Đồng chí Nguyễn Xuân Hiên - người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Yên Thành

Tác giả: admin
Ngày 2021-05-24 07:20:10

Đồng chí Nguyễn Xuân Hiên sinh năm 1907 ở làng Liên Trì, tổng Vân Tụ (nay là xã Liên Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Cha là ông Nguyễn Xuân Liễu, một người nông dân hiền lành, chất phát, có tinh thần yêu nước tiến bộ. Mẹ là bà Nguyễn Thị Lan, một người phụ nữ cần cù, nhân hậu, đảm đang. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngay từ nhỏ, đồng chí đã được gia đình tạo điều kiện cho theo học lớp chữ Hán và chữ quốc ngữ ở trường làng. Tiếp nối truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên sớm chứng tỏ là một người con chăm ngoan, hiếu học, ham tìm hiểu văn thơ tiến bộ và có tư tưởng yêu nước.

Cuối năm 1926, tiểu tổ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Trụ Pháp được thành lập đã tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng yêu nước, sách báo tiến bộ nhằm giác ngộ quần chúng nhân dân. Đồng chí Nguyễn Xuân Hiên là một trong số những người con của làng Liên Trì sớm tiếp thu sách báo yêu nước, tư tưởng cách mạng tiến bộ do các đồng chí trong Tiểu tổ Thanh niên ở Trụ Pháp tuyên truyền.

Năm 1930, phong trào cách mạng ở trong tỉnh phát triển mạnh. Sau khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu vào ngày 12/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An đã chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công để biểu dương lực lượng, đòi giảm sưu giảm thuế, ủng hộ các cuộc đấu tranh của công nhân Bến Thủy, nông dân huyện Hưng Nguyên.

Ở làng Liên Trì tuy chưa có cơ sở Đảng, nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Hiên đã liên lạc với đồng chí Nguyễn Như Cầu trong Huyện ủy Thanh Chương và tổ chức ra nhóm quần chúng trung kiên ở Liên Trì. Các đồng chí đã tiến hành vận động nhân dân hai làng Liên Trì, Mậu Long chuẩn bị lực lượng cho cuộc biểu tình vào dịp Kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga theo chủ trương của Tỉnh ủy.

Tối 6/11/1930, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên và đồng chí Phan Doãn Khoa chỉ đạo các đồng chí hội viên Nông hội đỏ bí mật cắm cờ đỏ búa liềm lên cây gạo phía Đông của làng và trên cây gạo cổ thụ trước sân Đình Liên Trì. Tiếp đó, sáng ngày 7/11/1930, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên đã lãnh đạo nhân dân 2 làng Liên Trì, Mậu Long tập trung tại Đình Liên Trì nghe diễn thuyết. Khi đoàn biểu tình ở vùng thượng Huyện từ Đông Yên, Quan Chương kéo qua Ngọc Luật, Quảng Cư, Trang Niên về tập trung dọc đường 7 xuống đường 38, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên và đoàn Liên Trì, Mậu Long do đồng chí Nguyễn Con (cố Lâm), cầm cờ đỏ búa liềm dẫn đầu đã nhập cùng đoàn kéo xuống gần cầu Dinh. Đoàn biểu tình mang theo gậy gộc, giáo mác, băng cờ, khẩu hiệu rợp đỏ cả một vùng vừa đi vừa hô vang:

- Đả đảo bọn đế quốc và phong kiến, Nam Triều chế độ

- Ủng hộ Công – Nông - Binh Bến Thủy, Hưng Nguyên

- Giảm sưu, miễn thuế, miễn công dịch

- Ủng hộ cách mạng Xô Nga…

Trước khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân, chính quyền tai sai thực dân tại các làng hầu như bị tê liệt, các tổ chức thôn bộ nông, xã bộ nông lần lượt ra đời. Tại Liên Trì, Mậu Long, Phúc Duệ, Đạo Lý, hội viên thôn bộ nông, xã bộ nông tích cực vận động hào lý, địa chủ lớn tại địa phương ủng hộ tiền, thóc gạo cho phong trào.

Nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng, Tổng đốc An Tĩnh Nguyễn Khoa Kỳ đã thi hành chính sách mị dân như tổ chức “rước cờ vàng”, “phát thẻ quy thuận”. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, Huyện ủy Yên Thành tổ chức cuộc họp tại đình Liên Trì, lên kế hoạch, bố trí lực lượng để phá buổi lễ.

Được sự phân công của Huyện ủy Yên Thành, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Nguyễn Tâm Đệ, Phan Đức Vinh và đồng chí Ngô Hàm đã tập trung xã bộ, thôn bộ, cùng các lực lượng tự vệ trong vùng tại đình Liên Trì để triển khai chủ trương của cấp trên. Tại phiên chợ Tràng kè (7/2/1931), khi buổi lễ bắt đầu, lá cờ vàng vừa kéo lên cũng là lúc những lá truyền đơn của cách mạng được tung ra khắp nơi, không khí buổi lễ trở nên hoảng loạn. Tri huyện, Giám binh xua quân đi dẹp nhưng chúng đành chịu bất lực trước khối người khổng lồ nhất tề phản đối, các quan chức và giám binh đành phải đánh bài chuồn, buổi lễ “thí điểm” đầu tiên của kẻ địch chịu thất bại.

Tháng 3/1931, địch ráo riết khủng bố cho lính và phu đoàn vây bắt, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên và các đồng chí Nguyễn Văn Nơng, Nguyễn Bá Liêm, Phan Đắc Vinh, Nguyễn Tâm Đệ… lần lượt bị bắt giải lên đồn Tràng Kè. Trước khi bị giải lên đồn Tràng Kè, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên đã dặn các đồng chí bị bắt cùng ở Vân Tụ “Anh em cứ khai hết cho tôi, tôi sẽ có cách đối phó”(1). Nhờ vậy, mấy ngày sau nhiều đồng chí ở Vân Tụ được tha về, riêng đồng chí Nguyễn Xuân Hiên bị địch bắt và tra tấn bằng nhiều cực hình khác nhau. Cuối cùng, không khai thác, khuất phục được người cộng sản kiên trung, chính quyền Nam triều đã kết án và đày đồng chí Nguyễn Xuân Hiên vào giam ở nhà lao Buôn Ma Thuột.

Tại Buôn Ma Thuột, dù bị tra tấn nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Hiên và các chiến sỹ cộng sản vừa đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, vừa rèn luyện tu dưỡng thêm về lý luận và phương pháp cách mạng. Lúc này, với bút danh là Xuân Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên sáng tác nhiều bài thơ đả kích, châm biếm, lên án, tố cáo tội ác của kẻ thù đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Tháng 11/1934, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên ra tù trở về quê đã liên lạc với đồng chí Phan Đức Vinh và những đồng chí trung kiên, vốn là hội viên Nông hội đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở làng Liên Trì. Các đồng chí phân công nhau đi móc nối với chính trị phạm ở các nhà lao mới về làm hạt nhân khôi phục phong trào, xây dựng cơ sở Đảng ở các làng Tràng Thành, Trụ Pháp, Ngọc Luật, Quan Chương, Nam Thôn, thành lập chi bộ ghép với Vân Tụ gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Hiên, Phan Vinh, Lê Điều, Lăng Lai, Lê Du.

Tháng 5/1945, Mặt trận Việt Minh làng Liên Trì, Mậu Long, Phúc Duệ, Đông Lý được thành lập. Đồng chí Nguyễn Xuân Hiên là cấp ủy Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Hiên và mặt trận Việt Minh, nhân dân Liên Trì đã đứng lên đấu tranh, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25/8/1945 ở huyện Yên Thành.

Năm 1973, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên qua đời vì tuổi già sức yếu trong sự tiếc thương của quê hương, dòng họ, gia đình. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng quê hương, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì ngày 29/10/1998 và xứng đáng là một trong những tấm gương sáng về ý chí chiến đấu, lòng quả cảm cũng như tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo./.

 

ThS.Hồ Thị Hải Liễu

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1) Lịch sử Đảng bộ xã Liên Thành, huyện Huyên Thành, NXB Nghệ An, 2012, tr.72. 

Tài liệu tham khảo:

  • Lịch sử Đảng bộ xã Liên Thành, huyện Huyên Thành, nhà xuất bản Nghệ An – 2012;
  • Lịch sử Đảng bộ Huyện Yên Thành, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 2010;
  • Lời kể, tư liệu do gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Hiên cung cấp.

Video