Đồng chí Nguyễn Văn Tài – người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nam Đàn trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-05-21 00:31:35

Đồng chí Nguyễn Văn Tài sinh năm 1901 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Dương Liễu (nay là xã Trung Phúc Cường) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người dân nơi đây hiền lành, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mảnh đất có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, nhiều danh nhân văn hóa, nhiều vị anh hùng hào kiệt.

Sau khi Hội Phục Việt được thành lập năm 1925 tại núi Con Mèo, Vinh – Bến Thủy, một số người con quê hương Nam Đàn như: Nguyễn Hoàng (quê ở Nam Hoành) công nhân nhà máy Trường Thi, Nguyễn Tiềm (quê ở Nam Trung), Bùi Hải Thiệu (quê ở Nam Cường) học sinh Quốc học Vinh đã nhanh chóng gia nhập. Đây là tổ chức tiền thân của Tân Việt Cách mạng Đảng.

Tháng 6/1929, tiểu tổ Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư đã cử đồng chí Bùi Hải Thiệu về xây dựng cơ sở và bắt liên lạc tại các địa bàn thuộc tổng Nam Kim. Đồng chí Nguyễn Văn Tài được giác ngộ và tham gia vào các phong trào cách mạng tại địa phương như rải truyền đơn, mít tinh, biểu tình kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (7/11/1917 – 7/11/1929). 

Cuối tháng 4/1930, chi bộ Đảng ở Dương Liễu được thành lập, gồm 5 đảng viên, do đồng chí Trần Đình San làm Bí thư. Các đồng chí trong chi bộ đã tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia vào Nông hội, hội Phụ nữ, Tự vệ đỏ..., đồng thời trực tiếp tổ chức, lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Đình San và Nguyễn Hà Sâm, đồng chí Nguyễn Văn Tài đã cùng với nhân dân làng Dương Liễu (Nam Trung) Nam Đàn tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh biểu tình với các hoạt động như: rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, cắm cờ búa liềm tại cây đa cầu Đập, cây Sanh xóm Bắc, cây đa đình Dương Liễu và ngọ môn đình Trung Cần...

Tháng 9/1930, đồng chí Nguyễn Văn Tài đã vinh dự được đồng chí Trần Đình San giới thiệu với đồng chí Phan Văn Cần (phụ trách Công hội đỏ). Các đồng chí đã được triệu tập tới Đền Giáp Đông để họp bàn về việc thành lập Đội tự vệ đỏ. Cuộc họp đi đến thống nhất quyết định thành lập đội tự vệ đỏ gồm có 11 đồng chí, được tuyển chọn từ những thanh niên ưu tú, trung thành, dũng cảm, giỏi võ, có sức khỏe tốt, do đồng chí Nguyễn Trọng Khang làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tài được bầu làm đội phó. Đội tự vệ đỏ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Dương Liễu. Ngay khi mới ra đời, Đội tự vệ đã tích cực rèn sắm vũ khí, luyện tập quân sự; cùng với Đội tự vệ đỏ trong tổng Nam Kim tuần tra, canh gác, bảo vệ xóm làng; luôn đi đầu trong các cuộc mít tinh, biểu tình, thực sự là công cụ đắc lực góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương.

Hưởng ứng cuộc biểu tình của phủ Hưng Nguyên, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930, vào đêm 10/9/1930, Chi bộ Dương Liễu, mà trực tiếp là đồng chí Phan Văn Cần tập hợp đội tự vệ đỏ về họp tại đền Giáp Đông để bàn về kế hoạch. Đúng 8 giờ tối, cuộc họp bắt đầu, đồng chí Phan Văn Cần lên tuyên bố lý do của buổi họp, sau đó đồng chí Trần Đình San lên trình bày về tình hình thời sự và nhiệm vụ mới của đội tự vệ đỏ với khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đánh đổ đế quốc Pháp, đánh đổ Nam triều phong kiến, tịch thu ruộng đất của đại địa chủ chia cho dân cày nghèo”. Đây là bước chuẩn bị tư tưởng cho đội tự vệ đỏ làm nòng cốt trước nhân dân.

 Đúng như dự định, vào khoảng 3 giờ chiều (ngày 11/9/1930), đồng chí Phan Văn Cần tiến hành tổ chức họp kín đội tự vệ đỏ và đi đến thống nhất mỗi đồng chí phải có gậy tề tựu giống nhau, khi nào nghe trống đánh 3 hồi dài, tất cả đội viên đội tự vệ đỏ phải ra đường. Đồng chí Cần còn trực tiếp giao cho Nguyễn Văn Tài và em trai là Nguyễn Văn Cán chịu trách nhiệm đánh trống ở đồn Giáp Đông. Khi nghe hiệu lệnh trống đánh ở Hưng Long thì hai đồng chí phải kết hợp đồng thanh nổi trống lên cùng một lúc. Sáng ngày 12/9/1930, đoàn biểu tình bắt đầu từ đền Giáp Đông, vừa đi vừa nghe diễn thuyết và kéo vào nhà lý trưởng bắt nó cầm cờ dẫn đầu, sau đó tiến lên Hoành Sơn, Đông Sơn, Khánh Lạc, Đa Lộc, Xuân Lộc, Nam Kim…vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Thả các tù chính trị”; “Giảm sưu cao thuế nặng cho dân”... Đi tới đâu, đoàn biểu tình trấn áp bọn tôi tớ ôm chân đế quốc đến đó. Khi đến Chín Nam, đoàn biểu tình bắt đầu kéo về ga Yên Xuân để bắt xếp ga, cắt dây điện thoại, làm gián đoạn giao thông đường sắt rồi kéo ra làng Thông Lạng, ngã ba Thái Lão rồi lên phủ Hưng Nguyên. Lúc này đoàn biểu tình đụng độ với bọn lính khố xanh đi trên 4 toa tàu, chúng uy hiếp đoàn biểu tình bằng cách dùng súng bắn chỉ thiên nhưng không làm nao núng tinh thần của nhân dân, buộc chúng phải quay trở về Vinh.

Hoảng sợ trước làn sóng đấu tranh biểu tình của quần chúng nhân dân, công sứ Nghệ An đã điện báo cho toàn quyền Pháp và chính quyền Nam triều cho 2 máy bay ném bom đàn áp vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và 125  người bị thương, máu lai láng nhuộm đỏ cả một vùng. Tiếng súng nổ chát chúa, tiếng la hét ầm ĩ tạo nên một thứ âm thanh hỗn loạn vô cùng tang thương(1).

Để củng cố tinh thần và nâng cao lòng căm thù giặc trong quần chúng, ngay tối hôm đó, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Dương Liễu, đồng chí Nguyễn Văn Tài cùng đội Tự vệ đỏ và toàn thể dân nhân đã tập trung tại đình Dương Liễu  để làm lễ truy điệu cho những người hy sinh, động viên những gia đình có con em bị thương và tổ chức thuyết minh, diễn thuyết…

Tháng 9/1930, mặc dù cuộc đấu tranh biểu tình của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bị đàn áp dã man nhưng ở một số nơi, bộ máy chính quyền  thực dân, phong kiến cũng bị tan rã và sụp đổ hoàn toàn. Để ổn định tình hình và tạo điều kiện cho người dân sản xuất, sinh hoạt, Chi bộ Đảng đã chớp thời cơ thành lập nên chính quyền Xô Viết (tức là Thôn bộ nông, Xã bộ nông). Bộ máy chính quyền này đã trực tiếp giải quyết những vấn đề phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân như: chia ruộng đất công, mở trường dạy chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan... Nhân dân Dương Liễu cũng được sống những ngày sôi động trong không khí cách mạng của hàng vạn người dân lao khổ bần cùng. Ngày tham gia biểu tình, tối về hội họp, họ cũng được hưởng những thửa ruộng đầu tiên mà chính quyền Xô viết đưa lại, được xóa bỏ nợ nần, sưu thuế, lao dịch... tạo nên một bầu không khí mới trong làng xã.

Sau cuộc thảm sát ngày 12/9/1930, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai ngày càng thắt chặt và tăng cường bộ máy quản lý ở cơ sở. Chúng tái lập lại đồn Trung Cần và lập thêm 2 đồn mới: đồn Quảng Xá và đồn Vạn Rú, mỗi đồn gồm 24 tên lính lê dương. Riêng đồn Vạn Rú do tên quan người Pháp chỉ huy. Ngoài ra, chúng còn lập ra bang tá, bang xã, chánh đoàn, phó đoàn, điếm canh và triển khai các cuộc đàn áp, bắt bớ, tra tấn các cán bộ đảng viên và quần chúng ưu tú. Các đồng chí như Trần Đình San, Nguyễn Hà Sâm… phải thay đổi địa chỉ hoạt động liên tục.

Trước sự đàn áp và lùng sục của chính quyền thực dân – phong kiến, đồng chí Nguyễn Văn Tài đã lãnh đạo đội Tự vệ đỏ phục kích răn đe một số phần tử gian ác và cảnh cáo bọn cường hào, tổng lý… Sự kiên quyết tấn công đánh trả của lực lượng cách mạng đã phần nào làm giảm bớt đi sự hung hăng, quấy phá của kẻ thù.

Tháng 10/1931, trước tình hình các cuộc đấu tranh cách mạng tại địa phương đang dâng cao, bọn địch khủng bố vô cùng ác liệt. Chúng mở thêm nhiều đồn bốt, điếm canh ở các thôn và ra lệnh thu hết trống mõ, lùng sục, vây bắt cộng sản. Do đó, đại đa số cán bộ, đảng viên, đoàn thể, quần chúng tích cực đều bị bắt, các tổ chức Đảng và Nông hội đỏ phải rút vào hoạt động bí mật để chờ thời cơ. Lúc này, toàn huyện Nam Đàn chỉ còn lại 3 chi bộ với hơn 10 đảng viên. Chi bộ Dương Liễu – Trung Cần gần như đã bị xóa sạch hoàn toàn.

Năm 1933, đồng chí Trần Đình San sau khi bị giam ở nhà tù Kon Tum được tha trở về quê hương tìm gặp đồng chí Nguyễn Văn Tài và bàn về việc khôi phục lại phong trào cách mạng tại địa phương như: bắt liên lạc lại với các đảng viên  mới được ra tù, mất liên lạc, các quần chúng ưu tú và vận động nhân dân (những gia đình có cảm tình với cách mạng) tham gia phong trào đóng góp tiền của ủng hộ cách mạng… Ngoài ra còn mua thêm sách báo Đảng, như sách Phụ nữ Vận động, Giai cấp là gì... Thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Tài được đồng chí Trần Đình San dạy học văn hóa và chính trị để nâng cao trình độ.

Năm 1935- 1936, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, ở Tây Ban Nha, ở Pháp đã có chính phủ bình dân. Ở nước ta thực dân Pháp đã lập Hội đồng dân biểu. Lúc này, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí như: Trần Đình San và Nguyễn Hà Sâm, tại địa phương đã tiến hành lập hai hội, một cho dân cày và một cho dân buôn. Đồng chí Nguyễn Văn Tài được cử làm phó ban của phường  “Ái hữu” và đồng chí Phan Văn Cần làm thư ký… Hội lập ra là nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn, khó khăn: như giúp nhau lợp lại nhà cửa, ma chay cưới xin, mua sách báo và đấu tranh với bọn cường hào, bóc lột (mỗi tháng một hội viên phải nạp vào một quan tiền kẽm để gây quỹ).

Năm 1937, bọn phát xít gây chiến tranh, đế quốc Pháp giải tán chính phủ bình dân. Những người hoạt động trong hội Ái hữu đều bị bọn chúng bắt giữ như đồng chí Trần Đình San, Nguyễn Hà Sâm; đồng chí Nguyễn Văn tài cũng bị bắt giam 2 tuần sau đó được thả ra. Cũng từ đây, Nguyễn Văn Tài mất liên lạc và trở về làm ăn chờ thời cơ để hoạt động trở lại.

Năm 1939, Nguyễn Văn Tài được đồng chí Trần Đình San và Trần Quỳ (người Quảng Trị) nối lại và đưa vào hoạt động, được giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc. Nhiệm vụ chính là nhận truyền đơn và các tài liệu quan trọng từ Vinh, chợ Vực, phổ tứ (nhà ông Kiểm Chương);  ở Trung Cần ( nhà Hợi Xớc) đem lên Nam Đàn (giao ở xã Chi Cơ) lên Thanh Chương giao ở cây đa (chợ ga) ở Anh Sơn giao ở xã (Khả Phong, cầu Sắt)… Cũng trong năm này, đồng chí Nguyễn Văn Tài vinh dự được đồng chí San, đồng chí Quỳ giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh hoạt tại chi bộ Dương Liễu.

Năm 1945, tổ chức Việt Minh huyện Nam Đàn được thành lập, do đồng chí Phan Đình Đồng làm Bí thư kiêm Chủ nhiệm. Tiếp đến ở các làng xã cũng gấp rút thành lập tổ chức Việt Minh và các cơ quan đoàn thể... Việt Minh làng Dương Liễu do ông Trần Xuân Mai làm Chủ nhiệm. Đồng chí Nguyễn Văn Tài cũng được trúng cử vào Ban Chấp hành Mặt trận xã. Trong thời gian này, các đồng chí bị bắt  được tha, vượt ngục về như: đồng chí Nguyễn Hà Sâm, Nguyễn Duy Tình, Trần Ngọc Thiện… đã nhanh chóng gia nhập vào lực lượng Việt Minh, chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương như tổ chức mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn, treo cờ Đảng...

Ngày 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa xã Dương Liễu được thành lập gồm: đồng chí Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Trọng Trường, Nguyễn Thị Kiểm… do đồng chí Lê Trọng Lân làm Chủ tịch. Sau khi ra đời, Ủy ban đã tích cực vận động quần chúng nhân tham gia vào các tổ chức cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… Ngoài ra còn phát động phong trào tăng gia sản xuất chống đói, biểu tình cướp chính quyền… bắt bọn hào lý nộp lại sổ sách, triện, tiền bạc.

Ngày 23-3-1946, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An họp phiên đầu tiên đã quyết định một trong những nhiệm vụ quan trọng là sắp xếp lại đơn vị hành chính ở cơ sở. Theo đó, Làng Dương Liễu và xã Trung Cần được sáp nhập lấy tên là xã Tân Hợp. Đồng chí Nguyễn Văn Tài được bầu vào Hội đồng nhân dân xã, đồng thời nằm trong Ban Chấp hành chi ủy, phụ trách công tác tài chính cho Huyện ủy và chi bộ cho đến lúc nghỉ hưu.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Tài được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều danh hiệu khác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Tài là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo./.                          

Phan Thảo

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1)- Trong đoàn biểu tình của Dương Liễu có 4 người hi sinh (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cán - em ruột đồng chí Nguyễn Văn Tài) và 3 người bị thương.   

Tài liệu tham khảo:

  • Sách lịch sử Đảng bộ xã Nam Trung, Nam Đàn, NXB Từ điển Bách khoa, năm 2012.
  • Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đàn, NXB Nghệ Tĩnh, năm 1990.
  • Sách lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, NXB Chính trị Quốc Gia, năm 1998.
  • Theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Tài lưu tại Bảo tàng XVNT.

Video