Đồng chí Nguyễn Xuân Liêm – Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Khánh Lộc – Can Lộc

Tác giả: admin
Ngày 2020-08-04 02:16:03

Đồng chí Nguyễn Xuân Liêm (bí danh là Nghệ), sinh năm 1903 trong một gia đình trung nông ở thôn Khánh Tường, tổng Nga Khê (nay là xã Khánh Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong số chín anh chị em thì Nguyễn Xuân Liêm là con thứ sáu và là con trai thứ hai. Đến tuổi đi học, Nguyễn Xuân Liêm may mắn được gia đình cho đi học chữ Hán ở nhà thầy giáo trong làng rồi theo học chữ quốc ngữ tại trường Thổ Vượng ở huyện Can Lộc. Trong thời gian này, anh thường chơi thân với các đồng chí Trần Mẹo, Trần Sĩ Văn. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên Nguyễn Xuân Liêm đành bỏ giở việc học hành rồi xin vào làm công nhân ở nhà máy cưa, nhà máy diêm Bến Thủy, làm thuê cho thuyền buôn của Bạch Thái Bưởi. Một thời gian sau thì Nguyễn Xuân Liêm về quê xây dựng gia đình.

Tháng 4/1930, Đảng bộ huyện Can Lộc ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho phong trào yêu nước của nhân dân toàn huyện. Tháng 5 năm 1930, đồng chí Bình(1), Trần Mẹo, là cán bộ Huyện uỷ được cử về xã Khánh Lộc để hoạt động, vận động Nguyễn Xuân Liêm và một số thanh niên trong làng đi theo cách mạng và giao một số công việc như rải truyền đơn tại các ngả đường, treo cờ đỏ búa liềm tại các đình, đền, chùa để thử thách. Những lúc các đồng chí Bình, Trần Mẹo họp tại nhà mình, Nguyễn Xuân Liêm cùng vợ đứng canh gác để khi có địch phát hiện thì báo động kịp thời.

Tháng 9/1930, Nguyễn Xuân Liêm cùng các đồng chí như Mai Trác, Nguyễn Cầu, Trần Nghĩa... được kết nạp vào Đảng.  

Tháng 10/1930, trên cơ sở tình hình chung, Huyện uỷ đã quyết định chấn chỉnh tổ chức bằng cách cho hợp nhất đảng viên 4 thôn Khánh Tường, Quần Ngọc, Lương Hội, Đa Cốc hợp nhất thành một Chi bộ Đông Lâm. Hội nghị Chi bộ Đông Lâm lần thứ nhất được tổ chức tại nhà ông Thường Tạo (xóm Kiều, thôn Khánh Tường) dưới sự chủ trì của các cán bộ Tỉnh uỷ và Huyện uỷ. Hội nghị cũng đã bầu Ban chấp hành Chi bộ xã Đông Lâm, trong đó đồng chí Mai Trác làm Bí thư; đồng chí Trần Sỹ Loan - phó Bí thư phụ trách dân vận; đồng chí Nguyễn Cầu - Uỷ viên phụ trách công tác Tuyên huấn, tổ chức; đồng chí Trần Nghị ở Lương Hội được giao phối hợp với chi uỷ phụ trách xây dựng phong trào thôn Lương Hội; đồng chí Nguyễn Xuân Liêm do yêu cầu của tổ chức được Huyện uỷ điều động về công tác tại tổng Đoài Khê.

Ngày 22/12/1930, hưởng ứng chỉ thị của Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Xuân Liêm đã cùng hàng vạn nhân dân các tổng Nga Khê, Lai Thạch và Đoài Khê.. tập hợp tại chợ Nhe, giương cao băng cờ, khẩu hiệu tiến thẳng xuống huyện lỵ biểu tình. Khi tiến gần huyện lỵ, bất ngờ bọn lính tây đồn Nghèn xả súng bắn vào đoàn người đi trước làm chết tại chỗ nhiều người.

Cuối tháng 3/1931, phong trào ở Can Lộc phát triển chưa đều nên huyện ủy chủ trương cứ hai tổng thì hợp thành một phân bộ và cử người phụ trách chung. Đồng chí Nguyễn Xuân Liêm lúc này phụ trách tổng Đoài Khê và Nga Khê, để đẩy mạnh phong trào, đồng chí đã đi tuyên truyền, vận động và kết nạp thêm một số đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Lâm và đồng chí Nguyễn Xuân Liêm, nhân dân Đông Lâm đã liên tục đứng lên đấu tranh. Chỉ trong tháng 5/1931 đã có 4 cuộc đấu tranh nổ ra dưới sự lãnh đạo của chi bộ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, bao vây đồn Khiêm Ích, kéo đến nhà thờ Tràng Đình giải vây cho các chiến sĩ cách mạng bị bọn cha cố phản động bắt giữ, tấn công đồn Cày (Nhân Lộc), mít tinh ở gần đồn Khiêm Ích đấu tranh chống sưu, thuế... Ngày 15/6/1931, hơn 1.000 nông dân Khiêm Ích và quần chúng Đông Lâm đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Khâm sứ Trung kỳ về biểu dụ ở khu vực Thượng Can Lộc...

Cuối tháng 7/1931, phong trào bị địch đàn áp mạnh, lùng bắt người gắt gao. Các đồng chí trong chi bộ phải chia làm hai bộ phận: một số đồng chí trong bộ phận ấn loát di chuyển lên núi để làm việc, còn một số đồng chí phải ở lại làng tiếp tục phát động và duy trì phong trào. Đồng chí Nguyễn Xuân Liêm đảm nhiệm trọng trách chuyển tài liệu, giấy mực, giữ đầu mối giữa hai bộ phận, đồng thời vẫn chịu trách nhiệm ở hai tổng Nga Khê và Đoài Khê. Trong tình huống cam go ấy, cán bộ vẫn hoạt động, vẫn kiên cường bám dân, bám làng chiến đấu với kẻ thù.

Đầu năm 1932, địch huy động binh lính các đồn Khiêm Ích, Rú Mồ, Tràng Đình, cùng bang tá các tổng, xã, thôn, có phu đoàn đi theo về càn quét suốt ngày đêm khiến phong trào ở Khánh Lộc tạm lắng xuống. Trong một lần đi làm nhiệm vụ thì Nguyễn Xuân Liêm bị bắt. Sau gần một năm tù đày, địch dùng đủ mọi hình thức tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn không nao núng tinh thần. Cuối cùng, địch kết án đồng chí một năm tù giam (bản án số 7, ngày 18/3/1932 của Tòa án Nam Triều tỉnh Hà Tĩnh) và giam tại nhà lao huyện Can Lộc.

Sau khi hết hạn tù, đồng chí Nguyễn Xuân Liêm trở về quê hương tìm cách bắt liên lạc, gây dựng lại phong trào. Đến tháng 8 năm 1936, tại nhà Nguyễn Xuân Liêm đã diễn ra cuộc họp gồm các đồng chí như Nguyễn Hoà, Mai Trác, Nguyễn Xuân Liêm, Trần Nghĩa, Nguyễn Cầu, bầu Ban chấp hành chi bộ lâm thời Đông Lâm, do đồng chí Nguyễn Hoà làm Bí thư. Chi bộ đã vận động quần chúng đấu tranh đòi trả lại ruộng đất, tiền lúa công, đòi giảm địa tô, nợ lãi đồng thời lập ra các Hội “Ái hữu tập phúc” (phường, tổ đổi công) để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Năm 1941, trong lúc phong trào cách mạng đang dần khôi phục và có bước khởi sắc thì đồng chí Nguyễn Xuân Liêm bị bắt lần thứ hai, kết án 20 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc và bị đày đi Buôn Ma Thuột theo Bản án số 60, ngày 30/8/1941 của Tòa án Nam triều tỉnh Hà Tĩnh.

Đầu tháng 3/1945, lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, nhiều cán bộ, đảng viên bị cầm tù ở các nhà tù đế quốc đã vượt ngục trở về địa phương. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1945, các đồng chí: Nguyễn Xuân Liêm, Mai Trác, Nguyễn Hoà, Nguyễn Cầu, Nguyễn Xuân Khang... cũng lần lượt ra tù. Đồng chí Nguyễn Xuân Liêm nhanh chóng tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng và hoạt động cách mạng trở lại.

Tháng 5/1945, tại nhà đồng chí Mai Trác đã diễn ra cuộc họp gồm các đồng chí Trần Sỹ Loan, Nguyễn Xuân Liêm, Mai Trác, Nguyễn Hoà, Nguyễn Xuân Khang, Phan Sinh, Nguyễn Cầu, Trần Nghĩa, Bùi Hoàn để thành lập Mặt trận Việt Minh lâm thời xã Đông Lâm.

Theo lời hiệu triệu của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, sáng ngày 17/8/1945 Việt Minh xã Khánh Lộc phát lệnh khởi nghĩa, kêu gọi quần chúng đấu tranh lật đổ bộ máy thống trị, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân. Nhớ về sự kiện này, trong cuốn hồi ký của đồng chí Nguyễn Xuân Liêm có nhắc đến : “...Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, nhìn tự vệ hiên ngang canh gác trước cổng của tri huyện lòng tôi không khỏi bâng khuâng xao xuyến. Bao nhiêu năm đấu tranh, bao nhiêu đồng bào đồng chí đã ngã xuống để có ngày hôm nay. Ngày vui mừng của những người cách mạng là khi chính quyền trở về tay quần chúng lao động”. 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng tuy gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng Nguyễn Xuân Liêm vẫn luôn giữ vững phẩm chất, ý chí của người Đảng viên, luôn hoàn thành nhiệm vụ khi công tác, gương mẫu trong mọi sinh hoạt, khi về hưu vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Hình ảnh và tên tuổi đồng chí Nguyễn Xuân Liêm sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình và của quê hương Khánh Lộc.

Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1. Theo lịch sử Đảng bộ xã Khánh Lộc thì họ tên đầy đủ của đồng chí Bình hiện nay vẫn chưa rõ và đang được tìm hiểu thêm.

 

 

Video