Đồng chí Nguyễn Văn Tần – người cán bộ kiên trung của Đảng, người con ưu tú của quê hương Khai Sơn

Tác giả: admin
Ngày 2020-07-28 08:25:11

Đồng chí Nguyễn Văn Tần hay còn có tên khác là Nguyễn Văn Tư (bí danh là Vị, Bá, Cống, Đàn) sinh năm 1907 ở làng Tri Lễ, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn), tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Viêm làm nghề cắt thuốc bắc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Tân, một người phụ nữ cần cù lao động. Sống trong cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp thống trị, nhân dân chịu nhiều khổ cực nên Nguyễn Văn Tần luôn nung nấu ý chí căm thù giặc.

Lớn lên được bố mẹ cho học chữ Hán và chữ quốc ngữ nên Nguyễn Văn Tần sớm được tiếp thu nhiều thơ văn, sách báo tiến bộ từ người thầy Nguyễn Hữu Thiệp, đồng thời được hai đồng chí Nguyễn Văn Liêm và Nguyễn Văn Tạo, vừa là anh họ, vừa là bạn học giác ngộ cách mạng nên Nguyễn Văn Tần hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh đòi chia lại ruộng đất, chống sưu cao thuế nặng…

Đến năm 1929, tiểu tổ Hội Thanh niên Tri Lễ được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Văn Tần, Nguyễn Văn Thới… Bên cạnh đó các tổ chức phường hội cũng được thành lập như: phường lợp nhà, phường tranh, phường hiếu, phường hỷ…

Tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng, phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ đã về Anh Sơn triệu tập hội nghị lập ra chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Dương Xuân, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Đến tháng 11/1929, tổng Nông hội đỏ Nghệ An được ra đời tại làng Dương Xuân, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư.

Cuối năm 1929, các đồng chí trong chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Anh Sơn đã về Tri Lễ để gây dựng cơ sở, lập ra chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng gồm các đồng chí: Thái Bá Cẩn (Bí thư), Nguyễn Văn Tần, Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Tiêu, Nguyễn Sỹ Đạt, Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Văn Tạo…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đến cuối tháng 3/1930, dưới sự chỉ đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn cũng được ra đời, do đồng chí Trần Du ở Yên Lĩnh làm Bí thư Phủ ủy lâm thời.

Ngày 12/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân (là đặc phái viên của Tỉnh ủy Nghệ An) đã về triệu tập Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tri Lễ tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thới. Hội nghị nhất trí lấy tên là chi bộ Hồng, gồm các đồng chí như: Nguyễn Văn Tần (Bí thư), Nguyễn Hữu Bình, Thái Bá Cẩn, Nguyễn Hữu Tiêu, Phùng Bá Diệu… Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Hồng, các tổ chức quần chúng được thành lập như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ...

Hưởng ứng lời kêu gọi “ theo gương hy sinh của dân cày Nghệ An” của Xứ ủy Trung kỳ, Phủ ủy Anh Sơn tích cực, khẩn trương chuẩn bị một cuộc biểu tình toàn phủ nhằm đòi giảm sưu, hoãn thuế, chống chính sách khủng bố của địch. Tiếp thu chủ trương của Phủ ủy Anh Sơn, chi bộ Hồng ở Tri Lễ đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch huy động lực lượng tham gia cuộc biểu tình. Rạng sáng ngày 2/6/1930, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Hồng và đồng chí Nguyễn Văn Tần, đông đảo quần chúng nhân dân Tri Lễ cùng với nhân dân trong tổng Đặng Sơn và quần chúng ở Lãng Điền, Thượng Thọ… tiến về phủ đường Anh Sơn, trước sức mạnh của quần chúng, tri phủ Anh Sơn là Hà Xuân Hải đã phải ký vào bản yêu sách của nhân dân.

Sau cuộc biểu tình ngày 2/6/1930, thực dân Pháp đem lính về Tri Lễ truy lùng và bắt bớ nhiều cán bộ Đảng, trước tình hình đó, chi bộ Hồng đã tiến hành khẩn trương việc tuyên truyền và tập hợp quần chúng vào các tổ chức đoàn thể. Đồng chí Nguyễn Văn Tần tiếp tục đi các làng, xã để gây dựng phong trào, vận động quần chúng tham gia biểu tình.

Thực hiện chủ trương của Phủ ủy Anh Sơn tổ chức một cuộc biểu tình toàn phủ lần thứ hai vào ngày 8/9/1930, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Hồng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Tần, tối ngày 7/9/1930, đội tự vệ đỏ ở Tri Lễ và tổng Đặng Sơn cùng với quần chúng vùng ven sông Lam kéo về tập trung ở đình làng Thanh Lãng. Đúng bảy giờ tối trống lệnh, tiếng mõ khắp nơi vang lên, quần chúng lần lượt kéo về địa điểm tập trung toàn tổng nghe diễn thuyết rồi theo các trục đường đã định vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Đoàn biểu tình đi đến đâu cũng trấn áp, trừng trị những tên tay sai phản động. Khi đoàn đến được bờ sông Lam thì bị lính đồn Đô Lương và máy bay ra bắn xả, ném bom vào quần chúng khiến cuộc biểu tình phải giải tán.

Sau khi cuộc biểu tình ngày 8/9/1930, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy Ban chấp hành: Nguyễn Văn Tần (Bí thư), Cao Tiến Tuệ, Nguyễn Cảnh Côn, Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Văn Tạo. Đến cuối năm 1930, chi bộ Hồng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng ủy Đặng Sơn do đồng chí Nguyễn Hiếu làm Bí thư.

Tháng 11/1931, đồng chí Nguyễn Văn Tần bị mật thám ở đồn Yên Phúc kéo đến nhà bao vây, lục soát và bắt về đồn Tri Lễ để tra tấn. Sau nhiều trận đòn tàn bạo, đồng chí Nguyễn Văn Tần bị kết án hai năm sáu tháng tù giam và một năm sáu tháng quản thúc theo bản án số 182 ngày 10/11/1931 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An và đưa về giam ở phủ Diễn Châu. Đến ngày 12/1/932, đồng chí bị đưa đi giam ở nhà tù tỉnh Quảng Nam.

Đến năm 1933, hết hạn tù, đồng chí Nguyễn Văn Tần về quê tiếp tục hoạt động cách mạng, bắt mối liên lạc với các đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Sỹ Đạt… vận động nhân dân tổ chức các phường ái hữu để giúp đỡ lẫn nhau.

Năm 1940, đảng bộ Anh Sơn cử đồng chí Đặng Bá Duyệt (người Phúc Sơn) về để bắt mối liên lạc và thành lập chi bộ ở Tri Lễ gồm các đồng chí Nguyễn Văn Tần (Bí thư), Nguyễn Hữu Tiêu (tức Hoàng), Nguyễn Sỹ Đạt (tức Thoát)…

Năm 1941, sau ngày binh biến Đô Lương, đế quốc cho tên bang tá phủ dẫn lính về làng lùng bắt cán bộ, đồng chí Nguyễn Văn Tần may mắn trốn thoát và được phân công lên Nghĩa Đàn để vận động quần chúng, gây dựng cơ sở Đảng. Hoạt động được một thời gian thì có bang tá huyện dẫn lính về Nghĩa Đàn lục soát. Tình thế gay go nên đồng chí tìm cách trở về địa phương. Vài ngày sau địch biết tin kéo đến vây bắt đồng chí Nguyễn Văn Tần và đưa về giam ở nhà lao Vinh, kết án mười năm tù khổ sai, mười năm quản thúc theo bản án số 136 ngày 18/7/1941 của tòa án ngụy quyền tỉnh Nghệ An.

Ngày 02/11/1941 đồng chí bị đưa đi giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong lao tù, đồng chí vẫn hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức như đưa đơn đòi yêu sách, bãi công…

Tháng 5/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Tần được trả tự do trở về quê hương vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí đã tham gia đấu tranh giành chính quyền, có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên tư pháp của UBND Cách mạng lâm thời Lễ Văn (gồm làng Tri Lễ và nửa làng Đa Văn sát nhập lại), chủ nhiệm Việt Minh huyện Con Cuông, chủ nhiệm Ban chấp hành Việt Minh và Chủ tịch kháng chiến xã Khai Sơn, bí thư chi bộ xã Kim Long… Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Tần vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Văn Tần đã được Đảng và Chính phủ công nhận là lão thành cách mạng 1930-1931. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Tần sẽ sáng mãi trong những trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân xã Khai Sơn. 

Trong những trang hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tần tâm sự “…Quá trình hoạt động của tôi kể từ năm 1929 bắt đầu vào tổ chức hoạt động cách mạng đến tháng 7 năm 1970 được về hưu tôi đã đưa hết khả năng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Tròn bốn mốt năm tôi tham gia hoạt động cách mạng, lúc công khai, lúc bí mật, qua hai lần đế quốc Pháp bắt bớ tù đày, bao nhiêu gian khổ đến với tôi nhưng tôi vẫn vững vàng lòng tin ở chủ nghĩa Mác – Lê nin. Tôi đã luôn luôn giữ vững được tinh thần, đạo đức cao quý của người Đảng viên cộng sản, quyết tâm, bền bỉ chiến đấu với quân thù để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân đến cùng.” (1)

Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

 (1) Trích hồi ký đồng chí Nguyễn Văn Tần lưu tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

 

Video