Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ - tấm gương tiêu biểu trong phong trào Phụ nữ Nghệ An

Tác giả: admin
Ngày 2018-10-15 04:31:29

Huyện Thanh Chương - một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời của xứ Nghệ. Trước năm 1930, cũng như bao miền quê khác, Thanh Chương là một huyện nghèo, cư dân sống bằng nghề làm ruộng, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, khai thác lâm thổ sản, cùng các nghề thủ công khác nhưng nền kinh tế độc canh nông nghiệp là vẫn chủ yếu. Tuy nhiên, đây là vùng đất có truyền thống hiếu học và yêu nước. Nhiều thế hệ cư dân Thanh Chương đã không chỉ được ghi danh vào bảng vàng khoa cử mà còn đóng góp sức người, sức của vào các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh chống các thế lực xâm lược nước ngoài, bảo vệ sự yên bình của đất nước.

Phát huy truyền thống quê hương, ngay từ khi Pháp xâm lược nước ta, những người con ưu tú của quê hương Võ Liệt,Thanh Chương đã hăng hái đứng lên, tham gia các phong trào Văn Thân - Cần Vương chống Pháp, tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử, thơ ca của huyện nhà. Song song với những chiến công của các bậc cha anh là hình ảnh người phụ nữ Võ Liệt với phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp vừa tham gia vào lao động sản xuất, vừa không quản ngại hi sinh, gian khó, cùng chung vai đứng lên phụng sự đất nước, đuổi giặc ngoại xâm. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ là một trong những tấm gương như thế.

Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ sinh năm 1912 tại làng Võ Liệt, tổng Võ Liệt (nay là xã Võ Liệt), huyện Thanh Chương, Nghệ An (có tài liệu ghi sinh năm 1913 tại làng Liễu Nha, tổng Bích Hào, Thanh Chương). Trong quá trình hoạt động, đồng chí còn có các bí danh khác như: Thị Lùng, Tình, Tịch. Cha là ông Nguyễn Văn Chính, một nhà nho có tư tưởng yêu nước tiến bộ. Thuở nhỏ, đồng chí được cha kèm dạy chữ Nho, lễ nghĩa, sau đó lại tiếp tục được học thêm mấy khóa chữ quốc ngữ. Tiếp nối truyền thống gia đình, quê hương, Nguyễn Thị Kỳ sớm tỏ ra là người nhanh nhẹn, thông minh, ăn nói hoạt bát và giàu lòng yêu quê hương.

Ngày 14/7/1925 tại núi Con Mèo, hội Phục Việt được sáng lập. Những người con yêu nước của quê hương Thanh Chương như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách… lần lượt gia nhập Hội và nhận nhiệm vụ phát triển cơ sở địa phương tại các làng Võ Liệt, Quảng Xá, Ngọc Sơn… Đại tổ Tân Việt ở Thanh Chương đã xúc tiến công tác tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc qua văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu. Được đồng chí Tôn Thị Quế tuyên truyền giác ngộ, Nguyễn Thị Kỳ đã nhanh chóng tham gia và kết nạp vào Tiểu tổ Tân Việt Võ Liệt. Nhận nhiệm vụ của các đồng chí lãnh đạo Tiểu tổ giao phó, với công tác tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ Võ Liệt, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã giới thiệu thêm nhiều quần chúng tích cực cho Hội. Từ năm 1925 – 1929, Nguyễn Thị Kỳ cùng các đồng chí trong các tiểu tổ Tân Việt và Thanh niên ở Thanh Chương tiến hành tổ chức vận động nhân dân tham gia được 29 cuộc đấu tranh đòi quyền lợi và chống sưu thuế, chống Tây đoan...

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng cử các đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung về Nghệ Tĩnh xây dựng cơ sở Đảng. Với tầm nhìn nhạy bén, Tiểu tổ Tân Việt Võ Liệt đã cử đồng chí Tôn Thị Quế xuống Vinh bắt mối liên lạc với Đông Dương cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chi bộ Đông Dương Cộng sản Võ Liệt được thành lập do đồng chí Hoàng Thuật làm Bí Thư.

Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), ngày 20/3/1930, Hội nghị đại biểu các chi bộ cộng sản Thanh Chương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ được triệu tập tại đền Tiến Sơn (Thanh Long, Thanh Chương). Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương do đồng chí Tôn Gia Tinh làm Bí thư. Hội nghị quyết định chuyển các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ được kết nạp Đảng, trở thành Tổng ủy viên Tổng ủy Võ Liệt. Từ một chiến sỹ yêu nước, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ chính thức trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, cùng sát cánh bên các anh em đồng chí của mình đứng trên lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tự do cho giai cấp.

Ngay sau khi thành lập, Huyện ủy lâm thời đã coi trọng công tác xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Huyện bộ đã xúc tiến mạnh việc phát triển các tổ chức đoàn thể như: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Tự vệ… Đánh giá cao uy tín, vai trò của đồng chí Nguyễn Thị Kỳ trong phong trào phụ nữ địa phương, Tổng ủy đã tin tưởng giao phó nhiệm vụ phụ trách phong trào Phụ nữ tổng Võ Liệt. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tiếp cận, khơi dậy lòng yêu quê hương và vận động các chị em phụ nữ quê hương tích cực tham gia phong trào đòi quyền lợi thiết thực như nhóm tương tế ái hữu, nhóm hộ sản… Ngoài công tác tuyên truyền vận động phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ còn là thành viên tích cực tham gia ấn loát, vận chuyển tờ “Dân cày”, cơ quan ngôn luận của Chi bộ Võ Liệt. Cũng trong thời gian hoạt động gian khó này, đồng chí đã gặp và nên duyên cùng người bạn đời cùng quê, cùng chí hướng là đồng chí Tôn Gia Chung.

Ngày 13/4/1930, chi bộ Võ Liệt tổ chức cuộc đấu tranh nhân ngày lễ tế thánh ở đền Bạch Mã. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã thành công khi vận động chị em phụ nữ đứng dậy tham gia phối hợp đấu tranh. Hoảng sợ trước khí thế của nhân dân, hào lý, chức sắc Võ Liệt buộc đem 41 mẫu ruộng đất công chia đều cho nhân dân.

Trong không khí rạo rực tinh thần đấu tranh của công – nông Nghệ Tĩnh, Huyện ủy Thanh Chương tiếp tục họp bàn phân tích âm mưu của địch và quyết định tổ chức cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện vào ngày 1/9/1930.

Ngay sau hội nghị, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ nhận nhiệm vụ vận động, lãnh đạo lực lượng phụ nữ Võ Liệt và trực tiếp nhận truyền đơn của Đảng từ cấp trên và bí mật chuyển về, in ấn trực tiếp tại các cơ quan ấn loát của Tổng ủy Võ Liệt. Công tác in ấn diễn ra hết sức bí mật và khẩn trương. Để vận chuyển truyền đơn, tài liệu đến các xã vùng trong huyện, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã hướng dẫn các chị em hội viên Phụ nữ bí mật cất giấu dưới đáy quang gánh, trong giỏ mây, cải trang thành người đi chợ hoặc người đi mò cua bắt ốc. Nhờ đó, các truyền đơn, tài liệu đã được giữ an toàn trước sự lùng sục, rình mò của mật thám, tay sai và kịp thời phân phát phục vụ cuộc đấu tranh.

Đêm 31/8/1930, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ lãnh đạo chị em phụ nữ tổng Võ Liệt chuẩn bị sẵn nước uống cho hàng huyện. Truyền đơn được rải khắp ngả. Cờ đỏ được cắm trên nóc đình, cây cao và đỉnh núi. Hai bên bờ sông Lam đò dọc, đò ngang, thuyền nan, nốc thúng được huy động nhất tề làm phương tiện giao thông cho nhân dân qua lại đúng thời gian và thời điểm tập kết. Khoảng 1 giờ sáng ngày 1/9/1930, sau tiếng trống từ Đình Võ Liệt và núi Tiến, cả Võ Liệt náo động bởi tiếng trống, mõ và tiếng hò reo. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ nhanh chóng chỉnh đốn hàng ngũ, lãnh đạo chị em phụ nữ Võ Liệt đến các điểm tập trung theo quy định. Dưới sự hướng dẫn của chi bộ, đoàn biểu tình tổ chức hàng ngũ chỉnh tề, vừa đi vừa ghương cao cờ và biểu ngữ, hai bên là các đội tự vệ. Khí thế đấu tranh ngùn ngụt cuả nhân dân Thanh Chương đã khiến chính quyền địch ở huyện và tổng xã tan rã nhanh chóng. Tri huyện Phan Sỹ Bàng đã phải bỏ triện lại và chạy trốn. Chỉ huy địch tại đồn Rào Gang, đồn chợ Đàng, đồn Bích Thị, đồn Thanh Quả, đồn Rạng đều lần lượt đầu hàng.

Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh. Ghi nhận tinh thần yêu nước quả cảm của phụ nữ Nghệ Tĩnh nói chung, phụ nữ Thanh Chương nói riêng, báo Người Lao khổ số ra ngày 18/9/1930 đã viết: …Cuộc đấu tranh dữ dội ở Hưng Nguyên cũng như các cuộc đấu tranh dữ dội ở Thanh Chương, Bến Thuỷ, Can Lộc Hà Tĩnh đều do chị em phụ nữ chỉ huy và đâu đâu chị em cũng rất dũng cảm hy sinh. Chính trong thời kỳ đấu tranh kịch liệt này, chính trong lúc công nông binh bắt tay nhau trong hàng trận, chị em cũng bắt đầu tranh đấu một cách vẻ vang. Cho nên lực lượng quần chúng đấu tranh thêm được một cái sức rất mạng tấc là chị em phụ nữ đã phá xiềng nô lệ giam hãm đàn bà xưa nay mà ra vai dự cuộc tranh đấu …”(1).

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã sát vai cùng các đồng chí đảng viên lãnh đạo chị em phụ nữ, nhân dân Võ Liệt phối hợp với các tổng tiến hành nhiều cuộc đấu tranh như: cuộc đấu tranh ngày 6/10/1930 của gần 3.000 quần chúng các tổng Võ Liệt, Cát Ngạn, Đại Đồng chống lính lê dương về phá làng; các cuộc biểu tình thị uy xé cờ vàng, đốt thẻ quy thuận vào tháng 1/1931…

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh, chính quyền thực dân, phong kiến đã tiến hành nhiều chiến dịch khủng bố khốc liệt các vùng Xô Viết, bắt bớ giam cầm, bắn giết nhiều đảng viên, cán bộ và quần chúng cách mạng. Ngày 27 tháng 1 năm 1931, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ bị địch bắt. Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến các thủ đoạn tra tấn nhưng đồng chí Nguyễn Thị Kỳ vẫn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản “thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Sau gần 1 năm tra hỏi, không khai thác được thông tin gì, tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí 3 năm tù, 3 năm quản thúc theo Bản án số 13 ngày 14/01/1932, giam tại nhà lao Vinh. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã cùng với các nữ đồng chí: Nguyễn Thị Xân, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Phúc, Lê Thị Vi Nình… đấu tranh bằng nhiều hình thức để chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân như: làm reo, tuyệt thực, đấu tranh đưa yêu sách đòi cải thiện đời sống cho tù nhân…

Đầu năm 1934, không khai thác được chứng cứ buộc tội, kẻ thù phải trả tự do cho đồng chí. Ra tù, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ nhanh chóng bắt mối liên lạc với tổ chức Đảng. Do đang bị bọn mật thám theo dõi, đồng chí đã đóng giả một bà chủ nhà trọ kiêm quán cơm ở Vinh để dễ hoạt động cách mạng. Nhà đồng chí đã trở thành địa điểm giao thông liên lạc, hội họp quan trọng của các đồng chí Xứ ủy, Tỉnh ủy trong thời kỳ này. Đồng chí Trương Thị Lan(2) đã kể: “Từ  năm 1937 đến tháng 3/1940 sau khi mặt trận Phản đế Nghệ An hình thành, tôi đã mang bao nhiêu tài liệu báo chí đi các huyện… Điều kiện đi xa ngoài hay trong do anh Trần Quỳ giao (một tín hiệu). Tôi bao giờ cũng tuân theo lời hứa để gặp các anh trên. Về Vinh vào hàng cơm chị Kỳ ở Quốc học Vinh là nơi trực tiếp dể gặp các anh trong ra ngoài vào, thường gặp đồng chí Cư, đồng chí Kỳ…”

Cuối năm 1939, thực dân Pháp tăng cường chính sách khủng bố tại Nghệ An. Chúng đã tung mật thám và chỉ điểm ráo riết thực hiện chính sách lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên. Chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 9/1939 đến tháng 12/1939, địch đã bắt giam 258 đồng chí, trong đó chủ yếu là các nữ chiến sỹ đảng viên. Ngày 09/1/1941, chính quyền tay sai bắt đồng chí Nguyễn Thị Kỳ, cơ sở liên lạc của tại nhà đồng chí bị phá vỡ. Với những thông tin về vai trò và hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Kỳ trong phong trào cách mạng do mật thám cung cấp, tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí 15 năm tù giam, 15 năm quản thúc theo Bản án số 297 ngày 18/11/1941. Một lần nữa, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ lại kề vai sát cánh bên các chị em, đồng chí của mình tham gia cuộc đấu tranh đầy mưu trí, dũng cảm, bất khuất chống chế độ hà khắc tại nhà lao Vinh.

Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ ra tù và hoạt động trong tổ chức Hội phụ nữ cứu quốc tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1945, Bộ cứu tế xã hội Việt Nam mở “ Dục anh viện” ở các tỉnh theo ra Nghị định số 157 ngày 13 tháng 12 năm 1945. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ, ủy viên chấp hànhTỉnh hội phụ nữ được giao nhiệm vụ phụ trách “Viện dục anh Nghệ An” tại xã Thanh Tiên, Thanh Chương. Viện được thành lập trong hoàn cảnh cả tỉnh đang dồn sức phục vụ tiền tuyến nên thiếu thốn mọi bề. Đồng chí đã đem hết sức mình để khắc phục khó khăn, xây dựng tập thể Viện dục anh ngày một lớn mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ được các cháu coi như là mẹ ruột. Viện đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, khen ngợi. Tại Hội nghị sơ kết phong trào Thi đua toàn huyện Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ là một trong số những cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc được Huyện ủy khen thưởng.

Năm 1954, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ được Trung ương điều động ra chiến khu Việt Bắc, làm công tác phụ vận. Tiếp đó, đồng chí chuyển sang công tác ở cơ quan Ngân hàng Trung ương và là đảng uỷ viên của Đảng bộ Ngân hàng, phụ trách thủ quỹ kho bạc. Với tinh thần trách nhiệm cao, suốt một thời gian dài quản lý tiền, vàng của Nhà nước, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời phục vụ cho cơ quan Trung ương và nhu cầu kháng chiến.

Năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ công tác về Nghệ An, được tổ chức tin tưởng giao cho quản lý Cửa hàng vàng bạc của Ngân hàng tỉnh.

Trong thời gian hưu trí, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ vẫn sinh hoạt Đảng đều dặn và tham gia tích cực các phong trào địa phương.  Năm 1989, đồng chí qua đời do tuổi già sức yếu.

Cho dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ nói riêng, nữ chiến sỹ của quê hương Nghệ An vẫn luôn nêu cao khí tiết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và cấp trên giao phó. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người nữ chiến sỹ kiên trung Nguyễn Thị Kỳ xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo./.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

Chú thích

(1) Những sự kiện lịch sử của Đảng bộ Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh năm 1981, tr 46 – 47

 

(2) Hồi ký của đ/c Trương Thị Lan quê ở làng Mỹ Chiêm, tổng Vân Trình, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An 

 

Video