Đồng chí Nguyễn Xuân Soạn – người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2020-04-07 01:44:01

Phương Cần xưa, nay là xã Cẩm Thành nằm phía Bắc huyện Cẩm Xuyên, tiếp giáp các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Bình. Người dân nơi đây vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc. Trải qua các thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân Phương Cần đã cùng nhân dân cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm như: tham gia khởi nghĩa Nguyễn Biện chống giặc Minh, gia nhập nghĩa quân Tây Sơn của đô đốc Dương Văn Tào, đóng góp người và lương thực cho đội quân của vua Quang Trung, tham gia Phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, hay phong trào chống thuế năm 1908 của ông Võ Phương Trứ… Nhiều gia đình ở Phương Cần đã ủng hộ lương thực, tiền bạc cho phong trào Duy Tân, Đông Du… Đặc biệt, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931, tiêu biểu cho những người con kiên trung, bất khuất của quê hương Phương Cần có đồng chí Nguyễn Xuân Soạn – người đảng viên đầu tiên của xã nhà.

Nguyễn Xuân Soạn sinh năm 1898 trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước và cách mạng tại thôn Kênh, xã Phương Cần. Đồng chí là học trò thi hương(1) của thầy giáo Võ Phương Trứ, một người học giỏi, đậu giải nguyên, tham gia phong trào Văn Thân và là thủ lĩnh phong trào kêu sưu năm 1908. Tư tưởng yêu nước của thầy đã ảnh hưởng đến trò, Nguyễn Xuân Soạn đã nuôi ý chí làm cách mạng từ rất sớm. Khi được tuyên truyền giác ngộ đồng chí đã tìm đọc văn thơ yêu nước và sách báo tiến bộ, từ đó tham gia rải truyền đơn cho Hội Phục Việt kêu gọi nhân dân đấu tranh phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan Bội Châu, mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh…

Sau khi Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời, cuối tháng 3 năm 1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hữu Thiều, Đảng bộ Cẩm Xuyên được thành lập tại miếu Cồn Thờ (Cẩm Hưng), Ban chấp hành gồm 3 đồng chí: Nguyễn Thị Giáo, Nguyễn Đình Liễn, Lê Bội. Tỉnh ủy cử đồng chí Trần Hưng (bí danh Hoàng), làm nghề dạy học về Phương Cần tuyên truyền xây dựng Đảng. Đổng chí Trần Hưng đã cùng cán bộ Tổng ủy Mỹ Duệ là Dương Đường, Lê Long tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho đồng chí Nguyễn Xuân Soạn và kết nạp vào Đảng - người đảng viên cộng sản đầu tiên của xã nhà, được giao nhiệm vụ tuyên truyền giác ngộ phát triển Đảng, trở thành người cán bộ cốt cán tại địa phương.

Tháng 4-1930, chi bộ ghép Phương Cần – Na Trung ra đời, có 5 đảng viên, đồng chí Nguyễn Xuân Soạn được bầu làm Bí thư. Cuối tháng 4 năm 1930, Nông hội đỏ Phương Cần được thành lập, do đồng chí Phạm Ninh làm Hội trưởng. Nhà của đồng chí Nguyễn Xuân Soạn là một trong những địa điểm mà chi bộ Đảng chọn làm nơi hội họp, in ấn truyền đơn, ăn nghỉ của các đồng chí cán bộ tỉnh, huyện như đồng chí Nguyễn Thị Giáo, Lê Bồi, Nguyễn Đình Liễn… khi về gây dựng phong trào. Ban ngày các đồng chí tổ chức họp bàn kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh, mít tinh, biểu tình…trưa và tối về ăn nghỉ tại nhà đồng chí. Vợ đồng chí Soạn là người canh gác, bảo vệ và phục vụ nuôi dấu các đồng chí cán bộ Đảng. Nhờ sự tận tình, chu đáo đó mà từ đây những chủ trương, chỉ thị của Đảng được truyền đến và triển khai kịp thời cho nhân dân Phương Cần.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Phương Cần có bước chuyển biến lớn, các cuộc đấu tranh biểu tình diễn ra sôi nổi. Đêm ngày 1-5-1930, cờ Đảng được treo trên cây cao, nóc đình, truyền đơn được rải ở chợ Chùa, ngõ Thông Song, đình làng Đông, làng Bàu, quán Gia Dù… kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh, vạch trần tội ác của thực dân phong kiến. Quần chúng tập trung ở chợ Chùa và đình làng Đông nghe nói chuyện về ý nghĩa ngày 1-5 và chủ trương cách mạng của Đảng. Những khẩu hiệu đấu tranh như: “Phản đối đế quốc chiến tranh”, “Bênh vực Xô – Nga”… đã khích lệ tinh thần, niềm tin của quần chúng nhân dân với cách mạng, từ đó cỗ vũ nhân dân tham gia các cuộc đấu tranh, biểu tình.

Ngày 17/7/1930, đồng chí Nguyễn Xuân Soạn được chi bộ Phương Cần – Na Trung  cử đi dự Đại hội tại Cồn Mô để bầu Ban chấp hành  chính thức và bàn nhiệm vụ, phương hướng hoạt động mới tại địa phương. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Huyện ủy gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Liễn làm Bí thư. Để hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức mít tinh quần chúng biểu dương lực lượng cách mạng của Huyện ủy Hà Tĩnh, Chi bộ Phương Cần đã phân công cho các đồng chí Nguyễn Xuân Soạn, Nguyễn Doãn Nhận, Lê Long đi rải truyền đơn tại chợ Chùa, Quán Gia Dù, làng Đông, làng Bàu, Quán Kho, đền Thánh Phủ… để tuyên truyền, hô hào mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống cường hào, địa chủ phong kiến. Có nhiều đêm khuya người ta vẫn nhìn thấy nhiều bóng người đi đến nhà đồng chí Soạn đó là các cán bộ Đảng ta về hội ý. Lời kêu gọi của các đồng chí đã giác ngộ, thức tỉnh và được toàn dân hưởng ứng.

Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình sáng ngày 8-9-1930, từ chiều 7-9-1930, gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Soạn, Nguyễn Doãn Nhận…đã nấu cơm nắm muối vừng, nước chè xanh, tiếp tế cho các đoàn ở xa về Gia Dù tập trung.

Sáng ngày 8-9-1930, hàng vạn nhân dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… như một dòng thác cuồn cuộn kéo ra thị xã Hà Tĩnh biểu tình dưới sự tổng chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Liễn, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Phản đối đế quốc chiến tranh”, “Bãi bỏ thuế thân, thuế chợ”, “Phản đối sự tàn sát giã man ở Thanh Chương, Nam Đàn”… Bọn giám binh liền đem lính đàn áp nhưng quần chúng vẫn không lùi bước, sau khi đấu tranh và đưa yêu sách, đoàn biểu tình giải tán thì bọn địch bất ngờ chặn đường bắt giữ hơn 70 người trong đó có 4 đồng chí cán bộ Huyện ủy.

Sáng ngày 9-9-1930, hơn 500 người xã Cẩm Nhượng kéo ra thị xã Hà Tĩnh, đến Quán Kho (xã Phương Cần) bị địch đàn áp, làm 7 người chết và nhiều người bị thương. Đồng chí Nguyễn Thừa Duyệt và Lê Bội đã vận động nhân dân Phương Cần mít tinh tại Quán Kho để nêu cao tinh thần căm thù giặc.

Tháng 10-1930, đồng chí Nguyễn Xuân Soạn được chi bộ cử đi dự Hội nghị mở rộng của Huyện ủy để kiện toàn Ban chấp hành và bàn về kế hoạch nhiệm vụ hoạt động  tiếp tục mở rộng phong trào cách mạng của quần chúng, tìm cách lôi cuốn một số hào lý… Tình hình hoạt động của các chi bộ trong huyện đang trên đà phát triển mạnh thì bị bọn bang tá, lý trưởng ra sức rình mò, lùng bắt cộng sản, nhiều đồng chí trong Tổng ủy và Bí thư các chi bộ đều bị bắt, tài sản bị tịch thu, nhà cửa bị đập phá…Trong muôn vàn khó khăn, nhiều gia đình Phương Cần vẫn hết lòng với cách mạng, đùm bọc, che chở, nuôi dấu cán bộ, đảng viên trong nhà. Tiêu biểu là gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Soạn đã nuôi dấu, phục vụ các đồng chí Trần Hưng, Nguyễn Đình Liễn, Lê Bồi, Lê Long - cán bộ Đảng trong thời gian bị địch khủng bố trắng.

Trung tuần tháng 9-1931, trước tình hình các cuộc đấu tranh cách mạng tại địa phương đang dâng cao. Bọn địch khủng bố vô cùng ác liệt, chúng mở thêm nhiều đồn bốt, điếm canh ở các thôn và ra lệnh thu hết trống mõ, lùng sục, vây bắt cộng sản… Đồng chí Nguyễn Xuân Soạn, ủy viên Tổng Mỹ Duệ – Bí thư chi bộ Phương Cần đã bị tên Chánh Ứng báo với bọn mật thám, dẫn giám binh và lính khố xanh về tại nhà bắn chết và đốt nhà không hề xét hỏi, một số đồng chí khác bị bắt giam như Nguyễn Bàn (con trai đồng chí Nguyễn Xuân Soạn), Mục Hạp, Mục Thuyết, Nguyễn Dy…

 Ngày hôm sau, đồng chí Dương Đường - Tổng ủy về Phương Cần cử đồng chí Nguyễn Trọng Mại phụ trách chi bộ bàn về kế hoạch củng cố tinh thần cho quần chúng, tiếp tục phát triển phong trào cách mạng. Đồng thời vận động nhân dân làm lại nhà cửa và giúp giống mạ để sản xuất vụ chiêm xuân (1931-1932) cho gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Soạn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Soạn – người đảng viên đầu tiên của xã Phương Cần đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ vì nền độc lập, tự do của dân tộc, niềm hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ và nhân dân xã Cẩm Thành nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung học tập và noi theo./.

Phan Thị Thảo – Bảo tàng XVNT

 

Ghi chú:

(1) Thi Hương là tổ chức thi của phong kiến Nam Triều có 3 cấp thi: Hương, Hội, Đình để tuyển tú tài, cử nhân, tiến sỹ

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh  (1930-1945).

- Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên năm 1930 - 1945

- Lời kể, tư liệu do gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Soạn cung cấp.

Video