Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ ( 1913 – 1989)

Tác giả: admin
Ngày 2014-07-09 02:03:52

Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ sinh ngày 15 tháng 2 năm 1913 trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước, quê ở thôn Liễu Nha nay là xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là đồng chí Nguyễn Chính, một trí thức cách mạng.

Được thừa hưởng truyền thống gia đình, Nguyễn Thị Kỳ đã sớm trở thành người phụ nữ “ công dung ngôn hạnh”, và có lòng yêu nước thương dân. Người bạn đời của Nguyễn Thị Kỳ là đồng chí Tôn Gia Chung. Hai vợ chồng tham gia cách mạng và cùng được kết nạp Đảng năm 1930, khi đó Nguyễn Thị Kỳ là Tổng uỷ viên Tổng uỷ Võ Liệt . Ngày 27 tháng 1 năm 1931, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ bị địch bắt giam tại Nhà lao Vinh. Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã cùng với các nữ đồng chí: Nguyễn Thị Xân, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Phúc, Lê Thị Vi Nình…đấu tranh bằng nhiều hình thức để chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.

Sau 3 năm giam giữ không lấy được chứng cứ, kẻ thù buộc phải trả tự do cho đồng chí. Ra tù, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đóng giả một bà chủ nhà trọ ở Vinh để dễ hoạt động vì đang bị bọn mật thám theo dõi. Quán cơm của đồng chí thực chất là cơ sở liên lạc của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ.

Tháng 1 năm 1941, địch phát hiện ra những hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Kỳ, chúng bắt giam đồng chí lần thứ hai. Tháng 3 năm 1945, đồng chí được tha, trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia tích cực trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8 năm 1945, Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh Chương được kiện toàn, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ hoạt động trong tổ chức Hội phụ nữ cứu quốc tỉnh Nghệ An. Thời gian này, Bộ cứu tế xã hội Việt Nam ra Nghị định số 157 ngày 13 tháng 12 năm 1945 về mở “ Dục anh viện” ở các tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ được bổ nhiệm làm quản đốc “ Viện dục anh Nghệ An” tại xã Thanh Liêm, Thanh Chương. Viện được thành lập trong hoàn cảnh cả tỉnh đang dồn sức phục vụ tiền tuyến nên thiếu thốn mọi bề. Đồng chí đã đem hết sức mình để xây dựng tập thể Viện dục anh ngày một lớn mạnh. Viện đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, khen ngợi. Cuối năm 1950, Bác Hồ viết thư khen ngợi Viện dục anh Nghệ An; cụ Hồ Tùng Mậu, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Liên khu IV; cụ Lê Viết Lượng, Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nghệ An và nhiều đồng chí lãnh đạo khác, các cơ quan đoàn thể đã đến thăm và động viên giúp đỡ vật chất cho Viện.

Tháng 10 năm 1951, tỉnh Nghệ An ra quyết định bàn giao các cháu của Viện dục anh về địa phương quản lý và giáo dục. Viện không còn chế độ trợ cấp nữa. Đồng chí Nguyễn Thị Kỳ đã yêu cầu Sở cứu tế xã hội và Phụ nữ cứu quốc tiếp tục chăm lo cho một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến năm 1953, Viện dục anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Năm 1954, Trung ương điều động đồng chí Nguyễn Thị Kỳ ra chiến khu Việt Bắc, làm công tác phụ vận. Sau một thời gian, đồng chí chuyển sang công tác ở cơ quan Ngân hàng Trung ương và là đảng uỷ viên của Đảng bộ Ngân hàng, phụ trách thủ quỹ kho bạc. Với tinh thần trách nhiệm cao, suốt một thời gian dài quản lý tiền, vàng của Nhà nước, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời phục vụ cho cơ quan Trung ương và nhu cầu kháng chiến.

Năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Kỳ được chuyển về công tác tại quê hương Nghệ An. Đồng chí tiếp tục được tổ chức tin tưởng giao cho quản lý Cửa hàng vàng bạc của Ngân hàng tỉnh. Đồng chí thực sự là một tấm gương sáng về “ uy lực không khuất phục, giàu sang không chuyển lay” của người chiến sĩ cách mạng.

Năm 1989, đồng chí qua đời để lại tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lê Thu Hiền - Bảo tàng XVNT

Video