Đồng chí Nguyễn Văn Thân (1912-1952)

Tác giả: admin
Ngày 2014-06-24 08:53:06

Đồng chí Nguyễn Văn Thân sinh năm 1912, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Bích Triều, tổng Bích Triều ( sau đổi tên là Bích Hào), nay thuộc xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, qua lời khuyên dạy của cha và những câu chuyện hiếu học và kiên cường chống giặc ngoại xâm đã hun đúc lòng yêu nước trong Nguyễn Văn Thân.

Sau khi tốt nghiệp trường Tiểu học Pháp – Việt Thanh Chương, anh thi đậu vào trường College Vinh. Anh đã tham gia vào Đảng Tân Việt, hăng hái trong các cuộc biểu tình phản đối giáo viên người Pháp miệt thị người Việt, đòi bãi bỏ chế độ hà khắc đối với học sinh nội trú, phản đối việc đổi các thầy Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng đi dạy nơi khác. Những hoạt động đó đã bị Giám hiệu nhà trường, bọn mật thám để ý và coi anh là học sinh “bất hảo”. Nhân cớ học sinh phản đối hiểu dụ của Tổng đốc Nghệ An - Hồ Đắc Khải, nhà trường đã đuổi học 21 học sinh, trong đó có Nguyễn Văn Thân.

Về quê trong lúc phong trào chống đế quốc, phong kiến đang diễn ra quyết liệt, Nguyễn Văn Thân đã được các đồng chí Phan Thái Thụ, Đậu Đình Lan, Đậu Đức Thịnh vận động và giao cho việc tập hợp thanh niên trong tổ chức Đoàn, đi đầu các phong trào của Chi bộ Đảng. Từ tháng 9/1930, hầu hết các làng xã trong tổng Bích Triều có nòng cốt của thanh niên vũ trang đã lập được chính quyền Xô Viết đem lại cuộc sống mới cho nhân dân. Đầu năm 1931, địch tiến hành đàn áp, bắt bớ những người lãnh đạo phong trào.

Sau khi bị lộ, Nguyễn Văn Thân tạm lánh sang huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xin dạy học ở trường tiểu học Thịnh Xá. Ngày đi dạy học, ban đêm thầy Thân cùng thầy Tống Trần Trinh tích cực đi vận động bà con ở xung quanh trường đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công và vận động bà con bỏ những hủ tục phong kiến lạc hậu. Phong trào trong trường, ngoài dân đang lên thì Nguyễn Văn Thân phải nghỉ dạy để đảm bảo an toàn.

Về quê ít ngày, anh lại xuống Vinh gặp mặt một số bạn bè cùng trường cũ và được giới thiệu để dạy tiếng Pháp và toán cho hai cháu nhỏ của cụ Nguyễn Trung Khiêm. Thầy Thân lại tiếp tục vừa đi dạy, vừa tuyên truyền đường lối cách mạng, tinh thần yêu nước chống Pháp, chống chính quyền và thế lực phản động trong tôn giáo ở xã Thường Xuân (Hưng Đông). Sau một thời gian, anh lại được cơ sở mật báo phải đổi địa bàn vì đã bị mật thám Pháp để trong tầm ngắm. Anh trở về quê nhà khi phong trào đã hồi phục, đang cần những thanh niên hăng hái.

Ngày 3/8/1936, tại nhà đồng chí Trần Đình Tranh, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Thân vào Đảng. Từ đây, đảng viên mới Nguyễn Văn Thân hoạt động tích cực, say sưa với lý tưởng của Đảng.

Cuối năm 1938, đồng chí Thân được lệnh về Vinh công tác cài cắm vào chính quyền địch tại tòa án sát. Bằng tinh thần, trách nhiệm cao, tại đây đồng chí đã lấy được một số tin tức quan trọng, làm rõ một số cán bộ, đảng viên không chịu nổi sự tra tấn đã khai báo hoặc ghi những điều có lợi cho đồng chí mình trong bản án được được “ân giảm”, cung cấp những tin tức liên quan đến phòng nhì mật thám để ta chủ động đối phó.

Đầu năm 1939, đồng chí Siêu Hải (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vinh) bị bắt với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước bảo hộ”. Qua đường dây của ta ở chợ Vinh, Nguyễn Văn Thân đã nhanh chóng báo cho tổ chức biết âm mưu sát hại đồng chí Siêu Hải của phòng nhì Pháp. Được tin, báo Tân tiến (cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ) đã ra hàng loạt bài viết phản ánh bắt người vi phạm nhân quyền, đòi thả tự do cho đồng chí Siêu Hải… Trước áp lực đó, Công sứ Macti ra lệnh cho Chánh mật thám Ombe thả Siêu Hải nhưng lại ra lệnh dùng ngón hiểm đánh vào nội tạng của anh để có ra tù thì cũng chết. Biết được thâm ý này, đồng chí Thân nhanh chóng cung cấp thông tin ra ngoài nhưng ta không kịp ứng phó. Đám tang Siêu Hải trở thành cuộc biểu tình lớn, vạch mặt âm mưu của chúng. Căm tức vì thông tin tối mật bị lộ, thực dân Pháp rà soát trong đội ngũ công chức, phòng nhì và phát hiện ra anh Thân. Trước hôm có lệnh bắt anh một ngày, đêm ngày 25/8/1939, Nguyễn Văn Thân đã bí mật rời khỏi cơ sở về huyện Đô Lương.

Tiếp tục vào Hương Sơn, thầy Thân đến trường Chung Anh nhờ thầy Phan Hoàng Tiêm cho dạy học, lánh nạn. Tại đây, anh lại khéo léo bí mật hoạt động trong nhóm Hoàng Trần Thấu (người Đặng Sơn) đang làm Bí thư.

Đầu năm 1944, khi người vợ Dương Thị Em qua đời khi tuổi đời mới 25 tuổi để lại người con trai đầu lòng Nguyễn Minh Hồng mới 8 tháng tuổi, tổ chức quyết định chuyển đồng chí Nguyễn Văn Thân về công tác tại quê nhà để tiện gánh vác việc chung, việc riêng. Trong thời gian này, khắp các địa phương của huyện Thanh Chương bất chấp sự khủng bố của địch, nhân dân hăng hái tham gia vào phong trào Việt Minh. Về quê nhà, đồng chí Thân nhanh chóng tham gia trong phong trào “Thanh niên Phan Anh” do đồng chí Nguyễn Côn, người trong xã làm thủ lĩnh toàn huyện.

Ngày 23/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Thanh Chương thắng lợi. Trên đà đó, các tổng, xã tiếp tục lật đổ bộ máy chức dịch, hào lý lập chính quyền cơ sở của mình. Xã Bích Triều, Ban lãnh đạo Việt Minh gồm Nguyễn Văn Thân (chủ nhiệm), Nguyễn Văn Hoàn, giáo Đô, ông Trần Mạnh Liên.

Năm 1946, Huyện ủy Thanh Chương rút một số cán bộ có trình độ, hăng hái lên thay một số cán bộ chủ chốt được điều lên Tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thân lên phụ trách công tác Hội Nông dân huyện. Đồng chí đã bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền sản xuất, tiết kiệm, quyên góp cho quỹ kháng chiến. Là người có nhiều sáng kiến và sở trường trong công tác dân vận, dưới sự điều hành của đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, 41 xã của huyện Thanh Chương đều đã có tổ chức hội cơ sở vững mạnh.

Đầu năm 1948, đồng chí Nguyễn Văn Thân được điều về công tác tại Ban Nông hội của Liên khu, chuyên trách tuyên truyền. Tại Hội nghị đại biểu Hội Nông dân Liên khu 4, đồng chí đã trình bày bàn đề án đổi mới công tác tuyên truyền của Hội… Bản Đề cương được hội nghị đồng tình, sau Hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Thân chuyển công tác sang phòng Chính trị Liên khu để phát huy được thế mạnh về lý luận. Với nhiệm vụ mới, đồng chí đã hăng hái hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng Hội Nông dân ở vùng giáo, phối hợp với Tỉnh Hội Nghệ An đi khảo sát và chỉ đạo cơ sở.

Ngày 24/4/1952, ngày cao điểm của chiến dịch vận động, đa số đồng bào đã ngả hẳn về phía cách mạng. Cuối cùng thì tổ chức “Nghĩa binh”, “Liềm chấu” do bọn phản động xúi dục, chỉ huy cũng tan rã. Thắng lợi trọn vẹn nhưng tổ công tác của đồng chí Thân nhiều người bị ốm, đồng chí Thân ốm nặng nhất.

Bệnh vừa đỡ, đồng chí Thân đã xuống xã Quan Hóa (huyện Yên Thành), Minh Tiến (huyện Thanh Chương), Minh Châu (huyện Diễn Châu) tìm hiểu, phân tích tình hình báo cáo về Văn phòng Bí thư Liên khu… Căn cứ vào phân tích thẳng thắn của đồng chí Thân và kiến nghị của Hội Nông dân các Tỉnh, Thường vụ Liên khu 4 đã điều chỉnh mức giao chỉ tiêu lương thực hợp lý hơn. Tình đoàn kết ở các địa phương được khôi phục.

Sau đợt công tác, bệnh tình của Nguyễn Văn Thân ngày càng nặng. Khi được về quê nhà điều trị, chứng bệnh xuất huyết của đồng chí vẫn không thuyên giảm. Một đêm mưa tháng chín tầm tã, đồng chí ra đi để lại tình thương yêu, đau xót cho đồng chí, bạn bè, quê hương và gia đình.

Với những đóng góp của mình cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Thân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba.

Video