245
630
2645
19933
34073
6828378
Đồng chí Phạm Nghiêm (bí danh Hồ Nghiêm, Mỹ, Kiêm, Cháu Thiêu, Nguyên), sinh năm 1911, tại làng Đông Sơn, tổng Nam Kim (nay thuộc xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An[1]. Dù sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng từ thủa thiếu thời, Phạm Nghiêm vẫn được cha là ông Phạm Nghệnh và mẹ là bà Nguyễn Thị Năm tạo điều kiện cho theo học trường làng, trường huyện như bao bạn bè cùng trang lứa. Vốn có tư chất thông minh, lại chăm chỉ nên Phạm Nghiêm học rất giỏi. Sinh ra trong một gia đình yêu nước, được hun đúc bởi những truyền thống tốt đẹp của quê hương, Phạm Nghiêm dần trưởng thành và sớm được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 25/4/1930, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Thanh (Phái viên của Xứ ủy) đã bí mật về làng Kim Liên triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nam Đàn, đồng chí Vương Thúc Cơ được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Cũng trong thời gian này, tại làng Trung Cần, đồng chí Ngô Văn Sở, đại diện Xứ ủy Trung kỳ triệu tập, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Hưng Nguyên. Khi mới thành lập, hai Đảng bộ Hưng Nguyên và Nam Đàn chưa phân tách rõ ràng theo đơn vị hành chính của 2 huyện. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Đàn và Phủ ủy Hưng Nguyên, phong trào đấu tranh của Nhân dân đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trong đó có người thanh niên trẻ tuổi đang tràn đầy khát khao cứu nước như Phạm Nghiêm. Được các cán bộ đảng và thế hệ đàn anh đi trước dìu dắt, giác ngộ, Phạm Nghiêm đã sớm tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 8/1930, tại Nam Đàn đã diễn ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của hàng nghìn nông dân kéo về huyện đường phá nhà lao, đốt giấy tờ, sổ sách, bắt Tri huyện Lê Khắc Tưởng cam kết không được nhũng nhiễu Nhân dân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, khép lại thời kỳ đấu tranh chính trị của Nhân dân Nghệ Tĩnh, mở ra thời kỳ đấu tranh vũ trang mạnh mẽ của quần chúng. Hòa vào không khí đấu tranh đó, đồng chí Phạm Nghiêm đã thấy được tinh thần yêu nước của quần chúng Nhân dân, thấy được bản chất bóc lột, phản động của bè lũ tay sai bán nước, từ đó cùng với các đồng chí đảng viên ở tổng Nam Kim, anh đến từng làng ra sức tuyên truyền, vạch rõ tội ác của giặc và vận động quần chúng đứng lên đấu tranh. Nhờ những hoạt động tích cực đó, nhiều thanh niên yêu nước ở làng Đông Sơn đã có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sôi nổi tham gia các hoạt động cách mạng, tiên phong trong các cuộc đấu tranh, góp phần đưa phong trào cách mạng tiến thêm một bước mới.
Ngày 12/9/1930, đồng chí Phạm Nghiêm cùng Nhân dân tổng Nam Kim đã phối hợp với nông dân hai tổng Phù Long, Thông Lạng (Hưng Nguyên) tiến hành cuộc biểu tình lớn. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí cán bộ đảng, Phạm Nghiêm cùng đoàn biểu tình tổng Nam Kim đã kéo sang ga Yên Xuân tập trung nghe đồng chí Nguyễn Thị Phia diễn thuyết, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, rồi kéo ra phủ lị Hưng Nguyên đưa yêu sách đòi tri phủ giải quyết các quyền lợi thiết thực của Nhân dân. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, chính quyền thực dân vô cùng lo sợ, chúng đã điều máy bay từ Hà Nội vào ném bom trong cả ngày 12/9/1930 làm cho 217 người chết, 125 người bị thương. Cuộc biểu tình kết thúc trong biển máu của quần chúng nhưng tinh thần đấu tranh oanh liệt đó mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế lúc bấy giờ. Cùng kề vai sát cánh với quần chúng trong cuộc đấu tranh, cùng chung những phút giây sinh tử, đồng chí Phạm Nghiêm càng quyết tâm đi theo Đảng, theo cách mạng để mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Sau cuộc đấu tranh vang dội này, Đại hội Đảng bộ Nghệ An lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã được tổ chức bầu ra BCH Đảng bộ tỉnh do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Trong thời gian này, Tỉnh ủy Nghệ An đã nhanh chóng tổ chức Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Nam Đàn chính thức và bầu BCH Đảng bộ do đồng chí Đặng Chánh Kỷ làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Đàn, chỉ trong một thời gian ngắn, đại bộ phận Nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia vào tổ chức Nông hội đỏ hay các tổ chức đoàn thể, quần chúng yêu nước tạo thành lực lượng cách mạng hùng hậu để sớm hòa chung vào dòng thác cách mạng đang cuồn cuộn dâng trào ở Nghệ Tĩnh.
Dần trưởng thành từ các cuộc đấu tranh, Phạm Nghiêm càng hăng hái đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đóng góp cho cách mạng. Anh hăng hái đi rải truyền đơn, phổ biến tài liệu của Đảng trong tầng lớp học sinh, sinh viên. Những hoạt động tích cực, sôi nổi đó đã sớm đưa anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng giữa lúc cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang bừng bừng khí thế.
Từ cuối tháng 12/1930 đến tháng 3/1931, Công sứ Nghệ An đã ra lệnh tăng cường quân đội đóng giữ các địa điểm xung yếu trên địa bàn Thanh Chương, Nam Đàn và nhiều huyện khác trong tỉnh. Tại Nam Đàn, ngoài đồn lính lê dương và 2 đồn lính khố xanh đóng ở khu vực thị trấn, Công sứ Nghệ An còn huy động lính khố xanh lên đóng chốt thêm ở 5 vị trí trọng yếu trong huyện. Bọn lính tổ chức tuần hành, lùng sục khắp ngõ ngách, sẵn sàng bắn giết hoặc bắt bớ bất cứ ai chúng cho là cộng sản. Tuy nhiên, những chính sách khủng bố của chính quyền thực dân, phong kiến không làm nao núng tinh thần đấu tranh của quần chúng Nhân dân và người đảng viên trẻ Phạm Nghiêm.
Tháng 4/1931, đồng chí Phạm Nghiêm được cử thay đồng chí Trần Đình San làm Bí thư Tổng ủy Nam Kim. Trên cương vị mới, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đồng chí Phạm Nghiêm đã bắt tay ngay vào công tác củng cố, gây dựng lại các cơ sở cách mạng đã bị phá vỡ, tích cực động viên Nhân dân giữ vững khí thế cách mạng. Trước sự truy lùng ráo riết của bọn mật thám tay sai, tháng 6/1931, đồng chí Phạm Nghiêm sa vào tay giặc, bị đem về Nhà lao Vinh giam cầm. Sau một thời gian tra tấn, dùng đủ mọi thủ đoạn để mua chuộc nhưng vẫn không khai thác được gì, thực dân Pháp buộc phải thả đồng chí nhưng quản thúc ngay tại làng Đông Sơn từ tháng 1/1933 đến tháng 6/1935.
Đến giữa năm 1936, khi một số đảng viên được tha khỏi tù, đồng chí Phạm Nghiêm đã bắt liên lạc với các đồng chí Lê Văn Thông ở Vân Diên, Nguyễn Hữu Thái ở Thanh Thủy, Nguyễn Gia Hào ở Tràng Cát… gây dựng lại cơ sở cách mạng của Đảng, từng bước phục hồi lại phong trào cách mạng ở Nam Đàn.
Ngày 20/6/1936, đồng chí Phạm Nghiêm cùng một số đồng chí đã dự cuộc họp chuẩn bị tổ chức phong trào Đông Dương Đại hội, tại Hội trường Quảng Tri (Vinh – Bến Thủy). Sau khi dự hội nghị, đại diện Tỉnh ủy Nghệ An đã có cuộc họp bí mật với các đồng chí đảng viên ở Nam Đàn trong đó có đồng chí Phạm Nghiêm, bàn bạc kế hoạch, gấp rút khôi phục lại cơ sở đảng, xây dựng lực lượng trên địa bàn huyện để sớm phát động quần chúng Nhân dân tham gia cuộc vận động dân chủ (1936-1939).
Sau khi dự hội nghị trở về, đồng chí Nguyễn Gia bí mật triệu tập cuộc họp tại nhà ông Nguyễn Nghiệm ở làng Đan Nhiệm, cùng các đồng chí đảng viên thống nhất gấp rút xây dựng lại các chi bộ đảng trên cơ sở kết nối liên lạc với những cán bộ, đảng viên trung kiên vừa được địch trả tự do hay vượt ngục thành công, từng bước tập hợp quần chúng đấu tranh, hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội… Hội nghị đã bầu BCH lâm thời gồm 3 đồng chí: Nguyễn Gia (Bí thư Huyện ủy lâm thời), Phạm Nghiêm, Nguyễn Hà Sâm[2].
Ngày 5/10/1936, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị bí mật quyết định thành lập Ủy ban hành động để chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội trên địa bàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An, hàng chục vạn lượt người thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp trong tỉnh đã hăng hái tham gia. Ở Nam Đàn, các chi bộ đảng lần lượt được thành lập, trong đó có Chi bộ Đông Sơn do đồng chí Phạm Nghiêm làm Bí thư[3].
Cuối tháng 3/1937, tại Nam Đàn, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Đàn đã được tổ chức tại nhà ông Trần Nguôn, làng Nhạn Tháp (nay thuộc xã Hồng Long). Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt là kiện toàn tổ chức đảng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng… và bầu BCH Đảng bộ huyện (khóa I) gồm 5 đồng chí: Nguyễn Gia (Bí thư), Phạm Nghiêm, Nguyễn Hiệu, Hà Huy Hiếu, Lê Văn Thông.
Trên cương vị mới đồng chí Phạm Nghiêm đã ngày đêm tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với Nhân dân. Tuy nhiên, do đã từng bị bắt, bị quản thúc nên đồng chí vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của bọn mật thám, tay sai. Tháng 4/1938, đồng chí đã bị tố là “nhân viên tuyên truyền của Đảng Cộng sản, lưu giữ tài liệu, sách báo cấm”. Ngày 3/5/11938, đồng chí tiếp tục bị bắt lần thứ hai và đưa về Nhà lao Vinh giam giữ. Không có chứng cứ rõ ràng, bị dư luận phản đối mạnh mẽ, có cả sự đấu tranh của anh em tù chính trị Nhà lao Vinh, sau 12 ngày giam cầm chúng phải nhượng bộ, trả tự do cho đồng chí vào ngày 15/5/1938.[4]
Năm 1939, phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ tại Nam Đàn, với cương vị là Huyện ủy viên, đồng chí Phạm Nghiêm tiếp tục cùng Huyện ủy Nam Đàn lãnh đạo quần chúng Nhân dân đấu tranh sôi nổi chống bắt bớ, khủng bố của địch. Tuy nhiên, khi phong trào đang phát triển mạnh thì tháng 10/1939, một lần nữa đồng chí lại sa vào tay địch. Đến ngày 12/3/1940, đồng chí được thả tự do[5].
Sau khi trở về quê nhà, đồng chí Phạm Nghiêm tiếp tục bắt mối liên lạc với các đồng chí cán bộ Đảng để tiếp tục hoạt động. Đến năm 1945, Phạm Nghiêm cùng các đồng chí như: Nguyễn Hà Sâm, Trần Ngọc Thiện, Trần Đình San, Nguyễn Gia, Nguyễn Duy Tình… thành lập Mặt trận Việt Minh chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn huyện. Đồng chí được bổ sung vào BCH Huyện ủy, phụ trách công tác tuyên truyền. Bằng những kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm hoạt động, đồng chí Phạm Nghiêm không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm vận động quần chúng, nhờ đó các cơ sở đảng được củng cố vững chắc, Nhân dân một lòng theo Đảng.
Sáng ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Phạm Nghiêm, Nhân dân Nam Đàn đã giương cao cờ đỏ sao vàng từ khắp nơi kéo về thị trấn Nam Đàn giành chính quyền thành công. Trong khí thế sục sôi của quần chúng, Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Nam Đàn được thành lập gồm các đồng chí: Vương Tử Huề (Chủ tịch), Nguyễn Xuân Hoa (Phó Chủ tịch), Phạm Nghiêm (Ủy viên Tuyên truyền); Nguyễn Tư Nghiêm (Ủy viên Giáo dục), Nguyễn Gia Tường (Ủy viên tư pháp)…
Từ tháng 3/1946 đến tháng 9/1949, đồng chí Phạm Nghiêm được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Nam Đàn. Tháng 10/1949, đồng chí được điều động làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An. Tháng 7/1951, đồng chí được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng Ngân hàng Nghệ An; rồi Phó Giám đốc Ngân hàng Liên khu 4 (từ tháng 8/1952 đến tháng 8/1954); Hiệu trưởng Trường Cán bộ Ngân hàng Trung ương (tháng 11/1955 đến tháng 11/1956); Cục phó Cục Tiết kiệm thuộc Ngân hàng Trung ương (cuối năm 1956 đến tháng 9/1958); Cục trưởng Cục Tín dụng Thương nghiệp (năm 1962); Hiệu trưởng trường Cao cấp Ngân hàng; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (từ tháng 9/1967 đến tháng 3/1969). Sau một thời gian, đồng chí được nghỉ hưu. Tháng 8/2000, đồng chí qua đời tại Hà Nội do tuổi cao sức yếu, bệnh nặng.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Phạm Nghiêm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Với 89 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, dù trải qua nhiều lần bị bắt giam, tra tấn trong lao tù đế quốc nhưng đồng chí Phạm Nghiêm vẫn luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản, một lòng theo Đảng. Càng tù tội, đồng chí càng tôi luyện được phẩm chất, bản lĩnh chính trị của mình và trở thành tấm gương sáng ngời về người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người đảng viên tiên phong, gương mẫu trên quê hương Xô viết anh hùng.
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT