Đồng chí Nguyễn Thế Lâm ( 1904-1978)

Tác giả: admin
Ngày 2014-09-23 01:29:38

Đồng chí Nguyễn Thế Lâm sinh năm 1904 trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Phong Thịnh, xã La Mạc, tổng Cát Ngạn, nay là xã Phong thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 1928, Nguyễn Thế Lâm được kết nạp vào Đảng Tân Việt khi đang là học sinh của trường tiểu học Pháp - Việt huyện Quỳnh Lưu. Mùa hè năm 1929, Nguyễn Thê Lâm về quê, tích cực tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên tại địa phương. Tháng 3 năm 1930, Nguyễn Thế Lâm vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi huyện uỷ Lâm thời huyện Thanh Chương thành lập, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được phân công phụ trách công tác tuyên truyền cổ động, kiêm Bí thư chi bộ xã La Mạc. Đến tháng 4 năm 1930, cả tổng Cát Ngạn đã có 5 chi bộ, riêng chi bộ Hạnh Lâm đã có gần chục đảng viên. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Hữu Bình- Uỷ viên xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Thế Lâm về phụ trách vùng Cát Ngạn để chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm phổ biến chủ trương của thượng cấp: “ Nơi nào có điều kiện thì vận động quần chúng biểu tình đưa yêu sách đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu hoãn thuế. Những nơi chưa có điều kiện thì tổ chức treo cờ, rải truyền đơn”. Hưởng ứng chủ trương của cấp trên, ngày 1/5/1930, quần chúng nhân dân vùng Cát Ngạn rầm rộ đi biểu tình, phá tan đồn điền Ký Viễn. Đây là tình hưống nằm ngoài kế hoạch. Là người lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Nguyễn Thế Lâm về Võ Liệt xin ý kiến Huyện uỷ rồi trở lại La Mạc cùng các đồng chí vận động quần chúng chống khủng bố. Có tin đồn địch sẽ thiêu huỷ Hạnh Lâm, một số gia đình hoang mang định dời đi làng khác. Sau khi họp Chi bộ, đồng chí Nguyễn Thế Lâm đã ra dình Làng Hạ diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, nói rõ âm mưu của kẻ thù và bàn sách lược đối phó. Công sứ Pháp, Tổng đốc Nghệ An đã phái quân đội ở Vinh lên cùng quân lính khố xanh từ đồn Thanh Quả, từ Đô Lương sang, từ Con Cuông xuống đống chốt ở đình Làng Thượng ra lệnh bắt hào lý và tập trung dân để hiểu dụ, đàn áp phong trào. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm cùng các đảng viên vận động nhân dân Hạnh Lâm và vùng phụ cận biểu tình vây đình, không cho chúng hành động. Tri huyện Phan Thanh Kỷ ra lệnh giải tán nhưng không được, chúng bắn vào đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Giặc rút về, đồng chí Nguyễn Thế Lâm cùng đồng chí Nguyễn Hữu Bình và các đảng viên ở Hạnh Lâm đến động viên những gia đình có người hy sinh, thăm hỏi những người bị thương, giác ngộ nhân dân tiếp tục tham gia chống khủng bố. Ngày 5/5/1930, Chi bộ Hạnh Lâm, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thế Lâm đã mít tinh phát động quần chúng tiếp tục một cuộc đấu tranh mới.

Ngày 25/7/1930, đồng chí Nguyễn Thế Lâm bị địch bắt giam tại nhà lao Vinh. Trong nhà lao, đồng chí đã tham gia vào Ban Binh Vận, tuyên truyền lính khố xanh đi theo cách mạng. Ngày 20/10/1930, Toà án Nam Triều tỉnh Nghệ An mở phiên toà xét xử và cho rằng: “ Lâm là một tên quan trọng trong đảng cộng sản”, kết án 9 năm khổ sai và “ sau khi mãn tù về làng phải chịu quản thúc 7 năm”. Thế nhưng công sứ Pháp phê: “ Nguyễn Thế Lâm phải đưa lên 15 năm vì y không chỉ có tuyên truyền cộng sản mà đã kích động quân nổi loạn ăn cướp”.

Tháng 2/1931, đồng chí Nguyễn Thế Lâm bị đày vào nhà tù Kon Tum. Cuối năm 1931, biết địch có ý định chuyển tù chính trị ở trại ngoài ( gồm những người bị án 5 năm trở lên) đi Đắc Pao nơi, các đồng chí bàn kế hoạch phản đối. Ngày 22/12/1931, toàn thể anh em tuyệt thực. Đến ngày 16/12/1931, sỹ quan Tây và binh lính với đầy đủ súng ống sắp hàng trước nhà lao. Các đồng chí không hề run sợ, đứng dậy hô to: “ Đả đảo đàn áp. Không đi Đắc Pao”. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm là một trong những người hăng hái nhất. Địch bắn chết người này, người khác lại đứng lên hô. Cuối cùng đã có 7 người chết, 8 người bị thương. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm bị thương nặng.

Ngày 20/1/1932, Toà án tỉnh Kon Tum đã xét xử Nguyễn Thế Lâm can tội “ Bạo động trong nhà tù Kon Tum” và kết án “ khổ sai chung thân, đày đi Lao Bảo và tước bỏ tất cả các biện pháp khoan hồng”. Từ đây, đồng chí Nguyễn Thế Lâm mang số tù A541 qua nhà tù Lao Bảo ( 1932- 1936) nhà tù Buôn Ma Thuột ( 1936-1942). Chế độ lao tù khắc nghiệt và man rợ của thực dân phong kiến đã không làm nao núng bản lĩnh và ý chí kiên cường của đồng chí. Nhờ phong trào của Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, bọn thực dân Pháp ở Việt Nam nới lỏng đàn áp, ân xá chính trị phạm. Tháng 7/1942, hết hạn tù, chúng đưa đồng chí Nguyễn Thế Lâm về giao lại cho nhà lao Vinh và sau đó được trả tự do về sống tại quê nhà. Sau một năm được gia đình chăm sóc, sức khoẻ dần dần hồi phục, đồng chí lại tiếp tục bắt liên lạc với các đồng chí ở địa phương để hoạt động. Sau khi Mặt trận Việt Minh huyện Thanh Chương thành lập, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được cử làm Bí thư tổng Cát Ngạn.

Tháng 8/1945, Nguyễn Thế Lâm cùng các đồng chí khác tổ chức nhân dân Cát Ngạn vùng lên cướp chính quyền. Chỉ một thời gian ngắn sau, đồng chí được phân công làm trưởng ban Thông tin tuyên truyền của tỉnh.

Tháng 6/1946, đồng chí được điều về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Thanh Chương. Tháng 12/1946, đồng chí được bầu làm uỷ viên Thường vụ huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban hành chính kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến.

Tháng 1/1950, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được điều lên tỉnh làm Hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh Nghệ An. Tháng 5/1950, trong Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Thế Lâm là Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ. Tháng 6/1951, đồng chí chuyển sang làm Hội thẩm Toà án nhân dân Liên khu IV. Tháng 7/1953, tổ chức lại điều đồng chí về công tác tại phòng Tổ chức Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên khu IV. Qua nhiều năm công tác, ở nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Nguyễn Thế Lâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân, đồng chí tin yêu, mến phục.

Tháng 1/1958, Nhà nước ta giải thể đơn vị hành chính Liên khu. Tổ chức có ý định đưa đồng chí ra Hà Nội nhận công tác mới nhưng vì nặng tình với quê hương, đồng chí xin ở lại và chuyển về làm việc tại Ban Thanh tra tỉnh.

Tháng 12/1963, đồng chí nghỉ hưu và sống với gia đình tại quê hương. Đồng chí qua đời ngày 8/10/1978.

Do có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Video