể, Tòa án Nam triều tỉnh Hà Tĩnh đã kết án đồng chí 13 năm tù phát vãng và tịch thu tất cả tài sản của gia đình. Đầu tháng 1/1931, đồng chí Phạm Thể bị thực dân Pháp đày vào ngục Kon Tum.

 Ngục Kon Tum là nơi kẻ địch lập ra nhằm giam cầm, tách những người tù chính trị ra khỏi môi trường hoạt động của họ, tận dụng sức  lực của tù chính trị để làm tiếp đoạn đường 14 (từ Đăk Sút đến Đăk Pek) và đặc biệt là lợi dụng địa hình rừng thiêng nước độc để tiêu diệt dần các chiến sĩ cộng sản. Tuy nhiên những khó khăn đó không làm nản lòng những người tù cộng sản tại đây, trong đó có đồng chí Phạm Thể. Các đồng chí đã đoàn kết, dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi, cải thiện môi trường sống. Đồng chí Phạm Thể là người tham gia nhiều cuộc đấu tranh của tù chính trị tại ngục Kon Tum, tiêu biểu có cuộc đấu tranh phản đối việc bắt tù chính trị lên Đắk Pét lần 2. Sáng ngày 12/12/1931, quản ngục và tay sai đã chia tù nhân theo từng tốp để tiếp tục đưa lên công trường Đắk Pao, Đắk Pét. Do có sự chuẩn bị từ trước, đồng chí Phạm Thể và anh em tù chính trị đã chạy thẳng vào phòng giam, hô to khẩu hiệu đấu tranh. Trước sự kháng cự quyết liệt đó, Công sứ và Giám binh Pháp đã điều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Không hề run sợ, các đồng chí đồng lòng siết chặt hàng ngũ đứng trước cửa lao, tiếp tục hô to khẩu hiệu: "Phản đối đi Đắk Pét". Được lệnh của tên Công sứ, bọn lính đồng loạt xả súng vào các đồng chí khiến 7 người bị bắn chết tại chỗ. Đồng chí Phạm Thể và sáu đồng chí khác bị thương.

Sau cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12/12/1931, kẻ địch xác định đồng chí Phạm Thể là một trong những người tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh, chúng đã tăng án đối với đồng chí: từ 13 năm tù lên chung thân, đày tại Nhà đày Lao Bảo.

Ngày 8/3/1932, đồng chí Phạm Thể bị chuyển đến Nhà đày Lao Bảo.

Tháng 12/1936, đồng chí Phạm Thể tiếp tục bị đưa đến Nhà tù Buôn Ma Thuột.

Tháng 9/1939, đồng chí Phạm Thể được trả tự do.

Như vậy, trong vòng 9 năm (1930-1939), đồng chí Phạm Thể  đã trải qua 4 nhà lao: Hà Tĩnh, Kontum, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Dù ở bất cứ môi trường nào, đồng chí Phạm Thể vẫn luôn nêu cao phẩm chất, tinh thần kiên trung, bất khuất của người con quê hương Xô viết anh hùng, sẵn sàng đứng lên sát cánh bên anh em tù chính trị để biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng.

 Tháng 4/1945, thực hiện chủ trương của Hội nghị Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, hội nghị bí mật thành lập Việt Minh phân khu Nam Hà[3] đã được triệu tập tại nhà đồng chí Phạm Thể. Với uy tín của mình, đồng chí Phạm Thể được bầu vào Ban Thường vụ Việt Minh Nam Hà, giao phụ trách huyện Cẩm Xuyên.

Tiếp đó, trước chuyển biến và yêu cầu mới của lịch sử, ngày 13/8/1945, Việt Minh Nam Hà đã tổ chức cuộc họp bàn tại Nhượng Bạn và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Nam Hà để xúc tiến lãnh đạo nhân dân các địa phương chuẩn bị cho công cuộc giành chính quyền. Đồng chí Phạm Thể tiếp tục được tín nhiệm bầu là một trong những ủy viên của Ủy ban. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa Nam Hà, Nhân dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thị xã Hà Tĩnh đã hăng hái đứng lên, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn toàn tỉnh.

Với vai trò quan trọng trong phong trào cách mang, tháng 4/1946, đồng chí Phạm Thể được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 5/1947, đồng chí Phạm Thể được Khu uỷ Liên khu IV điều động về làm công tác Tổ chức cán bộ và Chánh văn phòng Khu ủy lâm thời[4].

Tháng 7/1949, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu IV, đồng chí Phạm Thể được bầu giữ chức Phó Bí thư, phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Khu ủy.

 Cuối năm 1953, đồng chí Phạm Thể được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc II và sau đó làm Phó Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc I.

Tháng 8/1960 đến tháng 11/1964, đồng chí Phạm Thể chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao, làm Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước Cộng hòa Inđônêxia.

Tháng 12/1964, đồng chí Phạm Thể chuyển về công tác ở Ban đối ngoại Trung ương Đảng  cho đến lúc về nghỉ hưu vào tháng 1/1976.

Sớm tham gia cách mạng, đồng chí Phạm Thể là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, nghị lực đấu tranh, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Với những đóng góp của mình, đồng chí Phạm Thể đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương độc lập hạng Nhất,…

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT


[1] Gồm 6 đồng chí: Phạm Thể, Phạm Truyện, Tôn Sỹ Khuê, Phạm Thiện, Hoàng Ngọc Oánh và Nguyễn Tâm Huống.

[2] Nay thuộc xã Cẩn Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

[3] gồm: huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thị xã Hà Tĩnh

[4] Lúc bấy giờ Khu ủy lâm thời Liên khu IVmới thành lập có ba đồng chí: Hoàng Quốc Việt (Bí thư), Hồ Tùng Mậu (Chủ tịch Ủy ban khu), Hoàng Văn Hoan (Ủy viên thường trực).

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên.

- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Nhượng.

- Hồi ký và tài liệu do thân nhân đồng chí Phạm Thể cung cấp.

Video