Đồng chí Nguyễn Xuân Năm, người chiến sỹ cộng sản kiên cường của quê hương Thạch Bằng

Tác giả: admin
Ngày 2018-02-26 09:10:48

Đồng chí Nguyễn Xuân Năm sinh năm 1899 tại làng Xuân Khánh, tổng Canh Hoạch, phủ Thạch Hà, Hà Tĩnh (nay là thôn Khánh Yên, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Tháng 7/1925, Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh, đã cử hội viên về Thạch Hà gây dựng tổ chức. Các hội viên trong Đại tổ Tân Việt của huyện đã tổ chức nhiều hoạt động như: bí mật truyền tay nhau tài liệu, tổ chức đọc sách báo, giảng bài ở đình làng… Những tư tưởng cách mạng tiến bộ đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Thạch Hà, trong đó có đồng chí Nguyễn Xuân Năm.

Sau khi Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh ra đời (cuối tháng 3/1930), tháng 7/1930, Chi bộ làng Xuân Khánh cũng được thành lập do đồng chí Phan Đình Khản làm Bí thư. Cùng với sự ra đời của Chi bộ Đảng, tổ chức quần chúng như Nông hội cũng được thành lập ở làng Xuân Khánh. Đồng chí Nguyễn Xuân Năm khi đó là thành viên tích cực của Nông hội. Nhà của đồng chí Nguyễn Xuân Năm nằm ở vị trí hẻo lánh, có vườn cây um tùm bao quanh đã trở thành một trong những địa điểm được các đồng chí trong chi bộ Xuân Khánh chọn làm cơ sở in ấn. Với cách in thạch đơn giản nhưng hiệu quả, trong một đêm các đồng chí có thể in được hàng trăm tờ truyền đơn kêu gọi, phục vụ kịp thời cho cuộc đấu tranh. Nhằm tránh sự theo dõi, lùng sục của mật thám Pháp và tay sai, các tài liệu trước khi vận chuyển được đồng chí Nguyễn Xuân Năm cất giấu trong các vật dụng như: tráp gỗ, nậm rượu. Nhờ vậy, các tài liệu, truyền đơn bí mật của Đảng được giữ an toàn để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

Sáng ngày 1/8/1930, thực hiện lời kêu gọi “ Theo gương hy sinh của dân cày Nghệ An” của Xứ ủy Trung Kỳ và Thông cáo ngày 9/7/1930 của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh , Chi bộ Đảng làng Yên Bình, Xuân Khánh đã vận động hàng trăm nông dân cùng với đông đảo quần chúng nhân dân các làng thuộc tổng Canh Hoạch, Vĩnh Luật (Thạch Hà) rầm rộ kéo về huyện lỵ Can Lộc phối hợp với nông dân các tổng Phù Lưu, Lai Thạch (Can Lộc) biểu tình thị uy. Đồng chí Nguyễn Xuân Năm cùng các đồng chí của mình đã mang theo vũ khí đi đấu tranh và bảo vệ đoàn biểu tình. Đoàn vừa đi vừa hô vang:“Phản đối chiến tranh đế quốc!”; “Phản đối lệnh rào làng, bỏ lệ tuần canh!”; “Giảm sưu, giảm thuế”… Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, tri huyện Trần Mạnh Đàn hoảng sợ buộc phải cúi đầu nhận yêu sách của nhân dân.

Tháng 9/1930, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại Phù Việt, Thạch Hà đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh và ra chủ trương tiếp tục phát động phong trào đấu tranh trên quy mô toàn  tỉnh. Từ đây, chi bộ Xuân Khánh đã phát động và lãnh đạo quần chúng nhân dân liên tiếp vùng dậy, phối hợp với các làng lân cận tiến hành hàng loạt cuộc đấu tranh, biểu tình rầm rộ. Đồng chí Nguyễn Xuân Năm đã hăng hái tham gia bảo vệ các cuộc đấu tranh ngày 9/9/1930 của hơn 200 quần chúng làng Xuân Khánh, Yên Bình, Xuân Hòa, Xuân Hải cùng hơn 1.000 nông dân Thạch Hà biểu tình kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh đấu tranh.

Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Xuân Năm tham gia cùng đội Tự vệ làng Xuân Khánh bảo vệ các cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân trong vùng, như cuộc biểu tình ngày 5/10/1930, ngày 23/10/1930. Đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 11/12/1930, dưới sự chỉ đạo của chi bộ, sự bảo vệ của đội Tự vệ đỏ, khoảng 500 người gồm nhân dân làng Xuân Khánh, nhân dân các tổng Canh, Vĩnh. Đoàn biểu tình tập kết tại Ngọc Lụy (Thạch Thượng), dự định kéo vào thị xã Hà Tĩnh đưa yêu sách. Khi đoàn vừa đến Đò Điệm thì bị địch đàn áp rất ác liệt làm 3 người chết, 7 người bị thương. Để tránh tổn thất nặng nề, đoàn biểu tình kéo về chùa Thân (Thụ Lộc) tổ chức mít tinh rồi giải tán.

Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, bộ máy chính quyền tay sai của địch tan rã, làng Xô Viết Xuân Khánh ra đời do nông hội đảm nhận việc quản lý, điều hành mọi mặt ở làng thay cho bọn hào lý.

Sự ra đời Chính quyền Xô Viết đã làm cho bọn đế quốc và phong kiến vô cùng lo sợ, về sau địch điên cuồng đối phó bằng các âm m­ưu thâm độc và chính sách khủng bố trắng. Chúng điều lính từ các đồn Vĩnh Hòa (Bình Lộc, Can Lộc), đồn Kim Đôi (Thạch Kim) về làng Xuân Khánh tiến hành các cuộc khủng bố đẫm máu. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Xuân Khánh vẫn phát triển mạnh, khẩu hiệu đấu tranh không chỉ đòi quyền lợi về kinh tế mà còn cả quyền lợi chính trị.

 Ngày 13/4/1931, nhân dân làng Xuân Khánh cùng với nhân dân làng Yên Bình, Kim Đôi, Trung Cự kéo đến một số nhà địa chủ ở thôn Xuân Huyên, Yên Bình (Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà T) đấu tranh lấy thóc chia cho người nghèo; tiếp đó, ngày 23/4/1931, hai làng Xuân Khánh và Yên Bình phối hợp với nhân dân Hậu Lộc, Thụ Lộc, Can Lộc truy đuổi bọn lính Tây khi chúng về địa phương quấy phá, lùng bắt cán bộ, đảng viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Năm lại tiếp tục chung vai cùng các đồng chí trong đội Tự vệ tích cực tham gia và bảo vệ các cuộc đấu tranh này.  

Thực dân Pháp và tay sai tiến hành các cuộc vây ráp với quy mô ngày càng lớn tại làng Xuân Khánh. Biết đồng chí Nguyễn Xuân Năm là đội viên Tự vệ đỏ tiêu biểu nên chúng đã tiến hành theo dõi ráo riết. Tháng 6/1931, đồng chí bị bắt về giam tại đồn Vĩnh Hòa (Bình Lộc, Can Lộc). Cơ sở ấn loát tại nhà đồng chí cũng giải tán. Trong thời gian bị giam cầm, mặc dù kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như tra tấn, dụ dỗ, lừa phỉnh nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Năm vẫn luôn giữ vững khí tiết, không hề khai báo, một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng. Ngày 03/9/1933, đồng chí Nguyễn Xuân Năm, người chiến sỹ cộng sản của quê hương Thạch Bằng đã anh dũng hy sinh trong vòng tay các đồng chí của mình tại đồn Vĩnh Hòa.

Năm 2002, với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Năm đã được Thủ Tướng Phan Văn Khải truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công”  theo Quyết định số 871/QĐ-TTg./.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT 

Video