1240
787
2558
2974
20962
6832381
"Từ khi tôi bước vào đời
Là thời Xô viết ba mươi lẫy lừng
Vui sao dưới lá cờ hồng
Thề cùng với Đảng đi cùng mới thôi
Quên sao những quãng đường đời
Vào tù ra tội ngọt bùi đắng cay
Ngắm nhìn cờ đỏ tung bay
Bâng khuâng nhớ lại những ngày xa xưa…"
Đó là những câu thơ được viết ra từ đáy lòng của đồng chí Nguyễn Thị Năm (Bí danh: chị Nhiêu, chị Năm Trợ, Xuân Lan) sinh năm 1913, quê ở Làng Phúc Hải, tổng Lai Thạch (nay là xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh) tỉnh Hà Tĩnh.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại làng Phúc Hải, tổng Lai Thạch, từ nhỏ Nguyễn Thị Năm đã phải chịu cảnh khổ cực của người dân nô lệ. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến cảnh hàng trăm người dân tổng Lai Thạch dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sỹ phu yêu nước đứng lên đấu tranh chống áp bức, cường quyền nhưng đều bị thực dân và phong kiến đàn áp đẫm máu từ đó đã hình thành trong Nguyễn Thị Năm lòng căm thù giặc sâu sắc.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 2 năm 1930 Xứ uỷ Trung Kỳ cử đồng chí Trần Hữu Thiều[[1]] về Hà Tĩnh gây dựng cơ sở. Đồng chí Thiều đã liên hệ với các đảng viên và các chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thông báo về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kết nạp các đồng chí: Phan Sỹ Cơ, Nguyễn Nhe, Phan Sỹ Duy, Nguyễn Trung Hoà, Bùi Quý, Bùi Vấn, Nguyễn Huy Ái vào hàng ngũ của Đảng. Các đồng chí đã thống nhất chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập thêm hai chi bộ mới: chi bộ Phù Lưu Thượng và Chi bộ Nguyệt Ao[[2]]. Chi bộ Nguyệt Ao được thành lập vào ngày 20/2/1930 tại đình làng Giao Tác nên còn gọi là Chi bộ Giao, đồng chí Phan Sỹ Duy được cử làm Bí thư chi bộ. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại xã Thuận Lộc.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Huyện uỷ Lâm thời tháng 4/1930, công tác phát triển Đảng, xây dựng chi bộ, tổ chức các đoàn thể quần chúng được triển khai nhanh chóng ở các tổng, các làng. Tổ chức Thanh niên Cộng sản Liên đoàn, Phụ nữ giải phóng, Nông hội Đỏ các làng trong xã được thành lập. Lúc này, Nguyễn Thị Năm được đồng chí Dị là một cán bộ của Đảng dạy học ở nhà ông Dĩ Hương giáo dục, giúp đỡ và giới thiệu vào tổ chức Nông hội đỏ và giao nhiệm vụ vận động quần chúng tham gia vào Nông hội đỏ.
Ngày 1/8/1930, huyện tổ chức một cuộc biểu tình lớn gồm hai tổng Lai thạch và Phù lưu để biểu dương lực lượng và đưa ra bản yêu sách 10 điểm đòi bỏ thuế thân, thuế chợ, giảm thuế ruộng đất, chia lại ruộng đất công, cấm Tây đồn không được tàn hại dân làng,... Các đồng chí Di, Liêm, Trợ, Hợi, Hội Mười và Nguyễn Thị Năm đã trực tiếp vận động bà con Nhân dân trong làng tham gia. Từ 4 giờ sáng, đoàn đã tập trung đông đủ tại đền làng Trù và bắt đầu xuất phát tiến vào làng Hạ Vàng nhập với đoàn Phù Lưu lúc đó vừa kéo đến. Sau khi nghe đồng chí Hà Huy Cừ tổng chỉ huy lên diễn thuyết, đoàn biểu tình khoảng 500 người xếp thành hàng 5 theo đường số 1 kéo thẳng vào huyện lị. Tri huyện Trần Mạnh Đàn phải ra trước cầu Nghèn đón đoàn biểu tình. Đồng chí Dị thay mặt đoàn biểu tình trao bản yêu sánh cho Tri huyện. Trần Mạnh Đàn run rẩy đưa hai tay ra nhận lấy bản yêu sách và hứa xin đệ trình cấp trên giải quyết sau một tuần lễ.
Sau cuộc biểu tình ngày 1/8, địch ra sức lùng sục và bắt bớ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân tham gia đấu tranh. Nhiều đảng viên trong làng như đồng chí: Nguyễn Thị Năm, Liêm, Thâm, Bảy, Nhụ, Dị… đã bị bắt, bị giải về nhà lao huyện giam cầm và tra hỏi. Sau một thời gian tra tấn, không khai thác được gì, chúng buộc phải thả tự do cho Nguyễn Thị Năm. Ra tù, đồng chí lại tiếp tục hoạt động.
Ngày 7/9/1930, huyện lại tổ chức cuộc biểu tình thứ hai đòi Tri huyện Trần Mạnh Đàn thực hiện những yêu sách đã nêu ra trong cuộc đấu tranh ngày 01/8/1930. Theo chỉ thị của cấp trên, Nguyễn Thị Năm cùng các đồng chí trong tổ chức Nông hội đỏ vận động quần chúng tham gia đông hơn. 7 giờ sáng ngày 7/9, hai đoàn biểu tình Hạ Can và Thượng Can với hơn 1000 người đã có mặt ở địa điểm Hạ vàng. Khi đoàn biểu tình kéo vào huyện lị thì Tri huyện Trần Mạnh Đàn hoảng sợ đã bỏ trốn. Đội tự vệ xông vào bắt bọn nha lại, thả hết tù chính trị, đốt hồ sơ tài liệu, phá bàn ghế nơi làm việc của tên Tri huyện. Tù chính trị chạy ra nhập vào đoàn biểu tình.
Hoảng sợ trước sức mạnh của Nhân dân Can Lộc, tên Công sứ Hà Tĩnh vội phái tên giám binh dẫn một trung đội lính khố xanh đến đàn áp. Khi chúng kéo đến huyện lỵ, đoàn biểu tình đã tập trung dọc quốc lộ 1A, đội ngũ chỉnh tề, hô vang khẩu hiệu:
- Không được đàn áp, bắn giết người biểu tình!
- Cấp cơm gạo cho dân đang bị đói!...
Trước khí thế sôi sục của đoàn người biểu tình, tên giám binh phải lệnh cho binh lính chưa có lệnh không được nổ súng.
Dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, sáng ngày 8/9/1930, Nguyễn Thị Năm cùng đông đảo nông dân các làng của Thuận Lộc tiếp tục biểu tình. Đoàn người kéo lên huyện lỵ, cùng với nông dân các tổng dự định kéo vào thị xã Hà Tĩnh, phối hợp đấu tranh với nông dân hai huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà nhưng bị địch chặn lại.
Sau thời gian hoạt động năng nổ, nhiệt tình, ngày 12/9/1930, Nguyễn Thị Năm đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lễ kết nạp được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm ở đồn Yên Tràng vào khoảng 11 giờ đêm. Không có khẩu hiệu, không có ảnh lãnh tụ, chỉ có một lá cờ đỏ búa liềm nho nhỏ treo trên tường và một số đồng chí tới dự. Đứng dưới lá cờ của Đảng, Nguyễn Thị Năm vô cùng xúc động, giơ nắm tay lên: "xin thề suốt đời hy sinh cho lý tưởng của Đảng cho đến hơi thở cuối cùng".
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng, Nhân dân trong xã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh.
Ngày 16/10/1930, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Học Mai và Nguyễn Thị Năm phụ tránh tổng Lai, các đồng chí Duệ, Thanh, Vỹ phụ trách tổng Nga, đồng chí Mẹo, Trêm, Phiến phụ tránh tổng Đoài và tổng Đậu, quần chúng cách mạng đã tập trung tại cây đa Đại hoàng ở Giao tác nghe diễn thuyết, sau đó tuần hành thị uy khắp thôn xóm.
Nhân kỷ niệm ngày Quảng Châu công xã, ngày 11/12/1930, quần chúng cách mạng nổi trống mõ liên hồi khắp trong 3 tổng Nga, Lai, Đậu. 6 giờ ngày 6/11, đồng chí Nguyễn Thị Năm cùng đoàn biểu tình tổng Lai, tổng Đậu, tập trung ở chợ Nhe rồi kéo vào chợ Đình nhập với đoàn tổng Nga rồi cùng kéo về tập trung kéo vào huyện lỵ Can Lộc. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân, thực dân Pháp đã bắn vào đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương 50 người.
Để tố cáo tội ác của kẻ thù và động viên khí thế cách mạng của quần chúng, ngày hôm sau Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Huyện uỷ tổ chức lễ truy điệu cho những liệt sĩ hy sinh và hỗ trợ những gia đình có người bị thương. Đồng chí Nguyễn Thị Năm cùng với các đồng chí lãnh đạo trong tổ chức Nông hội đỏ đã đến tận từng nhà người dân có người bị thương để hỗ trợ và động viên tinh thần của gia đình nạn nhân.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, địch càng hoảng sợ, tìm cách khủng bố, các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện liên tục bị địch phá vỡ. Từ tháng 9/1931 trở đi, tổng Lai Thạch thường xuyên bị vây ráp, nhiều nhà cửa của Nhân dân bị đốt phá. Thời gian này, nhiều cán bộ chủ chốt của tổng Lai Thạch bị bắt, số còn lại phải tản về các làng ven núi Hồng Lĩnh để ẩn nấp.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Năm được cấp trên điều đi xây dựng phong trào phụ nữ ở huyện Thạch Hà. Lúc này, ở Thạch Hà kẻ địch đàn áp gắt gao, 70% cán bộ cơ sở bị bắt, chúng lập ra hương kiếm, phu đoan, cho rào làng, tuần tra, bắt bớ dữ đội. Được cấp trên tin tưởng, đồng chí Nguyễn Thị Năm đã không quản ngại nguy hiểm, gian khổ, ngày đêm bám sát Nhân dân, củng cố xây dựng phong trào phụ nữ ở Thạch Hà ổn định. Có những lúc không thể ở lại hoạt động trong làng, trong xóm, đồng chí Nguyễn Thị Năm phải rút lên rừng để ẩn náu trong hang. Ngày thì học tập, nghiên cứu in tài liệu, tối đến lại xuống làng vận động, tổ chức quần chúng làm cách mạng.
Hoạt động tại Thạch Hà đến cuối năm 1931 đầu năm 1932, do sự khai báo của tên Trần Hồ, đồng chí Nguyễn Thị Năm bị địch vây bắt tại núi Hồng Lĩnh, sau đó bị giải về đồn chợ huyện. Tại đây, chúng bỏ đói đồng chí 3 ngày không cho ăn gì, chỉ cho uống ít nước lã, bị đánh thâm tím cả người và bắt phải cùm ngựa. Mấy ngày sau, chúng giải đồng chí lên Nhà lao Hà Tĩnh. Sau thời gian tra tấn và không khai thác được thông tin gì từ đồng chí Nguyễn Thị Năm, đến tháng 2/1931, thực dân Pháp đưa đồng chí ra xét xử. Trong hồ sơ mật thám lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ghi rõ: “Tội danh: Hoạt động cộng sản. Bị bắt tháng 1/1932, bị kết án 3 năm tù vì hoạt động trong ban “Huấn luyện phụ nữ” thuộc thôn bộ Phúc Xá và đã hoạt động tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh ở Hồng Lĩnh, Can Lộc”[[3]].
Trong thời gian bị giam tại Nhà lao Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Năm đã cùng anh em trong tù đấu tranh chống lại chế độ hà khắc và phản đối đưa tù đi phát vãng tại nhà tù Ban Mê Thuột bằng các hình thức như: hát bài ca quốc tế, hô khẩu hiệu, tuyệt thực… buộc chính quyền thực dân phải đáp ứng những yêu cầu mà tù chính trị đưa ra.
Đến ngày 5/6/1933, do chính sách giảm án, đồng chí Nguyễn Thị Năm được tha về nhưng phải vào trình diện "quan lớn" huyện mỗi tháng một lần. Về nhà, đồng chí lại tìm cách bắt lại liên lạc với các đồng chí mới ra tù ra để hoạt động. Đồng chí đã bắt liên lạc với đồng chí Ki phụ trách tổng Lai. Ki giao Nguyễn Thị Năm liên lạc với đồng chí Thái Bí thư Chi bộ nhà tù để đưa tin tức ngoài vào và lấy tin ở nhà lao ra. Công việc của đồng chí cứ thế kéo dài gần một năm thì tên Ki phản bội, khai báo cơ sở Đảng. Để tránh bị lộ, tháng 5/1934, đồng chí Nguyễn Thị Năm lại được điều đi xây dựng cơ sở Đảng ở huyện Đức Thọ. Sau đó, đồng chí được giao phụ trách công tác phụ vận ở Can Lộc cùng với bà giáo Tạo, chị Lê Thị Em. Trong thời gian hoạt động ở Đức Thọ, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Thị Năm, nhiều tổ chức như: Hội bắt, hội cấy, hội lợp nhà, hội mai táng,... phát triển mạnh và tổ chức được hơn 30 chị em vào hội tương tế cứu tế, đồng thời tổ chức các lò gốm lò gạch ở Cẩm Trang lấy tiền giúp anh chị em tù chính trị và cán bộ thoát ly của Đảng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ phong trào đấu tranh, ngày 24/2/1937, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp cử Gôda (Đặc phái viên điều tra tình hình ở Đông Dương) đến Nghệ Tĩnh. Nhận được chỉ thị của cấp trên, đồng chí Nguyễn Thị Năm cùng với hơn 400 quần chúng ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ đã tập trung suốt 8 giờ ở Vinh để đưa bản dân nguyện cho Gô-đa. Tiếp đó, phong trào mít tinh, diễn thuyết hưởng ứng và ủng hộ anh em công nhân nhà máy Trường Thi bãi công được tổ chức liên tục. Từ cuối năm 1937, phong trào cách mạng của Nhân dân dần được củng cố, quần chúng Nhân dân hăng hái tham gia vào tổ chức Nông hội đỏ, hội cày, hội cấy.. Thời gian này đồng chí Nguyễn Thị Năm được giao thêm nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, thường xuyên ra Vinh lấy tài liệu, chỉ thị từ Xứ ủy Trung Kỳ về Hà Tĩnh và ngược lại.
Đến năm 1939, đồng chí Nguyễn Thị Năm cùng chồng thoát ly vào Đà Lạt sinh sống và tham gia sinh hoạt tại chi bộ Cầu Quẹo. Tại đây, Nguyễn Thị Năm cùng các đồng chí trong chi bộ tổ chức các hội quần chúng như hội Phụ nữ cứu tế, hội Tương trợ, hội Ái hữu,... Năm 1945, khi có lệnh giành chính quyền, Nguyễn Thị Năm cùng với quần chúng chuẩn bị cờ hoa, khẩu hiệu,... và tổ chức một cuộc biểu tình lớn rầm rập tiến về chiếm căn cứ đầu não của bọn địch như dinh Tổng đốc Trần Văn Lý, sở Quản đạo... Trước sức mạnh của Nhân dân, Tổng đốc Trần Văn Lý hoảng sợ, nộp ấn tín cho đồng chí Phan Đức Huy - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, các đoàn cán bộ tiếp quản công sở.
Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với các tổ chức đoàn thể: Thanh Niên, Hội Phụ lão, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Lâm Viên (nay là tỉnh Lâm Đồng), đồng chí Nguyễn Thị Năm đã tham gia phát động phong trào ‘Tuần lễ vàng” “Quỹ độc lập” “Tuần lễ đồng”. Ở tỉnh Lâm Viên (nay là tỉnh Lâm Đồng) và Đồng Nai Thượng (tên gọi xưa của một phần tỉnh Lâm Đồng nay) đã quyên góp được 10 kg vàng, đồng và tiền mặt do Chính phủ phát động.
Có thể nói trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tuy gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng đồng chí Nguyễn Thị Năm vẫn luôn giữ vững phẩm chất, ý chí của người đảng viên kiên cường, luôn hoàn thành nhiệm vụ khi công tác, gương mẫu trong mọi sinh hoạt. Hình ảnh và tên tuổi đồng chí Nguyễn Thị Năm sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình và của quê hương Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
ThS. Nguyễn Thị Hội
Trưởng phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT
[1] Đồng chí Trần Hữu Thiều (1906-1931), còn có bí danh là Trần Lan, Nguyễn Trung Thiên, quê ở làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tháng Giêng năm 1930, Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Trung kỳ điều động đồng chí vào xây dựng cơ sở Đảng ở Hà Tĩnh. Cùng với các đồng chí Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung thành lập ra chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại Hà Tĩnh. Tháng 3.1930, tại Bến đò Thượng Trụ (tổng Nội ngoại, nay là xã Thiên Lộc) diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị bầu ra Ban chấp hành lâm thời do đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư lâm thời.
[2] Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 38 và 39.
Các làng: Giao Tác, Làng Trù, làng Hói trước đây thuộc xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, những làng này ngày nay thuộc xã Thuận Lộc.
1. Hồi ký cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Năm lưu tại Kho KKBQ. BTXVNT.
2. Lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc- Thị xã Hồng Lĩnh (1930-2012)
3. Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh. Tập 1 1930-1954. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 1993.
4. Nghệ An Những tấm gương cộng sản. Tập 1. NXB Nghệ An 1998.